Mỹ tiếp tục 'cuộc chiến trừng phạt' trên khắp thế giới
Sau khi lên nắm quyền, chính quyền của Tổng thống Joe Biden vẫn duy trì các hạn chế kinh tế, ngoại giao và đi lại trên diện rộng hoặc có mục tiêu với ít nhất 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đơn cử như với Cuba, chính quyền Biden không hề cho thấy ý định đưa Cuba ra khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố dù lật ngược quyết định của ông Trump về một số phong trào như Houthi.
Ông Biden khẳng định ông sẽ không gỡ bỏ trừng phạt với Iran trừ khi Tehran ngừng làm giàu uranium - điều mà chính quyền tiền nhiệm làm rõ nhiều lần với Tehran.
Không lâu sau cuộc chính biến ở Myanmar, Washington cũng sớm công bố các lệnh trừng phạt đối với các tướng lĩnh quân đội nước này.
Một số chuyên gia ủng hộ việc thực thi các lệnh trừng phạt, coi đó như hành động thực tế hoặc ít nhất là mang tính biểu tượng nhằm thực thi chính sách đối ngoại của Mỹ.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác, trong đó có Giáo sư Peter Beinart tới từ Đại học New York lo ngại chiến lược này không những không thúc đẩy lợi ích của Mỹ mà còn làm giảm ảnh hưởng của Washington, đồng thời để lại những hậu quả tồi tệ hơn. (Newsweek)
Tổng thống Biden lần đầu điện đàm với Thủ tướng Israel
Ngày 18/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã có cuộc điện đàm đầu tiên kể từ khi ông Biden nhậm chức.
Thông báo từ cố vấn truyền thông của Thủ tướng Israel nêu rõ, cuộc điện đàm đã diễn ra trong không khí ấm cúng, thân thiện và kéo dài khoảng một giờ đồng hồ. Trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo tái khẳng định sẽ hợp tác để tiếp tục củng cố mối quan hệ đồng minh bền vững.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Netanyahu và Tổng thống Biden đã thảo luận về việc thúc đẩy các hiệp định hòa bình trong tương lai, vấn đề Iran và các thách thức trong khu vực, đồng thời nhất trí sẽ tiếp tục duy trì đối thoại.
Trong cuộc điện đàm, ông Biden cũng đã đánh giá cao vai trò lãnh đạo của ông Netanyahu trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, giúp Israel trở thành quốc gia đi đầu trong chiến dịch tiêm chủng phòng ngừa dịch bệnh.
Tính đến ngày 16/2, Israel đã tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech cho 4 triệu người trên tổng số 9 triệu dân, trong đó đã có hơn 2,6 triệu người được tiêm mũi thứ hai. (Reuters)
Ngoại trưởng nhóm Bộ Tứ họp trực tuyến
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ tổ chức họp trực tuyến vào ngày 18/2 với những người đồng cấp Australia, Nhật Bản và Ấn Độ trong khuôn khổ hợp tác Bộ Tứ (QUAD).
“Cuộc thảo luận của các ngoại trưởng bộ tứ kim cương là rất quan trọng nhằm đẩy mạnh các mục tiêu chung của chúng tôi tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, và trước các thách thức như nỗ lực phối hợp, ứng phó Covid-19 cũng như biến đổi khí hậu”, theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price. (Reuters)
Ông Trump mập mờ về khả năng tái tranh cử
Phát biểu trên Newsmax TV vào tối ngày 17/2, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chia sẻ quan điểm của mình về một loạt vấn đề, bao gồm khả năng tranh cử tổng thống vào năm 2024 và kiểm duyệt phương tiện truyền thông xã hội.
Ông Trump dường như không hối tiếc về lệnh cấm hoạt động trên Twitter và chỉ trích nền tảng này cố tình kiểm duyệt mọi thứ ông đang nói, đồng thời cho biết thêm, "hàng triệu người" đang rời bỏ Twitter vì nó trở nên "rất nhàm chán".
Khi nói về khả năng tái tranh cử, ông Trump không nói chính xác liệu có tham gia cuộc tranh cử tổng thống tiếp theo nhưng lại khẳng định ông và nhóm của mình có sự ủng hộ "to lớn", bất chấp những nỗ lực luận tội.
"Tôi sẽ chưa nói quyết định của mình nhưng cá là chúng tôi có sự ủng hộ to lớn. Bình thường đối với ai đó bị luận tội, con số ủng hộ họ sẽ đi xuống. Nhưng con số của chúng tôi lại rất cao", cựu Tổng thống Trump nói. (Newsmax TV)
Hàn Quốc tái khẳng định sớm nối lại đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 18/2 đã tái khẳng định cam kết thúc đẩy sớm việc nối lại đàm phán hạt nhân đang bị đình trệ giữa Triều Tiên và Mỹ, đồng thời cam kết hợp tác chặt chẽ với Washington để đạt được tiến bộ trong vấn đề này.
Trong báo cáo trình Quốc hội Hàn Quốc của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc có đoạn: "Để sớm nối lại đối thoại Triều - Mỹ và mang lại tiến bộ thực sự trong việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, chúng tôi sẽ thúc đẩy nỗ lực cùng Washington phát triển các chiến lược chung".
