📞

Tin thế giới 19/7: Nga cảnh báo NATO 'đùa với lửa' ở Ukraine, 'bắt tay' Iran với thỏa thuận năng lượng khủng; Trung Quốc 'đe' Mỹ về Đài Loan

Hoàng Hà 19:42 | 19/07/2022
Diễn biến xung đột Nga-Ukraine, căng thẳng Mỹ-Trung Quốc quanh vấn đề Đài Loan, quan hệ Nga-Iran, khủng hoảng năng lượng và lương thực... là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Thông tin Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi (phải) dự kiến sẽ đến Đài Loan trong tháng 8 dẫn đến phản ứng mạnh mẽ từ Trung Quốc. (Nguồn: Financial Times)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Nga-Ukraine

* Nga sẽ đặt ra các điều khoản hòa bình với Ukraine: Ngày 18/7, Cựu Tổng thống Nga, hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh nước này Dmitry Medvedev tuyên bố, Nga sẽ đạt được toàn bộ mục tiêu và chiếm ưu thế ở Ukraine.

Theo ông, sẽ có hòa bình ở khu vực này, nhưng dựa trên các điều khoản mà Nga đặt ra. (Reuters)

* Nga chưa nối lại đàm phán với Ukraine vì không thấy sự quan tâm của Kiev và phương Tây, theo lời trợ lý của Tổng thống Nga, ông Yuri Ushakov.

Ông Ushakov nói: “Nếu các cuộc đàm phán được nối lại vào lúc này, có lẽ các điều kiện dành cho Ukraine sẽ hoàn toàn khác". (Sputnik)

* Ukraine có thể nhận được thêm tên lửa tầm xa cho HIMARS: Ấn phẩm trực tuyến Strana.ua dẫn lời Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine Oleksiy Danilov cho hay, nước này có thể sớm nhận thêm tên lửa tầm xa cho hệ thống Tổ hợp Pháo phản lực Cơ động cao (HIMARS) do Mỹ sản xuất.

Nga đã gửi công hàm tới các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để phản đối việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov lưu ý, bất kỳ phương tiện vận tải nào chở vũ khí cho Ukraine sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp của Nga.

Theo Bộ Ngoại giao Nga, các nước NATO đang "đùa với lửa" bằng cách cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Mới đây, Bộ Quốc phòng Nga cũng lần đầu tiên thông báo về việc đã phá hủy 1 Hệ thống HIMARS của Mỹ ở Ukraine.

* Thụy Sỹ từ chối điều trị cho người bị thương trong xung đột ở Ukraine: Ngày 18/7, chính phủ Thụy Sỹ 18/7 thông báo, những bệnh viện nước này sẽ không tiếp nhận điều trị cho các bệnh nhân từ xung đột Nga-Ukraine.

Lý do mà Thụy Sỹ đưa ra quyết định này là chính sách trung lập về quân sự của mình cũng như khó khăn trong việc xác định dân thường hoặc quân nhân trong số các bệnh nhân. (AFP)

Vấn đề Đài Loan (Trung Quốc)

* Nhóm nghị sĩ Nhật Bản sẽ thăm Đài Loan vào tuần tới: Theo đài truyền hình NHK, một số nghị sĩ Nhật Bản đang lên kế hoạch thăm Đài Loan từ 27/7 để thảo luận về các vấn đề an ninh cũng như tăng cường quan hệ hai bên.

Trong số các nghị sĩ sắp thăm Đài Loan có cựu Tổng thư ký Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền Shigeru Ishiba, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yasukazu Hamada, Phó Chủ tịch Đảng Dân chủ vì Nhân dân (DPFP) Seiji Maehara và nghị sĩ Shu Watanabe của Đảng Dân chủ Lập hiến Nhật Bản (CDPJ) đối lập.

* Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ Đài Loan, theo lời Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu Nicola Beer đang có chuyến thăm 3 ngày tới Đài Loan. Theo quan chức này, "sự phát triển của Đài Loan cũng là sự phát triển của châu Âu". (AFP)

* Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi lên kế hoạch thăm Đài Loan trong tháng 8 tới nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với hòn đảo này. Đây sẽ là chuyến thăm Đài Loan đầu tiên của một chủ tịch Hạ viện Mỹ trong vòng 25 năm qua.

Chuyến thăm của bà Pelosi diễn ra giữa lúc mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn ở trong tình trạng tồi tệ nhất kể từ khi 2 nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1979, trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình chuẩn bị gặp trực tuyến trong vài tuần tới.

