📞

Tin thế giới 19/4: Nga điều máy bay ném bom đến Biển Nhật Bản, Trung Quốc tố Mỹ ‘đổ thêm dầu vào lửa’ tại Ukraine, TTK LHQ ‘tức giận’ khi đến Kiev

Đức Trí 20:35 | 19/04/2023
Duma Nga thêm quyền cho Tổng thống Putin, Iran kêu gọi Mỹ rút quân khỏi khu vực, Trung Quốc bắt hai nhà hoạt động nhân quyền, EU tuyên bố ‘không thể chấp nhận’, Thủ tướng Singapore nói Đài Loan là “điểm nóng nguy hiểm nhất” trong cạnh tranh Mỹ-Trung... là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga đã thông qua luật mở rộng quyền hạn cho Tổng thống Nga. (Nguồn: Reuters)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Châu Á

* Trung Quốc bắt hai nhà hoạt động nhân quyền, EU tuyên bố ‘không thể chấp nhận’: Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về vụ bắt giữ 2 nhà hoạt động nhân quyền nổi bật của Trung Quốc, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh trả tự do ngay lập tức cho những người này.

Vụ việc Trung Quốc bắt giữ hai nhà hoạt động nhân quyền tại Bắc Kinh hồi tuần trước trong khi hai người này đang trên đường tới gặp các quan chức EU khiến nhiều lãnh đạo EU “quan ngại”. Trong thư điện tử gửi hãng tin Reuters tối 18/4, người phát ngôn EU cho rằng, vụ bắt giữ 2 nhà hoạt động Dư Văn Sinh và Hứa Diễm hôm 13/4 vừa qua là “không thể chấp nhận được” và “EU yêu cầu Bắc Kinh ngay lập tức trả tự do vô điều kiện cho 2 người này”.

Phía Trung Quốc chưa xác nhận vụ bắt giữ vợ chồng nhà hoạt động nhân quyền Dư Văn Sinh và Hứa Diễm. Trong cuộc họp báo ngày 19/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân không nêu cụ thể trường hợp của 2 người này, song cho biết “chính quyền Trung Quốc giải quyết các vụ việc theo pháp luật”, đồng thời nhấn mạnh Bắc Kinh phản đối hành vi can thiệp vào các công việc nội bộ. (Reuters)

* Thủ tướng Singapore: Đài Loan là “điểm nóng nguy hiểm nhất” trong cạnh tranh Mỹ-Trung: Theo nhà lãnh đạo Singapore Lý Hiển Long, căng thẳng liên quan Eo biển Đài Loan là “điểm nóng nguy hiểm nhất” trong cuộc ganh đua ngày càng quyết liệt giữa Mỹ-Trung Quốc và nguy cơ xảy ra “tính toán sai lầm và rủi ro” về vấn đề này là rất cao.

Trong bài phát biểu trước Quốc hội Singapore ngày 19/4, Thủ tướng Lý Hiển Long nêu chi tiết các quan điểm mâu thuẫn của Bắc Kinh và Washington liên quan mối quan hệ giữa hai siêu cường này. Theo ông, trong khi Bắc Kinh cho rằng Mỹ đang tìm cách kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc, thì ở Washington giờ đây đã có sự đồng thuận của lưỡng đảng rằng “sức mạnh và sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với các lợi ích và giá trị của Mỹ”.

Trước tình hình đó, Thủ tướng Lý Hiển Long tuyên bố Singapore vẫn tuân thủ chính sách “một Trung Quốc” và tiếp tục ủng hộ “xu hướng phát triển hòa bình trong mối quan hệ giữa hai bờ Eo biển Đài Loan”. Theo ông, Singapore là “bạn bè tốt với Trung Quốc và cũng là người bạn lâu năm của Đài Loan”. (SCMP)

* Tổng thống Hàn Quốc thăm Mỹ vào tuần tới: Phủ Tổng thống Hàn Quốc ngày 19/4 thông báo Tổng thống Yoon Suk-yeol sẽ dẫn đầu phái đoàn gồm 122 người trong chuyến thăm Mỹ vào tuần tới để tăng cường hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực, từ công nghệ tới văn hóa.

