Nga tuyên bố bắn hạ nhiều UAV và tên lửa Ukraine. (Nguồn: rferl.org) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày
Nga – Ukraine
*Kho dầu Nga bốc cháy do bị UAV Ukraine tấn công: Thống đốc khu vực Bryansk của Nga, ông Alexander Bogomaz ngày 19/1 cho biết các thùng dầu tại một cơ sở lưu trữ ở thị trấn Klintsy, vùng Bryansk đã bốc cháy sau khi quân đội bắn hạ một máy bay không người lái của Ukraine cố gắng tấn công các mục tiêu trong thị trấn. Trên trang Telegram, ông Bogomaz cho hay theo thông tin ban đầu, không có ai bị thương trong vụ việc. Lực lượng cứu hỏa đã nhanh chóng dập tắt đám lửa. (Sputniknews)
*Nga bắn hạ 91 UAV, tên lửa các loại của Ukraine: Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong vòng 24 giờ qua hệ thống phòng không nước này đã bắn hạ thành công 2 tên lửa Tochka-U, 1 bom dẫn đường JDAM do Mỹ sản xuất, 18 rocket từ hệ thống rocket phóng loạt HIMARS của Mỹ và Vampire của CH Séc, cũng như 91 máy bay không người lái (UAV) của Ukraine.
Theo văn phòng báo chí Bộ Quốc phòng Nga, việc sử dụng thành công các hệ thống phòng không giúp ngăn chặn các cuộc tấn công vào các mục tiêu quan trọng trên lãnh thổ Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng, Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng, cũng như các tỉnh Zaporizhzhia, Kherson và Kharkov.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt, tổng cộng 567 máy bay quân sự, 265 trực thăng và 10.870 UAV của Ukraine đã bị phá hủy. (TASS)
*Ukraine phát triển hệ thống phòng không hybrid đầu tiên: Người phát ngôn Bộ Tư lệnh Không quân Ukraine Yury Ignat xác nhận Hệ thống phòng không hybrid đầu tiên của Kiev có khả năng phóng tên lửa Mỹ từ bệ phóng do Liên Xô chế tạo đã được phát triển và thử nghiệm trên thực địa ở Mỹ với sự tham gia của các chuyên gia quân sự Mỹ và Ukraine.
Đại diện Không quân Ukraine nhấn mạnh “các hệ thống được đề cập không có tầm bắn xa, chúng có thể đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách 15 km”.
Trước đó, Bộ trưởng Công nghiệp Chiến lược Ukraine Alexander Kamyshin hôm 17/1 tuyên bố quân đội nước này lần đầu tiên sử dụng hệ thống phòng không hybrid được chế tạo từ các bộ phận do Liên Xô và phương Tây sản xuất. (TASS)
Châu Á-Thái Bình Dương
*Iran và Pakistan tìm cách hạ nhiệt căng thẳng: Islamabad và Tehranđang tìm cách xoa dịu căng thẳng song phương sau khi Pakistan thực hiện các vụ tấn công trả đũa sang lãnh thổ Iran trong ngày 18/1, làm lấy dấy nên nguy cơ nổ ra xung đột toàn diện giữa hai quốc gia láng giềng đều sở hữu vũ khí hạt nhân.
Theo các nguồn tin ngoại giao và giới chức hai nước, sau khi tiến hành cuộc tấn công bằng tên lửa, Pakistan đã gửi thông điệp hòa giải tới Iran và khẳng định với quốc gia láng giềng rằng Islamabad không muốn leo thang căng thẳng hơn nữa. Một quan chức Pakistan chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng điều tồi tệ nhất đã qua”.
Bộ Ngoại giao Iran tối 18/1 ra tuyên bố cam kết “tuân thủ chính sách quan hệ láng giềng tốt đẹp với Pakistan”. (The Express Tribune)
*Triều Tiên thử nghiệm vũ khí hạt nhân dưới nước: Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 19/1 cho biết Triều Tiên đã tiến hành thử nghiệm hệ thống vũ khí hạt nhân dưới nước, trong động thái phản đối cuộc tập trận chung trong tuần này của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản.
Ngày 17/1, Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã tiến hành cuộc tập trận hải quân chung ở vùng biển phía Nam Bán đảo Triều Tiên, nhằm tăng cường khả năng phản ứng của 3 quốc gia trước các mối đe dọa đối với an ninh hàng hải. (Reuters)
*Malaysia mở chiến dịch truy quét lưu trú bất hợp pháp: Cục trưởng Cục Nhập cư Malaysia (IMI) Ruslin Jusoh ngày 19/1 cho biết cơ quan này đã xác định được 220 điểm nóng định cư bất hợp pháp trên toàn quốc, bao gồm các khu định cư tự phát cũng như những ngôi nhà hoặc tòa nhà cho thuê.
