Các bên đã nhất trí gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen. (Nguồn: Reuters) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày 17/11.
Vụ tên lửa rơi ở Ba Lan
* Nga-Ukraine tranh cãi về tên lửa rơi ở Ba Lan, Mỹ nói gì?: Ngày 16/11, liên quan tới vụ tên lửa rơi ở Ba Lan, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định: “Chúng tôi cho rằng một cuộc điều tra khách quan và kết quả sẽ vạch trần hành động khiêu khích”.
Điện Kremlin nhận định phản ứng công khai “thái quá” của một số nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cho rằng truyền thông nước ngoài đã lặp lại tuyên bố sai sự thật rằng Nga có thể là thủ phạm.
Về phần mình, ngày 17/11, sau cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba tuyên bố: “Chúng tôi thống nhất quan điểm rằng Nga phải chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với vụ tấn công khủng bố bằng tên lửa cũng như hậu quả của nó trên lãnh thổ Ukraine, Ba Lan và Moldova".
Trước đó, phía Warsaw, Washington và NATO cũng nhấn mạnh Moscow phải là bên chịu trách nhiệm cuối cùng vì tấn công Ukraine, mặc dù tên lửa được nhận định là thuộc hệ thống phòng không của Ukraine.
Phát biểu với các phóng viên tại Nhà Trắng ngày 17/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phản bác bình luận của người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky rằng tên lửa rơi ở Ba Lan không có nguồn gốc từ Ukraine. (AFP, Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Ba Lan cam kết với Ukraine một điều bất chấp vụ rơi tên lửa, Kiev nói đợi mãi mà Nga 'không liên lạc' |
Nga-Ukraine
* Nga và Ukraine xác nhận gia hạn thỏa thuận ngũ cốc: Ngày 17/11, Bộ Ngoại giao Nga đã xác nhận gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen thêm 120 ngày, bắt đầu từ ngày 18/11, mà không có bất kỳ thay đổi nào so với thỏa thuận hiện hành.
Trước đó cùng ngày, viết trên Twitter, Bộ trưởng cơ sở hạ tầng Ukraine Oleksandr Kubrakov cho biết: “Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen sẽ kéo dài thêm 120 ngày”.
Một quan chức cấp cao giấu tên của Thổ Nhĩ Kỳ cũng xác nhận thông tin trên và cho hay, thỏa thuận được gia hạn theo các điều khoản hiện tại”, do xét tới tình hình mùa Đông sắp đến và có thể “có thỏa thuận mới” sau khi mùa Đông kết thúc. (AFP, Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Thỏa thuận ngũ cốc: Nga nêu điều kiện gia hạn với phương Tây, Liên hợp quốc, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ ‘xắn tay’ vào cuộc |
Đông Bắc Á
* Hàn Quốc nói về khả năng sở hữu vũ khí hạt nhân để đối phó Triều Tiên: Phát biểu ngày 17/11, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kwon Young-se tuyên bố, cần tiếp tục các nỗ lực đối thoại, vì mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Theo ông, việc Triều Tiên thử hạt nhân có thể chưa phải là “nhu cầu cấp bách” và sẽ phụ thuộc vào kết quả Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 3/2023.
Khẳng định Seoul không có kế hoạch mua vũ khí hạt nhân, song quan chức trên cũng nhấn mạnh rằng, nếu quan hệ liên Triều tiếp tục chuyển biến xấu và người dân Hàn Quốc ủng hộ mạnh mẽ việc sở hữu vũ khí hạt nhân, nước này có thể sẽ đưa ra quyết định tương ứng, bao gồm các hoạt động triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ.
Phản ứng về vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên, trong phát biểu cùng ngày, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno nhấn mạnh: “Chúng tôi hiện không bình luận về thông tin do truyền thông đăng tải. Thay vào đó, chúng tôi sẽ tiến hành thu thập và phân tích thông tin cùng với sự hợp tác của Mỹ và Hàn Quốc”. (Sputnik)
TIN LIÊN QUAN | |
Triều Tiên lại phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn, Mỹ thúc giục Trung Quốc 'phải hành động' |
Trung Á
* Kazakhstan muốn tăng cường hợp tác với EU: Ngày 17/11, tiếp Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Josep Borrell tại Astana, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã hoan nghênh nỗ lực tăng cường quan hệ song phương.
Ông nhấn mạnh: “Về vấn đề này, tôi muốn lưu ý, chuyến thăm của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và cuộc hội đàm giữa tôi với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã diễn ra hiệu quả. Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã đạt được sự hiểu biết chung về nhiều vấn đề liên quan hoạt động hợp tác song phương”.
Tổng thống Tokayev cũng khẳng định, chuyến thăm của ông Borrell đóng vai trò đặc biệt quan trọng, đồng thời tuyên bố thỏa thuận song phương về tăng cường quan hệ đối tác và hợp tác đã đánh dấu sự khởi đầu của giai đoạn mới nhằm đẩy mạnh hợp tác trong tất cả các lĩnh vực.
