📞

Tin thế giới 2/10: Ngoại trưởng châu Âu họp ở Kiev, sân bay Nga lại hoãn chuyến vì ‘vật thể bay’

Minh Vương 20:54 | 02/10/2023
Nga nhận định Mỹ và châu Âu sẽ mệt mỏi vì xung đột, Ukraine thận trọng trước kết quả bầu cử Slovakia… là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.
Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna (trái) và người đồng cấp Đức Annalena Baerbock trả lời họp báo tại Kiev, Ukraine ngày 2/10. (Nguồn: Reuters)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Nga-Ukraine

* Sân bay Moscow bị hoãn chuyến vì “vật thể bay không xác định”: Theo dữ liệu từ dịch vụ Yandex Schedules, sáng 2/10, 23 chuyến bay bị hoãn và hủy tại các sân bay thủ đô Moscow. Trong đó, 2 chuyến bay bị hoãn tại sân bay Vnukovo và 6 chuyến bị hủy cùng 9 chuyến bị hoãn tại sân bay Domodedovo, 5 chuyến bị hoãn tại sân bay Sheremetyevo và một chuyến khác bị hủy.

Trước đó, kế hoạch “Thảm” đã được ban bố tại các sân bay Vnukovo và Domodedovo của Moscow. Kế hoạch này được ban bố “khi phát hiện vật thể bay không xác định hoặc kẻ xâm nhập”. Thông báo này đồng nghĩa với việc đóng cửa không phận đối với tất cả các máy bay ngoại trừ máy bay quân sự và cứu hộ.

Trong một diễn biến khác, trang Telegram “Mash” cho biết khoảng 10 giờ sáng 1/10, Các Lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) cố tấn công nhà máy hàng không Smolensk bằng 4 máy bay không người lái (UAV) UJ-22 Airborne. Một UAV rơi xuống nền bê tông gần phân xưởng số 63 và phát nổ. Sau đó, thêm 2 UAV nữa rơi gần xưởng số 55 khiến mái nhà bị hư hỏng.

Cả 4 UAV đều bị lực lượng phòng không hoặc hệ thống tác chiến điện tử (EW) của Nga bắn hạ. (TASS)

* Nga: Mỹ và châu Âu sẽ mệt mỏi vì xung đột Ukraine: Ngày 2/10, bình luận về quyết định của Quốc hội Mỹ thông qua dự luật tài trợ tạm thời song không bao gồm gói viện trợ dành cho Kiev, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga tin rằng sự mệt mỏi vì xung đột sẽ gia tăng ở Mỹ và châu Âu.

Mặc dù vậy, đại diện Moscow nhận định, Washington vẫn sẽ “trực tiếp tham gia” vào xung đột. Song, ông dự báo sự mệt mỏi sẽ dẫn đến điều mà ông gọi là sự chia rẽ quan điểm về cuộc xung đột này. (Reuters)

* Nga đánh giá cao lập trường của Mỹ Latinh về vấn đề Ukraine: Ngày 2/10, bên lề hội nghị Nga-Mỹ Latinh, trả lời câu hỏi liên quan tới suy nghĩ của các quốc gia trong lục địa về lập trường của Nga trong xung đột Ukraine, Vụ trưởng Vụ Mỹ Latinh Bộ Ngoại giao xứ bạch dương, ông Alexander Shchetinin đáp: “Các quốc gia Mỹ Latinh và những lực lượng chính trị có mặt ở đây đều tỏ ra quan tâm theo đuổi chính sách độc lập. Đây chính là điều then chốt. Bất cứ khi nào quan điểm này mang tính độc lập, họ đều là những đối tác tốt để đối thoại, để phát triển nền tảng chung. Chúng tôi đánh giá cao những người đã đến đây”.

