Nhật Bản sẽ sở hữu tên lửa Tomahawk vào năm 2026. (Nguồn: Raytheon) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Nga tấn công tên lửa, Ukraine cắt điện khẩn cấp toàn quốc: Ngày 16/12, Phó Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Kyrylo Tymoshenko ngày 16/12 thông báo nước này đang áp dụng các biện pháp cắt điện khẩn cấp trên toàn quốc, sau khi Nga triển khai một đợt không kích mới bằng tên lửa vào các cơ sở hạ tầng trọng yếu. Tuy nhiên, ông Tymoshenko chưa cho biết cơ sở nào bị tấn công.
Cùng ngày, tỉnh trưởng tỉnh Dnipropetrovsk Valentyn Reznichenko cho biết một tên lửa Nga đánh trúng tòa nhà dân cư ở thành phố Kryvyi Rih thuộc tỉnh này đã khiến 2 người đã thiệt mạng và ít nhất 5 người bị thương, trong đó có 2 trẻ em. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Trụ cột kinh tế Ukraine lao đao, Mỹ và đồng minh 'đau đầu' vì... tiền viện trợ |
Nga-Trung
* Giới hạn của mối quan hệ “không biên giới” Nga-Trung: Ngày 16/12, khẳng định dù quan hệ Trung-Nga là “không biên giới”, song Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lô Sa Dã cũng nhận định: “Cả Trung Quốc và Nga đều là những quốc gia có chủ quyền và có quyền hợp tác trong mọi lĩnh vực. Nhưng sự hợp tác như vậy không bỏ qua ý nghĩa thực sự, vì vậy Trung Quốc vẫn chưa cung cấp vũ khí cho Nga… Nga không yêu cầu điều đó, vì họ cũng hiểu bản chất của sự tương tác”.
Nhà ngoại giao này cũng lưu ý rằng xung đột ở Ukraine có thể được giải quyết thông qua đàm phán. Ông nói: “Hãy tưởng tượng các bên đạt được thỏa thuận về đàm phán hòa bình vào cuối tháng 3 năm nay, hai đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc đã không phát nổ và châu Âu có lại nguồn cung khí đốt tự nhiên từ Nga, từ đó thoát khỏi cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay”. (Sputnik)
TIN LIÊN QUAN | |
Tổng thống Nga và Chủ tịch Trung Quốc sẽ hội đàm vào cuối năm 2022? |
Đông Nam Á
* Liên minh cầm quyền Malaysia ký thỏa thuận trước thềm bỏ phiếu tín nhiệm: Ngày 16/12, các đảng phái ủng hộ Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã ký kết thỏa thuận hợp tác cam kết đảm bảo ổn định, trước thềm cuộc bỏ phiếu tín nhiệm với vị tân Thủ tướng tuần tới. Theo ông Anwar và các lãnh đạo liên minh khác, các bên đã nhất trí đảm bảo sự ổn định chính trị sau nhiều năm hỗn loạn, thúc đẩy nền kinh tế, quản trị tốt và bảo vệ các quyền của cộng đồng người Mã Lai chiếm đa số và đạo Hồi với tư cách là tôn giáo chính thức.
Hồi tháng trước, ông Anwar đã nhậm chức Thủ tướng Malaysia và thành lập chính phủ với các khối chính trị đối địch sau một cuộc bầu cử đã dẫn tới Quốc hội treo. Nhà lãnh đạo này cam kết sẽ triệu tập Quốc hội vào 19/12 để bỏ phiếu tín nhiệm nhằm chứng minh thế đa số tại Hạ viện, sau khi đối thủ, cựu Thủ tướng Muhyiddin Yassin tỏ ý hoài nghi về sự ủng hộ đối với ông Anwar. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Tân Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim: Bước đi lịch sử có thành công? |
Đông Bắc Á
* Nhật Bản sẽ trang bị Tomahawk vào năm 2026: Thông tin trên đã được ghi trong 3 tài liệu quốc phòng và an ninh quan trọng được Nhật Bản phê duyệt ngày 16/12. Ba tài liệu này gồm Chiến lược An ninh quốc gia cho phép xác định các định hướng chính của chính sách đối ngoại trong quốc phòng, Chiến lược Quốc phòng vạch ra các mục tiêu và phương tiện phòng thủ, và Chương trình Quốc phòng trung hạn cho phép xác định tổng chi tiêu quốc phòng và phạm vi vũ khí.
