📞

Tin thế giới 20/6: Nga lên tiếng về mục tiêu của Mỹ, Ukraine sắp không còn vũ khí để chiến đấu; tương lai bất định của Pháp

Quang Đào 19:54 | 20/06/2022
Xung đột Nga-Ukraine, quan hệ Nga-Mỹ, hệ quả của cuộc bầu cử Quốc hội Pháp, bệnh đậu mùa khỉ... là những sự kiện quốc tế nối bật 24 giờ qua.
Nga cáo buộc Mỹ và phương Tây đang cố gắng làm giảm tiếng nói của Moscow trên trường quốc tế. (Nguồn: BBC)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Mỹ muốn Nga mất tiếng nói trên trường quốc tế

Trả lời phỏng vấn kênh Rossiya-1, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, những gì Mỹ đang làm hiện nay tại Ukraine là nhằm mục tiêu tước bỏ lập trường độc lập của Nga trên trường quốc tế.

Cụ thể, ông Lavrov khẳng định, cuộc xung đột tại Ukraine đang được Mỹ và các nước đồng minh tận dụng để làm suy yếu Nga.

“Mỹ đang theo đuổi mục tiêu mà họ đã công khai từ lâu. Họ muốn Nga phải biết vị trí của mình, phải không được có tiếng nói trong các vấn đề quốc tế, phải tuân thủ các quy tắc do Mỹ đặt ra”, ông Lavrov tuyên bố, đồng thời nói thêm Washington “nhận thức rõ ràng rằng việc này sẽ không thành công”. (RT)

Nga cáo buộc một số nước G20 chính trị hóa hội nghị y tế toàn cầu

Ngày 20/6, Nga đã cáo buộc một số thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) chính trị hóa hội nghị y tế toàn cầu, trong bối cảnh Moscow phải đối mặt với những chỉ trích liên quan chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga phát động ở Ukraine vào tháng 2 đã khiến hệ thống y tế nước láng giềng rơi vào hỗn loạn.

Phát biểu tại hội nghị Bộ trưởng Y tế G20 ở thành phố Yogyakarta của Indonesia, quan chức Bộ Y tế Nga Oleg Salagay nói: "Chúng tôi đang yêu cầu các đồng nghiệp không chính trị hóa diễn đàn y tế G20 mà hãy duy trì trong khuôn khổ sứ mệnh của chúng ta và thảo luận về chăm sóc sức khỏe".

Ông còn nhấn mạnh: “Điều quan trọng là phải ngăn chặn sự chồng chéo của các tổ chức quốc tế hiện hành và sự phân tán các nguồn tài chính cũng như sự suy yếu vai trò điều phối của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và hoạt động thông tin liên lạc giữa các chương trình của tổ chức này”.

Theo ông, cần phải đảm bảo sự tài trợ bền vững cho WHO để tạo ra năng lực của tổ chức này trong công tác chống đại dịch. (Reuters)

Nga chưa cần đàm phán với Mỹ về vũ khí hạt nhân

Ngày 20/6, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho rằng Moscow không nên đàm phán với Washington về vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân cho đến khi Mỹ "xin" quay trở lại đàm phán.

Trên ứng dụng tin nhắn Telegram, ông Medvedev viết: "Hiện chúng tôi không có bất kỳ quan hệ nào với Mỹ. Mối quan hệ đang ở mức 0 trên thang Kelvin ... Chưa cần đàm phán với Mỹ (về giải trừ vũ khí hạt nhân). Điều này có hại cho Nga. Hãy để họ (Mỹ) chủ động hoặc tự xin quay lại và yêu cầu điều đó".

Ukraine lo ngại Nga sẽ tăng cường tấn công

Ngày 19/6, trong bài phát biểu thông qua video, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng Nga sẽ tận dụng việc các nước Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp vào cuối tuần này để tăng cường sức ép trên chiến trường.

“Rõ ràng, tuần này chúng tôi nên chuẩn bị cho việc Nga tăng cường các hoạt động quân sự. Chúng tôi đang chuẩn bị. Chúng tôi đã sẵn sàng”, ông Zelensky nói.

Tại hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra vào ngày 23-24/6, lãnh đạo của 27 quốc gia thành viên dự kiến thông qua đơn xin gia nhập EU của Ukraine dù một số nước thành viên chưa thể hiện sự ủng hộ. (Reuters)

Ukraine sắp không còn vũ khí để chiến đấu

Phát biểu trên truyền hình quốc gia ngày 19/6, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba nói: "Nếu chúng tôi không có vũ khí, cũng không sao. Sau đó, chúng tôi sẽ chiến đấu bằng xẻng.

Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ chính mình vì đó là cuộc chiến vì sự tồn tại của chúng tôi. Vũ khí được gửi đi càng sớm, chúng tôi nhận được nó càng sớm thì càng có lợi. Nếu vũ khí được chuyển tới muộn, chúng tôi vẫn cảm ơn nhưng sau đó nó sẽ rất lãng phí và nhiều người sẽ chết".

Ukraine cho biết đã mất nửa số vũ khí hạng nặng trong cuộc chiến chống Nga và lực lượng đồng minh của nước này ở phía đông. (RT)

Tương lai bất định của Pháp

Trong bối cảnh liên minh "Cùng nhau!" của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mất thế đa số tuyệt đối trong cuộc bầu cử Quốc hội, nhiều khả năng cơ quan lập pháp này sẽ phải giải tán.