Ông Shchetinin nhấn mạnh rằng, hầu hết bạn bè và đối tác Mỹ Latinh của Nga đều “nhận thức rõ lợi ích quốc gia của họ”, đồng thời cho biết chính quyền Moscow “sẽ đối thoại với họ, phát triển nền tảng chung, tầm nhìn chung về các quá trình trên thế giới ngày nay, cả về kinh tế, tài chính và chính trị”. (TASS)

* Hội nghị ngoại trưởng EU tại Kiev: Ngày 2/10, đứng cạnh Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nhấn mạnh: “Đó là một sự kiện lịch sử vì lần đầu tiên hội đồng các vấn đề đối ngoại sẽ họp bên ngoài biên giới hiện tại của mình, bên ngoài biên giới EU, nhưng bên trong biên giới tương lai của EU”.

Trước đó, ông Borrell thông báo triệu tập cuộc họp các ngoại trưởng EU tại thủ đô của Ukraine. Quan chức này nhấn mạnh: “Chúng tôi có mặt ở đây để bày tỏ tình đoàn kết và sự ủng hộ của người dân. Tương lai của Ukraine nằm trong EU”.

Ngày 2/10, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Đức thông báo Ngoại trưởng nước này, bà Annalena Baerbock tới thủ đô Kiev, bắt đầu công du Ukraine.

Trong khi đó, phát biểu tại thủ đô của quốc gia Đông Âu, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna nhận định: “Đó là sự thể hiện những ủng hộ kiên quyết và lâu dài của chúng tôi dành cho Ukraine cho đến khi nước này giành chiến thắng. Đó cũng là thông điệp gửi tới Nga rằng Moscow không nên trông chờ vào sự ‘mệt mỏi’ của chúng tôi. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong thời gian dài sắp tới”.

Trong một tin liên quan, nhận định việc Quốc hội Mỹ thông qua dự luật tài trợ tạm thời, song không bao gồm viện trợ Ukraine, ông Kuleba nhấn mạnh: “Chúng tôi không cảm thấy sự hỗ trợ của Mỹ đã bị suy giảm... bởi Mỹ hiểu rằng điều đang bị đe dọa ở Ukraine lớn hơn nhiều so với Ukraine: đó là sự ổn định và có thể dự báo của thế giới. Do đó, tôi tin rằng chúng tôi sẽ có thể tìm ra giải pháp cần thiết”.

Ông cho biết Kiev đã thảo luận với nghị sĩ Cộng hòa và Dân chủ tại Washington và ồn ào xung quanh dự luật trên, vốn giúp chính phủ Mỹ tránh nguy cơ đóng cửa hôm 30/9, là “sự cố” chứ không phải là vấn đề mang tính hệ thống. (AFP/Reuters)

* Thổ Nhĩ Kỳ cân nhắc cung cấp UAV cho Ukraine: Ngày 2/10, trả lời phỏng vấn đài RFE/RL (Nga), Giám đốc điều hành Công ty Baykarm sản xuất UAV Bayrakhtar, ông Haluk Bayraktar nhấn mạnh: “Đối với Bayraktar Akinci, vấn đề này đang được xem xét. Chúng tôi có giấy phép từ Chính phủ (Thổ Nhĩ Kỳ) cho việc này. Điều đó cho thấy chúng tôi đang tiến gần đến việc triển khai thực hiện”.

Theo ông, công ty đang đầu tư 100 triệu USD vào Ukraine. Trước đó, ngày 29/9, tại Diễn đàn Công nghiệp quốc phòng quốc tế lần thứ nhất ở Kiev, Bayraktar cho biết sẽ xây dựng nhà máy sản xuất UAV ở Ukraine trong 18 tháng tới. Giám đốc Baykarm giải thích, ngoài việc xây dựng một nhà máy, công ty sản xuất Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chi tiền cho một trung tâm dịch vụ và văn phòng chính ở Ukraine (TASS)

Mỹ-Trung

* Trung Quốc kêu gọi Mỹ tạo điều kiện cho đối thoại: Ngày 2/10, Bộ Ngoại giao nước này cho biết: “Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ gặp (chúng tôi) ở một nửa con đường và làm nhiều điều có lợi cho đối thoại Trung-Mỹ. Trung Quốc luôn đánh giá mối quan hệ hai chiều trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, cùng tồn tại hòa bình và hợp tác cùng có lợi”. Tuyên bố này được đưa ra sau khi tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã chúc “hòa bình, hạnh phúc và thịnh vượng” cho người dân Trung Quốc trước kỳ nghỉ lễ Quốc khánh của quốc gia châu Á.

