📞

Tin thế giới 16/2: Moscow hoan nghênh thiện chí từ Washington, EU và NATO thận trọng về Nga, châu Âu lại dậy sóng

Minh Quân 20:11 | 16/02/2022
Moscow hoan nghênh thiện chí từ Washington, EU và NATO thận trọng về Nga, châu Âu lại dậy sóng vì vấn đề nội khối…là tin thế giới nổi bật ngày 16/2.
Tin thế giới ngày 16/2: Moscow hoan nghênh thiện chí từ Washington, EU và NATO thận trọng về biên giới Nga-Ukraine, châu Âu lại dậy sóng vì vấn đề nội khối. (Nguồn: APA.az)

Nga-Ukraine

Nga hoan nghênh đề xuất từ Mỹ, để ngỏ khả năng trả đũa Anh

Ngày 16/2, Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin ủng hộ các cuộc đàm phán và hoạt động ngoại giao về những căng thẳng biên giới Nga-Ukraine, đồng thời nói rằng, Moscow coi việc Tổng thống Mỹ Joe Biden sẵn sàng đối thoại là một dấu hiệu tích cực.

Điện Kremlin đã hoan nghênh lời kêu gọi trực tiếp của Tổng thống Biden với các công dân Nga, song nhấn mạnh, sẽ còn tốt hơn nếu ông Biden kêu gọi người dân Ukraine ngừng bắn nhau.

Ngày 16/2, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov tuyên bố nước này sẽ trả đũa nếu Anh áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Moscow liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine. Trước đó, Anh đe dọa sẽ ngăn chặn các công ty Nga huy động vốn ở London và tiết lộ quyền sở hữu tài sản và công ty nếu Nga xâm lược Ukraine, một động thái mà cho đến nay Nga đã nhiều lần bác bỏ.

Cùng ngày, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã chỉ trích truyền thông Mỹ, Anh về việc đăng nhiều tin bài dự đoán sai về một hành động quân sự không bao giờ thành hiện thực. Trên mạng xã hội Telegram, bà Zakharova viết: “Một yêu cầu đối với các hãng truyền thông đưa tin sai lệch của Mỹ và Anh là Bloomberg, The New York Times, The Sun... hãy thông báo lịch trình ‘các cuộc xâm lược’ của chúng tôi trong năm tới. Tôi muốn lên một kế hoạch sơ tán”.

Một ngày trước đó, các tờ báo của Anh là The SunDaily Mirror đưa tin Nga sẽ phát động một cuộc xâm lược Ukraine vào lúc 01:00 GMT ngày 16/2. The Sun dẫn dữ liệu tình báo của Mỹ cho hay, đây là thời điểm “thích hợp nhất” Moscow tiến hành tấn công, với sự tham gia của 200.000 binh sĩ, xe tăng, máy bay, tên lửa và tàu chiến. Tuy nhiên, Nga đã bác bỏ thông tin này. (Reuters/Sputnik)

EU và NATO thận trọng về động thái mới của Nga

Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Âu (EU) Ursula von der Leyen ngày 16/2 cho biết, Nga vẫn phải chứng minh thái độ hạ nhiệt căng thẳng của họ trong bối cảnh nước này gia tăng quân số tại khu vực biên giới với Ukraine.

Bà nêu rõ, cho tới nay, Moscow đang phát đi những tín hiệu xung đột, đề cập yêu cầu của Hạ viện Nga công nhận các khu vực ly khai Đông Ukraine là Donetsk và Luhansk, cũng như bình luận của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rằng vẫn chưa có dấu hiệu Nga rút quân.

Ngoài ra, Chủ tịch Ủy ban EU cho hay, khối này sẵn sàng đối mặt với tình trạng hoạt động cung ứng khí đốt từ Nga có thể gián đoạn.

Bà nêu rõ: “Chúng tôi cũng sẵn sàng trong trường hợp nhà lãnh đạo Nga quyết định về vũ khí hóa năng lượng”. Khối cũng đã chuẩn bị một loạt biện pháp khẩn cấp có thể được thực hiện trong trường hợp gián đoạn nguồn cung khí đốt hoàn toàn.

Bà von der Leyen khẳng định: “Các mô hình của chúng ta chứng minh, với tất cả biện pháp chúng ta đã đưa ra, chúng ta an toàn trong mùa Đông này.”

Về phần mình, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã hối thúc Nga chứng minh nước này đang rút quân.