Ông Ruslin tuyên bố IMI sẽ triển khai liên tục các hoạt động quy mô lớn trên toàn quốc để giải quyết những điểm nóng được phát hiện và sẽ không thỏa hiệp trong vấn đề này.
Theo thống kê, kể từ khi tiến hành chiến dịch vào ngày đầu tiên của năm mới 2024 cho đến hôm 16/1, tổng cộng 3.262 người nhập cư đã bị bắt giữ vì nhiều cáo buộc khác nhau như không có hộ chiếu, lưu trú quá hạn và xây dựng các khu định cư bất hợp pháp. Ông nhấn mạnh đây là con số kỷ lục. Hầu hết các chủ lao động địa phương được cho là đang lạm dụng hộ chiếu và cung cấp những khu định cư bất hợp pháp cho người nhập cư để họ có thể tiếp tục làm việc ở đất nước này”. (Straits Times)
Châu Âu
*Đan Mạch chi 400 triệu giám sát Bắc Cực: Đan Mạch đã dành 2,74 tỷ crown (400 triệu USD) để tăng cường công tác giám sát và tình báo ở Bắc Cực và Bắc Đại Tây Dương bằng máy bay không người lái (UAV) tầm xa, trong một phần của thỏa thuận khung rộng hơn nhằm nâng cao năng lực phòng thủ của quốc gia Bắc Âu và đáp ứng các mục tiêu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Biển băng đang bị thu hẹp ở Bắc Cực đã thúc đẩy cuộc chạy đua giữa các cường quốc toàn cầu nhằm giành quyền kiểm soát tài nguyên và đường thủy. Copenhagen chịu trách nhiệm về an ninh và phòng thủ của đảo Greenland ở Bắc Cực và Quần đảo Faroe ở Bắc Đại Tây Dương – hai vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền của Vương quốc Đan Mạch.
Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch tối 18/1 (giờ địa phương) tuyên bố: “Vương quốc trong tương lai phải chịu trách nhiệm lớn hơn về an ninh trong toàn khu vực. Vì vậy, chúng ta cần sử dụng nhiều sức mạnh hơn ở Bắc Cực và Bắc Đại Tây Dương”. Năm 2023, Đan Mạch cam kết đầu tư 143 tỷ crown cho quốc phòng trong 10 năm tới. (Reuters)
*Belarus coi phát triển vũ khí hạt nhân là biện pháp răn đe chiến lược: Ngày 19/1, Bộ Quốc phòng Belarus cho biết học thuyết quân sự mới của Minsk coi phát triển vũ khí hạt nhân trong nước là biện pháp răn đe chiến lược bắt buộc.
Học thuyết quân sự mới cũng mô tả những hành động mà quân đội Belarus sẽ thực hiện trong trường hợp xảy ra bất kỳ cuộc xâm lược vũ trang nào chống lại các đồng minh của Minsk trong Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), bao gồm một số nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước hoặc Nhà nước Liên minh Belarus và Nga.
Đồng thời, Minsk thể hiện thiện chí sẵn sàng nối lại đối thoại với các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) “với điều kiện là họ phải chấm dứt những lời lẽ hung hăng chống Belarus”. Belarus, đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin, có chung đường biên giới với 2 quốc gia thành viên NATO là Ba Lan và Lithuania, cũng như với Nga và Ukraine. (TASS)
*Nga tuyên bố khó khôi phục thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen: Điện Kremlin ngày 19/1 nhận định không có triển vọng khôi phục thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen và các tuyến đường thay thế để vận chuyển ngũ cốc Ukraine mang lại rủi ro rất lớn.
Thỏa thuận ban đầu, vốn tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu ngũ cốc an toàn từ Ukraine qua Biển Đen, đã chấm dứt vào năm ngoái sau khi Moscow từ chối gia hạn với lý do lợi ích của Nga đã bị bỏ qua. (TASS)
Trung Đông-Châu Phi
*Gần 25.000 người thiệt mạng từ khi Israel tấn công vào Gaza: Cơ quan y tế thuộc chính quyền Hamas ở Dải Gaza ngày 19/1 cho biết cuộc chiến giữa phong trào Hồi giáo này với Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đã khiến 24.762 người thiệt mạng tại vùng lãnh thổ bị phong tỏa của Palestine.
