📞

Tin thế giới 16/9: Ngoại trưởng Triều Tiên thăm Nga, Trung Quốc phát triển UAV chiến đấu tàng hình mới, Houthi bắn hạ UAV đa nhiệm của Mỹ

Nhất Phong 21:26 | 16/09/2024
Nga tuyên bố sẽ tiếp tục chiến dịch tại Ukraine, Mỹ vận hành tàu ngầm tấn công hạt nhân mới, Malaysia bắt gần 300 người nhập cư bất hợp pháp, Phó Thủ tướng Italy đối mặt án tù vì từ chối tàu di cư … là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Ngoại trưởng Triều Tiên Choe Son Hui thăm Nga. (Nguồn: Getty Images)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Châu Á – Thái Bình Dương

*Malaysia bắt gần 300 người nhập cư bất hợp pháp qua biên giới Thái Lan: Chỉ huy Lực lượng tác chiến chung (GOF) Malaysia, Nik Ros Azhan Nik Ab Hamid cho biết Lữ đoàn Tenggara thuộc GOF đã bắt giữ 296 người nhập cư bất hợp pháp từ tháng 1 đến tháng 8/2024, trong đó có 226 nam và 70 nữ.

Hãng thông tấn quốc gia Bernama đưa tin, những người bị bắt nói trên trong độ tuổi từ 17 đến 60, đã xâm nhập bất hợp pháp qua một điểm dọc sông Golok, gần biên giới Malaysia-Thái Lan. Trong số đó, có 201 người Myanmar, 51 người Bangladesh, 24 người Thái Lan, 8 người Ấn Độ, 5 người Rohingya, 4 người Indonesia và 3 người Pakistan.

Trong cùng thời gian trên, GOF cũng bắt giữ 21 người điều phối viên, trong đó có 17 người địa phương. Các tổ chức tội phạm thường đưa người nhập cư vào Malaysia bằng thuyền vào ban đêm hoặc sáng sớm để tránh bị phát hiện. (AFP)

*Ngoại trưởng Triều Tiên thăm Nga: Ngày 16/9, Đại sứ quán Nga tại Bình Nhưỡng thông báo Ngoại trưởng Triều Tiên Choe Son Hui sẽ tới thành phố St. Petersburg, từ ngày 18-20/9, bà sẽ tham dự Diễn đàn phụ nữ Á-Âu.

Trên Telegram, phái bộ ngoại giao Nga xác nhận: "Vào ngày 16/9, Đại sứ Nga (Alexander) Matsegora đã tiễn Ngoại trưởng Choe Son Hui tại sân bay quốc tế Bình Nhưỡng để bay đến thành phố Vladivostok trên chuyến bay thông thường của hãng hàng không Triều Tiên Air Koryo.

Bà Choe Son Hui sau đó sẽ tới St. Petersburg để tham dự Diễn đàn phụ nữ Á-Âu lần thứ 4 và Diễn đàn Phụ nữ BRICS vào các ngày 18-20/9".

Theo Đại sứ quán Nga, dự kiến Ngoại trưởng Choe Son Hui sẽ phát biểu trước các đại biểu dự diễn đàn và tham gia thảo luận. (TASS)

*Trung Quốc phát triển UAV chiến đấu tàng hình mới: Các nhà phân tích quân sự nhận định các thiết bị bay không người lái (UAV) chiến đấu tàng hình mới của Trung Quốc có khả năng sẽ được ghép cặp với máy bay chiến đấu, đóng vai trò là "người đồng hành trung thành" và hoạt động như một "lực lượng nhân lên" cho các hoạt động trên không của nước này.

Trích dẫn hình ảnh vệ tinh từ Planet Labs, trang tin tức quốc phòng The War Zone tuần trước đưa tin một cặp máy bay chiến đấu không người lái GJ-11 Sharp Sword (UCAV) đã hoạt động tích cực hơn trong những tháng gần đây tại Căn cứ không quân Malan ở miền Tây Trung Quốc, được biết đến là trung tâm chính để thử nghiệm UAV. (SCMP)

Châu Âu

*Nga tuyên bố sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine: Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov mới đây tuyên bố Nga sẽ tiếp tục "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine cho đến khi đạt được các mục tiêu đề ra, và nền kinh tế của Nga sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho quân đội.