Theo giới thạo tin, Nhà Trắng đã bày tỏ lo ngại về kế hoạch thăm Đài Loan của bà Pelosi. Đây là thời điểm nhạy cảm đối với Bắc Kinh, bởi ngày 1/8 là ngày thành lập Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. (Financial Times)

* Trung Quốc cảnh báo Mỹ về chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi: Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng, việc bà Pelosi thăm Đài Loan sẽ là "sự khiêu khích ác ý".

Trong khi đó, ngày 19/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cảnh báo, chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ sẽ hủy hoại nghiêm trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc và Washington sẽ phải chịu hậu quả.

Theo quan chức ngoại giao Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ đưa ra các biện pháp mạnh mẽ để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước này. (Reuters, THX)

* Trung Quốc thúc giục Mỹ hủy kế hoạch bán vũ khí cho Đài Loan: Ngày 18/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố, nước này cực lực phản đối thương vụ bán vũ khí của Mỹ cho Đài Loan, đồng thời thúc giục Washington hủy bỏ kế hoạch bán vũ khí cho hòn đảo tự trị này.

Có thông tin cho rằng, Bộ Ngoại giao Mỹ chấp thuận thương vụ bán vũ khí trị giá 108 triệu USD nhằm hỗ trợ kỹ thuật quân sự cho "Văn phòng Đại diện Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Mỹ".

Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định "đã gửi công hàm phản đối tới phía Mỹ", đồng thời khẳng định sẽ "tiếp tục đưa ra các biện pháp quyết liệt và mạnh mẽ để kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích an ninh".

Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng ra tuyên bố “yêu cầu Mỹ rút lại ngay lập tức kế hoạch bán vũ khí cho Đài Loan, cắt đứt toàn bộ quan hệ quân sự với hòn đảo, nếu không, trách nhiệm về sự đổ vỡ quan hệ quân sự giữa Bắc Kinh và Washington, cũng như hòa bình và ổn định tại Đài Loan, sẽ hoàn toàn là do Mỹ”. (Reuters, THX)

Châu Âu

* Châu Âu không kỳ vọng vào việc sớm tái khởi động Dòng chảy phương Bắc 1: Báo Wall Street Journal (WSJ) dẫn lời Ủy viên châu Âu phụ trách quản lý và ngân sách Johannes Hahn cho hay, Ủy ban châu Âu (EC) không kỳ vọng vào việc tái khởi động đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1.

Đường ống này đã dừng hoạt động để tiến hành bảo trì định kỳ trong 10 ngày, dự kiến hoàn tất vào ngày 21/7.

Theo WSJ, phát biểu với phóng viên, ông Hahn nói: "Chúng tôi đang thảo luận về giả định rằng nó không hoạt động trở lại".

Trước đó, Reuters đưa tin Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã thông báo cho khách hàng ở châu Âu rằng tập đoàn này không thể đảm bảo nguồn cung khí đốt do những tình huống "bất thường".

* EU đề xuất giải pháp củng cố phòng thủ tập thể: Ngày 19/7, EC đã đề xuất chi 500 triệu Euro (500 triệu USD) cho việc mua sắm quốc phòng chung giữa các nước thành viên nhằm bổ sung các kho vũ khí bị sụt giảm do viện trợ quân sự cho Ukraine.

Ủy viên châu Âu về Thị trường nội khối Thierry Breton cảnh báo, các nước EU "đã tiêu hao kho dự trữ đạn dược, pháo hạng nhẹ và hạng nặng, hệ thống phòng không và chống tăng, thậm chí cả xe bọc thép và xe tăng của mình. Điều này đã tạo ra một lỗ hổng trên thực tế mà hiện cần phải được giải quyết khẩn cấp". (AFP, Sputnik)

* Quan chức tình báo Nga gặp Thủ tướng Armenia: Theo chính quyền Armenia, ngày 18/7, Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Liên bang Nga (SVR) Sergei Naryshkin đã có cuộc gặp Thủ tướng Amernia Nikol Pashinyan, 3 ngày sau khi Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns tới thăm Yerevan.

Trong cuộc gặp, ông Naryshkin và Thủ tướng Pashinyan đã thảo luận vấn đề quan hệ song phương, vấn đề an ninh khu vực và quốc tế, trong đó có khu vực Nam Caucasus.

