📞

Tin thế giới 1/9: Nga, Trung Quốc thanh minh vụ phiếu trắng về Afghanistan; Ukraine 'cá kiếm' lô vũ khí chết người từ Mỹ; Nga chi bạo ở Belarus

Hoàng Hà 19:43 | 01/09/2021
Những động thái mới của Mỹ, Nga, Trung Quốc liên quan tình hình Afghanistan, chuyến công du của Tổng thống Ukraine đến Mỹ, chính trường Malaysia, tình hình Syria, Belarus, quan hệ Nga-Estonia và Israel-Bahrain là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga, Trung Quốc bỏ phiếu trắng trong cuộc họp của HĐBA ngày 30/8 nhằm ra nghị quyết về tình hình Afghanistan. (Ảnh minh họa. Nguồn: Financial Times)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Nga, Trung Quốc 'thanh minh' vụ bỏ phiếu trắng ở HĐBA về Afghanistan

Ngày 30/8, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA) thông qua nghị quyết do Anh, Pháp và Mỹ soạn thảo về tình hình Afghanistan trong khi Nga và Trung Quốc bỏ phiếu trắng.

Ngày 31/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói rằng: "Các nước liên quan vội vàng đưa ra dự thảo nghị quyết này vào đêm 27/8, đề nghị thông qua nó vào ngày 30/8. Trung Quốc thực sự hoài nghi sự cần thiết và cấp bách của việc thông qua nghị quyết cũng như liệu các nội dung của nó có cân bằng".

Ông Uông cho biết, Trung Quốc bỏ phiếu trắng vì dù đã tham vấn về dự thảo này, cũng như cùng Nga đề xuất các sửa đổi nhưng không được thông qua hoàn toàn.

Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia cho biết, nước này bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết trên vì văn kiện này không có phần về chủ nghĩa khủng bố và không đề cập nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. (Sputnik)

Nga nêu điều kiện công nhận chính quyền mới ở Afghanistan

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov cho biết, Moscow sẽ không vội vàng và chỉ có thể công nhận chính quyền mới ở Afghanistan sau khi một chính phủ mới đại diện cho tất cả các lực lượng chính trị của quốc gia Nam Á, bao gồm các nhóm sắc tộc thiểu số.

Theo ông Morgulov, Nga "chân thành hy vọng các bên liên quan sẽ tìm cách đạt được đồng thuận chính trị và hình thành một cấu trúc quyền lực nhà nước mới, tính đến lợi ích của tất cả người dân Afghanistan”.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga cũng cảnh báo các mối đe dọa khủng bố vẫn tồn tại ở Afghanistan, trong bối cảnh các hoạt động của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng góp phần khiến an ninh suy thoái tại quốc gia Tây Nam Á này.

Theo ông, các tay súng IS và các nhóm khủng bố khác có thể xâm nhập các nước láng giềng của Afghanistan, kể cả theo con đường của những người tị nạn.

Bên cạnh đó, nhà ngoại giao Nga tiết lộ, nước này lên kế hoạch triệu tập một cuộc họp dưới hình thức “Troika (3 bên) mở rộng” về vấn đề Afghanistan tại Kabul nhằm thảo luận việc nối lại các chuyến bay thương mại, bao gồm Nga, Mỹ, Trung Quốc và Pakistan. (Sputnik)

Mỹ tuyên bố kết thúc cuộc chiến 20 năm, ông Biden ca ngợi 'thành công đặc biệt'

Ngày 31/8, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby tuyên bố: "Nhiệm vụ quân sự ở Afghanistan đã kết thúc, điều đó bao gồm cả việc kết thúc cuộc chiến kéo dài 20 năm. Tổng thống rất rõ ràng khi muốn kết thúc cuộc chiến này. Và chúng tôi đã kết thúc nó".

Ông Kirby cũng khẳng định, Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc không kích bằng máy bay không người lái nhằm vào khủng bố ISIS-K, một nhánh của IS và các mục tiêu khác ở Afghanistan khi cần thiết, bất chấp việc quân đội Mỹ đã rút khỏi nước này, tuy nhiên, hành động quân sự dài hạn của Mỹ ở Afghanistan sẽ không xảy ra lần nữa.

Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã có bài phát biểu trước công chúng lần đầu kể từ khi Mỹ hoàn tất rút quân khỏi Afghanistan, gọi công tác sơ tán khỏi quốc gia Nam Á là một thành công đặc biệt.

Trong khi đó, (TASS, Reuters)

Tổng thống Ukraine thăm Mỹ: 'Thu' về lô vũ khí hàng chục triệu USD

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang có chuyến thăm tới Mỹ. Ngày 1/9 (giờ Mỹ), ông Zelensky sẽ có cuộc gặp với Tổng thống nước chủ nhà Joe Biden.

Trước đó, trong ngày 31/8, nhà lãnh đạo Ukraine đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin.

Hai bên đã ký hiệp định Mỹ-Ukraine về cơ sở chiến lược trong quan hệ đối tác quốc phòng, trong đó mở rộng hợp tác trên Biển Đen, an ninh mạng, tình báo và phát triển vũ khí.

Ông Austin cũng cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông qua gói viện trợ quân sự mới trị giá 60 triệu USD cho Kiev. Gói viện trợ này bao gồm việc cung cấp cho Ukraine các hệ thống tên lửa chống tăng (ATGM) Javelin.

