📞

Tin thế giới 16/7: 'Phó tướng' của ông Donald Trump là cơn 'ác mộng' của Ukraine? Lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương hội ngộ

Hoàng Hà 19:40 | 16/07/2024
Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa Mỹ chọn ứng viên tổng thống và phó tổng thống, đồn đoán về tương lai Ukraine nếu ông Donald Trump thành ông chủ Nhà Trắng, Hội nghị các nhà lãnh đạo quần đảo Thái Bình Dương tại Nhật Bản... là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong ngày.
Ứng cử viên tổng thống Donald Trump và ứng cử viên phó tổng thống J.D Vance của đảng Cộng hòa Mỹ tại Đại hội toàn quốc đảng này ngày 15/7. (Nguồn: AP)

Châu Mỹ

* Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa Mỹ đang diễn ra ở thành phố Milwaukee (bang Wisconsin) từ 15-18/7, chính thức bầu ông Donald Trump làm ứng cử viên tổng thống.

Thượng nghị sĩ 40 tuổi của tiểu bang Ohio J.D. Vance (James David Vance) được chọn làm liên danh tranh cử với ông Trump, trở thành ứng cử viên phó tổng thống Mỹ. Ông Vance tốt nghiệp Đại học Ohio, Trường luật Yale và từng có thời gian tham gia lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ tại Iraq.

Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa cũng đã thông qua Cương lĩnh hoạt động năm 2024, trong đó có những thay đổi về một số vấn đề đối nội và đối ngoại.

Đáng chú ý, cương lĩnh không đề cập trực tiếp Nga và Ukraine, song nhấn mạnh cam kết của đảng Cộng hòa sẽ ngăn chặn nguy cơ xảy ra Thế chiến III, nỗ lực khôi phục "hòa bình ở châu Âu và Trung Đông", củng cố các liên minh và "sát cánh cùng Israel". (AP)

* Vụ ám sát hụt ông Trump tại sự kiện vận động tranh cử tại thành phố Butler, bang Pennsylvania hôm 13/7, đã gây ra những lo ngại về khả năng xảy ra các hành động bạo lực hoặc trả đũa tiếp theo.

Theo báo cáo của Bộ An ninh nội địa và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), một số cộng đồng trực tuyến "đã đe dọa, khuyến khích hoặc đề cập các hành động bạo lực" nhằm đáp trả vụ ám sát. Một cuộc điều tra độc lập liên quan vụ việc sẽ được bắt đầu trong một vài ngày tới.

Trong khi đó, Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Alejandro Mayorkas thừa nhận, vụ ám sát hụt cựu Tổng thống Donald Trump là một “thất bại” trong việc đảm bảo an ninh, đồng thời khẳng định, chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ công khai những phát hiện về vụ mưu sát này.

Cơ quan mật vụ Mỹ sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp an ninh thích hợp nhằm bảo vệ ông Donald Trump, ông J.D. Vance và ứng cử viên độc lập Robert F. Kennedy Jr. (CBS News)

* Brazil triệu hồi Đại sứ tại Argentina Julio Bitelli để tham vấn trong bối cảnh quan hệ hai nước “đang ở trong một thời điểm có sự khác biệt" giữa tổng thống hai bên.

Bộ Ngoại giao Brazil cho biết, việc triệu hồi Đại sứ về nước là việc làm “không bình thường”, song cũng không phải hành động chống lại chính phủ Argentina, mà mục đích là xem xét “làm thế nào để phát triển mối quan hệ song phương theo cách tốt nhất có thể, với sự quan tâm đúng mức".

Theo Đại sứ Bitelli, sự khác biệt giữa hai Tổng thống không gây tổn hại đến mối quan hệ giữa hai nước và Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva cho rằng, mối quan hệ giữa Brasilia và Buenos Aires vẫn "quan trọng, bất chấp những khác biệt về ưu tiên và thế giới quan”. (Merco Press)

Châu Âu

* Nếu ông Trump và liên danh tranh cử J.D. Vance đắc cử, cựu Tổng thống Mỹ sẽ "sẵn sàng hành động ngay lập tức trong vai trò của một nhà kiến tạo hòa bình" để giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine, theo tiết lộ của Thủ tướng Hungary Viktor Orban.

Tuy nhiên, ông Orban nói rằng, sẽ "không thể mong đợi bất kỳ sáng kiến hòa bình nào từ ông Trump trước khi bầu cử diễn ra".

Trong khi đó, ứng cử viên phó tổng thống của đảng Cộng hòa J.D. Vance cho rằng, nếu thắng cử, "ông Trump sẽ đàm phán với Nga nhằm nhanh chóng chấm dứt xung đột ở Ukraine" để Mỹ có thể tập trung vào vấn đề thực sự, "đó là Trung Quốc”, lưu ý rằng, đàm phán sẽ tránh được nguy cơ leo thang và chiến tranh hạt nhân.