Liên minh của ông Macron đánh mất thế đa số tại Quốc hội dẫn đến nguy cơ chính trị Pháp bị ảnh hưởng, gia tăng khả năng Quốc hội bị tê liệt hoặc những bên liên minh với ông Macron buộc phải tìm kiếm liên minh mới.

Thế nhưng, ngày 20/6, người phát ngôn chính phủ Pháp Olivia Gregoire khẳng định, việc giải tán Quốc hội “không phải là chủ đề được bàn đến hiện nay”. (Reuters)

Iran cáo buộc Mỹ làm đình trệ đàm phán hạt nhân

Ngày 20/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh khẳng định Tehran sẵn sàng đạt được một “thỏa thuận tốt” với các cường quốc thế giới, đồng thời cáo buộc Mỹ làm đình trệ các cuộc đàm phán nhằm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Phát biểu trong một cuộc họp báo, ông Saeed Khatibzadeh nói: “Thậm chí tới ngày hôm nay, chúng tôi sẵn sàng trở lại Vienna (Áo) để đạt được một thỏa thuận tốt nếu Washington thực hiện đúng các cam kết của họ”. (IRNA)

Israel thiết lập Liên minh Phòng không Trung Đông

Ngày 20/6, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz thông báo nước này đang xây dựng "Liên minh Phòng không Trung Đông" dưới sự lãnh đạo của Mỹ, đồng thời nhấn mạnh hệ thống này đã ngăn chặn nhiều cuộc tấn công của Iran.

Thông tin trên xuất hiện trong bản ghi chính thức nội dung buổi thông báo của Bộ trưởng Gantz trước Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng, Quốc hội Israel, song không nêu đích danh bất kỳ đối tác nào khác trong liên minh này. (Reuters)

Colombia có tổng thống mới

Thượng nghị sĩ Gustavo Petro, 62 tuổi, cựu Thị trưởng thủ đô Bogota - đại diện liên minh cánh tả Hiệp ước lịch sử (Pacto Historico), người đã tuyên bố sẽ thay đổi triệt để tình hình kinh tế và xã hội Colombia - sẽ trở thành Tổng thống tiếp theo của quốc gia Nam Mỹ này, sau khi đánh bại tỷ phú Rodolfo Hernandez trong cuộc bầu cử ngày 19/6.

Theo số liệu từ Văn phòng Đăng ký Quốc gia Colombia, ông Petro đã giành được 50,8% phiếu bầu, trong khi đó tỷ phú Rodolfo Hernandez - đại diện của Liên đoàn những người cầm quyền chống tham nhũng, theo tư tưởng hữu khuynh - chỉ giành được 46,9% sự ủng hộ. (Reuters)

Thêm một quốc gia phát hiện đậu mùa khỉ

Lebanon là quốc gia mới nhất ghi nhận có ca nhiễm đậu mùa khỉ. Bộ Y tế nước này cho biết, bệnh nhân vừa từ nước ngoài về và hiện đang được cách ly tại nhà.

Số liệu thống kê cho thấy từ đầu năm tính đến nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xác nhận hơn 2.100 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ và một trường hợp tử vong tại 42 quốc gia trên thế giới, trong đó 84% số ca mắc được phát hiện ở châu Âu.

Theo WHO, số ca mắc trên thực tế còn có thể cao hơn. (AFP)

Trung Quốc thử nghiệm hệ thống đánh chặn tên lửa

Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, đêm qua (19/6) nước này đã thử nghiệm thành công công nghệ đánh chặn tên lửa đạn đạo giai đoạn giữa từ mặt đất.

Bộ này cũng khẳng định, vụ thử nghiệm chỉ mang tính phòng thủ và không nhằm vào bất cứ quốc gia nào. Vụ thử được tiến hành ở trong biên giới của Trung Quốc.

Truyền thông quốc gia Trung Quốc cho biết, nước này đã thử nghiệm hệ thống chống tên lửa từ ít nhất là năm 2011.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc ra thông báo ngắn cho hay, công nghệ đánh chặn chống tên lửa giai đoạn giữa từ mặt đất đã được thực hiện và đạt mục tiêu đề ra. (CNN)

Thủ tướng Sri Lanka bắt đầu đàm phán về gói cứu trợ với IMF

Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe ngày 20/6 bắt đầu cuộc thảo luận với phái đoàn Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đang ở thăm và làm việc tại quốc gia Nam Á này.

Văn phòng báo chí của Thủ tướng Wickremesinghe cho biết, đoàn IMF sẽ lưu tại Sri Lanka trong 10 ngày. Hai bên sẽ thảo luận về chương trình cứu trợ Sri Lanka - quốc gia hiện ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ khi độc lập.

Trong tuyên bố vài ngày trước, IMF tái khẳng định cam kết sẽ hỗ trợ Sri Lanka tại thời điểm khó khăn hiện nay, đúng theo chính sách và chủ trương của thể chế tài chính này.

Thủ tướng Wickremesinghe bày tỏ hy vọng chuyến thăm và làm việc của phái đoàn IMF sẽ mang đến một thỏa thuận ở cấp chuyên viên, đồng thời nhấn mạnh gói cứu trợ của IMF đặc biệt quan trọng để Sri Lanka có thể tiếp cận các cầu nối tài chính như Ngân hàng thế giới (WB) hay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). (Reuters)