Hoạt động trao đổi thông tin song phương đã tăng lên những tháng gần đây, mang lại cải thiện trong mối quan hệ căng thẳng nhiều năm qua vì vấn đề Đài Loan, Covid-19 và cáo buộc gián điệp của Trung Quốc. (Reuters)

Đông Nam Á

* Philippines và Phương Tây bắt đầu tập trận trên Biển Đông: Ngày 2/10, các lực lượng của Philippines, Anh, Canada, Nhật Bản và Mỹ bắt đầu tập trận hải quân chung mang tên “Sama Sama” kéo dài hai tuần ở vùng biển Philippines, với quy mô lên tới 1.800 người. Ngoài ra, 5 tàu, hai chiếc từ Mỹ và còn lại từ Anh, Canada và Nhật Bản, tham gia cuộc tập trận. Hải quân Australia, Pháp, Indonesia và New Zealand cũng tham gia khi cử quan sát viên và chuyên gia.

Cuộc tập trận năm nay được tổ chức ở phía Nam đảo Luzon, bao gồm các cuộc tập trận hải quân trong các lĩnh vực như tác chiến chống tàu ngầm, phòng không và tìm kiếm cứu nạn. Phát biểu khai mạc, Tư lệnh hải quân Philippines, Chuẩn đô đốc Toribio Adaci nói: “Với màn phô diễn lực lượng và sự tham gia tích cực của các đồng minh và đối tác, ‘Sama Sama’ vượt xa các cuộc tập trận quân sự đơn thuần. Đây là biểu tượng cho mối quan hệ đối tác lâu dài và cam kết chung của chúng ta đối với an ninh và ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.

Về phần mình, Phó Đô đốc Karl Thomas, Tư lệnh Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, nói: “Điều quan trọng là tất cả các quốc gia đều có quyền ra khơi và hoạt động ở Biển Tây Philippines, không bị…ép buộc hay dọa nạt”. Đáng chú ý, tập trận diễn ra sau khi tuần trước, Trung Quốc có hành vi ngăn cản ngư dân Philippines tiếp cận Bãi cạn Scarborough do Bắc Kinh kiểm soát ở Biển Đông. (Reuters)

* Khả năng Malaysia sớm cải tổ Nội các: Ngày 1/10, Phó Thủ tướng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi cho biết nước này có thể sẽ “sớm” cải tổ Nội các. Một lý do dẫn đến cải tổ Nội các là để bổ sung vị trí Bộ trưởng Thương mại nội địa và Chi phí sinh hoạt sau khi người tiền nhiệm Salahuddin Ayub qua đời hồi tháng 7.

Tuần trước, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết sẽ “suy nghĩ” về việc này. Ông lãnh đạo chính phủ bao gồm liên minh của ông, đối thủ một thời là Đảng Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất, các đảng Đông Malaysia và đảng nhỏ hơn. (Bernama)

Đông Bắc Á

* Nhật Bản, Đức đàm phán về trao đổi hậu cần: Ngày 2/10, Nikkei (Nhật Bản) đưa tin nước này sẽ khởi động đàm phán chính thức với Đức về thỏa thuận cho phép lực lượng vũ trang hai nước trao đổi nhiên liệu và các vật tư khác, tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc tập trận chung. Theo nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Thỏa thuận tiếp nhận và cung ứng dịch vụ tương hỗ (ACSA) “sẽ không chỉ đóng góp cho an ninh Nhật Bản mà còn giúp cả Nhật Bản và Đức đóng góp tích cực hơn cho hòa bình và an ninh cộng đồng quốc tế”.

Trước đó, kế hoạch thảo luận về khuôn khổ pháp lý cần thiết đã được xác nhận vào năm ngoái tại cuộc họp 2+2 giữa quan chức ngoại giao, quốc phòng hai nước. Bộ này cho biết, Nhật Bản mong muốn sớm hoàn tất các cuộc đàm phán với Đức. Năm ngoái, lực lượng không quân hai nước lần đầu tiên tập trận chung trên không phận xung quanh Nhật Bản.