Ông Vance vốn nổi tiếng vì có nhiều phát biểu về cuộc xung đột ở Ukraine, trong đó có kêu gọi đàm phán với Moscow và chỉ trích việc Washington viện trợ quân sự trị giá hàng tỷ USD cho Kiev. Ông cũng khẳng định mục tiêu khôi phục đường biên giới năm 1991 của Ukraine là không thực tế và việc giải quyết xung đột đòi hỏi phải củng cố tính trung lập của nước này cũng như đóng băng các tranh chấp lãnh thổ.

Với "lý lịch" này, một quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) nhận định, người đồng hành của ông Trump sẽ là "thảm họa" đối với Kiev. (Politico, Fox News, The Kyiv Independent)

* Kiev “không e sợ” khả năng ông Trump tái đắc cử mà sẽ hợp tác với ông ấy, theo lời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, nhấn mạnh rằng nước này "có mối quan hệ chặt chẽ với phe Cộng hòa trong Quốc hội và tầng lớp chính trị Mỹ”.

Đề cập cuộc gặp với các thành viên đảng Cộng hòa hồi tuần trước ở Mỹ, ông Zelensky nhấn mạnh, đảng Cộng hòa “tôn trọng đất nước và nhân dân Ukraine, các chiến binh của chúng ta và tôi”.

Tổng thống Zelensky cũng cho rằng, ông Trump sẽ hài lòng với thỏa thuận viện trợ 40 tỷ USD cho Kiev vì 3/4 số tiền sẽ đến từ châu Âu chứ không phải Mỹ. (The Kyiv Independent)

* Anh khởi động đánh giá phòng thủ chiến lược: Ngày 16/7, Thủ tướng Anh Keir Starmer đã khởi động đánh giá hoạt động và sức mạnh của lực lượng vũ trang nước này, nhằm vạch ra lộ trình tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 2,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Bước đi này nhằm khẳng định cam kết của Công đảng đối với lĩnh vực quốc phòng. Dự kiến, Bộ Quốc phòng Anh sẽ công bố báo cáo đầu tiên về vấn đề này vào nửa đầu năm 2025.

Bản đánh giá sẽ đảm bảo đặt chính sách “NATO trên hết" là trọng tâm của các kế hoạch và chương trình quốc phòng của Anh. Ngoài ra, một trong những mục tiêu khác của việc đánh giá cũng nhằm hiện đại hóa và duy trì khả năng răn đe hạt nhân của London.

* Nhóm khủng bố quốc tế tham gia vụ tấn công Nhà hát Crocus ở Nga, theo người đứng đầu Cục Giám sát tài chính chống chủ nghĩa cực đoan của Nga Yury Chikhanchin ngày 16/7.

Theo đó, vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Nhà hát Crocus City Hall ở ngoại ô Moscow hôm 22/3/2024 do một nhóm công dân các nước khác nhau - chủ yếu từ Trung Á và châu Âu, có cả người Nga, thực hiện.

Kết quả điều tra đã có thể xác định các đối tượng này thuộc một mạng lưới khủng bố quốc tế. (TASS)

* Thụy Sỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ký thỏa thuận thành lập văn phòng liên lạc của liên minh quân sự này ở thành phố Geneva của quốc gia Trung Âu.

Bern cho biết đang triển khai các công việc để đẩy nhanh quá trình thành lập văn phòng của NATO. (Armenpress)

Châu Á-Thái Bình Dương

* Mỹ triển khai máy bay vận tải Osprey tại căn cứ ở Nhật Bản: Máy bay vận tải CMV-22 Osprey của Hải quân sẽ được triển khai tại căn cứ Iwakuni ở tỉnh Yamaguchi, miền Tây Nhật Bản.

Điều này sẽ đánh dấu lần đầu tiên triển khai CMV-22 Osprey tại căn cứ ở thành phố Iwakuni và lần đầu tiên triển khai dòng Osprey tại quốc gia Đông Bắc Á.

CMV-22 Osprey sẽ thay thế các máy bay vận tải C-2 hiện đóng tại căn cứ Iwakuni. Mỹ cũng sẽ triển khai các máy bay tiêm kích tàng hình tối tân F-35C hoạt động trên tàu sân bay tại Iwakuni. (Jiji press)

* Hội nghị các nhà lãnh đạo quần đảo Thái Bình Dương (PALM) lần thứ 10 khai mạc tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản, vào ngày 16/7. Tại hội nghị kéo dài 3 ngày này, các nhà lãnh đạo sẽ tập trung vào những vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến khu vực, từ việc củng cố an ninh cho đến tìm kiếm các biện pháp ứng phó, giảm thiểu tác động và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngoài Nhật Bản, Hội nghị PALM quy tụ các nhà lãnh đạo đại diện 18 thành viên Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF), trong đó có Australia và New Zealand.