Tháp tùng Tổng thống Yoon có lãnh đạo các tập đoàn chủ chốt của Hàn Quốc, trong đó có Chủ tịch điều hành Samsung Lee Jae-yong, Chủ tịch Tập đoàn SK Chey Tae-won và Chủ tịch Hyundai Euisun Chung, cùng những người đứng đầu 6 hiệp hội doanh nghiệp lớn, trong đó có Liên đoàn các ngành công nghiệp Hàn Quốc và Phòng Thương mại và công nghiệp Hàn Quốc.

Chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Yoon Suk-yeol tới Washington diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 70 năm thành lập quan hệ đồng minh. Trong chuyến thăm, Tổng thống Hàn Quốc sẽ gặp Tổng thống Joe Biden vào ngày 26/4 và phát biểu tại Quốc hội Mỹ một ngày sau đó. (Yonhap)

* Nhật Bản phản đối Trung Quốc không cung cấp thông tin đầy đủ về vụ phóng vệ tinh: Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi ngày 19/4 cho biết, nước này đã trao công hàm phản đối Trung Quốc việc Bắc Kinh không cung cấp thông tin đầy đủ về vụ phóng một vệ tinh thời tiết mới đây.

Phát biểu tại một phiên họp của Hạ viện Nhật Bản, Ngoại trưởng Hayashi bày tỏ "hết sức lấy làm tiếc", đồng thời lưu ý rằng, Tokyo "đã mạnh mẽ yêu cầu một phản ứng thích hợp, bao gồm cả lời giải thích chi tiết” từ Trung Quốc trước khi tên lửa được phóng vào ngày 16/4.

Một nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, Bắc Kinh đã không phản hồi yêu cầu của Tokyo. Hiện không có thông tin về thiệt hại từ mảnh vỡ tên lửa của Trung Quốc.

Trung Quốc đã thiết lập các vùng cấm bay và cấm tàu thuyền ở Biển Hoa Đông trước khi phóng, do khả năng có các mảnh vỡ rơi xuống. (Kyodo)

* Hàn Quốc đẩy mạnh phát triển công nghệ quốc phòng, sẵn sàng cho chiến tranh trong tương lai: nước này sẽ tăng cường đầu tư vào loạt công nghệ quốc phòng tiên tiến tới năm 2037 để sẵn sàng cho chiến tranh trong tương lai, từ hệ thống phòng thủ tên lửa đến nền tảng động cơ đẩy siêu vượt âm.

Theo kế hoạch, Hàn Quốc đã chọn ra 30 công nghệ phòng thủ chiến lược cần đầu tư, như hệ thống giám sát và trinh sát không gian, nền tảng động cơ đẩy siêu vượt âm và dưới nước, cùng những hạng mục liên quan đến tác chiến điện từ. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng đề cập các công nghệ phòng thủ tên lửa và tấn công chính xác “sức mạnh lớn” để đối phó với các mối đe dọa từ vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Seoul đã tăng cường nỗ lực đối phó với những mối đe dọa quân sự ngày càng nghiêm trọng từ Bắc Triều Tiên, nổi bật gần đây là vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa sử dụng động cơ nhiên liệu rắn hôm 13/4. Hàn Quốc đặt mục tiêu phóng vệ tinh giám sát quân sự đầu tiên vào tháng 11 năm nay và đang nghiên cứu phát triển tên lửa đạn đạo “công suất cao” mới, với tên gọi là Hyunmoo-5.(Yonhap)

* Trung Quốc tố Mỹ “đổ thêm dầu vào lửa tại Ukraine”: Đặc phái viên của Trung Quốc về các vấn đề bán đảo Triều Tiên Lưu Hiểu Minh ngày 19/4 cáo buộc Mỹ đang thổi bùng xung đột ở Ukraine, trong khi Bắc Kinh đang nỗ lực mang đến một kế hoạch hòa bình.

Ông Lưu Hiểu Minh nói: "Phía Trung Quốc luôn đưa ra một cách tiếp cận công bằng và có trách nhiệm đối với vấn đề xuất khẩu các sản phẩm quân sự. Khác với Mỹ và các quốc gia phương Tây, vốn đang đổ thêm dầu vào lửa trong cuộc khủng hoảng Ukraine, chúng tôi theo đuổi một kế hoạch hòa bình để giải quyết khủng hoảng".

