Bầu cử Mỹ 2020
Ông Trump "mừng hụt" ở Michigan
Tối 17/11, Hội đồng kiểm phiếu hạt Wayne, bang Michigan, đã nhất trí công nhận kết quả kiểm phiếu tại địa phương ngay trước thời hạn chót.
Đây là diễn biến đảo ngược tình huống gây sốc khi trước đó ít giờ, hai thành viên thuộc đảng Cộng hòa trong số 4 thành viên của Hội đồng đã cố gắng chặn việc xác nhận kết quả bầu cử.
Theo kết quả kiểm phiếu, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden dẫn trước Tổng thống Donald Trump ở Wayne với số phiếu lần lượt là hơn 5787.000 phiếu và hơn 264.000 phiếu. Tại bang Michigan nói chung, ông Biden giành được nhiều hơn ông Trump 140.000 phiếu.
Ngay sau khi có thông tin ban đầu về việc kết quả bầu cử bị chặn lại tại hạt Wayne, Tổng thống Donald Trump đã lên Twitter ca ngợi diễn biến này: "Bang Michigan vừa từ chối xác nhận kết quả bầu cử! Dũng cảm là một điều đẹp đẽ".
Chiến dịch của ông Trump thậm chí coi đây là cơ hội để đảo ngược kết quả bầu cử ở Michigan bởi nếu "không có hạt Wayne thì thế dẫn trước của ông Biden tại Michigan sẽ lật ngược thành ông Trump dẫn 177.000 phiếu".
Thay đổi vào phút chót của Hội đồng kiểm phiếu hạt Wayne khiến ông Trump và các đồng minh “mừng hụt”. Tổng thống Trump chưa có thêm phản ứng sau tin hạt Wayne thông qua kết quả bầu cử. (Politico)
Ông Trump tiếp tục nhận tin buồn từ Pennsylvania
Ngày 17/11, với 5 phiếu thuận và 2 phiếu chống, Tòa án tối cao Pennsylvania đã ra phán quyết rằng, giới chức bầu cử thành phố Philadelphia không vi phạm luật khi yêu cầu các quan sát viên giữ khoảng cách ít nhất 4,5m với nhân viên trong phòng kiểm phiếu, qua đó bác khiếu nại từ đội ngũ tranh cử của ông Trump.
Đây có thể coi là phán quyết đảo ngược chiến thắng hiếm hoi trước đó của chiến dịch của ông Trump khi một tòa án cấp thấp hơn ra phán quyết nói rằng, các quan sát viên có quyền được tiếp cận nhân viên kiểm phiếu ở cự ly 2m.
Phán quyết của Tòa án tối cao Pennsylvania có thể làm suy yếu cuộc chiến pháp lý mà đội ngũ của ông Trump đang theo đuổi khi phần lớn các vụ kiện xoay quanh khiếu nại việc quan sát viên chỉ được phép tiếp cận nhân viên kiểm phiếu ở cự ly quá xa (khoảng 4,5m đến 6m). (The Guardian)
"Niềm vui nhỏ" sau chuỗi tin buồn, Georgia tiếp tục phát hiện gần 3.000 phiếu bị sót
Ngày 18/11, hãng tin AP đưa tin, hạt Fayette, Georgia đã phát hiện ra 2.755 phiếu bầu chưa được tính trong lần kiểm phiếu đầu tiên, trong đó có 1.577 phiếu bầu cho ông Trump, 1.128 phiếu bầu cho ông Joe Biden, 50 phiếu cho ứng viên khác.
Theo đại diện văn phòng Tổng thư ký Georgia Gabriel Sterling, các quan chức bầu cử ở hạt này đã quên tải thông tin phiếu bầu từ một thẻ nhớ lên hệ thống.
Trước đó, hôm 16/11, bang này công bố, hạt Floyd đã phát hiện hơn 2.500 phiếu quên chưa được kiểm. Tổng cộng, sau khi điều chỉnh lại phiếu ở cả 2 hạt, ông Biden hiện dẫn trước ông Trump 13.000 phiếu.
Georgia phát hiện ra sự cố trên khi họ đang tiến hành kiểm lại hơn 5 triệu phiếu bằng tay, sau khi lần kiểm phiếu đầu tiên cho thấy ông Biden chỉ dẫn trước ông Trump 0,3 điểm phần trăm, tương đương 14.000 phiếu.
