Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock. (Nguồn: The Hindu) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Châu Á
*Trung Quốc tập trận ở biển Hoàng Hải và Bột Hải: Theo Cục Hải sự Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc đã tiến hành tập trận ở vùng biển Hoàng Hải và Bột Hải, chỉ vài ngày sau khi Hải quân Mỹ tham gia tập trận chung với các tàu từ Hàn Quốc và Canada tại vùng biển ngoài khơi khu vực phía Bắc Trung Quốc.
Cuộc tập trận đầu tiên diễn ra từ ngày 17-24/9, còn cuộc tập trận thứ hai diễn ra từ ngày 18-19/9. Chi tiết các loại tàu tham gia tập trận chưa được công bố. Cơ quan hàng hải cảnh báo các tàu thuyền hoạt động ở vùng biển ngoài khơi tỉnh Liêu Ninh không được đi vào khu vực diễn ra cuộc tập trận.
Đây là cuộc tập trận đầu tiên của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) được tổ chức ở biển Hoàng Hải sau 5 tháng. PLA đã tiến hành tập trận hải quân gần Thanh Đảo ở tỉnh Sơn Đông, phía Đông Trung Quốc, vào tháng 4 vừa qua.
Trước đó, đề cập tới kế hoạch tập trận chung, tờ Global Times của Trung Quốc cáo buộc Mỹ là “kẻ gây rối phá hoại hòa bình và ổn định trong khu vực”. (SCMP)
*Trung Quốc tức giận khi Ngoại trưởng Đức ‘xúc phạm” Chủ tịch Tập Cận Bình: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh ngày 18/9 chỉ trích việc Ngoại trưởng Annalena Baerbock gọi Chủ tịch Tập Cận Bình là "nhà độc tài", xem đây là hành động "ngớ ngẩn", “xúc phạm” và "mang tính gây hấn chính trị công khai".
Hồi tháng 8 vừa qua, Ngoại trưởng Baerbock còn tuyên bố Trung Quốc đặt ra thách thức đối với "những nguyên tắc cơ bản về cách chúng ta sinh sống trên thế giới này". Trước đó, bà Baerbock còn cho rằng Bắc Kinh ngày càng trở thành một đối thủ mang tính hệ thống hơn là đối tác thương mại.(Reuters)
*Indonesia lạc quan về tiến triển đàm phán COC: Ông Sidharto R. Suryodioopuro, quan chức Indonesia phụ trách vấn đề hợp tác ASEAN, phát biểu tại một diễn đàn thảo luận ở Jakarta: “Đối với Indonesia, chúng tôi khá lạc quan rằng (ASEAN) có thể đạt được một số bước đột phá khi đàm phán về COC”. Diễn đàn lần này do Cộng đồng Chính sách đối ngoại Indonesia tổ chức, nhằm rà soát kết quả của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 diễn ra tại Jakarta hồi đầu tháng này dưới sự chủ trì của Indonesia - quốc gia giữ chức chủ tịch luân phiên ASEAN.
Ngoài ra, ông Suryodipuro cho hay Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được ASEAN và Trung Quốc ký cách đây 21 năm đã định hình cách hành xử của các nước xung quanh Biển Đông. DOC đóng vai trò là kim chỉ nam cho các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc duy trì hòa bình, ổn định dựa trên tinh thần hợp tác và tin cậy lẫn nhau. (China Daily)
*Thủ tướng Trung Quốc, Malaysia hội đàm song phương: Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường ngày 17/9 đã hội đàm với Thủ tướng Malaysia Datuk Seri Anwar Ibrahim tại Nam Ninh, thủ phủ của Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc.
Thủ tướng Lý Cường lưu ý rằng Trung Quốc và Malaysia là những đối tác tốt, cùng hướng tới sự phát triển chung và là những láng giềng tốt. Ông đề cập một đồng thuận quan trọng hai bên đã đạt được hồi tháng 3 vừa qua về việc xây dựng một cộng đồng Trung Quốc-Malaysia chia sẻ một tương lai chung, coi đây là một mốc son trong lịch sử quan hệ song phương.
Trong khi đó, Thủ tướng Datuk Seri Anwar Ibrahim cho biết Malaysia đánh giá cao một số sáng kiến của Trung Quốc như Sáng kiến Phát triển toàn cầu, Sáng kiến An ninh toàn cầu, và nhấn mạnh Malaysia mong muốn tăng cường trao đổi chặt chẽ với Trung Quốc ở mọi cấp độ và củng cố hợp tác trên nhiều lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, kinh tế số và phát triển xanh.(SCMP)
*Hàn Quốc tăng cường kiểm tra phóng xạ trong nước biển: Ngày 18/9, Bộ Hải dương và thủy sản Hàn Quốc thông báo sẽ tăng cường các cuộc kiểm tra khẩn cấp về phóng xạ trong nước biển để giảm bớt lo ngại của người dân về việc Nhật Bản xả nước thải ô nhiễm đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển.