Ông Peskov đưa ra phát biểu trên trong một cuộc phỏng vấn với nhà báo Pavel Zarubin. Ông nói: "Chúng ta có đủ khả năng quân sự và khả năng kinh tế để hỗ trợ lực lượng vũ trang”. Ông Peskov còn nhấn mạnh rằng chiến dịch này sẽ tiếp tục và tất cả các mục tiêu của nó sẽ được hoàn thành. (TASS)

*Phó Thủ tướng Italy đối mặt án tù vì từ chối tàu di cư: Phó Thủ tướng Italy Matteo Salvini đối mặt với án tù 6 năm vì ngăn chặn một tàu chở hơn 100 người di cư cập cảng vào năm 2019 khi ông còn là Bộ trưởng Nội vụ. Các công tố viên tại thành phố Palermo, miền Nam Italy, đã yêu cầu thẩm phán bỏ tù ông Salvini vì quyết định nói trên.

Hồi năm 2019, con tàu do tổ chức từ thiện Open Arms điều hành đã bị mắc kẹt ở Biển Địa Trung Hải trong 19 ngày khiến một số người di cư đã tự nhảy xuống biển trong tuyệt vọng giữa "tình trạng khẩn cấp nhân đạo cực độ" trên tàu.

Nếu bị kết tội, ông Salvini có thể bị cấm giữ chức vụ trong chính phủ. Ông đã phủ nhận mọi hành vi sai trái và khẳng định sẽ làm lại tất cả để bảo vệ biên giới. (Politico)

*Nga xem việc Ukraine mời LHQ và ICRC thị sát Kursk là hành động khiêu khích: Ngày 16/9, Điện Kremlin coi việc Kiev mời Liên hợp quốc (LHQ) và Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) đến xác minh tình hình tại các khu vực mà Ukraine kiểm soát ở tỉnh Kursk của Nga là "hành động khiêu khích".

Người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố: "Đây thực chất là hành động khiêu khích. Và chúng tôi kỳ vọng vào sự đánh giá tỉnh táo đối với những tuyên bố khiêu khích như vậy" từ LHQ và ICRC.

Trước đó cùng ngày, trên mạng xã hội, Ngoại trưởng Ukraine Andriy Sybiga cho biết ông đã chỉ đạo Bộ Ngoại giao chính thức mời 2 tổ chức quốc tế nói trên tham gia các nỗ lực nhân đạo ở Kursk, đồng thời khẳng định: “Ukraine sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho công việc của họ và chứng minh sự tuân thủ luật nhân đạo quốc tế”. (AFP)

*Tổng thống Ukraine cho biết không có đủ vũ khí cho quân đội: Ngày 15/9, trả lời câu hỏi của phóng viên CNN tại sao Kiev không có đủ vũ khí sau khi nhận gói viện trợ lớn từ Mỹ và nguồn cung từ châu Âu, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky một lần nữa phàn nàn việc các đối tác phương Tây cung cấp vũ khí chậm và không đủ trang bị cho quân đội.

Ngoài ra, theo ông Zelensky, trong thời gian 8 tháng tạm dừng, khi Quốc hội Mỹ không thể đưa ra quyết định về việc hỗ trợ Ukraine, Kiev đã buộc phải sử dụng toàn bộ nguồn dự trữ của mình.

Phía Nga nhiều lần nhấn mạnh việc phương Tây chuyển vũ khí cho Kiev và hỗ trợ huấn luyện quân đội Ukraine chỉ kéo dài xung đột chứ không làm thay đổi tình hình trên chiến trường. (AFP)

*Nga giành lại quyền kiểm soát 2 ngôi làng ở tỉnh Kursk: Hãng thông tấn nhà nước RIA đưa tin Bộ Quốc phòng Nga ngày 16/9 thông báo các lực lượng của họ đã giành lại quyền kiểm soát hai ngôi làng Uspenovka và Borki ở tỉnh Kursk của Nga từ Ukraine.

Ukraine đã kiểm soát một phần tỉnh Kursk của Nga trong cuộc tấn công bắt đầu vào ngày 6/8. (Reuters)

*Moscow cáo buộc Ukraine dàn dựng tấn công để đổ lỗi cho Nga: Cơ quan Tình báo đối ngoại Nga (SVR) ngày 16/9 cho biết Ukraine, dưới sự xúi giục của Mỹ, đang chuẩn bị dàn dựng một cuộc tấn công tên lửa gây thương vong lớn vào một cơ sở dành cho trẻ em để đổ lỗi cho Nga.

