📞

Tin thế giới 2/11: Czech nói về Dòng chảy phương Bắc 2, Nga 'mát lòng'; Nga-Ukraine 'đồng thanh tương ứng'; Trung Quốc mất cơ hội ở COP26?

Hoàng Hà 19:45 | 02/11/2021
Quan hệ Nga-Czech và khủng hoảng năng lượng châu Âu, vấn đề biên giới Nga-Ukraine, vũ khí Nga, quan hệ Anh-Pháp, Israel-Palestine, Mỹ-Iran-Israel, Bán đảo Triều Tiên và Hội nghị thượng đỉnh COP26 là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Từ trái qua phải: Thủ tướng Anh Boris Johnson - chủ nhà COP26, Tổng thống Mỹ Biden - quốc gia trở lại và Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres tại ngày khai mạc Thượng đỉnh COP26 ngày 1/11. (Nguồn: Reuters)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nối bật trong ngày:

Thủ tướng Czech:

Ngày 2/11, TASS dẫn lời Thủ tướng Czech Andrej Babis nhận định, châu Âu cần sử dụng công suất của đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2.

Thủ tướng Babis cho rằng, cần có các cuộc thảo luận và thỏa thuận song phương bơi việc chặn Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ chẳng mang lại gì cho Nga, thậm chí cả châu Âu. (TASS)

Nga-Ukraine cùng bác thông tin Moscow tăng quân gần biên giới với Kiev

Ngày 2/11, Điện Kremlin bác bỏ thông tin của truyền thông Mỹ rằng, Nga có động thái tăng quân gần biên giới với Ukraine.

Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố: "Chất lượng của những thông tin này không đáng quan tâm. Thông tin nói về biên giới với Ukraine nhưng lại đưa ra hình ảnh biên giới với Belaurus. Những thông tin kém chất lượng như vậy không cần phải quan tâm".

Lưu ý việc di chuyển binh sĩ cũng như thiết bị quân sự trong lãnh thổ Nga là công việc nội bộ của nước này, ông Peskov nhấn mạnh, nước Nga không đe dọa và không gây nguy hiểm cho bất cứ nước nào.

Tuy vậy, quan chức Điện Kremlin cũng cảnh báo, trong bối cảnh có nhiều hành động gây hấn từ các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) và một số nước khác, Nga đã và sẽ luôn áp dụng các biện pháp đảm bảo an ninh của chính mình.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Ukraine cũng xác nhận không có sự tăng thêm quân của Nga gần biên giới.

Trong khi đó, ngày 1/11, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby tuyên bố, quân đội Mỹ đang theo dõi sát sao tình hình Ukraine cũng như tham vấn với các đồng minh và đối tác sau thông tin của truyền thông. (TASS, AFP)

Thượng đỉnh COP26: Trung Quốc "tố" bị tước cơ hội phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình

Ngày 2/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết, Chủ tịch Tập Cận Bình không được trao cơ hội có bài phát biểu qua video tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) đang diễn ra tại Glasgow, Scotland, Anh, mà thay vào đó buộc phải gửi phản hồi bằng văn bản.

Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ, ông Uông Văn Bân nêu rõ: "Theo tôi được hiểu, các nhà tổ chức hội nghị không cung cấp phương thức đường link để gửi video".

Trước đó một ngày, Chủ tịch Tập Cận Bình, người không tham dự trực tiếp Hội nghị COP26, đã gửi một tuyên bố bằng văn bản tới lễ khai mạc hội nghị có sự tham dự của "nhóm cấp cao gồm các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính quyền", trong đó ông không đưa ra cam kết bổ sung, mà lên tiếng hối thúc các nước duy trì lời hứa và "tăng cường lòng tin và hợp tác lẫn nhau". (Reuters)

Tổng thống Nga yêu cầu quân đội củng cố hệ thống phòng không

Ngày 1/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh yêu cầu củng cố hệ thống phòng không nước này trước sự hiện diện ngày càng thường xuyên của không quân cũng như tàu chiến được trang bị tên lửa dẫn đường của NATO ở gần vùng biển Nga tại khu vực biển Baltic và Biển Đen.