Cuối tháng 2 vừa qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố quan điểm về một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Tài liệu gồm 12 điểm bao gồm kêu gọi ngừng bắn, tôn trọng lợi ích hợp pháp của tất cả các quốc gia trong lĩnh vực an ninh, giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Ukraine, trao đổi tù nhân chiến tranh giữa Moscow và Kiev, cũng như dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đơn phương được áp đặt mà không có quyết định tương ứng của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. (TASS)

* Nhật Bản sơ tán công dân, nhân viên ngoại giao khỏi Sudan: Chính phủ Nhật Bản ngày 19/4 thông báo nước này chuẩn bị sơ tán công dân khỏi Sudan, trở thành quốc gia nước ngoài đầu tiên rút công dân khỏi đất nước Đông Bắc Phi đang chìm trong xung đột này. Phát biểu họp báo khẩn, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno, cho biết khoảng 60 công dân Nhật Bản đang ở Sudan, bao gồm cả nhân viên sứ quán.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã bắt đầu "các bước chuẩn bị cần thiết" để sơ tán. Ông Matsuno nói: "Do tình hình an ninh đang xấu đi, chính phủ Nhật Bản đang làm hết sức để đảm bảo an toàn cho hoạt động sơ tán".

Bạo lực giữa quân đội và lực lượng bán quân sự ở Sudan đã làm khoảng 200 người thiệt mạng kể từ khi cuộc tranh giành quyền lực kéo dài nhiều tuần bùng phát thành các cuộc giao tranh đẫm máu hôm 15/4. Cộng đồng quốc tế kêu gọi khẩn trương chấm dứt hành động thù địch tại Sudan, trong đó các ngoại trưởng G7 hôm 18/4 hối thúc một lệnh ngừng bắn ngay lập tức giữa các lực lượng tham chiến. (AFP)

Châu Âu

* Nga lo lắng vì quá phụ thuộc vào công nghệ điện tử Trung Quốc: Hãng Bloomberg ngày 19/4 đưa tin khoảng 10 tháng trước, một số quan chức cấp cao Nga đã bày tỏ lo ngại về những rủi ro liên quan đến việc phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ Trung Quốc trong khuôn khổ sự phát triển của ngành công nghiệp trong nước. Sự phụ thuộc này nảy sinh sau khi Nga mất khả năng tiếp cận các nhà cung cấp thay thế do lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) nhằm đáp trả các hành động quân sự ở Ukraine.

Một số quan chức Nga cho rằng, các tập đoàn Huawei và China Mobile Ltd sẽ chiếm lĩnh thị trường Nga. Theo họ, tình huống như vậy có thể gây rủi ro cho an ninh thông tin của Nga, kể cả việc sử dụng vi mạch và thiết bị vô tuyến điện tử. Một số thành viên Hội đồng An ninh Liên bang Nga và Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Nga chia sẻ những quan ngại này.(Bloomberg)

* Italy giải cứu 42 người di cưngoài khơi đảo Lampedusa: Ngày 18/4, lực lượng bảo vệ bờ biển Italy đã giải cứu 42 người di cư trên một chiếc thuyền gặp nạn ở ngoài khơi đảo Lampedusa, vùng Sicilia. Nhóm này, được cho là đến từ Nigeria, Côte d’Ivoire, Guinea, Sierra Leone, Burkina Faso và Liberia, có 10 phụ nữ và một trẻ em, đã khởi hành từ Sfax, Tunisia ngày 17/4. Khi lên bờ ở Lampedusa, những người di cư đã được đưa đến Contrada Imbriacola, nơi hiện đang tiếp nhận 520 người so với sức chứa chính thức là dưới 400 người. (TTXVN)

* Nga điều 8 máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 tuần tra trên Biển Nhật Bản: Hãng thông tấn Interfax đưa tin Bộ Quốc phòng Nga ngày 19/4 thông báo 8 máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 của nước này đã tiến hành các chuyến bay tuần tra theo kế hoạch trên các vùng biển trung lập thuộc biển Okhotsk và Biển Nhật Bản trong khuôn khổ chương trình kiểm tra đột xuất khả năng sẵn sàng chiến đấu của Hạm đội Thái Bình Dương.