Bộ Hải dương và thủy sản cho biết đến nay, tất cả các mẫu lấy để xét nghiệm đều đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn và không phát hiện phóng xạ ở hải sản trong nước hoặc hải sản nhập khẩu.
Từ tháng 8/2023, giới chức Hàn Quốc đã tiến hành đợt kiểm tra chuyên sâu kéo dài 100 ngày về nguồn gốc xuất xứ thủy sản nhập khẩu nhằm trấn an người dân về an toàn thực phẩm. (Korea Times)
*Mỹ-Hàn thảo luận về thượng đỉnh Nga-Triều: Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết quan chức cấp cao của nước này và Mỹ đã có cuộc gặp tại thủ đô Seoul, thảo luận về cuộc hội đàm cấp cao mới đây giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Đặc phái viên Hàn Quốc về hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên, ông Kim Gunn và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Tình báo và Nghiên cứu, ông Brett Holmgren đã trao đổi quan điểm về tình hình trên bán đảo Triều Tiên. Ông Holmgren chia sẻ những đánh giá của Chính phủ Mỹ về cuộc gặp gần đây và việc Nga và Triều Tiên tăng cường hợp tác quân sự. Theo ông, phía Washington nhất trí hợp tác chặt chẽ với Seoul về tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên.
Cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga và nhà lãnh đạo Triều Tiên diễn ra ngày 13/9 tại sân bay vũ trụ Vostochny, tỉnh Amur thuộc vùng Viễn Đông của Nga. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tới Nga bằng tàu hỏa. Đây là lần thứ hai nhà lãnh đạo Triều Tiên tới Nga, sau chuyến thăm lần đầu vào năm 2019. Khi đó, ông và Tổng thống Putin cũng có cuộc gặp tại Vladivostok. (Kyodo)
*Trung-Mỹ nhất trí thúc đẩy cải thiện quan hệ: Từ ngày 16-17/9, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị và Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã tiến hành nhiều cuộc gặp tại Malta, trong đó hai bên nhất trí duy trì trao đổi cấp cao và tham vấn các vấn đề liên quan khu vực châu Á-Thái Bình Dương, các vấn đề hàng hải cũng như chính sách đối ngoại.
Hai bên đã trao đổi "thẳng thắn, thực chất và mang tính xây dựng" về việc ổn định và cải thiện quan hệ Trung-Mỹ; duy trì trao đổi cấp cao, tham vấn về các vấn đề châu Á - Thái Bình Dương, hàng hải và chính sách đối ngoại. Ngoài ra, hai bên còn thảo luận tình hình Ukraine, bán đảo Triều Tiên và các vấn đề khu vực và quốc tế khác. Tuyên bố của Nhà Trắng nêu rõ hai bên "cam kết duy trì kênh liên lạc chiến lược này", cũng như theo đuổi việc tổ chức thêm các cuộc tham vấn cấp cao trong các lĩnh vực quan trọng giữa Mỹ và Trung Quốc trong những tháng tới. (Reuters)
Châu Âu
*Ukraine cách chức 6 thứ trưởng quốc phòng: Ngày 18/9, chính phủ Ukraine đã quyết định cách chức 6 thứ trưởng quốc phòng sau khi đã bổ nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng mới hồi đầu tháng 9. Chính phủ Ukraine không đưa ra lý do giải thích cho quyết định sa thải này. Trong đó có bà Hanna Maliar, người thường xuyên công khai cập nhật về cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov mới được bổ nhiệm cách đây chưa đầy hai tuần để thay thế ông Oleksii Reznikov. Giới truyền thông đã cáo buộc tình trạng tham nhũng xảy ra tại Bộ Quốc phòng Ukraine trong thời gian ông Rezniikov tại vị, mặc dù bản thân ông này không phải đối mặt với các cáo buộc tham nhũng.
