Tổng thống Mỹ Biden tại cuộc họp báo ngày 19/1. (Nguồn: Getty Images) |
Tông thống Mỹ Joe Biden họp báo kỷ niệm 1 năm cầm quyền
Ngày 19/1, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tổ chức một cuộc họp báo đánh dấu tròn một năm kể từ khi nhậm chức. Tại đây, ông đã đề cập đến hàng loạt vấn đề nổi bật hiện nay trong như tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Mỹ, căng thẳng Nga-Ukraine và thỏa thuận hạt nhân Iran, cũng như kế hoạch tranh cử tổng thống nhiệm kỳ 2 trong năm 2024.
Liên quan đến căng thẳng Nga-Ukraine, Tổng thống Mỹ nhận định Moscow không muốn đối mặt với một cuộc chiến tranh toàn diện với Kiev, đồng thời khẳng định Washington và các đồng minh châu Âu sẵn sàng áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn trong trường hợp Nga xâm lược Ukraine.
Ngoài ra, ông Biden cho biết Mỹ và các đối tác có thể phối hợp theo đề nghị của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc hạn chế triển khai vũ khí chiến lược của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Ukraine.
Liên quan đến thỏa thuận hạt nhân Iran, Tổng thống Biden cho rằng bây giờ không phải là lúc từ bỏ những cuộc đàm phán, bởi vì các bên liên quan đã đạt được một số tiến bộ.
Ông Biden cũng khẳng định sẽ “ra khỏi” Nhà Trắng một cách thường xuyên hơn và công du tới toàn nước Mỹ. Khi được hỏi về sự khác biệt có thể trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông, nhà lãnh đạo Mỹ trả lời: “Số một: Tôi sẽ ra khỏi nơi này một cách thường xuyên hơn. Tôi sẽ bước ra ngoài và nói chuyện với công chúng”.
Bên cạnh đó, ông Biden cũng xác nhận rằng Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ tiếp tục là đối tác liên danh của ông trong chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2024. (Reuters)
Mỹ: Ukraine nên chuẩn bị cho những ngày ‘khó khăn’
Ngày 19/1, phát biểu trong chuyến thăm Kiev, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhận định rằng Nga có thể phát động một cuộc tấn công mới nhằm vào Ukraine trong thời gian rất ngắn, song Washington vẫn sẽ theo đuổi biện pháp ngoại giao, miễn là còn có thể.
Ông Blinken cũng cho biết, Ukraine nên huẩn bị cho những ngày khó khăn, đồng thời khẳng định Washington sẽ tiếp tục hỗ trợ quốc phòng cho Kiev và gia hạn cam kết về các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Moscow trong trường hợp Nga tiến hành một cuộc xâm lược mới.
Ngoại trưởng Mỹ nói: “Chúng tôi biết rằng có những kế hoạch tăng cường lực lượng hơn nữa trong một thời gian ngắn và điều đó cho phép Tổng thống (Vladimir) Putin, trong một thời gian ngắn, có thể thực hiện các hành động hung hăng hơn nữa chống lại Ukraine”. Tuy nhiên, ông Blinken tuyên bố Washington sẽ “nỗ lực ngoại giao không ngừng để ngăn chặn các hành động xâm lược mới, cũng như thúc đẩy đối thoại và hòa bình”. (AP)
Tổng thống Ukraine kêu gọi Mỹ trừng phạt Nga ngay, đừng chần chừ
Trang Axios dẫn một nguồn thạo tin cho biết, trong chuyến thăm Kiev của các Thượng Nghị sĩ Mỹ mới nhất, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi các Thượng nghị sĩ Mỹ không nên đợi đến lúc xảy ra hành động leo thang mới áp đặt lệnh trừng phạt với Nga.
Axios dẫn nguồn cho biết: “Tổng thống Ukraine đã nói rất rõ ràng rằng cần phải áp các lệnh trừng phạt đối với dự án 'Dòng chảy phương Bắc 2 ngay từ bây giờ. Bất cứ lệnh trừng phạt nhằm vào dự án này hoặc các biện pháp trừng phạt khác, nếu mới chỉ là dự định, thì đều vô ích”.
Trong khi đó, cùng ngày, Nhà Trắng tuyên bố: “Nếu bất cứ lực lượng quân sự nào của Nga vượt qua biên giới Ukraine, thì đó đều là một cuộc xâm lược mới, và hành động này sẽ phải đối mặt với phản ứng cứng rắn, dữ dội và thống nhất từ Mỹ và các đồng minh của chúng tôi”.