Thông cáo của bộ trên xác nhận: "Nằm trong chuơng trình kiểm tra đột xuất khả năng sẵn sàng chiến đấu của Hạm đội Thái Bình Dương, thuộc Lực lượng Hàng không vũ trụ và các đơn vị hỗ trợ, 8 máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 của Nga đã thực hiện chuyến bay huấn luyện chiến đấu trên vùng trời các vùng biển trung lập của biển Okhotsk và phần phía Bắc của Biển Nhật Bản". (Sputniknews)

* Ukraine xác nhận tàu chở ngũ cốc tiếp tục được kiểm tra trong khi Hungary, Ba Lan và Slovakia cấm nhập khẩu: Phó Thủ tướng Ukraine Oleksandr Kubrakov ngày 19/4 xác nhận hoạt động kiểm tra các tàu đang được nối lại theo thỏa thuận do Liên hợp quốc (LHQ) làm trung gian về xuất khẩu ngũ cốc an toàn từ các cảng của Ukraine bên bờ Biển Đen.

Trên trang Facebook, ông Kubrakov viết: “Các hoạt động kiểm tra tàu đang được tiếp tục tiến hành, bất chấp những nỗ lực của Liên bang Nga nhằm phá vỡ thỏa thuận”. Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Chính sách nông nghiệp và Lương thực Ukraine Mykola Solsky cũng chỉ trích Moscow gây thêm khó khăn cho Kiev vào thời điểm 3 quốc gia Đông Âu - gồm Hungary, Ba Lan và Slovakia - cấm nhập khẩu ngũ cốc và các sản phẩm thực phẩm của Ukraine.

Ngày 19/4, hãng thông tấn Nga RIA dẫn lời Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc Ukraine và LHQ đang gây khó khăn cho hoạt động kiểm tra tàu. Hôm 18/4, Ukraine và Ba Lan đã đạt được thỏa thuận khơi thông luồng trung chuyển ngũ cốc của Ukraine từ ngày 21/4, song lệnh cấm nhập khẩu vẫn được áp dụng ở Ba Lan, Slovakia và Hungary.(Reuters)

* Duma Quốc gia thông qua luật mở rộng quyền hạn cho Tổng thống Nga: Trên kênh Telegram ngày 18/4, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, ông Vyacheslav Volodin cho biết cơ quan lập pháp này đã thông qua luật mở rộng quyền hạn cho Tổng thống Nga. Theo ông Volodin, dự luật trao cho nguyên thủ quốc gia Nga quyền hạn để bảo vệ đất nước và công dân trong trường hợp các tổ chức nước ngoài đưa ra quyết định bất hợp pháp chống lại Moscow.

Quyền hạn của Tổng thống Nga cũng được mở rộng trong lĩnh vực tước quyền công dân. Trong số những lý do mới để tước quyền công dân Nga có: đào ngũ, làm mất uy tín và tung tin giả về quân đội và tình nguyện viên, bạo loạn, vi phạm nhiều lần luật biểu tình, trốn nghĩa vụ quân sự và không tuân thủ luật về gián điệp nước ngoài. Trong luật được Duma thông qua quy định quyền công dân Nga có thể bị tước bỏ trong trường hợp có các hành động đe dọa đến an ninh quốc gia.(TASS)

* Chi tiết khiến Tổng thư ký LHQ “rất bất ngờ và tức giận” trong chuyến thăm Kiev: Người phát ngôn Tổng thư ký LHQ, ông Stefan Dujarric ngày 18/4 cho biết trong chuyến thăm Ukraine hồi tháng Ba, Tổng thư ký António Guterres đã rất ngạc nhiên khi lịch trình làm việc có thêm sự kiện Kiev tổ chức lễ trao thưởng cho các nữ quân nhân mà không có sự đồng ý của ông.