Báo cáo cho biết Chính phủ Hàn Quốc sẽ tiếp tục liên lạc với Mỹ ở mọi cấp độ liên quan đến vấn đề này, bao gồm cả việc xem xét chính sách của Mỹ đối với Bình Nhưỡng mà chính quyền của Tổng thống mới Joe Biden đang tiến hành. (Yonhap)
Philippines kiên quyết chống lại sự đe dọa của Trung Quốc ở Biển Đông
Báo cáo “Những diễn biến mới nhất về tình hình Biển Đông” của Philippines mới đây cho biết, dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, nước này đã đệ trình tổng cộng 60 công hàm phản đối ngoại giao với Trung Quốc. Trong đó, Trung Quốc mới chỉ giải quyết các vấn đề được nêu trong 48 công hàm.
Bộ Ngoại giao nước này cũng lưu ý, Philippines là quốc gia đầu tiên đưa ra công hàm phản đối ngoại giao trước Luật Hải cảnh của Trung Quốc vào ngày 27/1.
Bộ Ngoại giao Philippines nhấn mạnh, nước này “kiên quyết phản đối mọi hành vi xâm phạm lãnh thổ và các quyền chủ quyền, cũng như các hành động khiêu khích, đe dọa hoặc ép buộc của Trung Quốc”.
Báo cáo cũng chỉ rõ, Philippines đã đưa ra các vấn đề về Biển Đông trong các cuộc họp cấp cao của ASEAN và các diễn đàn khác ngay cả khi nước này đang trong Cơ chế tham vấn song phương về Biển Đông với Trung Quốc. (Reuters)
Trung Quốc tháo dỡ toàn bộ trại lính ở điểm nóng biên giới với Ấn Độ
Các hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã tháo dỡ hàng chục công trình và di dời các phương tiện để dọn toàn bộ trại lính dọc theo biên giới dãy Himalaya - nơi đối đầu giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc từ mùa hè năm ngoái.
Một quan chức Ấn Độ tiết lộ với hãng tin Reuters: “Phía chúng tôi cũng đang tiến hành việc tháo dỡ tương tự”. Quan chức này yêu cầu giấu tên do không được phép cung cấp thông tin với truyền thông. (Reuters)
Australia phản ứng mạnh trước hành động của Facebook
Ngày 17/2, Facebook thông báo sẽ hạn chế chia sẻ các nội dung tin tức ở Australia. Chỉ trong một đêm, Facebook đã xóa toàn bộ nguồn cung cấp dữ liệu của hàng chục trang thông tin truyền thông của Australia, động thái được xem là phản ứng với kế hoạch của Chính phủ Australia dự kiến thông qua dự luật buộc các nền tảng số phải trả phí cho những nội dung thông tin.
Một số dịch vụ khẩn cấp của Australia ngày 18/2 thông báo bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau lệnh cấm của Facebook. Đến chiều cùng ngày, Facebook đã khôi phục các trang dịch vụ của chính phủ, song vẫn còn các nhóm cộng đồng, doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng. Điều này đã dẫn đến nhiều lời kêu gọi người dùng xóa bỏ ứng dụng này.
Ngày 18/2, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã bày tỏ thất vọng trước việc Facebook hạn chế chia sẻ thông tin thiết yếu về các dịch vụ y tế và khẩn cấp của nước này.
Nhà lãnh đạo Australia nhấn mạnh những hành động của Facebook sẽ chỉ xác nhận mối quan ngại của ngày càng nhiều nước về việc các công ty công nghệ lớn cho rằng mình có quyền hạn cao hơn chính phủ và các quy định không áp dụng với họ.
Trong khi đó, Facebook nói rằng đã chặn những nội dung truyền thông ở Australia vì dự luật mới của "xứ sở chuột túi" không đưa ra hướng dẫn rõ ràng về định nghĩa nội dung tin tức, khiến họ phải đưa ra một định nghĩa rộng hơn nhằm tôn trọng luật như dự thảo. Đồng thời, Facebook khẳng định cam kết của hãng này với cuộc chiến chống thông tin sai lệch không thay đổi. (Reuters)
Indonesia thúc đẩy ASEAN hành động trước tình hình ở Myanmar
Ngày 18/2, Bộ Ngoại giao Singapore thông báo ngoại trưởng của Singapore, Indonesia ủng hộ tiến hành cuộc họp không chính thức cấp bộ trưởng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để thảo luận tình hình hiện nay ở Myanmar.
Tuyên bố này được đưa ra sau cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi và Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan ngày 18/2.
Trước đó, Ngoại trưởng Retno Marsudi ngày 17/2 cho biết Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah cũng tán thành ý tưởng tổ chức cuộc họp khẩn cấp của ASEAN để thảo luận về tình hình hiện nay ở Myanmar.
Bà Retno Marsudi nói với các phóng viên rằng khi bà thăm Brunei - quốc gia hiện là Chủ tịch luân phiên ASEAN, Quốc vương Hassanal Bolkiah đã khẳng định các ngoại trưởng ASEAN nên "tổ chức cuộc họp". (nationalpost.com)
Thủ tướng Gruzia tuyên bố từ chức
Ngày 18/2, hãng thông tấn RIA đưa tin Thủ tướng Gruzia Giorgi Gakharia đã tuyên bố từ chức.
Trong tuyên bố, ông Gakharia nêu rõ ông quyết định từ chức vì sự bất đồng trong chính phủ về việc thực thi lệnh của tòa án bắt giữ ông Nika Melia - nghị sĩ Quốc hội và là người đứng đầu Phong trào Dân tộc thống nhất (UNM), một lực lượng đối lập chính ở Gruzia. Ông Gakharia cho biết ông phản đối việc bắt giữ ông Melia trong thời điểm có nguy cơ khủng hoảng chính trị leo thang ở Gruzia. (RIA)