Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ dự họp Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G7. (Nguồn: Reuters) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Quân đội Nga giành được các cao điểm quanh Bakhmut: Ngày 16/2, phát biểu trên chương trình “Soloviev Live”, cố vấn của người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng Igor Kimakovsky cho biết: “Chúng ta đã có những thành công chính ở ngoại ô Bakhmut. Các binh sĩ đã giành được các cao điểm chính. Trên thực tế, còn lại một hành lang nhỏ, cũng do chúng ta kiểm soát, điều này cản trở đáng kể việc họ tiếp viện quân và đạn dược”. Quan chức này cũng lưu ý rằng sự hiện diện của “nhiều lính đánh thuê nước ngoài” ở Bakhmut.
* Nga chưa từng yêu cầu Belarus tham gia chiến dịch ở Ukraine: Hãng thông tấn Beita (Belarus) dẫn lời Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko ngày 16/2 cho biết quân đội nước này sẽ chỉ chiến đấu bên cạnh Nga nếu một quốc gia khác tấn công Belarus. Ông khẳng định Nga chưa từng yêu cầu họ tham gia chiến dịch ở Ukraine. Nhà lãnh đạo này cũng tiết lộ dự định gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 17/2. (Reuters)
* Na Uy thông qua gói viện trợ 7 tỷ USD cho Ukraine: Phát biểu trực tuyến ngày 16/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cảm ơn giới lập pháp Na Uy vì thông qua gói viện trợ song phương trị giá khoảng 7 tỷ USD trong 5 năm: “Sự hỗ trợ Na Uy đang cung cấp cho đất nước chúng tôi tạo tiền lệ cho hỗ trợ bền vững”.
Nguồn thu của Na Uy, nước xuất khẩu xăng dầu lớn, đã tăng kỷ lục sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra. Gói viện trợ nêu trên, được công bố hôm 6/2, là chương trình viện trợ lớn nhất Stockholm từng cung cấp cho một nước khác. (Reuters)
* Mỹ sắp bàn giao 340 xe chiến đấu cho Ukraine: Ngày 15/2, Báo Nordsee-Zeitung (Đức) ngày 15/2 đã công bố hình ảnh về thiết bị quân sự Mỹ tại cảng Bremerhaven, Đức. Hiện cảng này đang chứa 60 xe chiến đấu bộ binh Bradley và 280 xe quân sự khác.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Canada Anita Anand cho biết tất cả các xe tăng Leopard 2 được Ottawa cung cấp cho Kiev đã được chuyển đến châu Âu. Hiện các huấn luyện viên Canada đã bắt đầu hướng dẫn các kíp điều khiển xe tăng Ukraine ở Ba Lan. (TTXVN)
Đông Nam Á
* Campuchia và Nhật Bản tăng cường hợp tác quân sự: Ngày 16/2, ông Eang Sophalleth, Trợ lý của Thủ tướng Campuchia, cho biết Thủ tướng Hun Sen đã có cuộc gặp với Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ mặt đất Nhật Bản (JGSDF) – Tướng Yoshihide Yoshida.
Tại cuộc gặp, Tướng Yoshida đánh giá cao tài lãnh đạo của Thủ tướng Hun Sen trong việc mang lại hòa bình, sự ổn định và phát triển cho Campuchia. Ông Yoshida cũng cam kết đẩy mạnh hợp tác với quân đội Campuchia với tư cách là đối tác chiến lược toàn diện bình đẳng nhằm phục vụ cho hoạt động nhân đạo và gìn giữ hòa bình.
Về phần mình, Thủ tướng Hun Sen thông báo cho Tướng Yoshida về tiến trình tìm kiếm hòa bình của Campuchia, đồng thời nhấn mạnh rằng nếu không có hòa bình thì không có dân chủ hay nhân quyền. Nhân dịp này, nhà lãnh đạo Campuchia cũng gửi lời cảm ơn Chính phủ và nhân dân Nhật Bản vì đã hỗ trợ Campuchia trong quá trình phát triển và tìm kiếm hòa bình.
Trước đó, ngày 15/2, Đại tướng Hun Manet, Tư lệnh Lục quân (RCA), Phó Tổng Tư lệnh Quân đội Hoàng gia Campuchia, đã ký bản ghi nhớ với Tướng Yoshida tại trụ sở RCA ở Phnom Penh nhằm tăng cường quan hệ quân sự hai nước.