Về phần mình, cảm ơn sự tiếp đón trọng thị của ông Tokayev, ông Josep Borrell ghi nhận những động lực tích cực trong phát triển quan hệ giữa Astana và EU.
Trong khuôn khổ cuộc gặp, hai bên đã thảo luận về triển vọng hợp tác kinh tế và đầu tư song phương. (Sputnik)
TIN LIÊN QUAN | |
Học giả Pháp: Kazakhstan định vị ở đâu trong quan hệ Trung-Nga? |
Đông Nam Á
* Trung Quốc phản đối tâm lý chiến tranh lạnh, kêu gọi hội nhập nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương: Ngày 17/11, trong phát biểu bằng văn bản được gửi tới Hội nghị CEO Summit trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2022 tại thủ đô Bangkok, Thái Lan, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng, các hành vi gây leo thang xung đột và bóp méo chuẩn mực quốc tế “đều đã quá phổ biến”, đồng thời kêu gọi toàn thế giới cần phản đối tâm lý chiến tranh lạnh và đối đầu giữa các khối.
Đồng thời, nhà lãnh đạo này nhấn mạnh chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ và mọi ý đồ chính trị hóa cũng như vũ khí hóa quan hệ kinh tế thương mại và kinh tế cần được bác bỏ.
Chủ tịch Trung Quốc khẳng định, châu Á-Thái Bình Dương không phải sân sau của bất kỳ ai và không nên trở thành đấu trường cho sự tranh giành quyền lực của các siêu cường.
Về hợp tác kinh tế, ông cho rằng, trước những diễn biến mới, các nền kinh tế thành viên APEC cần rút ra kinh nghiệm và bài học trong quá khứ, ứng phó với các thách thức của thời đại, từ đó kiên định thúc đẩy mục tiêu hội nhập kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Chủ tịch Trung Quốc cũng kêu gọi các nền kinh tế tạo ra nền tảng mới cho mục tiêu phát triển và xây dựng cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương chung vận mệnh: “Chúng ta cần theo đuổi con đường phát triển hòa bình, cởi mở, bao trùm và đoàn kết”. (AFP, Tân Hoa xã)
* Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sắp thăm Indonesia: Ngày 16/11, Bộ Quốc phòng cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin sẽ thăm Indonesia ngày 18/11 nhằm xác định phương hướng hợp tác quân sự hai nước.
Chuyến công du của ông Austin còn hướng tới thúc đẩy các sáng kiến song phương quan trọng, qua đó thực hiện mục tiêu hiện đại hóa quân đội Indonesia.
Ngoài Indonesia, người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng sẽ có chuyến thăm Canada và Campuchia. (Sputnik)
TIN LIÊN QUAN | |
Chính thức khai mạc Tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 29 tại Thái Lan |
Trung Đông-châu Phi
* Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất giải pháp về bảo đảm thiếu lương thực châu Phi: Ngày 17/11, phát biểu trên chuyên cơ trở về từ Bali, Indonesia, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết, hiện ngũ cốc của Nga được giao miễn phí tới các quốc gia như Mali, Djibouti, Sudan và Somalia. Ngoài ra, Ankara có thể chế biến ngũ cốc Nga thành bột mỳ trước khi chuyển sang châu Phi.
Ông Erdogan khẳng định: “Đây là hoạt động cứu trợ lớn lao cho các nước châu Phi".
Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen chúc mừng Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và ông Erdogan vì đã giúp gia hạn thành công thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen.
Ngoại trưởng Anh James Cleverly cùng nhiều quan chức phương Tây khác cũng đã gửi lời chúc mừng thỏa thuận được gia hạn thêm 4 tháng. (Reuters, Sputnik)
| Trung Quốc nỗ lực giảm thải khí methane Trung Quốc dự thảo kế hoạch mới nhằm kiểm soát lượng khí thải methane đang gia tăng, nhưng nhiều thách thức vẫn đang ở phía ... |
| Ấn Độ đắn đo trong việc mua dầu của Nga, lo ngại áp lực từ lệnh trừng phạt Các doanh nghiệp dầu khí của Ấn Độ đang đưa ra các phản ứng khác nhau trong việc mua dầu từ Nga. |
| Chính sách đối ngoại Mỹ hậu bầu cử giữa kỳ có gì khác? Mặc dù có thể đi kèm một số điều chỉnh nhỏ, song về cơ bản, chính sách đối ngoại của Mỹ sau bầu cử giữa ... |
| Ba Lan 'bỏ ngoài tai' lệnh cấm dầu Nga của EU? Ba Lan dự kiến sẽ tiếp tục mua dầu thô của Nga thông qua tuyến đường ống Druzhba trong năm 2023. |
| Xung đột ở Ukraine: Mỹ trừng phạt loạt doanh nghiệp Nga và Iran, công ty an ninh Wagner vào ‘danh sách đen’ Ngày 15/11, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những công ty bị nước này cáo buộc dính líu đến hoạt ... |