Bình luận về bài viết trên báo Washington Post, dẫn các tài liệu mật bị rò rỉ của Lầu Năm Góc, cho biết ông Guterres đã "rất tức giận" về việc tham gia buổi lễ và ông cũng "ngạc nhiên" rằng lễ trao giải được thêm vào lịch trình mà không hỏi ý kiến trước "vào cuối cuộc họp rất hiệu quả của ông ở Kiev với các nhà lãnh đạo Ukraine". Ngày 8/3, Tổng thư ký Guterres đã đến Ukraine để thảo luận về "thỏa thuận ngũ cốc" và các vấn đề liên quan khác. (Washington Post)

Châu Mỹ

* Mỹ yêu cầu Nga “không động vào” công nghệ hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya: Kênh truyền hình CNN (Mỹ) đưa tin Mỹ kêu gọi Nga "không động vào" dữ liệu kỹ thuật hạt nhân "của nước này" trong khu vực nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya (ZNPP).

Theo CNN, họ được biết một lá thư đề ngày 17/3/2023 từ người đứng đầu bộ phận chính sách không phổ biến vũ khí hạt nhân của Bộ Năng lượng Mỹ Andrea Ferkile gửi Tổng giám đốc Tập đoàn nhà nước Rosatom của Nga Alexei Likhachev. Trong thư, ông Ferkile nói rằng, nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya tại Energodar "chứa những dữ liệu kỹ thuật hạt nhân có nguồn gốc của Mỹ mà việc xuất khẩu chúng do chính phủ Mỹ kiểm soát".

Mỹ kêu gọi Nga "không động đến" những "công nghệ hạt nhân" này. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói rằng, Mỹ và các nước châu Âu luôn bác bỏ những hành vi hăm dọa hạt nhân của chế độ Kiev, đặc biệt là những hành động khiêu khích nhằm vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhya. Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế nhiều lần nói rằng, cần tạo ra một khu vực an ninh xung quanh ZNPP. (CNN)

* Brazil phản đối các biện pháp trừng phạt chống Nga: Celso Amorim, Cố vấn trưởng của Tổng thống Brazil, ngày 19/4 cho biết cuộc khủng hoảng ở Ukraine không thể được giải quyết thông qua hoạt động cung cấp vũ khí cho Kiev và các biện pháp trừng phạt chống Nga.

Trả lời phỏng vấn tờ Folha de Sao Paulo, nhà ngoại giao Brazil nhấn mạnh: "Tăng cường sức mạnh quân sự của một quốc gia hay áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một quốc gia khác sẽ không giúp đạt được hòa bình. Điều đó không có lợi cho đối thoại và không tạo điều kiện thuận lợi cho đàm phán. Vì vậy, dù cố ý hay không nó chỉ nối dài thêm mâu thuẫn".

Ông Amorim đồng thời chỉ trích những tuyên bố về kế hoạch làm "suy yếu nước Nga" hay "đánh bại Nga". Ông khẳng định: "Nga là một quốc gia lớn và quan trọng. Hơn nữa, Nga là đối tác của Brazil". Bên cạnh đó, quan chức Brazil tái khẳng định nước ông tôn trọng Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, đồng thời kêu gọi đồng minh của Kiev không cản trở tiến trình hòa bình ở Đông Âu. (TASS)

* Mỹ theo dõi và chặn điện thoại của Tổng thư ký LHQ: Stephane Dujarric, người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ, cho biết LHQ bày tỏ "quan ngại" với Mỹ sau khi báo chí tiết lộ việc giám sát các thông tin liên lạc của Tổng thư ký Antonio Guterres.

Ông Dujarric tuyên bố, LHQ chính thức bày tỏ quan ngại với Mỹ sau khi báo chí tiết lộ việc giám sát các thông tin liên lạc của Tổng thư ký Antonio Guterres, đồng thời lên án các hành động như vậy "không phù hợp với các nghĩa vụ của (Mỹ) được nêu trong Hiến chương LHQ và Công ước về Quyền ưu đãi và miễn trừ của LHQ".