Phía Georgia nhấn mạnh họ chưa tìm thấy bất cứ bằng chứng nào cho thấy có gian lận bầu cử trên diện rộng. (AP)
Tổng thống Trump sa thải quan chức an ninh bác cáo buộc gian lận bầu cử diện rộng
Ngày 17/11, Tổng thống Trump cho biết đã sa thải Giám đốc Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng Chris Krebs, thuộc Bộ An ninh nội địa Mỹ (DHS).
Trên Twitter thông báo sự việc này, ông Trump cho hay: "Tuyên bố mới đây của Chris Krebs về vấn đề an ninh của cuộc bầu cử 2020 là vô cùng không chính xác, trong đó có nhiều sai phạm và gian lận trên diện rộng. Vì thế, Chris Krebs bị cách chức Giám đốc cơ quan an ninh mạng và an ninh hạ tầng. Điều này có hiệu lực ngay lập tức".
Tuần trước, cơ quan An ninh mạng và an ninh hạ tầng của ông Krebs đã đưa ra một tuyên bố từ liên minh các quan chức an ninh mạng liên bang và tiểu bang rằng, không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy việc phiếu bầu bị giả mạo và "cuộc bầu cử ngày 3/11 là an toàn nhất trong lịch sử". (Reuters)
Nagorno-Karabakh
Thượng viện Nga cho phép sử dụng lực lượng vũ trang tại Nagorno-Karabakh
Ngày 18/11, Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga đã thông qua một nghị quyết cho phép Tổng thống Nga triển khai binh sỹ tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh từ ngày 10/11.
Theo nghị quyết này, Tổng thống Nga sẽ được phép triển khai binh sỹ trang bị vũ khí, trang thiết bị quân sự cần thiết và những thiết bị đặc biệt tới Nagorno-Karabakh bắt đầu từ ngày 10/11, theo tuyên bố chung giữa Tổng thống Azerbaijan, Thủ tướng Armenia và Tổng thống Nga được ký kết hôm 9/11.
Việc triển khai lực lượng vũ trang Nga đảm bảo sự phù hợp với các thỏa thuận về chấm dứt chiến tranh và các hành động thù địch khác từ phía Azerbaijan và Armenia nhằm ngăn chặn thương vong và phá hủy nghiêm trọng cơ sở hạ tầng dân sự. (TASS)
Sau sức ép liên quan Nagorno-Karabakh, Thủ tướng Armenia tuyên bố cải tổ Chính phủ
Ngày 18/11, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã trình bày lộ trình 15 điểm công việc tiếp theo, đồng thời tuyên bố ông sẽ bắt đầu những thay đổi trong thành phần Chính phủ.
Ông Pashinyan viết trên Facebook: “Tôi nhấn mạnh rằng tôi coi mình là người chịu trách nhiệm chính về tình hình hiện nay, nhưng tôi cũng là người chịu trách nhiệm chính trong việc thiết lập sự ổn định và an ninh của đất nước. Vì vậy, tôi trình bày một lộ trình và để thực hiện nó, tôi đã khởi xướng những thay đổi trong thành phần Chính phủ”.
Trong số các biện pháp do Thủ tướng Pashinyan đề xuất có việc nối lại các cuộc đàm phán về quy chế của Nagorno-Karabakh, cải tổ các lực lượng vũ trang Armenia, khôi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19, cải cách hệ thống bầu cử và lập ra thiết chế xét xử chuyên trách để chống tham nhũng. (Reuters)
Israel-Palestine
Đức, Saudi Arabia lên án hành động của Israel ở Đông Jerusalem
Ngày 17/11, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về quyết định của Israel tổ chức mời thầu xây dựng 1.257 đơn vị nhà ở định cư mới tại Đông Jerusalem, cho rằng việc này vi phạm các nghị quyết quốc tế.
Cùng ngày, phát biểu với các phóng viên tại Berlin sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Palestine Riyad al-Maliki, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã lên tiếng cảnh báo các bước đi đơn phương có thể tác động tiêu cực tới đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine, trong bối cảnh thay đổi Chính phủ tại Mỹ.
Ông Maas không nêu cụ thể các hành động đơn phương, nhưng trước đó, văn phòng Bộ Ngoại giao Đức đã chỉ trích việc Israel mời thầu xây dựng nhà ở định cư mới tại Đông Jerusalem là "một bước đi gửi tín hiệu sai lầm tại thời điểm sai lầm".