Sputnik dẫn lời ông Naryshkin cho hay: "Chuyến thăm đến Yerevan chắc chắn không liên quan sự xuất hiện của đồng nghiệp Mỹ, nhưng tôi không loại trừ khả năng chuyến thăm của ông Burns có liên quan chuyến thăm của tôi". (Reuters)

* Liên hợp quốc (LHQ) kêu gọi đưa lương thực của Nga trở lại thị trường thế giới: Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cảnh báo rằng, nhân loại nhiều nơi có thể phải đối mặt với nạn đói trong năm nay và tình hình có nguy cơ trở nên tồi tệ hơn vào năm tới.

Phát biểu trong thông điệp video gửi tới các đại biểu tham dự sự kiện bàn về an ninh lương thực, ông nhận định, thảm họa này có thể tránh được nếu cùng nhau hành động và tìm ra "những giải pháp chính trị táo bạo và có sự phối hợp".

Theo Tổng thư ký LHQ, điều này có nghĩa là "tái hòa nhập ngay lập tức việc sản xuất lương thực của Ukraine, cũng như lương thực và phân bón của Nga vào các thị trường thế giới và duy trì thương mại quốc tế rộng mở". (Sputnik)

Châu Á

* Tập đoàn năng lượng Nga, Iran ký thỏa thuận hợp tác: Hãng thông tấn thuộc Bộ Dầu mỏ Iran SHANA đưa tin, ngày 19/7, Công ty Dầu khí Quốc gia Iran (NIOC) và tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã ký một biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) trị giá khoảng 40 tỷ USD.

Gazprom sẽ giúp NIOC phát triển các mỏ khí đốt Kish và Norh Pars và 6 mỏ dầu khác. Gazprom cũng sẽ tham gia vào công tác hoàn thiện các dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và xây dựng đường ống khí đốt.

Còn theo hãng thông tấn Tasnim, NIOC đánh giá MoU lần này là hoạt động đầu tư nước ngoài lớn nhất trong lịch sử công nghiệp dầu mỏ của Iran.

* Iran thúc giục Mỹ ngừng yêu cầu quá mức trong đàm phán hạt nhân: Tối 18/7, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian kêu gọi Mỹ ngừng đưa ra yêu cầu quá mức, ngừng lặp lại "cách tiếp cận thiếu hiệu quả" và "hành vi không hữu ích" khi lợi dụng sức ép và trừng phạt làm đòn bẩy trong đàm phán nhằm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân 2015.

Theo ông, Mỹ nên thực hiện các bước đi thực tiễn hướng tới mục tiêu đạt được thỏa thuận trong các cuộc đàm phán.

Nhà ngoại giao Iran khẳng định quyết tâm của nước này trong việc đạt được "thỏa thuận tốt đẹp, mạnh mẽ và bền vững". (THX)

* Khả năng diễn ra hội đàm giữa lãnh đạo Nga và Syria: Ngày 19/7, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov cho biết, Tổng thống Vladimir Putin có thể tiến hành hội đàm với người đồng cấp Syria Bashar Assad sau khi thăm Iran.

Trong ngày hôm nay, Tổng thống Putin có mặt tại thủ đô Tehran (Iran) để tiến hành hội đàm với lãnh đạo nước chủ nhà và Thổ Nhĩ Kỳ. (Sputnik)

* Nhật Bản-Saudi Arabia cam kết phối hợp vì thị trường dầu ổn định trong cuộc hội đàm tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản) giữa Ngoại trưởng nước chủ nhà Hayashi Yoshimasa và người đồng cấp Saudi Arabia, Hoàng tử Faisal bin Farhan Al-Saud.

Ông Hayashi cũng đề nghị Saudi Arabia hợp tác nhằm tăng sản lượng dầu bổ sung tại Hội nghị tiếp theo của OPEC+ vào tháng 8 tới, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ hướng tới hòa bình và ổn định ở Trung Đông. (Kyodo)

* Hàn Quốc mong muốn cải thiện quan hệ với Nhật Bản, theo thông điệp của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol gửi tới Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, được Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin chuyển lời khi đến chào xã giao ông Kishida.

Trong thông điệp gửi tới Thủ tướng Kishida, Tổng thống Yoon tin tưởng có thể phối hợp với Thủ tướng Kishida, "một đối tác đáng tin cậy", để phát triển quan hệ song phương, đồng thời bày tỏ hy vọng tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản cũng như gửi lời chia buồn tới sự ra đi của cựu Thủ tướng Abe Shinzo.

