Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu qua video tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ ngày 18/1. (Nguồn: EPE-EPA) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Nga kêu gọi Ukraine chấp nhận yêu cầu để chấm dứt xung đột: Phát biểu ngày 19/1, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho biết: “Chế độ Ukraine càng sớm sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của Nga - điều sẽ đạt được bằng cách này hay cách khác - thì mọi thứ sẽ kết thúc càng sớm và người dân Ukraine càng sớm có thể bắt đầu quá trình hồi phục sau thảm kịch vốn do Kiev gây ra”.
Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã vạch ra kế hoạch hòa bình gồm 10 điểm để giải quyết xung đột, bắt đầu với việc Nga rút quân khỏi các khu vực của Ukraine. Moscow nhấn mạnh sẵn sàng đàm phán, song không nêu chi tiết về lập trường đàm phán hoặc mong muốn với Kiev để chấm dứt chiến sự. (Reuters)
* Tổng thống Ukraine chỉ trích Đức do dự cung cấp xe tăng: Trong bài phát biểu trực tuyến gửi tới Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đang diễn ra tại Davos, Thụy Sĩ ngày 18/1, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói: “Có lúc chúng ta không nên do dự hay so sánh. Khi ai đó nói ‘Tôi sẽ cho xe tăng nếu người khác cũng chia sẻ xe tăng’, tôi không nghĩ rằng đây là chiến lược đúng đắn”. Trước đó, có nguồn tin cho biết Berlin sẽ chỉ cung cấp xe tăng hạng nặng Leopard nếu Mỹ cũng cung cấp xe tăng Abrams.
Ông Zelensky cũng nhắc lại ý định giành lại Crimea và kêu gọi phương Tây cung cấp thêm vũ khí cho Kiev.
Cùng ngày, các đồng minh phương Tây đã gặp nhau tại căn cứ không quân Ramstein (Đức) ngày 20/1 với trọng tâm là liệu Đức có cho phép cung cấp xe tăng chiến đấu Leopard 2 cho Ukraine để giúp đánh bật quân đội Nga hay không.
Viết trên trang Telegram, ông Andriy Yermak, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết nước này không còn thời gian và kêu gọi thế giới tăng tốc hỗ trợ quân sự cho đất nước Đông Âu: “Sự phân vân về việc cung cấp xe tăng cho Ukraine phải được kết thúc càng sớm càng tốt. Cũng giống như vấn đề liên quan tới các hệ thống phòng không bổ sung. Chúng tôi đang trả giá cho sự chậm chạp bằng mạng sống của người dân Ukraine. Không nên như vậy”. (AFP/Reuters)
* Chủ tịch Hội đồng châu Âu thăm Ukraine: Ngày 19/1, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã đến thủ đô Kiev của Ukraine để dự các cuộc họp tại đây. Đồng thời, ông bày tỏ hy vọng rằng năm 2023 sẽ là một năm “thắng lợi và hòa bình”. Trên trang Twitter cá nhân, ông Michel viết: “Trở lại Kiev để thảo luận tất cả các khía cạnh hợp tác”, đăng kèm bức ảnh chụp ông tại một ga tàu. (Reuters)
* Thụy Điển sẽ gửi xe chiến đấu bộ binh và pháo tự hành cho Ukraine: Ngày 19/1, Phó Thủ tướng Thụy Điển Ebba Busch tuyên bố nước này sẽ gửi khoảng 50 xe chiến đấu bộ binh Type 90 cho Kiev, cùng hệ thống pháo tự hành Archer. Tuy nhiên, ông không nêu rõ Stockholm sẽ cung cấp bao nhiêu hệ thống Archer.
