📞

Tin thế giới 17/1: Nga tính tăng quân số, EU nêu quan điểm về Trung Quốc

Minh Vương 20:32 | 17/01/2023
Giám đốc tình báo Nga-Mỹ có thể sớm gặp gỡ, Thủ tướng Pakistan đề xuất hội đàm với Ấn Độ, Nhật Bản phát triển tên lửa với đầu đạn chuyển đổi… là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho rằng EU nên hợp tác với Trung Quốc về công nghệ xanh. (Nguồn: Reuters)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Nga-Ukraine

* Cuộc trao đổi tù binh lớn nhất giữa Nga và Ukraine sắp diễn ra: Theo thông tin từ Thổ Nhĩ Kỳ, trong những ngày tới, cuộc trao đổi tù binh lớn nhất giữa Nga và Ukraine sẽ diễn ra. Cụ thể, Moscow và Kiev đã thống nhất một kế hoạch trao đổi tù nhân theo ba giai đoạn. Trước đây, các cuộc trao đổi tù nhân trước đây hầu như luôn được thực hiện theo công thức “1 đối 1”, nhưng giờ đây việc trao đổi sẽ diễn ra theo công thức trao đổi “4 đối 1” – cụ thể, Nga trao trả cho Ukraine 800 quân nhân, trong khi Moscow nhận từ Kiev 200 quân nhân và tình nguyện viên bị giam giữ. Danh sách trao đổi tù binh đang được cả Ukraine và Nga soạn thảo.

Tuy nhiên, vẫn chưa có bất kỳ tuyên bố chính thức nào từ Nga, trong khi vẫn chưa biết có bao nhiêu binh sĩ và tình nguyện viên Nga bị giam giữ. Trước đó, Kiev tuyên bố khoảng 3.500 binh sĩ của nước này đang bị Moscow giam giữ. (TTXVN)

* Nga có thể tăng quân lên 1,5 triệu người: Ngày 17/1, Bộ Quốc phòng Nga thông báo: “Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã tổ chức họp với Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang và các tư lệnh Nga về thực thi quyết định của Tổng thống Vladimir Putin nhằm tăng quân số của quân đội Nga lên 1,5 triệu người”. Theo ông Shoigu, những thay đổi như trên cũng sẽ cần được đồng bộ hóa với hoạt động cung cấp vũ khí và xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết. Dự kiến, thay đổi này sẽ diễn ra trong giai đoạn 2023-2026.

Theo ông Shoigu, để bảo đảm tăng quân số, quân đội Nga sẽ chú ý đến việc tuyển dụng các nhà thầu, bảo đảm cung cấp thiết bị kịp thời, cũng như gia tăng các bãi chôn lấp tại các quân khu hiện có và vùng lãnh thổ Nga mới tuyên bố sáp nhập. (Sputnik)

* Châu Âu sẽ không ngừng hỗ trợ Ukraine: Phát biểu tại phiên họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Davos (Thụy Sĩ) ngày 17/1, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nêu rõ: “Chúng tôi sẽ không từ bỏ sự hỗ trợ kiên định của mình cho Ukraine, từ khôi phục hệ thống điện, nước và sưởi ấm cho đến công tác chuẩn bị cho nỗ lực tái thiết lâu dài. Chúng tôi tham gia công cuộc này - miễn là nó diễn ra và luôn sát cánh với những người bạn Ukraine”. (AFP)

* Anh tìm kiếm sự ủng hộ về viện trợ vũ khí hạng nặng cho Ukraine: Ngày 17/1, Ngoại trưởng Anh James Cleverly đã bắt đầu chuyến thăm hai ngày (17-18/1) tới Mỹ và Canada. Dự kiến, ông sẽ hội đàm và họp báo chung với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken ngày 17/1, trước khi tới Toronto và hội đàm với người đồng cấp Canada Melanie Joly ngày sau đó. Trong chuyến thăm đầu tiên tới Bắc Mỹ trên cương vị Ngoại trưởng, ông sẽ nỗ lực lôi kéo sự ủng hộ về nỗ lực gửi vũ khí hạng nặng tới Ukraine. Theo Bộ Ngoại giao Anh, Ngoại trưởng Cleverly sẽ nhấn mạnh “giờ là lúc để tiến xa và nhanh hơn trong việc cung cấp cho Ukraine những công cụ để giành chiến thắng. Với trang thiết bị phù hợp, người dân Ukraine sẽ giành chiến thắng”.