Trước đó, truyền thông Nhật Bản đã rò rỉ thông tin nước này sẽ mua 500 tên lửa Tomahawk từ Mỹ vào năm 2027 để tăng “năng lực phòng thủ tấn công trả đũa”. Đây là loại tên lửa hành trình có tầm bắn hơn 1.250 km, sử dụng hệ thống định vị toàn cầu (GPS), cho phép chúng thực hiện các cuộc tấn công chính xác vào tàu đất liền, tàu chiến và có thể bắn từ nhiều phương tiện, khí tài khác nhau.
Phát biểu tại Tokyo sau khi công bố ba tài liệu trên, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio khẳng định việc nước này sở hữu năng lực phản công là “cần thiết” để ngăn chặn các vụ tấn công tên lửa từ những quốc gia khác. Nhấn mạnh việc tăng cường sức mạnh quốc phòng là cần thiết để gia tăng sức mạnh ngoại giao của nước này, Thủ tướng Kishida Fumio tuyên bố Chính phủ sẽ bảo vệ Tổ quốc và người dân trước “bước ngoặt lịch sử”, đồng thời cam kết tiếp tục giải thích cho láng giềng về chính sách quốc phòng Nhật Bản. (Kyodo)
* Nhật Bản quyết định tăng cường sức mạnh cho lực lượng bảo vệ bờ biển: Chiều 16/12, nội các Nhật Bản đã thông qua chính sách tăng cường năng lực an ninh biển. Đây là lần đầu tiên văn bản này được sửa đổi và cập nhật từ năm 2016.
Trong văn kiện này, chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu tăng cường tuần tra lãnh hải bằng tàu thuyền và máy bay, nâng cao năng lực giám sát trên biển bằng cách sử dụng các phương tiện bay không người lái và các công nghệ mới khác. Đáng chú ý, Nhật Bản sẽ mở rộng đáng kể đội tàu tuần tra của Lực lượng Bảo vệ bờ biển (JCG). Bên cạnh đó, JCG sẽ tăng cường chia sẻ thông tin và hợp tác với Lực lượng Phòng vệ (SDF) nhằm cải thiện năng lực hỗ trợ chiến lược và phối hợp với các cơ quan liên quan trong và ngoài nước.
Mặt khác, Tokyo sẽ soạn thảo văn bản hướng dẫn về các thủ tục để đặt JCG dưới sự chỉ huy của Bộ trưởng Quốc phòng để tăng cường khả năng phản kháng trước một khi bị tấn công. Chính sách cũng kêu gọi JCG thúc đẩy diễn tập chung với SDF và tăng cường hợp tác với các tổ chức an ninh biển nước ngoài. Tokyo cũng dự kiến tăng ngân sách của JCG từ mức 223,1 tỷ Yen (1,63 tỷ USD) trong năm tài khóa 2022 lên khoảng 320 tỷ Yen (khoảng 2,3 tỷ USD) vào năm tài khóa 2027. (TTXVN)
TIN LIÊN QUAN | |
Nhật Bản trở lại ‘đường đua’ sản xuất chip tiên tiến |
Nam Á-Nam Thái Bình Dương
* Ấn Độ kêu gọi Nga ủng hộ nhiệm kỳ chủ tịch G20 và SCO: Trong cuộc điện đàm ngày 16/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã rà soát về quan hệ song phương, bao gồm hợp tác năng lượng, thương mại và đầu tư, hợp tác quốc phòng và an ninh và lĩnh vực quan trọng khác.
Thủ tướng Modi đã thông báo với ông Putin về nhiệm kỳ Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) của Ấn Độ, trong đó nêu bật ưu tiên chính của nước này. Ông Modi cũng bày tỏ mong muốn tăng cường phối hợp với chính quyền Nga trong thời gian Ấn Độ giữ chức Chủ tịch Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) sắp tới.