Thứ trưởng vừa bị sa thải, Hanna Maliar, một luật sư về tội phạm chiến tranh, đã phục vụ tại Bộ Quốc phòng từ năm 2021 và tin tức cập nhật mới nhất của bà Maliar về cuộc chiến tại Ukraine được đăng tải vào sáng 18/9. Hồi tuần trước, vị quan chức này đã phải đối mặt với những lời chỉ trích sau khi báo cáo sơ bộ của bà tiết lộ các lực lượng Ukraine đã chiếm lại một ngôi làng ở miền Đông từ các lực lượng Nga, tuy nhiên sau đó bà Maliar lại nói rằng báo cáo của mình không chính xác và giao tranh vẫn tiếp diễn xung quanh khu làng đó. (AP News)
* Nga bắn hạ loạt UAV của Ukraine ở Crimea: Moscow cho biết lực lượng Nga ngày 17/9 đã đẩy lùi các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) của Ukraine tại một số khu vực của Crimea, ngoại ô Moscow và 2 khu vực biên giới.
Trên trang Telegram, Bộ Quốc phòng Nga viết: "Các máy bay không người lái đã bị bắn hạ ở các khu vực phía Tây, Tây Nam, Tây Bắc và phía Đông của bán đảo Crimea; các quận Istra và Domodedovo của khu vực Moscow, cũng như các khu vực Belgorod và Voronezh".
Ukraine gần đây đã gia tăng các cuộc tấn công nhằm vào Crimea sau khi Kiev tuyên bố sẽ chiếm lại bán đảo ở Biển Đen mà Moscow sáp nhập vào năm 2014. Kể từ khi Ukraine phát động cuộc phản công vào đầu tháng 6, Nga đã trải qua các làn sóng tấn công bằng máy bay không người lái khiến một số tòa nhà bị hư hại, đôi khi cả ở thủ đô Moscow. (SCMP)
*Ngoại trưởng Trug Quốc Vương Nghị thăm Nga:Trong tuyên bố ngày 18/9, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay Ngoại trưởng Vương Nghị "sẽ tới Nga để tổ chức vòng 18 Cuộc tham vấn an ninh chiến lược Trung-Nga (SSCC) diễn ra từ ngày 18-21/9” theo lời mời của ông Nikolai Patrushev, Thư ký Hội đồng an ninh Nga.
Trong cuộc họp báo ngắn trước đó, Bộ Ngoại giao Nga tiết lộ Ngoại trưởng Vương Nghị sẽ gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov và hai bên dự định "tập trung vào nỗ lực tăng cường hợp tác trên trường quốc tế".
Trung Quốc và Nga là đồng minh chiến lược, cả hai nước thường xuyên đề cao quan hệ đối tác “không giới hạn” cũng như hợp tác kinh tế và quân sự. Mối quan hệ của hai bên thậm chí còn trở nên thân thiết hơn sau khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2 năm ngoái, hành động mà Trung Quốc đã né tránh chỉ trích. (Sputnik News)
*Ukraine sẽ kiện Ba Lan, Hungary và Slovakia về lệnh cấm nhập nông sản: Chính quyền Kiev đang lên kế hoạch kiện Ba Lan, Hungary và Slovakia về các lệnh cấm đối với nông sản Ukraine. Động thái này được đại diện thương mại Ukraine Taras Kachka xác nhận với truyền thông ngày 18/9.
Các biện pháp hạn chế do Liên minh châu Âu (EU) áp đặt hồi tháng 5 đã cho phép Ba Lan, Bulgaria, Hungary, Romania và Slovakia cấm bán lúa mì, ngô, hạt cải dầu và hạt hướng dương của Ukraine trên thị trường nội địa, song vẫn cho phép các mặt hàng này được quá cảnh để xuất khẩu đi nơi khác.
EU đã chấm dứt lệnh cấm vào ngày 15/9 sau khi Ukraine tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp siết chặt kiểm soát xuất khẩu sang các quốc gia láng giềng. Theo ông Kachka, Kiev đã "sẵn sàng chịu trách nhiệm để đảm bảo việc xuất khẩu từ Ukraine sẽ không tạo ra một cơn sóng thần nào tại các quốc gia láng giềng". (AFP)
Trung Đông-Châu Phi
*Rơi máy bay không người lái tại Iran: Hãng thông tấn Tasnim (Iran) cho biết một máy bay không người lái đã rơi xuống khu dân sinh tại thành phố Gorgan, thuộc tỉnh Golestan, miền Bắc nước này.
Cảnh sát tỉnh Golestan cho biết tình hình đã được kiểm soát. Một số mảnh vỡ của máy bay đã rơi xuống khu vực bên ngoài thành phố. Tuy nhiên, chính quyền địa phương thông báo chưa có thông tin cụ thể về con số thương vong. Nhà chức trách đang điều tra làm rõ vụ việc. (Tasnim News)
*IS hành quyết 11 người Cơ đốc giáo tại Mozambique: Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ngày 17/9 thừa nhận đã hành quyết 11 người theo đạo Cơ đốc ở quận Mocímboa da Praia, tỉnh Cabo Delgado, Mozambique.
