Chỉ trong 5 ngày, Triều Tiên phóng tên lửa lần thứ 3, ngay trước thềm Thượng đỉnh Hàn-Nhật. |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Quan chức thân Nga: Không có dấu hiệu cho thấy Ukraine rút quân khỏi Bakhmut: Ngày 16/3, RIA Novosti (Nga) dẫn lời lãnh đạo vùng Donetsk thân Moscow bổ nhiệm cho biết, không có dấu hiệu nào cho thấy Ukraine đang rút quân khỏi thành phố công nghiệp Bakhmut. Trước đó, ngày 14/3, Tổng Tham mưu trưởng các Lực lượng Vũ trang Ukraine (VSU) Valery Zaluzhny nói: “Chiến dịch phòng thủ ở Bakhmut có vai trò chiến lược quan trọng trong việc ngăn chặn kẻ thù. Đây là mấu chốt cho sự ổn định cho cả tuyến phòng ngự”. (Reuters)
* Ukraine: Nga muốn “mở rộng” xung đột”: Phát biểu trên mạng xã hội ngày 15/3, Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine Oleksiy Danilov nhấn mạnh: “Sự cố với chiếc máy bay không người lái (UAV) MQ-9 “Reaper” của Mỹ - bị Nga khiêu khích ở Biển Đen - là cách ông Putin báo hiệu sẵn sàng mở rộng xung đột liên quan các bên khác. Mục đích của chiến thuật tất tay này là để tăng mức độ nguy hiểm”. (AFP)
* Đức kêu gọi hỗ trợ cấp bách cho Ukraine: Ngày 16/3, phát biểu trước Hạ viện Đức, Thủ tướng nước này Olaf Scholz nói: “Việc chúng ta nhanh chóng cung cấp cho Ukraine đạn dược cần thiết là hết sức quan trọng”. Theo ông, tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels vào tuần tới, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ “thông qua biện pháp để đảm bảo nguồn cung cấp liên tục và tốt hơn nữa. Chúng tôi cũng sẵn sàng mở rộng các dự án mua sắm cho các thành viên khác”.
Trong khi đó, Kiev thường xuyên cảnh báo rằng VSU đang phải đối mặt với sự thiếu hụt nghiêm trọng đạn pháo, với tần suất sử dụng lên tới hàng nghìn lựu pháo/ngày. Ukraine khẳng định nước này cần 350.000 đạn pháo/tháng để đẩy lùi cuộc tấn công của Nga và phản công. Tuy nhiên, các nước EU hiện đang tranh cãi về nhiều chi tiết quan trọng như ai sẽ chịu trách nhiệm đặt hàng và liệu họ có thể chỉ mua từ các nhà sản xuất châu Âu hay không. Hiện khối hy vọng sẽ nhất trí về một kế hoạch trị giá 2 tỷ euro (2,1 tỷ USD) để cung cấp đạn pháo từ kho dự trữ và đặt hàng chung đạn pháo cho Ukraine tại cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng ngày 20/3, trước khi được phê chuẩn tại thượng đỉnh ngày 23/3. (AFP)
* Canada viện trợ quân sự bổ sung cho Ukraine: Ngày 15/3, Bộ Quốc phòng Canada cho biết sẽ gửi thêm đạn pháo và tên lửa phòng không tới Ukraine. Trước đó, họp trực tuyến lần thứ 10 với Nhóm tiếp xúc quốc phòng Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng nước này Anita Anand cho biết Ottawa sẽ tặng khoảng 8.000 viên đạn 115mm cùng 12 tên lửa phòng không trong kho cho Ukraine. Đồng thời, khoản viện trợ quân sự bổ sung cũng có thêm 1.800 viên đạn 105mm cho xe tăng.
