Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Xung đột Israel-Palestine:
Trong ngày, Israel đã tiến hành 120 cuộc không kích tại Dại Gaza trong một cuộc tấn công dài 25 phút. Các mục tiêu bao gồm một kho vũ khí, các đường hầm và các cơ sở của phong trào Hamas.
Cơ quan Y tế Palestine cho biết, xung đột hơn một tuần qua khiến ít nhất 219 người Palestine thiệt mạng. Israel từ chối đưa viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza thông qua cửa khẩu Kerem Shalom.
HĐBA LHQ lần thứ 4 không ra được tuyên bố chung
Phiên họp khẩn lần thứ 4 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc được tổ chức theo đề xuất của phái đoàn Na Uy, Trung Quốc và Tunisia về tình hình xung đột Israel-Palestine đã diễn ra ngày 18/5 mà không đạt được kết quả tích cực.
Phiên họp này diễn ra một ngày sau khi Mỹ lần thứ ba chặn dự thảo tuyên bố của Hội đồng Bảo an. Mỹ đã bác tuyên bố này khi cho rằng hiện tại "không thể ủng hộ cách diễn đạt" trong nội dung dự thảo tuyên bố chung, cho rằng tuyên bố của LHQ có thể tạo ra phản ứng trái chiều mà không giúp hạ nhiệt căng thẳng trên thực địa.
Theo dự kiến, Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ lần đầu tiên nhóm họp về tình hình xung đột Israel-Palestine vào 20/5. Cuộc họp của Đại hội đồng được kỳ vọng sẽ đưa ra được nghị quyết về tình hình ở dải Gaza hiện nay, kêu gọi các bên ngừng bắn. (Times of Israel)
Israel cảm ơn Mỹ vì chặn tuyên bố chung của HĐBA LHQ
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz gửi lời cảm ơn Mỹ vì một lần nữa đã ngăn chặn nghị quyết kêu gọi ngừng bắn của HĐBA LHQ.
“Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới chính quyền Mỹ và đặc biệt là Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, người mà tôi đã nói chuyện trong tuần này, vì đã ngăn chặn đúng đắn tuyên bố bất công của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khi chỉ trích hành động của Israel ở Gaza”, ông Gantz viết trong một bài đăng.
Ông nhấn mạnh: “Trong khi Hamas, một tổ chức khủng bố, nhắm mục tiêu vào dân thường và phạm tội ác chiến tranh, mục tiêu của chúng tôi chỉ là phá bỏ cơ sở hạ tầng chống khủng bố và bảo vệ người dân. Lời chỉ trích nhằm vào Israel là đạo đức giả và gây bất lợi cho cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu”. (Reuters)
LHQ tiếp tục kêu gọi ngừng bắn
Ngày 18/5, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) phụ trách vấn đề nhân đạo và điều phối cứu trợ khẩn cấp Mark Lowcock đã kêu gọi các bên ngừng bắn nhân đạo.
Theo Phó Tổng Thư ký Lowcock, căng thẳng leo thang hiện nay đang gây ra những mất mát to lớn, thương vong cho dân thường, phá hủy nhiều nhà dân và cơ sở hạ tầng quan trọng. Ông kêu gọi các bên chấm dứt thù địch, ngừng ngay các vụ nã pháo, không kích cũng như bắn rocket.
Ngoài ra, quan chức LHQ cũng hối thúc các bên tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, trong đó có những nguyên tắc cơ bản về phân biệt giữa dân thường và các tay súng, giữa các mục tiêu dân sự và quân sự...
Ông đồng thời kêu gọi các nhà tài trợ tăng cường đóng góp cho quỹ nhân đạo huy động khẩn cấp cho vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, kêu gọi mở cửa trở lại các cửa khẩu giữa Israel và Gaza nhằm đảm bảo nguồn cung các nhu yếu phẩm, trong đó có nhiên liệu phục vụ cho các dịch vụ cơ bản, chăm sóc sức khỏe cho người dân... (THX)
Mỹ-Trung Quốc:
Mỹ kêu gọi tẩy chay Olympic Trung Quốc 2022
Ngày 18/5, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã kêu gọi “tẩy chay ngoại giao” đối với Thế vận hội Mùa Đông 2022 ở Bắc Kinh như một cách phản ứng với hồ sơ quyền con người của Trung Quốc.
Trong phát biểu của mình, bà Pelosi gợi ý rằng, các vận động viên vẫn có thể tham gia tranh tài nhưng các nhà lãnh đạo thế giới không nên đến tham dự trực tiếp.
Bà Pelosi đã chỉ trích các doanh nghiệp tài trợ cho Thế vận hội Mùa Đông 2022 “làm ngơ những sự lạm dụng của Trung Quốc vì lo ngại cho lợi nhuận của họ”. Bà đặc biệt chỉ trích các công ty được cho là đã vận động nhằm làm suy yếu các phần của dự luật lưỡng đảng nhắm vào việc sử dụng lao động cưỡng bức ở khu vực Tân Cương. (Reuters)
Trung Quốc nói Mỹ ‘đầy dối trá’
Ngày 19/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi “đầy dối trá” khi bà này kêu gọi tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội mùa Đông ở Bắc Kinh vào năm sau do vấn đề nhân quyền.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nêu rõ: “Nhận xét của một số cá nhân Mỹ đầy dối trá và sai lệch. Các chính trị gia Mỹ nên ngừng lợi dụng phong trào Olympic để chơi trò chính trị hèn hạ”. (AFP)
Mỹ điều tàu chiến qua eo biển Đài Loan
Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ cho biết tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur (lớp Arleigh Burke) "quá cảnh qua eo biển Đài Loan" vào hôm 18/5 phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế.