Người phát ngôn RCA cho biết Tướng Hun Manet kêu gọi Nhật Bản huấn luyện cho các binh sĩ Campuchia. Về phần mình, ông Yoshida cho rằng bản ghi nhớ sẽ thúc đẩy hợp tác song phương, đặc biệt là trong hỗ trợ nhân đạo và cứu hộ thiên tại.
Cùng ngày, gặp gỡ ông Yosshida, Tổng Tư lệnh Quân đội Hoàng gia Campuchia, Tướng Vong Pisen khẳng định chuyến thăm của Tham mưu trưởng JGSDF sẽ thắt chặt hơn nữa quan hệ quân sự, nhấn mạnh Campuchia tuân thủ Hiến pháp và pháp luật nước này, không cho phép nước khác đặt căn cứ quân sự tại Campuchia. (TTXVN)
Đông Bắc Á
* Hàn Quốc công bố Sách trắng Quốc phòng: Ngày 16/2, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã công bố Sách trắng Quốc phòng năm 2022.
Sách trắng nhận định Triều Tiên hiện sở hữu 70kg plutonium và có nhiều tên lửa mới, bao gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-17 và tên lửa chiến thuật tầm ngắn. Theo tài liệu này, Bình Nhưỡng đang tiếp tục phát triển các tên lửa đạn đạo sử dụng nhiên liệu rắn với độ chính xác cao hơn và năng lực cải tiến.
Sách trắng cũng cũng so sánh tương quan lực lượng giữa hai miền, theo đó số quân nhân tại ngũ của Hàn Quốc hiện nay là khoảng 500.000 người, giảm 55.000 người so với cách đây 2 năm, trong khi phía Triều Tiên là 1,28 triệu người, tương đương số liệu công bố vào các năm 2018 và 2020.
Tài liệu chính sách này cũng nhấn mạnh nỗ lực bảo đảm khả năng của hệ thống 3 trục, bao gồm các biện pháp trừng phạt quy mô lớn, tấn công phủ đầu và nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không Hàn Quốc. Đồng thời, Sách trắng Hàn Quốc nêu rõ định hướng của Seoul là xây dựng quân đội thông minh hơn, trong bối cảnh có nguy cơ thiếu nhân lực do tỷ lệ sinh ở nước này giảm.
Đối với Nhật Bản, Sách trắng xác định đây là “láng giềng gần gũi” của Hàn Quốc với các giá trị chung. Theo đó, Sách trắng nhấn mạnh Hàn Quốc cần hợp tác với Nhật Bản để “xây dựng các mối quan hệ hợp tác trong tương lai đáp ứng các lợi ích chung". Đây là lần đầu tiên từ năm 2018 Sách trắng quốc phòng của Hàn Quốc sử dụng cụm từ “láng giềng gần gũi” khi đề cập tới Nhật Bản. (Yonhap)
Châu Âu
* Anh, EU tiếp tục thảo luận về Bắc Ireland: Tờ The Times (Anh) ngày 16/2 đưa tin Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen sẽ thảo luận về Bắc Ireland trước cuối tuần này. Chính phủ Anh dự kiến gửi văn bản về thỏa thuận Nghị định thư Bắc Ireland tới đảng Hợp nhất Dân chủ của Bắc Ireland ngày 20/2 và chuyển lên nội các của ông Sunak một ngày sau đó. (Reuters)
* Pháp, Qatar sẽ tăng cường quan hệ quốc phòng và thương mại: Trong tuyên bố ngày 16/2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tiểu vương Qatar Tamim bin Hamad al-Thani đã ca ngợi “chất lượng” của mối quan hệ song phương.
Tuyên bố của Điện Elysee cho hay một ngày sau khi Tổng thống Macron mời Tiểu vương al-Thani dự bữa tối ở Paris, hai bên đã nhất trí “tăng cường” quan hệ song phương trong các lĩnh vực thương mại, quốc phòng và an ninh. (Reuters)
* Tổng thống Ukraine sẽ dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G7: Ngày 16/2, một nguồn tin từ Tokyo cho biết Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã chấp nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và rất nóng lòng dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7). Cuộc họp sẽ diễn ra vào ngày 24/2, đúng ngày xung đột tại Ukraine bùng phát 1 năm về trước.
