Một thành viên của tổ chức Sea-Watch giúp một người di cư lên xuồng ở Biển Địa Trung Hải vào ngày 23/7/2022. (Nguồn: Aljazeera) |
Sau khi lượng người nhập cư tăng đột biến, chính phủ cánh hữu của Italy đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 6 tháng để giúp nước này đối phó với sự gia tăng người di cư “đổ bộ” xuống bờ biển phía nam của đất nước ngày càng tăng. Các nhà phân tích cảnh báo biện pháp này có thể gây ra hậu quả bất lợi cho người di cư.
Trong khi chờ được thông qua chính thức, chính phủ Italy đã đề cử một ủy viên đặc biệt và phân bổ khoản tài trợ ban đầu trị giá 5 triệu Euro để thực hiện các biện pháp đối phó với dòng người di cư.
Động thái gây tranh cãi
Trong khi chính phủ đương nhiệm Italy nhiều lần tuyên bố mạnh tay với dòng người di cư thì số lượng người nhập cảnh nước này không hề giảm.
Theo số liệu của Bộ Nội vụ, từ đầu năm 2023 đến nay, có khoảng 31.000 người di cư - những người được thuyền quân sự hoặc tàu từ thiện của Italy cứu, hoặc những người tự xoay xở đến được Italy một cách an toàn - đã có mặt ở Italy. Trong cùng thời kỳ trong hai năm trước, số người nhập cư đến Italy khoảng 8.000 người.
Mặc dù số lượng người nhập cư đến Italy tăng so với những năm trước và các trung tâm tiếp nhận như ở Lampedusa đã quá tải, người phát ngôn của Hội đồng người tị nạn - một tổ chức phi chính phủ của Italy - bà Valeria Carlini nói rằng tình hình không giống như giữa những năm 2010 khi chiến tranh ở Syria nổ ra. Thời điểm đó, dòng người di cư nhiều hơn nhưng không ban bố tình trạng khẩn cấp.
Lần duy nhất tình trạng khẩn cấp được kích hoạt đối với vấn đề di cư ở Italy là vào năm 2011, dưới thời chính phủ của Thủ tưởng Berlusconi, vào thời điểm Mùa xuân Ả Rập.
Bà Carlini cho rằng, việc ban bố tình trạng khẩn cấp là “không bình thường và cho thấy sự yếu kém trong việc quản lý hiện tượng mang tính hệ thống như vấn đề di cư”.
Ông Carmine Conte, nhà phân tích chính sách pháp lý của Nhóm chính sách di cư có trụ sở tại Brussels, lập luận rằng, việc giải quyết vấn đề di cư như một trường hợp khẩn cấp phù hợp với chính sách của chính phủ Italy về vấn đề di cư, hiện đang tìm cách hình sự hóa các tổ chức phi chính phủ tìm cách giúp đỡ người di cư trên biển.
Conte cho rằng, các tranh cãi xung quanh chính sách của chính phủ Italy về vấn đề di cư cho thấy việc thiếu một chiến lược toàn diện dài hạn để quản lý dòng người di cư nhằm bảo vệ quyền con người và hỗ trợ họ đến châu Âu một cách an toàn.
Bà Carlini cũng cho rằng, phản ứng của chính phủ Italy là “thiển cận” xét trong bối cảnh đất nước đang đối mặt với tình trạng dân số ngày càng già và thị trường lao động thiếu nhân lực. Bà Carlini cho rằng việc tạo điều kiện cho người di cư hội nhập với đất nước sẽ góp phần giải quyết được tình trạng trên.
Trong khi đó, một số nhà phân tích lý giải, tình trạng khẩn cấp ở Italy cho phép chính phủ “bỏ qua” quốc hội trong việc ban hành luật. Việc cơ quan hành pháp có quyền hạn đặc biệt được thông qua dự luật sẽ giúp quy trình ban hành luật gọn nhẹ hơn khi đối mặt với những thảm họa không lường trước được, chẳng hạn như khi xảy ra thảm họa động đất.