Ông Cleverly cũng sẽ nêu các vấn đề liên quan đến Iran với hai người đồng cấp, đồng thời cho thấy nỗ lực của nước Anh về tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). (Sputnik)

* Phần Lan mong sớm có thể vận chuyển xe tăng Leopard tới Ukraine: Phát biểu bên lề WEF tại Davos (Thụy Sĩ) ngày 17/1, Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto nhấn mạnh: “Chúng tôi hiện đang thảo luận chuyên sâu về những gì chúng tôi có thể làm để giúp Ukraine, trong đó có vấn đề về cung cấp xe tăng Leopard. Tôi hy vọng quyết định sẽ sớm được đưa ra và Phần Lan sẵn sàng góp sức cho chiến dịch này”.

Trước đó cùng ngày, các đồng minh của Đức đã gia tăng sức ép đối với Thủ tướng Olaf Scholz, buộc nước này phải cho phép việc cung cấp xe tăng Leopard do Đức chế tạo cho Ukraine. Cho tới nay, Berlin vẫn phản đối với lý lẽ rằng các loại xe tăng của phương Tây chỉ được phép chuyển giao cho Ukraine khi có sự đồng thuận giữa các đồng minh chính của Kiev, nhất là từ phía Mỹ. (Reuters)

Mỹ-Nga

* Giám đốc tình báo Nga và Mỹ có thể sớm gặp gỡ: TASS (Nga) dẫn lời Giám đốc Cơ quan tình báo nước ngoài của Nga (SVR) Sergei Naryshkin ngày 17/1 cho rằng có thể có một buộc gặp nữa với Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) William Burns. Theo ông Naryshkin, cuộc gặp gần đây nhất với quan chức hàng đầu của cơ quan tình báo Mỹ diễn ra ở Ankara hồi tháng 11 năm ngoai đã có kết quả khi cho phép phía Nga trình bày rõ lập trường của mình. Về phần mình, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov thì cho rằng nếu diễn ra, cuộc gặp trên sẽ “có ý nghĩa”, song không rõ thời điểm của sự kiện này.

Ngoài ra, người đứng đầu SVR cho biết Nga đã hợp tác “chưa từng có” với phía Trung Quốc, bao gồm trao đổi lượng lớn thông tin tình báo hoạt động và tín hiệu. Ngoài ra, quan chức khẳng định, Nga đang xây dựng kết nối tình báo rộng lớn với đồng minh Iran. Giám đốc SVR cho hay ông cũng từng đối thoại với người đứng đầu nhiều cơ quan tình báo châu Âu về tình hình ở Ukraine. (Reuters)

Mỹ-Trung

* Trung Quốc hoan nghênh chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ: Phát biểu tại họp báo thường kỳ ngày 17/1 về thông tin ông Blinken có thể thăm Bắc Kinh ngày 5/2, người phát ngôn Trung Quốc Uông Văn Bân nêu rõ: “Trung Quốc hoan nghênh chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Blinken đến nước này. Trung Quốc và Mỹ đang tiếp xúc với nhau về kế hoạch chuẩn bị cụ thể cho chuyến thăm”.

Trước đó, tờ Politico (Mỹ) đưa tin ông Blinken sẽ gặp người đồng cấp Trung Quốc Tần Cương tại Bắc Kinh ngày 5-6/2. Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên đến Trung Quốc của một Ngoại trưởng Mỹ kể từ tháng 10/2018, khi Ngoại trưởng Mỹ khi đó, ông Mike Pompeo đã tiếp xúc với người đồng cấp Vương Nghị. (TTXVN)

Đông Bắc Á

* Nhật Bản chuẩn bị phát triển tên lửa hành trình với đầu đạn chuyển đổi: Yomiuri Shimbun (Nhật Bản) dẫn các nguồn thạo tin xác nhận Tokyo đã quyết định phát triển tên lửa hành trình có khả năng mang theo các loại đầu đạn khác nhau để phục vụ những nhiệm vụ riêng biệt với tầm bắn hơn 1.000 km.

Theo đó, quân đội Nhật Bản sẽ có thể lắp ba loại đầu đạn khác nhau trên tên lửa hành trình mới này để thực hiện các nhiệm vụ như tấn công, trinh sát và gây nhiễu hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương. Tên lửa được cho là sẽ được phóng đi từ các phương tiện cơ giới có khả năng cơ động cao. Loại tên lửa hành trình mới, có một số bộ phận đã được phát triển từ năm 2018, chủ yếu được sử dụng trong tình huống khẩn cấp để tiêu diệt tàu địch có âm mưu tấn công các hòn đảo.