Trong khuôn khổ cuộc họp trên, bà Anita Anand cũng xác nhận Canada đã chuyển một số xe tăng chiến đấu Leopard 2 trong tổng số 8 chiếc mà nước này cam kết cung cấp cho Ukraine vào cuối tháng 2 vừa qua. Hiện bốn xe tăng Leopard 2 của nước này đã tới Ba Lan và O đang thực hiện huấn luyện cho binh sĩ Ukraine sử dụng chúng. Dự kiến trong vài tuần tới, tất cả 8 xe tăng Leopard 2 sẽ có mặt tại Ukraine. (TTXVN)
Nga-Mỹ
* Mỹ công bố video về vụ máy bay ở Biển Đen: Ngày 16/3, Lầu Năm Góc đã công bố đoạn video về vụ một máy bay phản lực quân sự Nga áp sát một máy bay không người lái của Mỹ, đổ nhiên liệu gần máy bay Mỹ và khiến một cánh quạt máy bay bị hư hỏng. Theo Lầu Năm Góc, đoạn video được giải mật, dài khoảng 40 giây, đã được chỉnh sửa bởi quân đội Mỹ về độ dài nhưng hiển thị các sự kiện theo trình tự. Trước đó, Nga đã bác bỏ cáo buộc của Mỹ rằng ngày 14/3, các máy bay phản lực Su-27 va vào cánh quạt UAV MQ-9 “Reaper” của quân đội Mỹ, khiến máy bay này rơi xuống Biển Đen. (Reuters)
Đông Nam Á
* Indonesia nói về tác động của các vụ sụp đổ ba ngân hàng Mỹ: Ngày 16/3, phát biểu họp báo sau cuộc họp 2 ngày của Hội đồng Thống đốc Ngân hàng trung ương Indonesia (BI), Thống đốc BI Perry Warjiyo cho cho hay: “Rủi ro tác động trực tiếp gần như bằng không vì hầu hết các ngân hàng không đầu tư tiền cũng như không gửi tiền vào 3 ngân hàng này. Hơn nữa, các ngân hàng Indonesia hiếm khi sở hữu trái phiếu kho bạc Mỹ”.
Tuy nhiên, ông cho rằng tác động lan tỏa của các sự kiện này này cần được theo dõi vì ảnh hưởng của chúng đối với tâm lý và kỳ vọng của thị trường. Trên thực tế, tâm lý thị trường tiêu cực đã gây hỗn loạn trên thị trường tài chính toàn cầu tuần qua, đồng thời kích hoạt dòng vốn nước ngoài chảy ra khỏi các nước đang phát triển và gây áp lực lên tỷ giá hối đoái ở nhiều nước, trong đó có Indonesia.
Cũng trong cuộc họp trên, ông Perry cho biết thêm dòng vốn nước ngoài vào thị trường tài chính trong nước, đặc biệt là các danh mục đầu tư từ đầu năm đã đạt 3 tỷ USD và dòng tiền chảy ra trong tháng Ba này phù hợp với tình trạng bất ổn ngày càng gia tăng của thị trường tài chính toàn cầu. Quan chức này tuyên bố BI sẽ tiếp tục ổn định tỷ giá hối đoái của đồng Rupiah bằng cách can thiệp nhằm ổn định tâm lý thị trường, và bày tỏ lạc quan rằng tỷ giá hối đoái của đồng Rupiah sẽ mạnh lên, phù hợp với sự ổn định của hệ thống tài chính Indonesia. (TTXVN)
* Campuchia nêu quan điểm về AUKUS: Ngày 16/3, phát biểu về AUKUS tại Đại học Build Bright ở Phnom Penh, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen nói: “Chúng tôi đang suy nghĩ cùng với các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khác. Chúng tôi cũng bày tỏ sự quan ngại. Họ cho rằng không có (vũ khí) hạt nhân, nhưng nếu có hạt nhân thì sẽ thế nào? Họ có đồng ý cho phép chúng tôi kiểm tra những chiếc tàu ngầm đó không?”. Ông nêu rõ ASEAN là khu vực không có vũ khí hạt nhân và kêu gọi các nước lớn không lạm dụng quyền lực để ngược đãi các nước nhỏ. Nhà lãnh đạo này lưu ý rằng sự tôn trọng lẫn nhau và không can thiệp là cần thiết cho quan hệ giữa các quốc gia. (Tân Hoa xã)
Nam Á
* Australia khẳng định tính cần thiết của AUKUS: Ngày 16/3, phát biểu trước báo chí, Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã bảo vệ thỏa thuận AUKUS, gọi đây là điều cần thiết trước sự thay đổi lớn nhất của Trung Quốc kể từ Thế chiến II. Nhà lãnh đạo này nhấn mạnh: “Trung Quốc đã thay đổi tư thế và vị trí trong các vấn đề thế giới kể từ những năm 1990… đó là sự thật của vấn đề”.
Trước đó, hai cựu lãnh đạo Australia đã chỉ trích thỏa thuận hợp tác quân sự này. Cựu Thủ tướng Malcolm Turnbull cho biết dự án AUKUS sẽ mất nhiều thời gian và tốn kém hơn một kế hoạch mua tàu ngầm thông thường của Pháp, bị loại bỏ một cách “liều lĩnh” vào năm 2021. Trong khi đó, cựu Thủ tướng Australia Paul Keating đã gọi AUKUS là sai lầm chính sách đối ngoại tồi tệ nhất. (TTXVN)
Đông Bắc Á
* Trung Quốc lo Nhật Bản quay lại con đường quân sự hóa “nguy hiểm”: Ngày 16/3, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Đàm Khắc Phi cho rằng Nhật Bản đã thổi phồng cái gọi là “mối đe dọa từ bên ngoài” những năm gần đây và tăng mạnh ngân sách quốc phòng. Đồng thời, Bắc Kinh cho rằng xu hướng quay trở lại con đường quân sự hóa của Tokyo là “rất nguy hiểm”. Cuối cùng, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Đàm Khắc Phi cảnh báo Nhật Bản nên thận trọng trong lời nói và hành động của mình trong các vấn đề an ninh quân sự và ngừng làm những việc phương hại đến hòa bình và ổn định khu vực. (Reuters)
* Lãnh đạo Hàn Quốc, Nhật Bản hội đàm: Ngày 16/3, ông Yoon Suk Yeol đã trở thành Tổng thống Hàn Quốc đầu tiên thăm Nhật Bản trong 4 năm qua. Chiều cùng ngày, ông đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng nước chủ nhà Kishida Fumio.