Hiện Nhật Bản đã ký ACSA tương tự với các nước khác, gồm Mỹ, Australia, Pháp, Anh và Ấn Độ. (Reuters)

* Triều Tiên: IAEA là cơ quan phát ngôn của Mỹ”: Ngày 2/10, một người phát ngôn giấu tên của Bộ Năng lượng hạt nhân của Triều Tiên chỉ trích Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tham gia chiến dịch tạo áp lực do Mỹ lãnh đạo và “dựng lên” một nghị quyết về các chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Hãng thông tấn trung ương KCNA (Triều Tiên) dẫn lời người này nêu rõ: “Những chiêu trò của các thế lực thù địch đã phơi bày ý định nham hiểm của họ nhằm che đậy hành vi tội ác đe dọa nghiêm trọng hệ thống không phổ biến vũ khí hạt nhân trên thế giới và biện minh cho chính sách thù địch với Triều Tiên”.

Bên cạnh đó, người phát ngôn này cũng cáo buộc người đứng đầu IAEA Rafael Grossi đã “đi đầu trong việc tạo ra bầu không khí gây áp lực với Triều Tiên” bằng cách “lan truyền một câu chuyện sai sự thật” về một vụ thử hạt nhân sắp xảy ra.

Ngoài ra, người phát ngôn Triều Tiên nhận định nếu IAEA muốn tránh sự chỉ trích quốc tế, với tư cách là “người thổi kèn được trả công” cho Mỹ, tổ chức này nên cống hiến hết mình để giải quyết những khó khăn mà cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt, ám chỉ tới việc chống phổ biến vũ khí hạt nhân của Mỹ và việc Nhật Bản xả nước thải nhiễm xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển.

IAEA không có quyền tiếp cận Triều Tiên từ khi Bình Nhưỡng trục xuất thanh sát viên cơ quan này năm 2009 và sau đó tái khởi động việc thử hạt nhân. (KCNA)

Châu Âu

* Ukraine: Còn quá sớm để đánh giá tác động từ bầu cử Slovakia: Ngày 2/10, phát biểu trước thềm cuộc họp Ngoại trưởng EU ở Kiev, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói: “Ukraine tôn trọng sự lựa chọn của người Slovakia. Tôi nghĩ còn quá sớm để đánh giá cuộc bầu cử này tác động như thế nào đến sự ủng hộ cho Ukraine. Chúng ta phải đợi đến khi liên minh được thành lập ở Slovakia”.

Trước đó, ông Robert Fico, người thuộc đảng Dân chủ Xã hội (Smer-SD) chiến thắng trong bầu cử hôm 30/9, đã chuẩn bị cho đàm phán liên minh về thành lập chính phủ. Nhiều người cho rằng dưới thời chính trị gia cứng rắn này, Slovakia có thể sẽ cùng Hungary phản đối EU viện trợ quân sự cho Ukraine. (Reuters)

* Moldova sẽ không mua khí đốt của Nga: Ngày 2/10, Bộ trưởng Năng lượng Moldova Viktor Parlikov khẳng định: “Chúng tôi sẽ không mua khí đốt tự nhiên từ Gazprom cho các vùng lãnh thổ do các cơ quan hiến pháp kiểm soát”. Ông giải thích nước này đã mua nhiên liệu từ thị trường châu Âu “với giá thấp hơn”.

Trước đó, cuối tháng 10/2021, chính quyền Moldova và Gazprom đồng ý gia hạn hợp đồng cung cấp khí đốt cho Moldova thêm 5 năm. Trong quá trình đàm phán, Gazprom đề nghị giảm giá 25% cho Chisinau, song yêu cầu Chisinau trả khoản tiền nợ nhiên liệu trị giá 709 triệu USD. Khi đó, đại diện chính thức của Gazprom Sergey Kupriyanov thông báo rằng khoản nợ của Moldova là 433 triệu USD, song tính đến việc chậm thanh toán tổng số tiền lên tới 709 triệu USD.

