📞

Tin thế giới 20/8: Nga lên ‘kế hoạch B’ trước Taliban; Biểu tình lan rộng ở Afghanistan; Malaysia có Thủ tướng mới

Quang Đào 19:45 | 20/08/2021
Tình hình Afghanistan, Thế giới kêu gọi Taliban để ý đến vấn đề nhân đạo, Malaysia có thủ tướng mới... là những sự kiện quốc tế nổi bật 24h qua.
Lực lượng Taliban đã chiếm quyền kiểm soát Afghanistan chỉ trong 3 tháng. (Nguồn: AFP)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Nga thận trọng trước Taliban

Báo Hàng không Chuyên nghiệp của Nga nhận định, nước này đã lên kế hoạch sử dụng máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 để đối đầu với Taliban, trong trường hợp thực sự cần thiết.

Mặc dù thực tế là hiện tại đã có một cuộc đối thoại nhất định giữa phía Nga và Taliban, nhưng trong trường hợp những tay súng này cố gắng vượt qua biên giới của các quốc gia láng giềng là đồng minh của Nga, các đơn bị của Taliban sẽ bị tấn công ngay lập tức. Đồng thời, nếu điều này xảy ra, toàn bộ lực lượng thánh chiến đóng tại các vùng biên giới của Afghanistan sẽ bị tiêu diệt.

Bất chấp việc Taliban tỏ ra không quan tâm đến việc tấn công các nước láng giềng, quân đội Nga vẫn luôn có phương án vũ lực, sẵn sàng tấn công các chiến binh bằng máy bay quân sự theo yêu cầu đầu tiên từ Tajikistan, Uzbekistan hoặc Turkmenistan.

Nga, Pháp, Italy thảo luận, nhấn mạnh vấn đề nhân đạo

Ngày 19/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Italy Mario Draghi và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thảo luận về vấn đề Afghanistan trong các cuộc điện đàm riêng, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết các vấn đề nhân đạo ở nước này.

Theo tuyên bố của Điện Kremlin, cả ông Putin và ông Draghi đều lên tiếng ủng hộ việc củng cố các nỗ lực quốc tế, bao gồm cả thông qua khối G20, nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định ở Afghanistan.

Ngoài ra, ông Putin cũng đã có buổi nói chuyện với ông Macron, thảo luận về tình hình Afghanistan, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn cho người dân.

Văn phòng của ông Draghi cho biết nhà lãnh đạo Ý cũng đã có cuộc nói chuyện với Tổng thống Macron, thêm rằng hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về các tác động khác nhau của cuộc khủng hoảng Afghanistan, bao gồm việc quản lý các dòng di cư và bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản ở Afghanistan. (Reuters)

Biểu tình chống Taliban tại nhiều thành phố Afghanistan

Ngày 19/8, ngày Độc lập của Afghanistan, khoảng 500 người dân đã diễu hành qua trung tâm thành phố phía Đông Jalalabad. Những người này mang theo quốc kỳ, khẳng định quyết tâm sẽ giữ vững lá cờ của đất nước và sẽ không bao giờ chấp nhận lá cờ của Taliban.

Biểu tình cũng lan rộng ở nhiều thành phố khác. Tại một số nơi, người biểu tình còn kháng cự bằng cách xé cờ của lực lượng Taliban. Một số tay súng được cho là thuộc lực lượng Taliban có lúc đã bắn cảnh cáo để giải tán đám người biểu tình ở thủ đô Kabul đang giơ cao những hình ảnh dường như là quốc kỳ Afghanistan với màu đỏ và xanh lá cây.

Cách thủ đô Kabul 110 km về phía Bắc, trong ngày 19/8, Phó Tổng thống Amrullah Saleh - người tự xưng là "Tổng thống lâm thời Afghanistan" đã tuyên bố thành lập liên minh quân sự chống Taliban và đặt đại bản doanh ở thung lũng Panjshir.