Theo SVR, Kiev dự định sử dụng sự kiện dàn dựng trên để biện minh cho việc phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tên lửa để tấn công sâu vào Nga và tăng cường sức ép đối với Iran và Triều Tiên. (Sputniknews)

Trung Đông-châu Phi

*Houthi bắn hạ UAV đa nhiệm của Mỹ: Người phát ngôn quân sự của phong trào Hồi giáo Houthi ở Yemen, ông Yahya Saree ngày 16/9 cho biết lực lượng này đã bắn hạ một máy bay không người lái MQ-9 của Mỹ tại tỉnh Dhamar.

Máy bay không người lái của Mỹ thường được triển khai ở Yemen để không kích các khu vực nghi là nơi ẩn náu của phiến quân. (Reuters)

*Hezbollah tiến hành các hoạt động quân sự nhằm vào Israel: Theo hãng thông tấn Anadolu ngày 15/9, phong trào Hezbollah thông báo đã tiến hành các hoạt động quân sự nhằm vào các mục tiêu Israel dọc biên giới Liban.

Tuyên bố của Hezbollah cho biết đã bắn hàng chục quả rocket Katyusha vào sở chỉ huy tiểu đoàn thiết giáp của Lữ đoàn 188 tại doanh trại Raviv để trả đũa các cuộc tấn công của Israel vào thị trấn Sarafand ở miền Nam Lebanon.

Lực lượng Hezbollah đã sử dụng thiết bị bay không người lái, tấn công trực tiếp và phá hủy một hệ thống kỹ thuật của Israel tại Malkia. Ngoài ra, các tay súng Hezbollah đã sử dụng thiết bị bay không người lái tấn công các binh sĩ Israel đồn trú tại Metula. (Al Jazeera)

*Ít nhất 40 thường dân thiệt mạng trong cuộc tấn công ở miền Trung Sudan: Ít nhất 40 thường dân Sudan đã thiệt mạng ngày 15/9 trong một cuộc tấn công của Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự vào một ngôi làng ở miền Trung nước này.

RSF vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về cuộc tấn công. RSF đã nắm quyền kiểm soát bang Gezira vào tháng 12/2023 sau khi Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) rút khỏi Wad Madani, thủ phủ của bang này.

Cuộc xung đột ở Sudan bùng phát giữa SAF và RSF kể từ ngày 15/4/2023 đã khiến ít nhất 16.650 người thiệt mạng. Theo Liên hợp quốc, khoảng 10,7 triệu người đã phải di dời trong nước, và khoảng 2,2 triệu người phải tị nạn ở các quốc gia láng giềng. (Al Jazeera)

*Iran phủ nhận việc cung cấp tên lửa siêu thanh cho Houthi: Theo Reuters ngày 16/9, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian khẳng định, nước này không gửi tên lửa siêu thanh cho phong trào Houthi ở Yemen.

Tuyên bố trên được Tổng thống Masoud Pezeshkian đưa ra trong cuộc họp báo trên truyền hình, một ngày sau khi phong trào Houthi sử dụng tên lửa để tấn công vào lãnh thổ Israel. Vụ tấn công đã gây ra nhiều thiệt hại vật chất và khiến một số người dân Israel bị thương. (Al Jazeera)

Châu Mỹ

*Điện Kremlin đánh giá về chiến dịch bầu cử Tổng thống Mỹ: Ngày 16/9, Điện Kremlin cho biết nỗ lực ám sát được cho là nhằm vào ông Trump là dấu hiệu cho thấy chiến dịch tranh cử của Mỹ đang "căng thẳng".

Người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh: "Chúng ta có thể thấy tình hình ở đó căng thẳng như thế nào, bao gồm cả giữa các đối thủ chính trị -- cuộc chiến chính trị đang gia tăng.

Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ, nhưng chúng tôi chưa bao giờ can thiệp vào vấn đề này theo bất kỳ cách nào và chúng tôi cũng không can thiệp vào lúc này". (AFP)

*Mỹ lo ngại Ukraine có thể thua ngay trong mùa Đông này: Trang mạng Politico bình luận các nước phương Tây, trước hết là Mỹ, đang rất lo lắng về nguy cơ Ukraine có thể thua trong mùa Đông này. Chính lo ngại về điều này có thể thúc đẩy Washington dỡ bỏ hạn chế đối với các cuộc tấn công sâu trong lãnh thổ Nga bằng tên lửa phương Tây.