Giáo sư luật hiến pháp Raffaele Bifulco của Đại học Luiss nhận định, mặc dù việc sử dụng tình trạng khẩn cấp luôn là một “sự phát triển đáng lo ngại” trong một hệ thống dân chủ, nhưng đôi khi đây là biện pháp cần thiết.
Tuy vậy, phe đối lập ở Italy vẫn có nhiều ý kiến chỉ trích thủ tướng Meloni liên quan đến việc ban bố tình trạng khẩn cấp về di cư.
Sự an toàn của người di cư
Thủ tướng Giorgia Meloni cho biết, việc áp dụng tình trạng khẩn cấp cho phép chính phủ chi tiêu ngân sách và viện trợ dễ dàng hơn nhằm thành lập thêm các trung tâm tiếp nhận, nhận dạng và hồi hương, qua đó quản lý dòng di cư hiệu quả hơn.
Chính phủ Italy đang có kế hoạch xây dựng thêm các trung tâm tiếp nhận, do hiện chỉ có 9 cơ sở tiếp nhận trên toàn lãnh thổ.
Tuy vậy, việc xây mới các trung tâm tiếp nhận người di cư vẫn bị đặt ra nhiều câu hỏi về chất lượng cơ sở hạ tầng và cách thức điều hành, quản lý. Hiện các trung tâm đang vận hành được cho là chưa có điều kiện tốt để tiếp nhận người di cư và có tình trạng vi phạm nhân quyền.
Người di cư trên đảo Lampedusa của Italy. (Nguồn: infomigrants) |
Bà Carlini lập luận rằng, 5 triệu Euro là nguồn kinh phí quá ít nếu chính phủ Italy muốn quản lý vấn đề di cư theo hướng khẩn cấp. Kinh phí eo hẹp cũng sẽ ảnh hưởng đến cơ hội cho người di cư hội nhập xã hội trong điều kiện được tiếp nhận định cư.
Ngoài ra, biện pháp hồi hương nhanh chóng cũng có khả năng ảnh hưởng đến sự an toàn của người di cư.
Giống như nhiều chính phủ trước đây, Thủ tướng Meloni cho rằng, để giải quyết tốt vấn đề di cư, cần tăng cường sự phối hợp và đoàn kết giữa các nước trong Liên minh châu Âu (EU).
Bộ trưởng Bảo vệ Dân sự và Chính sách Hàng hải Nello Musumeci tuyên bố: "Rõ ràng, giải pháp giải quyết vấn đề di cư gắn liền với sự can thiệp có trách nhiệm của châu Âu".
Các nhà phân tích cho rằng, không thể dự đoán liệu Thủ tướng Meloni có tận dụng việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp của Italy để yêu cầu Hội đồng châu Âu tăng cường hỗ trợ hay không, nhưng có điều chắc chắn rằng, động thái trêm phù hợp với cách tiếp cận cứng rắn hơn của chính phủ Italy với người di cư.
| Peru tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở Lima sau nhiều ngày biểu tình Theo một sắc lệnh được công bố trên công báo, tình trạng khẩn cấp có hiệu lực trong 30 ngày, cho phép quân đội can ... |
| Bất ổn chính trị kéo dài, một quốc gia Nam Mỹ buộc phải gia hạn tình trạng khẩn cấp Peru đã gia hạn tình trạng khẩn cấp ở một số khu vực nhằm đối phó với tình trạng bất ổn chính trị kéo dài ... |
| Hoàng Đức chấn thương, không thể lên khán đài gặp bạn gái trong Lễ tình nhân Tiền vệ Nguyễn Hoàng Đức của CLB Viettel dính chấn thương nên không thể ra gặp bạn gái sau trận gặp CAHN ở vòng 3 ... |
| Italy thông qua luật mới trước tình trạng di cư bất hợp pháp ngày càng gia tăng Ngày 23/2, với 84 phiếu thuận và 61 phiếu chống, Thượng viện Italy đã chính thức thông qua luật nhằm hạn chế hoạt động tìm ... |
| Mỹ chấm dứt tình trạng khẩn cấp về y tế quốc gia do dịch Covid-19 Dịch Covid-19 đã làm hơn một triệu người tử vong ở Mỹ trong hơn 3 năm qua. |