Về phần mình, Thủ tướng Moldova, Natalia Gavrilitsa tuyên bố nước này không công nhận khoản nợ. Đầu tháng 9, Tổng thống Moldova Maia Sandu công bố kết quả cuộc kiểm toán khoản nợ của nước này với Gazprom và cho biết công ty kiểm toán không xác định được khoản nợ. (Reuters)

* Serbia bác tin tăng quân dọc biên giới với Kosovo: Ngày 1/10, viết trên mạng xã hội Instagram, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic tuyên bố: “Một chiến dịch dối trá… đã được phát động chống lại Serbia của chúng tôi. Họ đã nói dối rất nhiều về sự hiện diện của lực lượng quân sự… Trên thực tế, họ cảm thấy khó chịu khi Serbia có thứ mà họ mô tả là vũ khí tinh vi”.

Trước đó ngày 30/9, Kosovo cho biết đang theo dõi hoạt động của quân đội Serbia từ “3 hướng khác nhau” và kêu gọi Belgrade rút quân và phi quân sự hóa khu vực biên giới. Hồi đầu tuần, Mỹ và EU cũng bày tỏ lo ngại về động thái được cho là tăng cường triển khai quân đội ở biên giới giữa Serbia với tỉnh trước đây thuộc Serbia này và kêu gọi Belgrade giảm quy mô lực lượng quân đội ở đó.

Trong một tin liên quan, ngày 1/10, NATO cho biết sẽ triển khai 600 binh sĩ Anh tại Kosovo để tăng cường sự hiện diện. Người phát ngôn NATO Dylan White nói: “Anh đang triển khai khoảng 200 binh sĩ từ Tiểu đoàn 1 thuộc Trung đoàn Hoàng gia của Công chúa xứ Wales để tham gia lực lượng gồm 400 binh sĩ của Anh đang tập trận ở Kosovo, và sẽ có thêm quân tiếp viện từ đồng minh khác”.

Ông cho biết quyết định trên được đưa ra sau vụ tấn công bạo lực vào cảnh sát Kosovo ngày 24/9 và tình hình căng thẳng gia tăng ở khu vực này. Người phát ngôn NATO cũng kêu gọi Belgrade và chính quyền Kosovo bình tĩnh, nối lại đối thoại càng sớm càng tốt vì đây là cách duy nhất để đạt hòa bình lâu dài. (AP)

Châu Mỹ

* LHQ bỏ phiếu việc triển khai cảnh sát nước ngoài ở Haiti: Ngày 2/10 (theo giờ địa phương) tại New York, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LH) sẽ bỏ phiếu để phê chuẩn việc triển khai cảnh sát nước ngoài ở Haiti và cho phép sử dụng vũ lực để chống lại các băng đảng bạo lực tràn ngập thủ đô Port-au-Prince.

Trước đó gần 1 năm, Haiti đã yêu cầu sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. Hồi tháng trước, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã nói với Hội đồng Bảo an rằng cần phải triển khai lực lượng cảnh sát đa quốc gia “sử dụng vũ lực mạnh mẽ”, trong đó có khí tài quân sự, để khôi phục luật pháp, trật tự và giải giáp các băng nhóm.

Hiện chưa rõ Trung Quốc và Nga, vốn có quyền phủ quyết cùng với Mỹ, Pháp và Anh, sẽ bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết do Washington soạn thảo như thế nào. Tuy nhiên, giới ngoại giao cho biết họ cảnh giác với việc cho phép sử dụng vũ lực tự do và áp đặt lệnh cấm vận vũ khí của LHQ đối với tất cả các băng nhóm.

Trong khi đó, người dân Haiti tỏ ra cảnh giác với sự hiện diện của LHQ. Quốc gia vùng Caribe này từng không có dịch tả cho đến năm 2010, khi lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ đổ nước thải nhiễm vi khuẩn xuống sông. Hơn 9.000/800.000 người nhiễm bệnh đã chết vì căn bệnh này. (Reuters)