Trong một tuyên bố trên Twitter, ngày 17/8, ông Saleh tuyên bố: “Tôi sẽ không làm hàng triệu người lắng nghe mình phải thất vọng. Tôi sẽ không đợi trời chung với Taliban”. Ông này cho hay đang liên lạc với các nhà lãnh đạo để tìm kiếm sự ủng hộ và đồng thuận trong cuộc kháng chiến chống lại Taliban. (Reuters)

Thế giới lên tiếng, kêu gọi đảm bảo an toàn cho người dân ở Afghanistan

Ngoại trưởng Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã kêu gọi Taliban đảm bảo an toàn cho dân thường và lối đi an toàn cho bất kỳ người nước ngoài và người Afghanistan nào còn lại muốn rời khỏi quốc gia Tây Nam Á này.

Trong khi đó, ngày 20/8, Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) cho biết hầu hết người Afghanistan không thể rời khỏi quê hương và những người này có thể gặp nguy hiểm khi “không có lối thoát rõ ràng”.

Trong một cuộc họp báo ở Geneva, người phát ngôn UNHCR Shabia Mantoo nhắc lại lời kêu gọi tới các nước láng giềng của Afghanistan để giữ cho biên giới của những nước này luôn rộng mở, cho phép người dân được xin tị nạn do vấn đề mà bà gọi là “cuộc khủng hoảng ngày càng gia tăng”.

Bà chỉ rõ: “UNHCR vẫn lo ngại về nguy cơ vi phạm nhân quyền đối với người dân trong bối cảnh căng thẳng leo thang này, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em gái”. (Reuters)

Taliban đề nghị LHQ ở lại Afghanistan

Điều phối viên của Liên hợp quốc (LHQ) về các vấn đề nhân đạo tại Afghanistan Ramiz Alakbarov cho biết Taliban đã bày tỏ sự ủng hộ đối với LHQ và đề nghị tổ chức này ở lại Afghanistan để tiếp tục thực hiện các hoạt động nhân đạo.

Trong một phát biểu, điều phối viên Alakbarov cho biết Văn phòng nhân đạo của LHQ ở Afghanistan và Taliban đã duy trì phối hợp trên thực tế trong 18 năm.

Ông nói: “Chúng tôi đã làm việc với họ liên tục trong suốt thời gian qua. Và chúng tôi đã thiết lập các mối quan hệ tương hỗ để thực hiện các hoạt động nhân đạo. Họ (Taliban) luôn cam đoan sẽ ủng hộ chúng tôi. Họ một lần nữa bày tỏ sự ủng hộ và đề nghị chúng tôi tiếp tục ở lại đây và cung cấp hỗ trợ nhân đạo”.

Tuy nhiên, ông Alakbarov cho biết hiện không có “thỏa thuận mới” giữa Văn phòng của LHQ và Taliban. (Sputnik)

Trung Quốc thông qua các luật mới

Ngày 20/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã bỏ phiếu thông qua một đạo luật mới về bảo vệ thông tin cá nhân, có hiệu lực từ ngày 1/11 tới.

Luật mới quy định rằng cần có sự đồng ý của cá nhân khi xử lý thông tin cá nhân nhạy cảm như sinh trắc học, y tế và sức khỏe, tài khoản tài chính và định vị. Luật cũng yêu cầu tạm ngừng hoặc chấm dứt dịch vụ đối với các ứng dụng xử lý dữ liệu cá nhân một cách bất hợp pháp.

Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã thông qua luật sửa đổi cho phép mỗi cặp vợ chồng được sinh con thứ 3, đồng thời quy định các biện pháp hỗ trợ cho chính sách mới.

Luật này sẽ hủy bỏ các quy định hạn chế liên quan, trong đó có mức phạt đối với các cặp vợ chồng vi phạm luật sinh con nhiều hơn so với quy định. Ngoài ra, luật cũng đề xuất các biện pháp hỗ trợ cho sự thay đổi chính sách kế hoạch hóa gia đình, trong đó có việc xem xét chế độ cha mẹ nghỉ có lương, thiết lập thêm các cơ sở trông giữ trẻ trong khu dân cư, khu vực công cộng và nơi làm việc. (THX)

Malaysia có Thủ tướng mới

Chiều 20/8, Hoàng cung Malaysia thông báo đã chỉ định ông Ismail Sabri Yaakob, Phó chủ tịch đảng Tổ chức Dân tộc Mã Lai thống nhất (UMNO), làm thủ tướng mới của nước này. Ông sẽ tuyên thệ nhậm chức vào lúc 14h30 ngày 21/8 (giờ địa phương).