Hiện Thụy Điển có 48 hệ thống Archer, pháo tự hành gắn trên xe do công ty sản xuất vũ khí Bofors BAE chế tạo. Từ lâu, Ukraine đã bày tỏ mong muốn được bổ sung khí tài này vào kho vũ khí trong bối cảnh nước này tìm cách đẩy lùi Nga. (Reuters)
Đông Nam Á
* Philippines cam kết theo đuổi hòa bình ở Biển Đông: Phát biểu tại WEF ở Davos, Thụy Sĩ ngày 18/1, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. nhấn mạnh Philippines đang bị coi là “người ngoài cuộc” bất cứ khi nào căng thẳng gia tăng, sau khi tàu chiến Trung Quốc hay Mỹ đi qua khu vực này. Ông nhấn mạnh tình hình Biển Đông “khiến tôi mất ăn mất ngủ mọi lúc mọi nơi. Tình hình liên tục thay đổi. Vì vậy, bạn phải chú ý đến nó để đảm bảo rằng bạn ít nhất cũng nhận thức được tình hình hiện tại để có thể phản ứng”. Đồng thời, ông khẳng định chính sách của Manila là “cam kết hòa bình”. (SCMP)
Nam Á
* Ngoại trưởng Ấn Độ thăm Sri Lanka: Ngày 19/1, Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar đã tới thủ đô Colombo. Theo tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Ấn Độ, Ngoại trưởng Jaishankar sẽ gặp tổng thống nước chủ nhà vào sáng 20/1 và tổ chức các cuộc thảo luận với thủ tướng và người đồng cấp Sri Lanka. Trong chuyến thăm 2 ngày, ông Jaishankar sẽ tìm cách củng cố mối quan hệ giữa Ấn Độ với Sri Lanka và ký kết một số thỏa thuận quan trọng.
Nguồn tin từ Bộ Năng lượng Sri Lanka cho biết hai bên cũng dự kiến ký Bản ghi nhớ về một dự án năng lượng tái tạo bao phủ 3 hòn đảo ở Bắc Sri Lanka, vốn từng gây tranh cãi vào năm ngoái khi ban đầu được trao cho phía Trung Quốc trước khi Ấn Độ can thiệp để có dự án.
Đây là chuyến thăm thứ ba của ông Jaishankar tới Sri Lanka từ năm 2021. Nó cũng diễn ra ít lâu sau khi New Delhi ủng hộ Sri Lanka vay 2,9 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Hiện Colombo nợ New Delhi khoảng 1 tỷ USD.
Tuy nhiên, giờ đây Sri Lanka cần có sự ủng hộ của cả Trung Quốc và Ấn Độ, những bên cho vay song phương lớn nhất của họ, để đạt được thỏa thuận cuối cùng với IMF về khoản vay, qua đó mở ra cơ hội giúp giúp đất nước gần 22 triệu dân thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong bảy thập kỷ qua. (TTXVN)
Đông Bắc Á
* Bắc Kinh kêu gọi Australia tôn trọng hệ thống tư pháp của Trung Quốc: Ngày 19/1, phát biểu tại họp báo thường kỳ liên quan đến việc Bắc Kinh trì hoãn phán quyết trong phiên xét xử nhà văn Dương Hằng Quân, vốn có mang hai quốc tịch Trung Quốc và Australia, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân khẳng định: “Ngành tư pháp Trung Quốc đã xét xử các vụ án theo đúng pháp luật, bảo vệ đầy đủ các quyền hợp pháp của các bên liên quan, đồng thời tôn trọng và bảo vệ đầy đủ các quyền lãnh sự của phía Australia, chẳng hạn như quyền thăm viếng”. Ông Dương đã bị Trung Quốc bắt giữ tại Quảng Châu 4 năm trước với cáo buộc hoạt động gián điệp và đe dọa an ninh quốc gia nước này. (Reuters)
* Tướng Hàn Quốc kêu gọi các đơn vị ở nước ngoài sẵn sàng “tuyệt đối”: Trong phát biểu qua video ngày 19/1, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân (JCS) Hàn Quốc Kim Seung Kyum nhấn mạnh: “Bằng cách đánh giá sát sao tình hình an ninh luôn thay đổi của nước sở tại, (bạn) phải duy trì tư thế hoạt động hoàn hảo. Tôi kêu gọi (các bạn) làm hết sức để thực hiện các nhiệm vụ với phẩm giá và niềm tự hào, với tư cách là đại diện và nhà ngoại giao quân sự của Hàn Quốc”. Hiện Hàn Quốc có khoảng 1.000 quân nhân đồn trú nước ngoài. (Yonhap)
Châu Âu
* Tân Bộ trưởng Quốc phòng Đức cam kết củng cố lực lượng vũ trang: Phát biểu sau lễ trao quyết định bổ nhiệm tại Bộ Quốc phòng Đức ngày 19/1, ông Boris Pistorius khẳng định châu Âu đang đứng trước một xung đột nghiêm trọng và nhiệm vụ của Đức là chúng ta đang đứng trước một cuộc chiến ở châu Âu. Trong bối cảnh đó, ông cam kết sẽ làm cho quân đội Đức “trở nên mạnh mẽ, cả về khả năng răn đe, tính hiệu quả và sự sẵn sang, đồng thời tiếp tục hỗ trợ Ukraine…”
Ngay trong ngày đầu tiên trên cương vị mới, ông Pistorius đã tiếp người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin đang ở thăm Đức trong bối cảnh cuộc đang xảy ra tranh luận gay gắt về việc liệu Đức có nên gửi thêm xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard do nước này sản xuất cho Ukraine hay không. Trong cuộc gặp, ông Pistorius tuyên bố Đức sẽ tiếp tục cùng với các đồng minh hỗ trợ Ukraine.