Trong 24 giờ qua, những cuộc tấn công của Israel đã khiến 142 người Palestine thiệt mạng. Kể từ khi chiến sự bùng nổ hôm 7/10/2023 đến nay, đã có 62.108 người Palestine bị thương.
Về phía Israel, số binh sĩ thiệt mạng kể từ khi IDF triển khai chiến dịch tấn công trên bộ ở Dải Gaza đến nay đã lên tới 194 người. (Arab News)
*Trung Quốc hối thúc chấm dứt “quấy nhiễu” tàu thuyền ở Biển Đỏ: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh ngày 19/1 đã kêu gọi chấm dứt các hành vi “quấy nhiễu” tàu thuyền dân sự ở Biển Đỏ sau những cuộc tấn công của phiến quân Houthinhằm vào tàu thuyền để thể hiện tinh thần đoàn kết với người Palestine ở Gaza.
Trong một cuộc phỏng vấn cùng ngày, quan chức cấp cao của Houthi - ông Mohammed al-Bukhaiti - đã cam kết để các tàu của Nga và Trung Quốc di chuyển an toàn qua Biển Đỏ. Ông nhấn mạnh những vùng biển xung quanh Yemen vẫn an toàn, miễn là các tàu không liên kết với một số quốc gia, đặc biệt là Israel. (AFP)
*Indonesia điều tàu bệnh viện tới Gaza để hỗ trợ nhân đạo: Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto ngày 19/1 cho biết đã cùng với Tham mưu trưởng Hải quân - Đô đốc Muhammad Ali - phái Tàu bệnh viện Hải quân Indonesia KRI dr Radjiman Wedyoningrat-992 đến Dải Gaza để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo.
Theo ông Probowo, viện trợ nhân đạo được phân phối bao gồm thực phẩm, chăn, quần áo, đồ dùng trẻ em, quần áo phụ nữ, sữa, lều dã chiến, bộ dụng cụ vệ sinh, nước khoáng, đồ thờ cúng.
“Tàu bệnh viện này sẽ đi theo lộ trình Jakarta-Belawan-El-Arish-Jeddah-Batam trước khi quay trở lại Jakarta. Hành trình sẽ mất tổng thời gian khoảng 50 ngày trên biển”, Hải quân Indonesia cho biết. (Arab News)
Châu Mỹ
*Venezuela tố cáo Mỹ phong tỏa 69 tàu biển: Phó Tổng thống Venezuela, bà Delcy Rodríguez vừa tổ chức một cuộc họp với Tổng thư ký của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) Arsenio Domínguez, trong đó bà đã tố cáo hành vi phong tỏa 69 tàu liên quan đến quốc gia Caribe do trừng phạt kinh tế là “bất hợp pháp”.
Theo bà Rodríguez, Venezuela là quốc gia có số lượng tàu bị phong tỏa lớn thứ tư trên toàn thế giới. Không chỉ 39 tàu của công ty dầu khí nhà nước Venezuela PDVSA bị phong tỏa mà 30 tàu thương mại quốc tế khác cùng bị xử phạt theo “chính sách tấn công khủng khiếp này”.
Phó Tổng thống Venezuela nhấn mạnh rằng các biện pháp trừng phạt là biểu hiện của “một cuộc diệt chủng kinh tế” đối với người dân quốc gia Caribe này. Bà Rodríguez đề nghị IMO tham gia cùng các tổ chức kêu gọi dỡ bỏ các biện pháp nêu trên. (Xinhua)
*Mỹ không cho phép doanh nghiệp Cuba tiếp cận hệ thống ngân hàng: Trả lời trước một ủy ban quốc hội Mỹ về thông tin rằng chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang xem xét cho phép các doanh nhân Cuba mở tài khoản tại các ngân hàng Mỹ, Phó trợ lý Thư ký Văn phòng các vấn đề Mỹ Latinh của Mỹ Eric Jacobstein ngày 18/1 cho biết nước này hiện không có kế hoạch cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ (MSME) của Cuba tiếp cận hệ thống ngân hàng Mỹ.
Tuy nhiên, quan chức này khẳng định cam kết của chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden “hỗ trợ người dân Cuba” và tạo điều kiện cho “sự phát triển của khu vực tư nhân” tại đảo quốc láng giềng này.
Trong khi đó, nghị sĩ Đảng Dân chủ Joaquín Castro nhận định “chủ nghĩa cô lập” áp đặt lên Cuba đang “làm nghèo” người dân nước này và ủng hộ dỡ bỏ lệnh cấm vận để cho phép nền kinh tế và khu vực tư nhân phát triển. (AFP)