Thông qua sự kiện, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio sẽ tìm cách xoa dịu những lo ngại về việc xả nước thải đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển. Tháng 11/2023, các nhà lãnh đạo PIF đã đưa ra một tuyên bố chung bày tỏ quan ngại sâu sắc về vấn đề này. (AFP)

* Trung Quốc hỗ trợ Quần đảo Solomon 20 triệu USD, theo thông tin từ chính quyền đảo quốc Thái Bình Dương.

Công bố khoản tài trợ sau cuộc hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, Thủ tướng Jeremiah Manele ca ngợi sự hiện diện “mang tính thay đổi” của Trung Quốc tại đảo quốc này. Bắc Kinh cũng đã đồng ý tài trợ cho dự án mở rộng sân bay quốc tế duy nhất của Quần đảo Solomon. (SCMP)

* Mỹ-Singapore tăng cường quan hệ quốc phòng: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin đã có cuộc gặp người đồng cấp Singapore Ng Eng Hen tại Lầu Năm Góc ở Washington vào ngày 15/7, trong đó, hai bên tái khẳng định quan hệ đối tác quốc phòng song phương lâu dài, bắt nguồn từ tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở cũng như xa hơn nữa.

Hai quan chức khẳng định sức mạnh hợp tác giữa Mỹ và Singapore về các công nghệ mới nổi, thể hiện qua việc ký kết Tuyên bố ý định về hợp tác dữ liệu, phân tích và trí tuệ nhân tạo (AI) song phương giữa Giám đốc AI và kỹ thuật số Mỹ Radha Iyengar Plumb cùng Thứ trưởng Công nghệ Singapore Yew Chee Leung.

Các Bộ trưởng tái khẳng định cam kết thúc đẩy động lực lịch sử trong quan hệ đối tác quốc phòng song phương. (Defense.gov)

Trung Đông-châu Phi

* Azerbaijan mở lại Đại sứ quán tại thủ đô Tehran của Iran sau hơn 1 năm ngừng hoạt động, sau các cuộc đàm phán giữa hai nước trong nhiều tháng qua. Trụ sở Đại sứ quán của Azerbaijan đã được chuyển đến địa điểm mới ở Tehran.

Các nhân viên ngoại giao Azerbaijan đã trở lại Iran sau khi Tehran thực hiện các biện pháp thích hợp "để đảm bảo an ninh trước đại sứ quán mới".

Baku quyết định đóng cửa Đại sứ quán tại Iran sau vụ tấn công vũ trang nhằm vào phái đoàn ngoại giao của Azerbaijan ngày 27/1/2023, khiến 1 nhân viên thiệt mạng và 2 người bị thương. (ISNA)

* Xung đột Hamas-Israel: Ngày 15/7, quân đội Israel đã tiến hành một loạt đợt tấn công Dải Gaza từ trên không, trên biển và trên bộ sau hơn 9 tháng bùng phát xung đột.

Nhân chứng cho biết, các khu Tal Al-Hawa, Sheikh Ajlin và Al-Sabra ở thành phố Gaza đã hứng mưa đạn pháo.

Khu vực Al-Mughraqa và vùng ngoại ô phía Bắc trại tị nạn Nuseirat ở trung tâm Dải Gaza, khu vực phía Đông thành phố Khan Younis và phía Tây đô thị Rafah ở Nam Dải Gaza cũng hứng các cuộc tấn công.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gặp hai quan chức chủ chốt của Israel để thảo luận về các cuộc đàm phán đang diễn ra nhằm hướng tới thỏa thuận ngừng bắn giữa quốc gia Trung Đông và Hamas.

Tại cuộc gặp, Cố vấn An ninh quốc gia Israel Tzachi Hanegbi và Bộ trưởng Các vấn đề chiến lược Israel Ron Dermer khẳng định, nước này vẫn cam kết đạt được thỏa thuận ngừng bắn theo các điều khoản được nêu trong đề xuất do Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố hồi cuối tháng 5. (Times of Israel)

* Cuộc gặp của tất cả các phe phái Palestine sẽ diễn ra ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc vào cuối tháng này, theo lời quan chức của Văn phòng chính trị của Hamas Basem Naim ngày 16/7.

Ông Naim cũng bác bỏ thông tin về cuộc gặp song phương riêng biệt giữa phong trào Fatah và Hamas ở Bắc Kinh. (Sputnik)

* Đặc phái viên mới của của Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) tại Iraq là ông Mohamed al Hassan, người Oman.

Ông Al Hassan cũng sẽ đứng đầu Phái bộ Hỗ trợ của LHQ cho Iraq (UNAMI), kế nhiệm bà Jeanine Hennis-Plasschaert người Hà Lan.

Theo tuyên bố của LHQ, ông Al Hassan đảm nhận vị trí này với hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ngoại giao phòng ngừa xung đột và kiến tạo hòa bình. Ông từng là Đại diện thường trực của Oman tại trụ sở LHQ ở New York kể từ năm 2019. (THX)