Về phần mình, ông Austin khẳng định Đức vẫn là một trong những đồng minh quan trọng nhất của Mỹ. Quan chức này nói: “Tôi muốn cảm ơn Chính phủ Đức vì tất cả những gì họ đã làm để củng cố khả năng tự vệ của Ukraine”. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành quốc phòng Mỹ không đề cập cụ thể đến vấn đề xe tăng. (TTXVN/Reuters)
* Chính phủ Czech tránh bỏ phiếu bất tín nhiệm: Chiều 18/1, với 102 phiếu thuận và 81 phiếu chống, Chính phủ Czech đã tránh được nỗ lực lật đổ của phe đối lập. Liên minh 5 đảng trung hữu hiện nắm giữ 108/200 ghế tại Hạ viện. Trước đó, Phong trào ANO đối lập chính của cựu Thủ tướng Andrej Babis đã kêu gọi bỏ phiếu bất tín nhiệm ít ngày sau khi ông Babis và Tướng về hưu Petr Pavel giành được hai vị trí cao nhất trong vòng đầu cuộc bầu cử tổng thống Czech. Dụ kiến hai người sẽ bước vào vòng bầu cử thứ 2 tổ chức vào các ngày 27-28/1/2023. (TTXVN)
Trung Đông-Châu Phi
* Ai Cập kêu gọi khôi phục tiến trình hòa bình Israel-Palestine: Ngày 19/1, điện đàm với người đồng cấp Israel mới được bổ nhiệm Eli Cohen. Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhanh chóng khôi phục tiến trình hòa bình Israel-Palestine: “Khôi phục tiến trình hòa bình là cách duy nhất và lý tưởng để đạt được tầm nhìn về giải pháp hai nhà nước và thành lập một nhà nước Palestine, tiến tới hòa bình và ổn định toàn diện trong khu vực”.
Về phần mình, nhà ngoại giao này cũng nhấn mạnh Ai Cập đã, đang và sẽ tiếp tục thúc đẩy hòa bình trong khu vực cũng như gánh vác trách nhiệm lịch sử của mình trong việc thúc đẩy hòa bình và chấm dứt xung đột khu vực. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngừng các biện pháp đơn phương làm phức tạp thêm tình hình và kêu gọi duy trì vị thế lịch sử và pháp lý của thành phố Jerusalem. (Tân Hoa xã)
* Iran cảnh báo EU không liệt IRGC vào danh sách khủng bố: Ngày 19/1, hãng thông tấn IRNA (Iran) cho hay Bộ Tổng tham mưu các Lực lượng Vũ trang Iran, cơ quan điều phối các hoạt động giữa quân đội thông thường của Iran và Lực lượng Vệ binh Cách mạng nước này (IRGC), đã cảnh báo Liên minh châu Âu (EU) không nên liệt IRGC vào danh sách các tổ chức khủng bố.
Trước đó, ngày 18/1, Nghị viện châu Âu đã kêu gọi EU liệt IRGC vào danh sách các tổ chức khủng bố, cáo buộc IRGC trấn áp người biểu tình trong nước và cung cấp máy bay không người lái cho quân đội Nga chiến đấu ở Ukraine. (Reuters)