Phát biểu sau hội đàm, lãnh đạo nước chủ nhà cho biết hai bên sẽ duy trì “trao đổi thông tin chặt chẽ” trong nhiều lĩnh vực, nhấn mạnh rằng tăng cường các mối quan hệ song phương là “vấn đề cấp bách”. Thủ tướng Kishida cũng khẳng định: “Chúng tôi đã nhất trí về việc nối lại hoạt động ngoại giao con thoi của các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc, bất kể hình thức" của các chuyến công du.
Đồng thời, Nhật Bản sẽ sớm nối lại các cuộc đối thoại an ninh với Hàn Quốc và thiết lập một khuôn khổ đối thoại an ninh kinh tế mới trước các mối đe dọa an ninh từ Triều Tiên và hành động ngày càng quyết liệt của Trung Quốc ở khu vực. (AFP/Kyodo)
* Hàn Quốc: Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm xa: Sáng 16/3, quân đội Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên đã phóng một lửa đạn đạo tầm xa từ khu vực Sunan ở Bình Nhưỡng lúc 7h10 (giờ địa phương). Theo Hội đồng An ninh quốc gia Hàn Quốc (NSC), tên lửa này được bắn theo góc nghiêng, bay khoảng 1.000 km trước khi lao xuống biển.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho hay, tên lửa được phóng từ vùng duyên hải phía Tây của Triều Tiên và bay trong 70 phút với hành trình 1.000 km ở độ cao tối đa hơn 6.000 km. Tên lửa đã rơi bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản lúc 8h20, cách đảo Oshima-Oshima khoảng 200 km về phía Tây và cách Bán đảo Triều Tiên khoảng 550 km về phía Đông. Hiện Tokyo chưa ghi nhận về thiệt hại đối với máy bay hoặc tàu thuyền tại khu vực này. Nhật Bản đã gửi công hàm phản đối tới Triều Tiên liên quan vụ phóng.
Ngay trong sáng 16/3, NSC đã triệu tập cuộc họp khẩn có sự tham dự của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, vài tiếng trước khi ông tới Tokyo. Ông cảnh báo Seoul sẽ đáp trả tương xứng và đã hỉ thị cho quân đội Hàn Quốc thực hiện triệt để tập trận chung với Mỹ để duy trì thế trận sẵn sàng trước Triều Tiên. Đồng thời, nhà lãnh đạo này nhấn mạnh sự cần thiết phải củng cố hợp tác an ninh với Mỹ và Nhật Bản, yêu cầu quân đội duy trì tư thế phòng thủ chung vững chắc, sẵn sàng đối phó với các mối đe dọa tiềm tàng.
* Triều Tiên chỉ trích các cuộc tập trận chung Hàn-Mỹ: Phát biểu tại Hội nghị về Giải trừ quân bị ngày 16/3 về các cuộc tập trận gần đây của Mỹ và Hàn Quốc, Đại sứ Triều Tiên tại Liên hợp quốc Han Tae Song cảnh báo: “Đây là hành động khiêu khích quân sự cực kỳ nguy hiểm, cố ý phá hoại tình hình trên bán đảo Triều Tiên và khu vực”. Quan chức này cũng lưu ý hành động đó có thể dẫn tới một “cuộc khủng hoảng toàn diện, không thể dự đoán và không thể kiểm soát được”.
Đồng thời, ông giải thích rằng các cuộc tập trận gần đây của quân đội Triều Tiên là biện pháp đối phó với các hành động nêu trên của Hàn Quốc và Mỹ. (Reuters)
Châu Âu
* Moscow lấy làm tiếc về định kiến của Moldova: Ngày 16/3, phát biểu với báo giới, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: “Nga đã luôn và vẫn sẵn sàng thiết lập quan hệ láng giềng cùng có lợi với Moldova. Chúng tôi thực sự lấy làm tiếc rằng ban lãnh đạo của Moldova đang có định kiến phi lý và vô căn cứ đối với Moscow. Họ có thể đang bị nhiễm tư tưởng bài Nga”.