Dự kiến, chương trình phát triển tên lửa nguyên mẫu có thể được khởi động sớm nhất vào năm tài chính tiếp theo (1/4/2023-31/3/2024). (Sputnik)

Nam Á

* Thủ tướng Pakistan đề xuất hội đàm với người đồng cấp Ấn Độ: Trả lời phỏng vấn của kênh tin tức Al Arabiya (Saudi Arabia) ngày 17/1, Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif nêu rõ: “Thông điệp của tôi gửi tới lãnh đạo Ấn Độ và Thủ tướng Narendra Modi là hãy cùng ngồi vào bàn để đàm phán chân thành và nghiêm túc nhằm giải quyết các vấn đề giữa hai nước, như Kashmir”.

Ông cũng cho biết đã nêu đề xuất trên với Tổng thống Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Sheikh Mohammed bin Zayed trong chuyến công du tới UAE vừa qua. Theo ông, UAE có thể đóng vai trò quan trọng để đưa cả hai nước trở lại đàm phán. Trước đó, đàm phán chính thức giữa hai nước đã đã bị đình chỉ, đặc biệt, trong số đó có một cuộc đàm phán do UAE làm trung gian vào năm 2021. (TTXVN)

Châu Âu

* EU cần hợp tác thay vì tách khỏi Trung Quốc: Phát biểu tại WEF ở Davos (Thụy Sĩ), Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho rằng Liên minh châu Âu (EU) cần hợp tác và giao thương với Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ sạch và thúc đẩy sân chơi bình đẳng, thay vì tìm cách tách khỏi nước này.

Theo bà, với Trung Quốc, việc đẩy mạnh hoạt động đổi mới và sản xuất công nghệ sạch đã trở thành ưu tiên quan trọng trong kế hoạch 5 năm của nước này, qua đó chiếm ưu thế trong các lĩnh vực như xe điện và tấm pin mặt trời. Trong bối cảnh đó, châu Âu cần tập trung vào giảm thiểu rủi ro, thay vì tách rời nền kinh tế Trung Quốc. Điều này có nghĩa là sử dụng các công cụ phòng thủ nội địa và thương mại trong khuôn khổ EU như quy định trợ cấp nước ngoài được thực thi gần đây. Bà von der Leyen cũng tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không ngần ngại mở các cuộc điều tra nếu xét thấy hoạt động mua sắm của chúng tôi hoặc các thị trường khác đang bị bóp méo bởi chính sách trợ cấp tương tự”. (Reuters)

* NATO triển khai máy bay do thám tới Romania: Ngày 17/1, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã triển khai các máy bay cảnh báo và kiểm soát (AWACS) tới Romania nhằm củng cố sườn phía Đông của khối và giám sát hoạt động của quân đội Nga. Trước đó, Ngày 12/1, người phát ngôn NATO Oana Lungescu tuyên bố khối “quyết tâm bảo vệ từng tất đất lãnh thổ của đồng minh” khi “hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine tiếp tục đe dọa hòa bình và an ninh châu Âu”. Theo đó, các máy bay AWACS “có thể phát hiện máy bay cách xa hàng trăm km và là nhân tố chủ chốt đối với phòng thủ và răn đe của NATO”.

Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát hồi năm ngoái, NATO đã tăng cường sự hiện diện trên không ở Đông Âu và Baltic, bao gồm máy bay chiến đấu, máy bay do thám và máy bay tiếp nhiên liệu. Các máy bay AWACS được triển khai đến Romania thuộc phi đội gồm 14 chiếc của NATO có trụ sở tại Đức. Hiện có khoảng 180 nhân viên quân sự được triển khai để hỗ trợ hoạt động này. (TTXVN)

Trung Đông-Châu Phi

* Hơn 90 nước kêu gọi Israel dỡ bỏ trừng phạt người Palestine: Ngày 17/1, báo chí Israel đưa tin trên 90 thành viên Liên hợp quốc, trong đó có các nước cộng đồng các nước Arab và Hồi giáo, cùng nhiều quốc gia châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Brazil, Nam Phi, ngày 16/1 đã kêu gọi Israel bãi bỏ trừng phạt với người Palestine để trả đũa kiến nghị trước đó của chính quyền Palestine (PA).

Thông báo nêu rõ: “Bỏ qua quan điểm của mỗi nước đối với nghị quyết, chúng tôi phản đối các biện pháp trừng phạt nhằm mục đích phản ứng trước đề nghị Tòa án Công lý quốc tế phán xét về một vấn đề, và rộng hơn, nhằm phản ứng trước một nghị quyết của Đại hội đồng và kêu gọi bãi bỏ chúng ngay lập tức”.

Cuối tháng trước, Đại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết do Palestine đề xuất, yêu cầu Tòa án Công lý quốc tế điều tra hành vi của Israel với người Palestine, bao gồm chiếm đóng và sáp nhập lãnh thổ. Đáp lại, Israel đã tịch thu một số khoản tiền của PA và thu hồi giấy phép đặc biệt cho một số quan chức PA. (TTXVN)