Nga phản pháo cứng rắn
Ngày 20/1, Điện Kremlin tuyên bố những cảnh báo của Mỹ về hậu quả thảm khốc tiềm tàng đối với Nga sẽ không giúp hạ nhiệt căng thẳng đang leo thang liên quan tới vấn đề Ukraine và thậm chí còn khiến tình hình thêm phần phức tạp.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đưa ra bình luận trên với báo giới sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 19/1 dự báo rằng Nga sẽ di chuyển vào lãnh thổ Ukraine và Moskva sẽ phải trả giá đắt vì tiến hành một cuộc xâm lược toàn diện.
Nga, NATO nên tiếp tục đàm phán bình thường hóa quan hệ
Ngày 20/1, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho rằng bất chấp những cách tiếp cận khác nhau, Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cần tiếp tục đàm phán bình thường hóa quan hệ song phương.
Ông Szijjarto nói: "Chúng tôi hiểu rằng Nga đưa ra những đề xuất về đảm bảo an ninh của mình. NATO có cách tiếp cận khác nhưng điều đó cần được thảo luận. Vì thế đừng nói chỉ có các biện pháp trừng phạt, những gì chúng tôi muốn là tiếp tục thảo luận để đưa ra một giải pháp bình thường".
Khi được hỏi về việc rút các lực lượng NATO khỏi Hungary và quay trở lại tình hình trước năm 1997, Bộ trưởng Hungary đáp: "Những gì chúng tôi muốn là tình hình trở lại bình thường. Chúng tôi muốn NATO và Nga tin tưởng lẫn nhau. Chúng tôi muốn NATO và Nga không nhìn nhau bằng thái độ thù địch". (TASS)
Trung Quốc ‘sốc’ vì Slovenia
Mới đây, Thủ tướng Slovenia Janez Jansa cho biết quan hệ giữa nước này với Đài Loan (Trung Quốc) sẽ không bao gồm việc trao đổi đại sứ nhưng sẽ ở mức tương tự như nhiều quốc gia Liên minh châu Âu (EU) duy trì với hòn đảo này.
Ông Jansa cũng hé lộ kế hoạch của Slovenia trong việc lập văn phòng thương mại với đảo Đài Loan và ngược lại.
Đáp lại động thái này, ngày 19/1, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết, Trung Quốc “bị sốc trước động thái này và phản đối mạnh mẽ”, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết về cách thức phản ứng của Bắc Kinh.
“Đó là tuyên bố nguy hiểm của nhà lãnh đạo Slovenia khi công khai thách thức nguyên tắc Một Trung Quốc và ủng hộ Đài Loan độc lập”, ông Triệu Lập Kiên khẳng định. (SCMP)
Australia và Anh ký hiệp ước an ninh mạng
Ngày 20/1, Australia và Anh đã ký kết một thỏa thuận an ninh mạng quan trọng nhân chuyến thăm của Ngoại trưởng Anh Liz Truss tới Canberra và dự cuộc họp bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Australia và Anh (AUKMIN) 2022.
Ngoại trưởng Australia Marise Payne và Ngoại trưởng Anh Liz Truss đã ký kết Hiệp định Đối tác Công nghệ và Không gian mạng nhằm hình thành một môi trường công nghệ tích cực và duy trì không gian mạng mở, hòa bình và an toàn.
Thỏa thuận mới sẽ tạo ra một cơ chế phối hợp và cam kết hợp tác với các quốc gia ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương về không gian mạng. Ngoại trưởng Payne cho rằng: “Một không gian mạng mở, an toàn và bảo mật, và các công nghệ phục vụ con người là chìa khóa cho tương lai chung của chúng ta".
Ngoại trưởng Australia cho biết thêm: "AUKMIN 2022 tập trung các biện pháp tăng cường quan hệ đối tác của chúng ta (Australia và Anh) nhằm đối phó với các mối đe dọa mới và đang nổi lên và nắm bắt nhiều cơ hội mà kỷ nguyên này mang lại”.
AUKMIN cũng sẽ bao gồm việc thúc đẩy nhân quyền và bình đẳng giới. AUKMIN 2022 là cuộc họp cấp bộ trưởng đầu tiên được tổ chức tại Australia kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát. (Reuters)
| Trung Quốc gửi gắm thông điệp gì qua bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình tại WEF 2022? Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tổ chức phiên họp trực tuyến đầu tiên trong năm nay hôm 17/1, đánh dấu chính thức mở ... |
| Tin thế giới 19/1: Nga yêu cầu Mỹ 'đừng đoán nữa'; Tổng thống Iran dự đoán bước ngoặt với Nga; Pháp cần rời NATO? Căng thẳng Nga-Ukraine, đề xuất an ninh của Moscow, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sắp "góp tay" giải quyết xung đột Moscow-Kiev, tình hình Kazakhstan, ... |