Nhóm phiến quân đã “triệu tập một cuộc họp. Người dân trong làng không biết họ là những kẻ khủng bố, và sau đó, họ bắt đầu tách biệt những người theo đạo Thiên chúa khỏi những người theo đạo Hồi dựa trên tên gọi của họ. Sau đó, họ nổ súng vào những người theo đạo Cơ đốc”.
Vụ tấn công diễn ra chưa đầy một tháng sau khi lực lượng vũ trang Mozambique tiêu diệt Bonomade Machude Omar, được coi là thủ lĩnh của nhóm Nhà nước Hồi giáo cực đoan ở Mozambique.
Quận Mocímboa da Praia là nơi các nhóm vũ trang thực hiện cuộc tấn công đầu tiên vào tháng 10/2017 và từ lâu được coi là căn cứ của quân nổi dậy. Khu vực này nằm cách dự án thăm dò khí đốt tự nhiên của TotalEnergies ở Afungi, Palma 70 km về phía Nam. (AP)
*Iran phóng thích tù nhân Mỹ: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani cho biết trong ngày 18/9, nước này sẽ nhận được số tiền trị giá 6 tỷ USD bị phong tỏa và sẽ bắt đầu thực hiện trao trả 5 tù nhân là công dân Mỹ theo thỏa thuận trước đó với Washington.
Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin cho biết thêm 5 tù nhân nói trên sẽ rời Tehran sang Qatar, từ đó bắt máy bay về Mỹ. Đổi lại, 5 người Iran bị tạm giam ở Mỹ cũng sẽ được trả tự do để về Tehran.
Thỏa thuận trao đổi tù nhân giữa Mỹ và Iran được hai bên công bố ngày 10/8, theo đó ngoài trao trả tù nhân Iran sẽ được giải phóng khoảng 6 tỷ USD là tiền bán dầu mỏ đang bị phong tỏa tại Hàn Quốc theo lệnh trừng phạt của Mỹ. Số tiền này sẽ được Qatar làm trung gian giám sát, Tehran chỉ được chi dùng cho các mục đích nhân đạo như mua sắm thực phẩm, thuốc men.(Reuters)
Châu Đại Dương
*Tấn công bằng dao tại Đại học Quốc gia Australia: Ngày 18/9, theo ABC, ít nhất 3 người phải nhập viện vì bị thương sau vụ việc được cho là tấn công bằng dao xảy ra tại Đại học Quốc gia Australia (ANU) ở thủ đô Canberra.
Nguồn tin dẫn lời một người phát ngôn Cảnh sát Lãnh thổ thủ đô Australia cho biết 3 người đã nhập viện và 1 người bị bắt giữ do liên quan đến vụ việc.
Trong tuyên bố đăng trên mạng xã hội, ANU thông báo về vụ tấn công, đồng thời kêu gọi mọi người tránh xa khu vực xảy ra vụ việc. Cảnh sát đã có mặt tại hiện trường và kiểm soát được tình hình.
Hiện chưa xác minh được liệu sinh viên hay nhân viên của trường có liên quan đến vụ việc trên hay không. (Canberra Times)
*Australia sẽ chi hàng trăm tỷ USD cho điện hạt nhân: Một báo cáo của Chính phủ Australia ngày 18/9 ước tính kế hoạch đề xuất thay thế các nhà máy nhiệt điện than ngừng hoạt động ở nước này bằng các lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ sẽ tiêu tốn hàng trăm tỷ USD.
Dựa trên dữ liệu từ Cơ quan Vận hành thị trường năng lượng Australia (AEMO) và Tổ chức Nghiên cứu công nghiệp và khoa học Khối thịnh vượng chung (CSIRO), báo cáo cho rằng kế hoạch đề xuất trên sẽ tiêu tốn tới 387 tỷ đôla Australia (AUD) (khoảng 249 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Biến đổi Khí hậu và Năng lượng Chris Bowen, báo cáo cho thấy việc sản xuất điện hạt nhân là không khả thi.
Luật hiện hành ở Australia cấm xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở tất cả các bang và vùng lãnh thổ của nước này. Thủ tướng Anthony Albanese hồi tháng trước đã loại trừ bất kỳ động thái nào nhằm đảo ngược lệnh cấm trên, khẳng định năng lượng hạt nhân không phải là một lựa chọn khả thi về mặt kinh tế. (AFP)