Tờ Washington Post trích dẫn các tài liệu bí mật bị rò rỉ của Lầu Năm Góc, cho biết Mỹ đã chặn ít nhất bốn cuộc trò chuyện của Tổng thư ký Guterres với các quan chức LHQ khác, bao gồm cả về vấn đề Ukraine. (SCMP)

* Hải quân Mỹ sắp hoàn tất thử nghiệm tên lửa đạn đạo cho tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio: Giám đốc Chương trình hệ thống chiến lược Hải quân của Mỹ, Phó Đô đốc Johnny Wolfe ngày 18/4 cho biết Hải quân Mỹ sẽ tiến hành thử nghiệm lần cuối tên lửa cho tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio. Phát biểu trong một phiên điều trần trước quốc hội trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, ông Wolfe nói: “Cuối năm nay, Hải quân sẽ tiến hành hoạt động chạy thử và trình diễn cuối cùng đối với một tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Ohio”.

Các hoạt động trình diễn và chạy thử được tiến hành nhằm xác định sự sẵn sàng của hệ thống vũ khí và thủy thủ đoàn trên tàu ngầm. Tàu ngầm lớp Ohio sẽ được thay thế bằng tàu ngầm lớp Columbia trong những năm tới. Phó Đô đốc Wolfe nhấn mạnh rằng việc hiện đại hóa khả năng răn đe chiến lược trên biển của Mỹ là một yêu cầu có tầm quan trọng sống còn đối với an ninh quốc gia. (Sputniknews)

* Mỹ áp dụng "biện pháp chưa từng có" để ngăn chặn Trung Quốc: Tờ Politico dẫn các nguồn tin cho biết trong tháng 4 này, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden chuẩn bị công bố những "biện pháp chưa từng có" nhằm hạn chế đầu tư từ Mỹ vào Trung Quốc, ngăn cản đà phát triển công nghệ và quân sự của Bắc Kinh.

Theo các nguồn tin, Nhà Trắng đã bắt đầu thảo luận với cộng đồng doanh nghiệp, bao gồm cả Phòng Thương mại Mỹ, về nội dung sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Biden, theo đó sẽ buộc các doanh nghiệp phải thông báo cho Chính phủ về các khoản đầu tư mới vào các công ty công nghệ Trung Quốc, cũng như cấm một số giao dịch trong hàng loạt lĩnh vực quan trọng, bao gồm cả bộ vi xử lý.

Ngoài quyết định hạn chế đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc, Nhà Trắng đang xem xét khả năng cấm mạng xã hội TikTok thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc ByteDance không được hoạt động ở Mỹ, sau thời gian dài thảo luận đề xuất này tại Quốc hội và chính quyền. Ngoài ra, chính quyền Washington cũng có thể áp thuế cao hơn đối với hàng hóa Trung Quốc. (Politico)

* Nga, Venezuela thúc đẩy hợp tác về năng lượng: Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 19/4 cho biết Nga và Venezuela sẽ tăng cường hợp tác sản xuất dầu mỏ và phát triển các cơ sở khí đốt cũng như nhiều dự án khác. Ngoại trưởng Lavrov nêu rõ: "Chúng tô có nhiều dự án được lên kế hoạch trong lĩnh vực sản xuất dầu mỏ, phát triển các mỏ khí đốt, các lĩnh vực khác như nông nghiệp, y tế và dược phẩm, truyền thông, không gian và công nghệ mới.

Trong những lĩnh vực đó, chúng tôi sẽ tăng cường khối lượng và tốc độ hợp tác, tiếp tục tích cực sử dụng những cơ chế hiện hành cho mục đích này, bao gồm cả một ủy ban liên chính phủ cấp cao". Ông Lavrov cũng nhấn mạnh rằng Nga và Venezuela đã nhất trí các biện pháp thiết thực nhằm mở rộng hợp tác trong lĩnh vực thương mại, đầu tư và tăng cường quan hệ của giới doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, và các bên chuẩn bị đẩy nhanh việc thông qua hàng loạt thỏa thuận liên chính phủ cũng như đề ra những mục tiêu bổ sung cho các mối quan hệ trong lĩnh vực văn hóa và nhân đạo" (TASS)

Châu Phi – Trung Đông

* Ngoại trưởng Saudi Arabia và Mỹ thảo luận về tình hình Sudan: Trong một tuyên bố ngày 18/4, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia cho biết Ngoại trưởng nước này Hoàng tử Faisal bin Farhan đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken nhằm thảo luận về tình hình Sudan.