Dự kiến trong cuộc họp, lãnh đạo G7 sẽ khẳng định sự thống nhất trong đối phó với các hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine. (Kyodo)
* Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thảo luận với Mỹ về kết nạp Thụy Điển, Phần Lan vào NATO: Ngày 16/2, phát biểu tại họp báo chung với Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg ở Ankara, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết sẽ thảo luận với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken vào tuần tới về đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển. Đồng thời, nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này có thể đánh giá riêng biệt đối với nỗ lực gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển.
Về phần mình, ông Stoltenberg kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của cả Phần Lan và Thụy Điển, nhấn mạnh cuộc chiến chống khủng bố sẽ là ưu tiên hàng đầu tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius sắp tới. (Reuters)
Châu Mỹ
* Trọng tâm thảo luận của Phó Tổng thống Mỹ tại Hội nghị An ninh Munich: Ngày 16/2, một quan chức Nhà Trắng cho hay trong chuyến thăm Đức dự Hội nghị An ninh Munich, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Bà Harris cũng sẽ gặp Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson để thảo luận về quá trình gia nhập NATO, cũng như giải quyết các mối quan hệ với Trung Quốc. Quan chức Nhà Trắng cũng tiết lộ: “Phó Tổng thống (Harris) sẽ thảo luận về các bước tiếp theo trong việc hỗ trợ Ukraine trên thực địa và những nỗ lực buộc Nga phải trả giá”. (Reuters)
Trung Đông-Châu Phi
* HĐBA LHQ sẽ bỏ phiếu kêu gọi Israel ngừng mở rộng khu định cư: Ngày 16/2, một số nguồn tin ngoại giao cho biết Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) sẽ bỏ phiếu về nghị quyết kêu gọi Israel dừng mở rộng khu định cư của người Do Thái ở Bờ Tây ngày 20/2 tới.
Nghị quyết do Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và đại diện của Palestine soạn thảo yêu cầu Israel “ngừng hoàn toàn và ngay lập tức tất cả các hoạt động định cư trên lãnh thổ chiếm đóng của Palestine”.
Trước đó, ngày 12/2, chính phủ Israel thông báo hợp pháp hóa 9 khu định cư “tiền đồn” của người Do Thái ở Bờ Tây và cho phép xây thêm hàng loạt khu định cư mới. Động thái này đã khiến một loạt quốc gia phương Tây, bao gồm Mỹ, bày tỏ quan ngại “sâu sắc”. (Reuters)
* Bờ Biển Ngà mở cửa biên giới đất liền sau 3 năm chống dịch: Phát biểu hôm 15/2, người phát ngôn của chính phủ Côte d'Ivoire Amadou Coulibaly cho biết Hội đồng Bộ trưởng nước này đã thông qua sắc lệnh mở biên giới đất liền, đồng thời khẳng định các cửa khẩu sẽ được mở lại “vào lúc nửa đêm”, tức 0h ngày 16/2, sau hơn ba năm liền đóng cửa chống dịch.
Quan chức này tuyên bố: “Hiện chính phủ đã kiểm soát các tuyến đường vận chuyển không chính thức. Chúng tôi mời tất cả khách du lịch sử dụng các tuyến đường chính thức từ bây giờ”.
Bờ Biển Ngà đã đóng cửa biên giới trên đất liền, trên biển và trên không vào ngày 22/3/2020, khi cả thế giới đóng cửa nhằm chống lại đại dịch Covid-19. Một vài tháng sau đó, biên giới trên biển và trên không tại nước này đã mở cửa trở lại sau, song nhưng biên giới đất liền với Liberia, Guinea, Mali, Burkina Faso và Ghana, vẫn tiếp tục đóng cửa. Hàng triệu người từ 5 nước này sống tại Bờ Biển Nga đã phải đi các con đường nhỏ không chính thức để trở về quê hương của họ.
Tháng trước, Tổng thống Alassane Ouattara, Chủ tịch Hội đồng an ninh quốc gia của Bờ Biển Ngà, đã hoan nghênh “những kết quả xuất sắc được ghi nhận trong cuộc chiến chống lại Covid-19 kể từ năm 2020”. Ông tuyên bố nước này sẽ dỡ bỏ dần các biện pháp được quy định trong tình trạng khẩn cấp về y tế. (TTXVN)