Nhân dịp này, ông Modi cũng nhắc lại lời kêu gọi đối thoại và ngoại giao, coi đây là con đường duy nhất để tiến tới giải pháp cho cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine. (Reuters)
* Ấn Độ bàn về G20, khẳng định nỗ lực trở lại HĐBA: Ngày 15/12, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Thứ trưởng Ngoại giao Victoria Nuland đã gặp Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York trước khi dự cuộc họp ngắn do Ấn Độ chủ trì tại Hội đồng Bảo an (HĐBA) về chống khủng bố. Hai bên đã thảo luận về việc Ấn Độ chuẩn bị cho vai trò Chủ tịch G20 của Ấn Độ cũng như những nỗ lực song phương, đa phương của Mỹ nhằm hỗ trợ an ninh, thịnh vượng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và toàn cầu. Trên Twitter, hãng tin Prasar Bharati News Services (Ấn Độ) cho biết quan chức ngoại giao của Mỹ và Ấn Độ đã nhấn mạnh sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước trên các diễn đàn đa phương, trong đó có HĐBA.
Cũng trong ngày 15/12, phát biểu trước báo giới tại cuộc họp của HĐBA, Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar nói rằng đây là lần thứ tám nước này được bầu là thành viên không thường trực HĐBA. Trong nhiệm kỳ này, Ấn Độ đã cố gắng đưa nhiều chủ đề có tính thời sự vào trọng tâm chương trình nghị sự và tranh luận tại LHQ như an ninh hàng hải, công nghệ trong việc gìn giữ hòa bình của LHQ, cải cách LHQ và chống khủng bố. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng đã tìm cách trở thành tiếng nói của Nam bán cầu về nhiều vấn đề đáng quan tâm.
Ấn Độ đã nhiều lần khẳng định rằng HĐBA, dưới hình thức hiện tại, không phản ánh thực tế địa chính trị ngày nay và uy tín của cơ quan này có nguy cơ bị đe dọa nếu các cường quốc đang phát triển như Ấn Độ không có ghế cố định trong cơ quan quan trọng này. (TTXVN)
TIN LIÊN QUAN | |
Ấn Độ chuẩn bị đảm nhiệm vai trò chủ tịch G20, tuyên bố sẽ quay lại HĐBA LHQ vào năm 2028-2029 |
Châu Âu
* Nga dự kiến tăng gấp đôi số vụ thử ICBM trong năm 2023: Ngày 16/12, Trao đổi với tờ báo quân sự Krasnaya Zvezda (Nga), Chỉ huy Lực lượng tên lửa chiến lược Nga Sergei Karakayev cho biết nước này sẽ tăng gấp đôi số vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), từ 4 vụ trong năm 2022 lên 8 vụ vào năm 2023. Hiện Nga đang lên kế hoạch cho 8 vụ phóng thử từ hai địa điểm - một ở gần thành phố miền Bắc Murmansk, một ở gần thành phố miền Nam Volgograd. Hãng tin TASS (Nga) dẫn lời ông Karakayev cho biết 4 vụ phóng đã được tiến hành trong năm nay và “khẳng định độ tin cậy cao của các hệ thống tên lửa”.
Đồng thời, ông Karakayev đặc biệt trích dẫn tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat có khả năng mang đầu đạn hạt nhân đã trải qua lần phóng đầu tiên vào tháng 4 từ Plesetsk ở miền Bắc nước Nga, đánh trúng mục tiêu trên bán đảo Kamchatka cách đó 6.000 km. Khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết không có loại tên lửa nào so sánh được với Sarmat và tên lửa này sẽ “tăng cường tiềm năng chiến đấu của các lực lượng vũ trang” Moscow.
Theo hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân New START, có hiệu lực từ năm 2011, cả Nga và Mỹ chỉ được phép sở hữu tối đa 700 ICBM mỗi nước. (Reuters/TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Xung đột Nga-Ukraine: Moscow tiết lộ nguyên nhân tấn công cơ sở hạ tầng Kiev, tiếp tục sản xuất hàng loạt tên lửa Sarmat |
Châu Mỹ
* Khủng hoảng tại Peru: Lima gia hạn lệnh bắt ông Castillo, triệu hồi đại sứ 4 nước để phản đối: Ngày 15/12, một hội đồng tư pháp thuộc Tòa án Tối cao Peru đã ra phán quyết bắt giữ cựu Tổng thống Pedro Castillo trong 18 tháng trước khi xét xử, sau khi ông bị lật đổ tuần trước và bắt giữ vì tội nổi loạn. Phán quyết không đề cập mức độ các cáo buộc mà ông Castillo phải đối mặt và chỉ nói đến việc tạm giữ ông trong khi các công tố viên tiến hành điều tra cáo buộc, bao gồm cả tội âm mưu.