Phát biểu khi khai mạc hội nghị các bộ trưởng quốc phòng NATO diễn ra trong hai ngày tại trụ sở của liên minh ở Brussels, ông nêu rõ: “Vẫn phải xem liệu Nga có rút quân hay không. Cái chúng ta nhìn thấy là họ đã gia tăng quân số, nhiều binh sĩ hơn đang được triển khai. Nếu họ thực sự bắt đầu rút các lực lượng, chúng tôi sẽ hoan nghênh. Họ đã luôn di chuyển binh sĩ qua lại chỉ để chúng ta thấy sự di chuyển của các lực lượng, xe tăng chiến đấu, không xác nhận sự rút quân thật sự”. (Reuters/Sputnik/AFP)

Trung Quốc kêu gọi giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine

Theo truyền thông Trung Quốc, điện đàm ngày 16/2 với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi có giải pháp chính trị cho khủng hoảng Ukraine.

Ông Tập Cận Bình khuyến khích tất cả các bên liên quan giải quyết cuộc khủng hoảng thông qua đối thoại và sử dụng đầy đủ các nền tảng đa phương, bao gồm định dạng Normandy - một nhóm không chính thức do các nhà ngoại giao Pháp, Đức, Nga và Ukraine thiết lập năm 2014.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nhấn mạnh, nước này sẽ hỗ trợ thêm nhiều ngân hàng và tổ chức tài chính của Pháp tham gia hệ thống thanh toán xuyên biên giới bằng đồng Nhân dân tệ (NDT). Đồng thời, cả hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí tăng cường hợp tác hàng không. (Reuters)

Thổ Nhĩ Kỳ-Saudi Arabia

Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách cải thiện quan hệ với Saudi Arabia

Tổng thống Tayyip Erdogan ngày 16/2 cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục “đối thoại tích cực” với Saudi Arabia và sớm có hành động cụ thể trong những ngày tới để cải thiện quan hệ song phương.

Phát biểu với các phóng viên trên chuyến bay trở về từ Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), ông Erdogan nói: “Chúng tôi đang tiếp tục đối thoại tích cực với Saudi Arabia. Chúng tôi muốn tiếp tục thực hiện các bước cụ thể trong giai đoạn tới. Chúng tôi muốn tăng cường tiến trình này theo hướng tích cực”.

Quan hệ giữa Ankara và Riyadh đã trở nên rắc rối kể từ sau vụ nhà báo Saudi Arabia Jamal Khashoggi bị sát hại hồi năm 2018 bởi một nhóm người Saudi Arabia tại lãnh sự quán của vương quốc này ở thành phố Istanbul. Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu truy tố Thái tử Mohammed bin Salman và các quan chức khác, Riyadh đã áp đặt lệnh tẩy chay không chính thức hàng hóa từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Vào năm 2020, Saudi Arabia đã tuyên án 8 người từ 7-20 năm tù giam vì tội sát hại nhà báo Khashoggi. Vào thời điểm đó, Ankara cho biết, phán quyết không như mong đợi, nhưng sau đó đã dịu giọng hơn như một phần của nỗ lực lớn hơn nhằm tăng cường quan hệ với Vùng Vịnh, thậm chí đi xa hơn khi nói rằng, họ không có vấn đề gì với Riyadh. (Reuters)

Liên minh châu Âu (EU)

EU ra phán quyết khiến Ba Lan, Hungary bất lợi, Đức nói gì?

Ngày 16/2, Tòa án Công lý châu Âu đã bác bỏ phản đối của Ba Lan và Hungary đối với một cơ chế cho phép Brussels giảm mạnh tài trợ cho các quốc gia thành viên không tuân theo các tiêu chuẩn dân chủ.

Tòa án trên đã phán quyết rằng, cơ chế này “nhằm bảo vệ ngân sách của EU khỏi những ảnh hưởng do... vi phạm các nguyên tắc pháp quyền” và vì vậy cơ chế này đã được phép thực thi theo các hiệp ước của EU. Theo phán quyết này, Ba Lan và Hungary đứng trước nguy cơ bị cắt giảm hàng tỷ USD mà họ được nhận từ quỹ của EU.

Cùng ngày, Hungary đã chỉ trích phán quyết trên là một “quyết định chính trị”. Trên tài khoản Facebook, Bộ trưởng Tư pháp Judit Varga viết: “Quyết định này là bằng chứng sống cho thấy Brussels đang lạm dụng quyền lực của mình”. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tuyên bố sẽ sớm bình luận về phán quyết trên.

Về phần mình, Đức đã thể hiện sự ủng hộ đối với phán quyết của Tòa án Công lý châu Âu cho phép Brussels cắt giảm tài trợ cho các quốc gia thành viên không tuân theo các tiêu chuẩn dân chủ, đồng thời cho rằng, phán quyết này bảo vệ và thúc đẩy EU bằng cách bảo vệ các giá trị của liên minh.

Trên trang Twitter, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nhấn mạnh: “Pháp quyền là nền tảng của EU”. Theo bà, phán quyết của Tòa án trên “khẳng định một công cụ quan trọng khác cho EU bằng cách bảo vệ và củng cố tất cả các giá trị của chúng ta”. (Reuters)