Quyết định trên được đưa ra sau khi Quốc vương Malaysia Al-Sultan Abdullah có cuộc họp với Hội đồng quân chủ vào cùng ngày.

Việc ông Sabri Yaakob trở thành Thủ tướng thứ 9 của Malaysia không gây bất ngờ bởi ông nhận được sự ủng hộ của 114 nghị sĩ trong số 220 nghị sĩ tại Hạ viện, vượt mức ủng hộ tối thiểu là 11 hạ nghị sĩ.

Ông Ismail giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng từ tháng 3/2020 trước khi được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng vào tháng 7/2021. (AFP)

Hàn Quốc và Mỹ nỗ lực nối lại đối thoại với Triều Tiên

Ngày 20/8, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết các quan chức phụ trách vấn đề Triều Tiên của nước này và Mỹ sẽ tiến hành các cuộc hội đàm vào tuần tới nhằm thảo luận nỗ lực nối lại đối thoại với Bình Nhưỡng.

Theo bộ trên, Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên, ông Sung Kim sẽ đến Seoul vào ngày 21/8 và ở thăm Hàn Quốc 4 ngày. Trong thời gian này, ông Sung Kim sẽ gặp người đồng cấp nước chủ nhà Noh Kyu-duk, trong đó hai bên sẽ thảo luận các cách thức hợp tác nhằm đạt được tiến bộ thực chất trong việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên, đồng thời thiết lập hòa bình lâu dài tại đây.

Đây sẽ là chuyến thăm Hàn Quốc thứ 2 của ông Sung Kim kể từ khi đảm nhận chức vụ này dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden, sau chuyến thăm hồi tháng 6. Trong chuyến thăm này, ông Sung Kim cho biết Mỹ sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên vào “bất kỳ lúc nào, nơi nào mà không cần điều kiện tiên quyết” và hy vọng nhận được phản ứng tích cực từ Bình Nhưỡng. (Yonhap)

Bulgaria chưa thể thành lập chính phủ mới

Ngày 20/8, đảng Công dân vì sự phát triển châu Âu (GERB) theo đường lối trung hữu của Bulgaria đã trở thành đảng chính trị thứ 2 từ bỏ nỗ lực thành lập chính phủ mới, kể từ sau cuộc bầu cử quốc hội không đi đến kết quả cuối cùng vào tháng trước, đưa đất nước Balkan tiến gần hơn đến cuộc bầu cử lần thứ 3 trong năm nay.

Trước khi trao lại trách nhiệm cho Tổng thống Rumen Radev, Thủ tướng được chỉ định của GERB Daniel Mitov đã công bố với báo giới danh sách các bộ trưởng nội các tiềm năng để “mọi người có thể so sánh và thấy được khả năng của GERB”.

Ông nói: “Đây là Nội các tiềm năng, nhưng sẽ không thể chính thức đệ trình do chúng tôi đang ở trong tình thế không thể thực hiện được sự ủy thác thứ 2... Chúng tôi không thể trông cậy vào các cuộc đàm phán mang tính xây dựng về chính sách hoặc các thỏa thuận liên minh”.

Giờ đây, Tổng thống Radev phải yêu cầu một đảng thứ 3 cố gắng thành lập chính phủ, song các nhà phân tích cho rằng khả năng này rất thấp sau sự rạn nứt giữa ITN và hai đảng nhỏ hơn chủ trương chống tham nhũng.

Trong trường hợp lực lượng thứ 3 cũng thất bại, ông Radev sẽ giải phải tán quốc hội một lần nữa, chỉ định một chính phủ lâm thời khác và tổ chức một cuộc bầu cử mới trong vòng 2 tháng. (Reuters)