"Việc tàu di chuyển qua eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Mỹ đối với một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục bay, triển khai tàu và hoạt động ở bất cứ đâu mà luật pháp quốc tế cho phép", hạm đội này tuyên bố.
Cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết, tàu Mỹ đi về hướng Nam qua eo biển và "tình hình vẫn bình thường".
Về phần mình, Trung Quốc đã cáo buộc Mỹ đe dọa hòa bình và sự ổn định của Eo biển Đài Loan.
Một người phát ngôn của Bộ Chỉ huy Chiến khu miền Đông của Trung Quốc đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ và lên án động thái này, vốn diễn ra trong bối cảnh gia tăng căng thẳng giữa hai cường quốc thế giới.
Quan chức này nói: "Các hành động của Mỹ đã gửi tín hiệu sai lầm cho lực lượng đòi độc lập Đài Loan, cố tình gây rối tình hình khu vực và gây nguy hiểm đối với hòa bình và sự ổn định trên khắp Eo biển Đài Loan". Ông này đồng thời cho hay, các lực lượng Trung Quốc đã theo dõi và giám sát chặt hành trình của tàu này. (Reuters)
Mỹ hoãn lệnh cấm đầu tư vào một số công ty Trung Quốc
Bộ Tài chính Mỹ nêu rõ, giới đầu tư nước này sẽ có thời hạn đến 9 giờ 30 sáng 11/6 tới để hoàn tất các giao dịch của họ, thay vì thời hạn đặt ra trước đây là ngày 27/5.
Theo Reuters, chính quyền Mỹ đang cân nhắc hàng loạt khía cạnh trong chính sách đối với Trung Quốc, trong đó có một sắc lệnh được ban hành dưới thời chính quyền người tiền nhiệm Donald Trump.
Nội dung sắc lệnh là cấm đầu tư vào một số công ty Trung Quốc mà phía Mỹ cho là có liên hệ với các lực lượng vũ trang và các cơ quan tình báo Trung Quốc.
Một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cho biết, quyết định gia hạn thêm 2 tuần sẽ cho phép Washington giải quyết các vấn đề nêu trong sắc lệnh của chính quyền cựu Tổng thống Trump được cho là được soạn thảo và thực hiện "một cách bất cẩn." (Reuters)
Mỹ-Nga:
Nga nêu điều kiện bình thường hoá quan hệ với Mỹ
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 19/5 cho biết, nếu Mỹ bỏ lệnh trừng phạt công ty phụ trách xây dựng đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ giúp bình thường hóa quan hệ giữa Moscow và Washington.
Bình luận của ông Ryabkov được đưa ra sau khi trang tin điện tử Axios của Mỹ đưa tin Washington chuẩn bị miễn trừ các lệnh trừng phạt với Nord Stream 2 AG, công ty giám sát hoạt động xây dựng tuyến đường ống khí đốt trên. Nguồn tin cũng tiết lộ các lệnh trừng phạt sẽ được miễn với ông Matthias Warnig, Giám đốc Điều hành của Nord Stream 2 AG và là một đồng minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Interfax)
Nga hy vọng sớm tổ chức thượng đỉnh với Mỹ
Một Thứ trưởng Ngoại giao Nga cho biết, nước này này hy vọng sẽ sớm quyết định về một hội nghị thượng đỉnh tiềm năng giữa Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden, sau khi xem xét hành vi của Mỹ.
Cùng ngày, Điện Kremlin cho rằng, sự ổn định chiến lược cần được đề cao trong chương trình nghị sự của cuộc gặp có thể diễn ra giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden, bên cạnh các mối quan hệ song phương. (RIA)
Nga giúp phân định biên giới Armenia-Azerbaijan
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 19/5 cho biết Moscow đã đề nghị giúp làm trung gian cho các cuộc đàm phán giữa Armenia và Azerbaijan về phân định biên giới sau cáo buộc về một cuộc xâm nhập từ phía Azerbaijan.
Ông Lavrov cũng cho biết thêm rằng, ngoài đề nghị hỗ trợ trước hết về phân định biên giới, Moscow đã đề xuất thành lập một ủy ban chung giữa Armenia và Azerbaijan, trong đó Nga có thể tham gia với vai trò “tư vấn, hoặc trung gian”.
Đề xuất này được Nga đưa ra sau khi Armenia cáo buộc Azerbaijan điều binh sĩ vượt qua biên giới vào tuần trước, làm phơi bày sự mong manh của thỏa thuận ngừng bắn do Nga làm trung gian hồi năm ngoái, sau cuộc xung đột kéo dài 6 tuần giữa hai nước tại khu vực Nagorno-Karabakh. (Reuters)
Tổng thống CH Czech xin lỗi Serbia
Tại cuộc hội đàm với người đồng cấp Serbia Aleksandar Vucic tại thủ đô Praha, Tổng thống CH Czech Milos Zeman gửi tới một lời xin lỗi tới Serbia vì đã ủng hộ chiến dịch không kích của NATO ở Nam Tư cũ vào năm 1999.
Tổng thống Milos Zeman cho biết: Tại thời điểm NATO đưa ra quyết định không kích Serbia, trên cương vị là Thủ tướng Czech khi đó, ông đã ủng hộ hành động quân sự này khi CH. Czech mới chỉ trở thành thành viên của NATO được vài tuần; CH Czech cũng là quốc gia cuối cùng trong NATO đồng ý việc thực hiện chiến dịch công kích.
Tổng thống Zeman khẳng định, đây là "một sai lầm" và hành động này khiến ông luôn cảm thấy hối hận. (Reuters)