Cùng ngày, phát biểu trong một buổi lễ ở Lima, Ngoại trưởng Peru Ana Cecilia Gervasi cho biết đã tham khảo Tổng thống Dina Boluarte về triệu hồi đại sứ ở Argentina, Bolivia, Colombia và Mexico để tham vấn. Đây là những nước Mỹ Latinh đã lo ngại về tình hình của cựu Tổng thống Pedro Castillo. Lima cho rằng phát biểu của bốn quốc gia này mang tính can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Peru, đi ngược lại với truyền thống hữu nghị, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau.
Theo bà Gervasi, sau khi Tổng thống Argentina, Bolivia, Colombia và Mexico ra thông cáo chung về tình hình Peru, Bộ ngoại giao nước này đã có công hàm giải thích rõ về lập trường chính thức liên quan tới những thay đổi và để cho các nước trên đủ thời gian điều chỉnh ý kiến ban đầu, song không nhận được phản hồi.
Đồng thời, Ngoại trưởng Ana Cecilia Gervasi khẳng định sự ủng hộ đối với tân Tổng thống Dina Boluarte, nhấn mạnh rằng ông Pedro Castillo đã thực hiện một “cuộc đảo chính bất thành” và việc thay đổi cơ quan hành pháp là hợp hiến. (Reuters/TTXVN)
TIN LIÊN QUAN | |
Khủng hoảng ở Peru: Chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp, đóng cửa sân bay |
Trung Đông-châu Phi
* Nga hoan nghênh đề xuất của Thổ Nhĩ Kỳ về cơ chế 3 bên với Syria: Các hãng thông tấn Nga ngày 16/12 dẫn lời một Thứ trưởng Ngoại giao nước này cho biết Moscow hoan nghênh đề xuất của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan về thiết lập một cơ chế ngoại giao 3 bên giữa hai nước này cùng với Syria. Ý tưởng này có thể bao gồm một cuộc họp thượng đỉnh giữa lãnh đạo 3 nước. RIA Novosti (Nga) đưa tin Moscow đã liên lạc với các quan chức ở Damascus liên quan vấn đề này, song hiện vẫn chưa rõ lập trường của phía Syria.
Trước đó, ngày 15/12, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan thông báo đã đề xuất với người đồng cấp Nga Vladimir Putin thành lập cơ chế 3 bên với nước này và Syria để thúc đẩy hoạt động ngoại giao giữa Ankara và Damascus. Cụ thể, ông đã đề nghị ông Putin khởi xướng một loạt cuộc gặp giữa ba bước nhằm cải thiện mối quan hệ căng thẳng lâu nay giữa chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. (Reuters)
| Tổng thống Zelensky: ‘Đóng băng’ xung đột Nga-Ukraine là sai lầm Nhà lãnh đạo Kiev cho rằng ‘đóng băng’ xung đột Nga-Ukraine sẽ không mang lại hòa bình và chỉ tạo cơ hội cho các đợt ... |
| Chiến tranh năng lượng thế giới, Trung Quốc đang dần tiến đến vị trí dẫn đầu thị trường? Đến nay, cạnh tranh quyền thống trị giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ là sự chạy đua về đầu đạn hạt nhân, tên lửa, ... |
| Tổng thống Putin: Nga ‘sẽ không đi theo con đường tự cô lập’ Ông Vladimir Putin khẳng định Nga sẽ tiếp tục phát triển quan hệ kinh tế đối tác ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh ... |
| Syria: Liên tiếp tấn công tên lửa, nhiều người thiệt mạng Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) cho biết, nhiều người đã bị thương và thiệt mạng sau khi nhiều tên lửa tấn công ... |
| Nhật Bản có động thái mới về quốc phòng, Trung Quốc và Hàn Quốc phản ứng ra sao? Chiều ngày 16/12, Nội các Nhật Bản đã thông qua các dự thảo sửa đổi 3 văn bản quan trọng về quốc phòng. Ngay sau ... |