Trong cuộc điện đàm, ông Faisal bin Farhan và ông Blinken nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngừng leo thang quân sự tại Sudan, chấm dứt tình trạng bạo lực, giảm căng thẳng, nhằm bảo vệ thường dân cũng như công dân các nước khác đang sinh sống và làm việc tại Sudan, góp phần đảm bảo an ninh và ổn định của quốc gia Đông Phi này.

Ngoài ra, hai Ngoại trưởng cũng đề cập đến một loạt các chủ đề và khía cạnh của quan hệ song phương, triển vọng hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau và các vấn đề quốc tế và khu vực khác cùng quan tâm.(TTXVN)

* Tunisia và Syria tăng cường hợp tác song phương: Ngày 18/4, Tunisia và Syria đã ra một tuyên bố chung nhấn mạnh sự đoàn kết và hợp tác song phương trước những thách thức ngày càng tăng của khu vực và quốc tế. Tuyên bố được đưa ra nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Syria Faisal Mekdad tới Tunisia.

Tuyên bố nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ chủ quyền, ổn định và toàn vẹn lãnh thổ của Syria, đồng thời thúc đẩy các nỗ lực khu vực và quốc tế nhằm đạt được một thỏa thuận chính trị cho cuộc khủng hoảng và khôi phục hoàn toàn chủ quyền của quốc gia này. Theo tuyên bố chung được Bộ Ngoại giao Tunisia đưa ra, phía Tunisia khẳng định ủng hộ khôi phục vai trò của Syria trong Liên đoàn Arab, nhấn mạnh rằng an ninh và ổn định của nước này là trụ cột của toàn bộ khu vực.

Ngày 12/4 vừa qua, hai nước quyết định mở lại đại sứ quán và nối lại quan hệ ngoại giao, chấm dứt nhiều năm gián đoạn kể từ tháng 2/2012, khi Tunisia cắt đứt quan hệ với Syria sau khi nội chiến nổ ra tại quốc gia Trung Đông này.(Al jazeera)

* Tổng thống Iran kêu gọi Mỹ rút quân khỏi khu vực: Tổng thống Iran Ebrahim Raisi kêu gọi các lực lượng vũ trang nước ngoài, cụ thể là Mỹ, rời khỏi Tây Á càng sớm càng tốt, bởi sự hiện diện của họ gây hại tới an ninh khu vực.

Theo hãng tin chính thức IRNA, phát biểu nhân Ngày Quân đội Quốc gia Iran (18/4), ông Raisi cho rằng các lực lượng nước ngoài có mặt tại đây không giúp ổn định an ninh cho các quốc gia trong khu vực, trong khi quân đội Iran làm được việc này. Quân đội Iran hiện đã được trang bị đầy đủ và hiện đại, giúp quốc gia này biến các mối đe dọa và cấm vận thành cơ hội. Ông cũng nhấn mạnh bất kỳ quốc gia nào muốn tham gia gìn giữ an ninh khu vực đều được quân đội Iran hoan nghênh và ủng hộ.(IRNA).

Châu Đại Dương

* Australia giải cứu 11 ngư dân Indonesia gặp nạn tại Ấn Độ Dương: Ngày 19/4, các nhà chức trách Australia cho biết đã giải cứu 11 ngư dân Indonesia khỏi một hòn đảo ở Ấn Độ Dương sau khi tàu của họ bị đắm trong một cơn bão mạnh và mắc kẹt ở đó trong 6 ngày không có thức ăn và nước uống.

Cơ quan An toàn Hàng hải Australia (AMSA) cho biết còn 8 ngư dân vẫn đang mất tích. Những người sống sót được giải cứu vào tối hôm 17/4 từ đảo Bedwell, cách bờ biển thị trấn Broome, bang Tây Australia khoảng 313 km về phía Tây. Phát ngôn viên của AMSA cho biết, những người này được chuyển đến Broome và được chăm sóc y tế cần thiết.

Các ngư dân cho biết, hai tàu đã bị cuốn vào cơn bão, một chiếc có 10 thủy thủ đoàn và chiếc còn lại có 9 người. AMSA cho biết con tàu cùng 10 thủy thủ đoàn đã dạt vào đảo Bedwell, nhưng chiếc thứ hai bị chìm do thời tiết xấu (TTXVN).