Trong khi đó, m

Belarus: Mỹ rút nhân viên ngoại giao, Nga sắp cấp lô vũ khí khổng lồ cho Minsk

Ngày 31/8, Đại sứ quán Mỹ tại Belarus thông báo, Washington vừa phải cắt giảm thêm nhân sự theo yêu cầu của Minsk hồi giữa tháng nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt.

Trong một tin khác, cùng ngày, hãng Belta dẫn lời Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho biết, Nga sẽ sớm cung cấp lô khí tài quân sự khổng lồ cho nước này.

Theo ông Lukashenko, lô vũ khí gồm hàng chục máy bay, trực thăng, vũ khí phòng không quan trọng nhất, thậm chí có thể là các hệ thống tên lửa đất đối không S-400. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Belarus không tiết lộ giá trị của lô vũ khí này.

Dự kiến, ông Lukashenko và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ hội đàm tại Nga vào ngày 9/9 tới. Ngoài ra, các lực lượng Nga và Belarus sẽ tổ chức cuộc tập trận chung lớn vào cuối tháng này. (Sputnik, Reuters)

Tổng thống đắc cử Estonia có thể thăm chính thức Nga

Ngày 31/8, Quốc hội Estonia bỏ phiếu bầu Giám đốc Bảo tàng Quốc gia nước này Alar Karis trở thành Tổng thống tiếp theo.

Trong cuộc họp báo sau cuộc bỏ phiếu, ông Karris để ngỏ khả năng thăm chính thức Nga "nếu Quốc hội và Bộ Ngoại giao ủng hộ".

Ông Karis cũng cam kết sẽ sử dụng tiếng Nga khi nói chuyện với những người Estonia nói tiếng Nga. (Reuters)

Nỗ lực của Nga sụp đổ, Syria dồn lực tấn công phe đối lập

Ngày 31/8, quân đội Syria dưới sự yểm trợ của các nhóm dân quân thân Iran đã đẩy mạnh tấn công cứ địa của lực lượng đối lập ở thành phố Deraa nằm ở Tây Nam Syria, gần biên giới Jordan và Israel.

Các nguồn tin quân sự cho hay Lữ đoàn số 4 của quân đội Syria đã phóng hàng chục tên lửa vào Deraa al-Balaad trong đợt tấn công này.

Malaysia: Nội các mới họp phiên đầu tiên, hé lộ chính sách đối ngoại

Ngày 1/9, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob chủ trì cuộc họp nội các đầu tiên kể từ khi nhậm chức, tập trung vào diễn biến mới nhất của tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah cũng tổ chức buổi họp báo đầu tiên trên cương vị mới.

Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Saifuddin cho biết, nhiệm vụ trước mắt của Bộ Ngoại giao là thiết lập khuôn khổ chính sách đối ngoại cho chính quyền mới, không phải là chính sách mới mà "tập trung vào sự tiếp nối".

Về trung và dài hạn, Malaysia sẽ tiếp tục thực hiện các nguyên tắc cơ bản lâu đời trong quan hệ quốc tế, trong đó duy trì quan hệ tốt đẹp với tất cả các bên; đề cao lợi ích của Malaysia về chủ quyền, an ninh; lợi ích kinh tế và sự thịnh vượng của người dân; bảo vệ cũng như quảng bá bản sắc và uy tín của đất nước trong cộng đồng quốc tế.

Về ngắn hạn, Malaysia tập trung giải quyết các ưu tiên và thách thức, đồng thời tiến hành "ngoại giao y tế" để kiểm soát Covid-19 cũng như các tác động của đại dịch.

Cũng theo tân Ngoại trưởng Saifuddin, Malaysia sẽ tập trung các khoản đầu tư vào kinh tế kỹ thuật số và các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) 2030; đặt trọng tâm vào an ninh mạng và thúc đẩy “ngoại giao văn hóa” để nâng cao bản sắc dân tộc.

Malaysia sẽ áp dụng cách tiếp cận cởi mở và tham vấn với tất cả các bên liên quan, cả trong và ngoài nước. Theo đó, Bộ Ngoại giao Malaysia sẽ thành lập Hội đồng tư vấn chính sách đối ngoại cũng như đề xuất với nội các thành lập Ủy ban Quốc hội về các vấn đề quốc tế. (Bernama)

Israel-Bahrain: Đại sứ đầu tiên của Bahrain tại Israel tới Tel Aviv

Ngày 31/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Israel Lior Haiat thông báo, Đại sứ đầu tiên của Bahrain tại Israel Khaled Al Jalahma đã tới Tel Aviv.

Viết trên mạng xã hội Twitter, người phát ngôn Haiat nêu rõ: "Việc Đại sứ Khaled Al Jalahma đặt chân tới Israel, hay hoạt động chính thức mở Đại sứ quán Bahrain tại Israel sắp tới đánh dấu một bước quan trọng trong sự phát triển mối quan hệ song phương giữa hai nước và người dân hai bên, vốn là một ưu tiên đối với Ngoại trưởng Israel Yair Lapid và Ngoại trưởng Bahrain Al Zayani".

Hồi giữa tháng 9/2020, Israel đã ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Bahrain, trong khi vào tháng 11/2020, hai nước nhất trí mở cửa đại sứ quán của hai bên.

Tháng 3/2021, Quốc vương Bahrain Hamad bin Isa Al Khalifa bổ nhiệm ông Al Jalahma, cựu Phó Đại sứ Bahrain tại Mỹ từ năm 2009-2013, làm Đại sứ nước này tại Israel. (Sputnik)