Cùng ngày, chính quyền Palestine (PA) cho biết, sẽ nối lại hợp tác an ninh và dân sự với Israel ở khu Bờ Tây, sau "các cuộc tiếp xúc chính trị" của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. (Reuters, AP)
Tình hình Afghanistan
Phương Tây đặt 10 điều kiện để hỗ trợ bền vững cho Afghanistan
Ngày 17/11, Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc Anh, Mỹ và một số quốc gia đã công bố 10 điều kiện để tiếp tục chương trình hỗ trợ phát triển của họ cho Afghanistan trong bối cảnh các cuộc đàm phán hòa bình Kabul-Taliban đang diễn ra ở Qatar.
Trong số các bên cùng ký kết văn kiện này còn có Australia, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Italy, Nhật Bản, Hà Lan, Na Uy và Thụy Điển. EU và các quốc gia kể trên cung cấp khoảng 80% tổng hỗ trợ phát triển dành cho Afghanistan.
Các bên ký kết đã phác thảo loạt yếu tố trọng yếu cần tính đến khi xem xét tiếp tục giúp đỡ phát triển và hỗ trợ ngân sách cho Afghanistan gồm:
Một tiến trình hòa bình toàn diện do người Afghanistan lãnh đạo và làm chủ, được xây dựng dựa trên những thành tựu đã đạt được kể từ năm 2001; Một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn và toàn diện; Cam kết về dân chủ, pháp quyền và nhân quyền; Tuân thủ nguyên tắc hòa bình trong đàm phán, thỏa thuận và thực thi; Triển khai chống tham nhũng một cách thực tế và có thể kiểm chứng;
ác nghĩa vụ liên quan đến an ninh của các cơ quan đại diện nước ngoài; Cam kết với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc; Cam kết của chính phủ và Taliban nhằm ngăn chặn bất kỳ nhóm khủng bố quốc tế nào sử dụng lãnh thổ Afghanistan để đe dọa an ninh của các quốc gia khác; Cam kết của chính phủ và Taliban trong cuộc chiến chống buôn bán ma túy và buôn người. (Sputnik)
Ấn Độ
Thủ tướng Ấn Độ tuyên bố cần trừng phạt những quốc gia hậu thuẫn khủng bố
Ngày 17/11, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 12 Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) theo hình thức trực tuyến, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói: “Chủ nghĩa khủng bố là vấn đề lớn nhất mà thế giới phải đối mặt hiện nay. Chúng ta phải đảm bảo rằng các quốc gia hậu thuẫn khủng bố phải bị quy trách nhiệm và vấn đề này phải được giải quyết một cách có tổ chức”.
Cũng theo nhà lãnh đạo Ấn Độ, cần tiến hành những cải tổ đối với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) và các tổ chức như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). (The Hindu)
Olympic 2021
Nhật Bản sẵn sàng mời nhà lãnh đạo Triều Tiên tham dự Olympics 2020
Ngày 18/11, JoongAng Ilbo dẫn lời Chủ tịch Liên minh nghị sĩ Hàn-Nhật Kim Jin-pyo, người vừa dẫn đầu một nhóm nghị sĩ Hàn Quốc thăm Tokyo cuối tuần trước, cho biết, một quan chức cấp cao Nhật Bản đã nói với ông rằng nếu nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un muốn tham dự Olympics vào tháng 7 năm sau thì Nhật Bản có thể gửi giấy mời chính thức.
Trong chuyến thăm Nhật Bản kéo dài 3 ngày, ông Kim Jin-pyo và các thành viên khác trong Liên minh nghị sĩ Hàn-Nhật đã hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và Chủ tịch Ủy ban Olympics Tokyo Mori Yoshiro.
Ông Kim cho biết, đã đề xuất hợp tác với Nhật Bản trong nhiều vấn đề, bao gồm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan, tổ chức các hoạt động giao lưu thể thao và văn hóa trước thềm Olympics và xác nhận sự tham gia của Triều Tiên trong sự kiện này. Các đề xuất của ông Kim đã nhận được sự phản hồi tích cực từ phía Nhật Bản.
Cũng theo ông Kim, đoàn Taekwondo Nhật Bản và Triều Tiên đã nhất trí có màn biểu diễn chung tại Olympics 2020, giống như màn biểu diễn chung giữa đoàn Taekwondo Triều Tiên và Hàn Quốc trong Olympics mùa Đông Pyongchang năm 2018 diễn ra tại Hàn Quốc. (Kyodo)