Thủ tướng Nhật Bản bày tỏ mong muốn tiến hành thêm các cuộc hội đàm song phương trong thời gian tới. (Kyodo)

* Mỹ tiếp tục hợp tác với Hàn Quốc ngăn tham vọng hạt nhân của Triều Tiên, theo lời Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 19/7.

Trong bài phát biểu chuẩn bị cho cuộc hội đàm song phương với người đồng cấp Hàn Quốc Choo Kyung-ho, bà Yellen nêu rõ, hai bên sẽ thảo luận phương án áp giá trần đối với mặt hàng dầu từ Nga nhằm hạn chế nguồn thu tài trợ cho chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Hai bên cũng bàn bạc các cách thức khác để buộc Moscow phải chịu trách nhiệm cho hành động tại Ukraine. (Reuters)

Châu Mỹ

* Mỹ cảnh báo hậu quả nghiêm trọng nếu phá vỡ trật tự kinh tế toàn cầu: Ngày 18/7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, Washington sẽ buộc các quốc gia vi phạm hoặc phá vỡ trật tự kinh tế quốc tế phải gánh những hậu quả nghiêm trọng, đồng thời kêu gọi các quốc gia có trách nhiệm đoàn kết phản đối chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. (Reuters)

* Nga kêu gọi giám sát chặt chẽ hoạt động sinh học quân sự của Mỹ: Ngày 18/7, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov kêu gọi giám sát chặt chẽ các hoạt động sinh học quân sự của Lầu Năm Góc trên khắp thế giới.

Theo ông, "có nhiều bằng chứng cho thấy Lầu Năm Góc tiến hành thí nghiệm những mầm bệnh nguy hiểm nhất để tạo ra vũ khí sinh học, dưới vỏ bọc của việc nghiên cứu mang tính hòa bình".

Ông cũng cáo buộc "các hoạt động bí mật của Lầu Năm Góc ở Ukraine được thực hiện thông qua Cơ quan Giảm thiểu Đe dọa Quốc phòng".

Ông Lavrov nhận định, Mỹ đang cố gắng biện minh cho hành động của mình bằng cách nói rằng tất cả các nghiên cứu sinh học ở Ukraine chỉ nhằm mục đích hòa bình và dân sự, song không đưa ra bằng chứng nào về điều này. (THX)

* Lầu Năm Góc công bố 2 hợp đồng triển khai vệ tinh theo dõi tên lửa siêu thanh trị giá 1,3 tỷ USD nhằm tăng cường khả năng ngăn chặn mối đe dọa từ tên lửa siêu thanh của Nga và Trung Quốc, dự kiến bắt đầu đi vào hoạt động vào tháng 4/2025.

Lầu Năm Góc trao các hợp đồng này cho 2 công ty Mỹ, gồm L3Harris Technologies Inc. và Northrop Grumman Corp, với tổng cộng 28 vệ tinh có chức năng giám sát tên lửa từ quỹ đạo tầm thấp.

Các vệ tinh được thiết kế với khả năng không chỉ phát hiện các vụ phóng tên lửa siêu thanh mà còn có thể giám sát hành trình của các loại vũ khí tiên tiến này. (Kyodo)

* Mỹ nới quy định cấp visa nhập cư đặc biệt cho người Afghanistan, theo tuyên bố của Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) ngày 18/7.

Theo đó, bắt đầu từ tuần này, những người Afghanistan xin cấp mới thị thực sẽ không cần phải nộp đơn theo mẫu riêng để được hưởng quy chế nhập cảnh đặc biệt mà chỉ cần nộp đơn theo một mẫu duy nhất. (Reuters)

* Mexico tái đề nghị cấp tị nạn cho người sáng lập Wikileaks: Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador ngày 18/7 cho biết, đã gửi thư cho người đồng cấp Mỹ Joe Biden, trong đó tái khẳng định người sáng lập Wikileaks Julian Assange vô tội, cũng như đề xuất cho phép ông Assange tị nạn ở quốc gia nay.

Nhà lãnh đạo Mexico nhấn mạnh, ông Assange không vi phạm bất kỳ quyền con người nào và việc bắt giữ Assange là hành động chống lại quyền tự do ngôn luận.

Tháng 6/2022, Vương quốc Anh đã chấp thuận dẫn độ ông Assange sang Mỹ, nơi ông này sẽ phải đối mặt với các cáo buộc hình sự liên quan đến vụ Wikileaks công bố tài liệu quân sự và ngoại giao mật của Mỹ.