Kể từ khi xung đột Ukraine bắt đầu, Moldova đã được sự chú ý đặc biệt. Nhiều ý kiến lo ngại rằng đất nước có chung biên giới với Ukraine và có lực lượng gìn giữ hòa bình Nga ở khu vực ly khai Transdniestria thân Moscow có thể bị kéo vào xung đột. (Reuters)
* Ba Lan nói đã triệt phá đường dây gián điệp của Nga: Ngày 16/3, Phát biểu trên đài phát thanh PR1, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak thông báo cơ quan phản gián nước này (ABW) cho biết: “Đã triệt phá toàn bộ mạng lưới gián điệp (của Nga). Đó là một nhóm gián điệp... thu thập thông tin cho những kẻ đã tấn công Ukraine. Mối đe dọa là có thật”.
Trước đó, ngày 15/3, đài phát thanh tư nhân Ba Lan RMF trích dẫn các nguồn giấu tên cho biết ABW đã bắt giữ 6 người nước ngoài làm việc cho cơ quan mật vụ Nga và bị cáo buộc lên kế hoạch phá hoại ở Ba Lan. Theo kế hoạch, Bộ trưởng Nội vụ Ba Lan sẽ tổ chức họp báo về hoạt động của đường dây bị nghi là gián điệp này vào lúc 11h giờ địa phương (10h GMT, tức 17h giờ Việt Nam). (AFP)
Trung Đông-Châu Phi
* Tập đoàn quốc phòng của Israel và Nhật Bản ký biên bản hợp tác: Mới đây, bên lề triển lãm quốc phòng DSEI tại Nhật Bản, tập đoàn Elbit Systems của Israel cùng Nippon Aircraft Supply (NAS) và Itochu Aviation của Nhật Bản đã ký bản ghi nhớ về hợp tác trong một loạt lĩnh vực chế tạo và giải pháp về vũ khí và trang thiết bị quốc phòng.
Theo đó, Elbit sẽ cung cấp các thiết bị cấu kiện, công nghệ và giải pháp cho NAS và Itochu. Ngược lại, Itochu sẽ giúp Elbit bán sản phẩm và NAS sẽ giúp Elbit triển khai tích hợp, sản xuất, thử nghiệm và bảo dưỡng sản phẩm tại Nhật Bản. Theo Jerusalem Post (Israel), việc ký kết hợp tác diễn ra sau khi cuối năm ngoái, Nhật Bản công bố chiến lược phát triển và mua sắm vũ khí lớn nhất kể từ sau Thế chiến 2. (TTXVN)
* Israel: Tiếp tục tuần hành quy mô lớn chống chính phủ: Ngày 16/3 người dân nước này đã tiếp tục tuần hành quy mô lớn trên toàn quốc để phản đối kế hoạch cải cách tư pháp của chính phủ. Các nhà tổ chức thông báo hoạt động tuần hành sẽ diễn ra tại 150 điểm bao gồm đường cao tốc, các tòa nhà công quyền, cảng biển, nhà ga, các đại sứ quán nước ngoài, nơi ở của các chính trị gia Israel... Tham gia tuần hành lần này còn có thêm các thành phần là quân nhân dự bị, phụ huynh và học sinh, nhân viên công nghệ, với số lượng hàng trăm ngàn người.
Giao thông trên một số tuyến đường huyết mạch đã bị gián đoạn vào giờ cao điểm. Tại thành phố Rehovot, người tuần hành đã xếp bao cát trước cửa trụ sở tòa án với hàm ý “bảo vệ khỏi sự tấn công của cải cách tư pháp”. Ở Jerusalem, một nhóm 5 người kẻ vạch sơn trên con phố trước Tòa án Tối cao đã bị cánh sát bắt giữ về tội phá hoại công trình công cộng. Làn sóng tuần hành phản đối chính phủ cải cách tư pháp 2 tháng qua tại Israel thường diễn ra vào tối cuối tuần, nhưng gần đây được tổ chức nhiều hơn vào ban ngày nhằm gây xáo trộn đời sống xã hội. (TTXVN)
* Hoãn họp thứ trưởng ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iran, Nga: Ngày 16/3, Nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết cuộc họp thứ trưởng ngoại giao nước này, Nga, Iran và Syria dự kiến diễn ra tuần này đã bị hoãn lại “vì lý do kỹ thuật”. Tuần trước, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho hay, thứ trưởng ngoại giao bốn nước trên sẽ nhóm họp trong tuần này tại Moscow, trước thềm hội nghị ngoại trưởng dự kiến diễn ra một ngày sau đó về Syria. (Reuters)