Theo trang mạng của Mỹ, mùa Đông sắp tới có thể là bước ngoặt, Ukraine đang trên bờ vực sụp đổ về năng lượng và Nga đang thể hiện sẵn sàng tấn công những gì còn sót lại của ngành năng lượng Ukraine.

Trong bối cảnh đó, Kiev hy vọng lo ngại về một kết quả như vậy sẽ lấn át lo ngại của Washington về việc leo thang hơn nữa và Mỹ vẫn sẽ tạo cơ hội cho Ukraine tấn công tên lửa sâu vào lãnh thổ Nga. Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky còn cho rằng ý tưởng chữa cháy này có thể giải quyết được nhiều vấn đề, kể cả việc buộc Nga ngồi vào bàn đàm phán theo các điều kiện của Ukraine. (Politico)

*Venezuela bắt thêm 3 nghi phạm có âm mưu ám sát: Phó Tổng thống kiêm Bộ trưởng Nội vụ Venezuela Diosdado Cabello ngày 15/9 cho biết 2 công dân Mỹ và 1 công dân CH Czech đã bị bắt giữ tại Venezuela vì tình nghi có kế hoạch đưa một nhóm lính đánh thuê từ Pháp và Đông Âu vào nước này để loại bỏ các nhà lãnh đạo chính trị hàng đầu Venezuela.

Trước đó một ngày, ông Cabello cho biết các nhà chức trách đã bắt giữ 2 công dân Tây Ban Nha và 1 công dân Mỹ vì tình nghi có kế hoạch ám sát thị trưởng thành phố Upata.

Ngày 14/9, ông Cabello thông báo đã tịch thu hơn 400 khẩu súng trường và súng lục được sử dụng với mục đích gây bất ổn tình hình Venezuela và bắt giữ 14 người trong đó có 1 quân nhân Mỹ, 2 người Tây Ban Nha và 1 người Czech. (Sputnik)

*Tình báo Mỹ thông báo cho ông Trump về mối đe dọa ám sát từ Iran: Kênh truyền hình CNN ngày 15/9, trích dẫn các nguồn tin đáng tin cậy, cho biết các cơ quan tình báo Mỹ gần đây đã thông báo cho đội ngũ chiến dịch tranh cử của ứng cử viên tổng thống Donald Trump về mối đe dọa ám sát từ Iran.

Theo CNN, đội ngũ chiến dịch tranh cử của ông Trump đã được thông báo về những dấu hiệu mới cho thấy Iran đang có kế hoạch tăng cường các cuộc tấn công nhằm vào chính trị gia này và các thành viên trong đoàn tùy tùng của ông.

Trước đó cùng ngày, các sĩ quan mật vụ Mỹ đã nổ súng sau khi nhìn thấy một người mang súng gần câu lạc bộ golf của cựu Tổng thống Trump tại bang Floriada, nhưng không có thương tích nào được báo cáo. Nghi phạm đã bỏ trốn trên một chiếc ô tô thể thao đa dụng (SUV) và bị bắt giữ ở hạt Martin.

Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã tham gia cuộc điều tra và các nhà chức trách Mỹ đang coi vụ việc là một âm mưu ám sát Trump. (Sputnik)

*Mỹ vận hành tàu ngầm tấn công hạt nhân mới: Kênh truyền hình Fox News đưa tin Hải quân Mỹ đã đưa vào vận hành tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia mới USS New Jersey.

Lễ phiên chế tàu ngầm cho Hải quân Mỹ diễn ra ngày 15/9 tại Căn cứ Hải quân Earle ở New Jersey. Tàu ngầm này có biệt danh không chính thức là "Cô gái Jersey", nội thất của tàu được trang trí bằng các áp phích và những đồ vật biểu trưng cho bang, trong đó có cây đàn guitar có chữ ký của ca sĩ nổi tiếng Jon Bon Jovi.

Được biết tàu ngầm đạt chiều dài 115 m, có thể lặn tới độ sâu hơn 250 m và đạt tốc độ hơn 25 hải lý/giờ. (Fox News)