Bên cạnh đó, ông Putin nói: “Chúng ta phải tiếp tục nâng cấp hệ thống phòng không-vũ trụ bởi các cường quốc hàng đầu đã và đang phát triển các loại vũ khí tấn công tốc độ cao cho tương lai".

Trong một diễn biến khác, một nguồn tin công nghiệp quốc phòng tiết lộ, Nga đang phát triển một thệ thống có chi phí thấp, dựa trên thiết bị không người lái cảm tử để bảo vệ các lãnh hải nước này, với một số yếu tố đã vượt qua các cuộc thử nghiệm.

Nguồn tin nêu rõ: "Một công nghệ bảo vệ lãnh hải của Nga khỏi các tàu thuyền xâm nhập, bao gồm cả tàu quân sự. Hệ thống sẽ bao gồm máy bay không người lái trinh sát cũng như một số loại đạn tuần kích". (AP, Sputnik)

Căng thẳng Anh-Pháp dần hạ nhiệt

Ngày 2/11, Bộ trưởng Môi trường Anh George Eustice thông báo, giới chức Pháp đã trả tự do cho một tàu đánh bắt sò điệp của Anh bị bắt giữ hồi tuần trước tại vùng biển của Pháp gần thành phố cảng Le Havre.

Bộ trưởng Eustice đồng thời hoan nghênh quyết định của Paris "lùi lại một bước" trong bất đồng liên quan đến quyền đánh bắt cá kể từ khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit.

Trước đó, người phát ngôn chính phủ Anh cũng đã hoan nghênh quyết định của Pháp hoãn các biện pháp trừng phạt dự kiến sẽ áp dụng với London từ ngày 2/11 liên quan vấn đề này.

Quan chức này khẳng định, quan điểm nhất quán của Anh là sẵn sàng tiếp tục các cuộc thảo luận sâu hơn về vấn đề đánh bắt cá, bao gồm việc xem xét bằng chứng mới để hỗ trợ các đơn xin cấp phép còn lại.

Trong khi đó, trên mạng xã hội Twitter, Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit của Anh David Frost cho biết đã chấp nhận lời đề nghị gặp gỡ từ Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Clement Beaun tại Paris vào ngày 4/11 tới để thảo luận về việc giải quyết các bất đồng. (Reuters)

Iran cảnh cáo hành động khiêu khích của Mỹ và Israel

Ngày 1/11, nói về kế hoạch Israel dành 1,5 tỷ USD cho mục đích ngăn chặn chương trình hạt nhân của Tehran, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh khẳng định, nước này chưa bao giờ loại trừ hay bỏ qua các mối đe doạ từ nhà nước Do Thái đối với sự ổn định và an ninh khu vực.

Ông Khatibzadeh cho rằng, Israel biết rõ năng lực của Iran và hạn chế của quốc gia Do Thái, cũng như sự nghiêm túc của Tehran đối với lĩnh vực an ninh.

Đề cập chuyến bay do Mỹ dẫn đầu cùng các chiến đấu cơ của Israel, Ai Cập, Saudi Arabia và Bahrain qua các địa điểm quan trọng trên vùng biển Trung Đông, trong đó có Eo biển Hormuz ở phía Nam Iran vào ngày 31/10, người phát ngôn nước Cộng hòa Hồi giáo nêu rõ: “Chúng tôi đã theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến".

Theo quan chức Iran: "Những người đã thực hiện các hành động khiêu khích biết đó chỉ là màn thể hiện vô nghĩa và không đáng chú ý thêm”. (Reuters)

Palestine kêu gọi Mỹ mở lại lãnh sự quán tại Jerusalem

Ngày 1/11, Palestine một lần nữa kêu gọi chính quyền của Tổng thống Joe Biden mở lại lãnh sự quán Mỹ tại Jerusalem, với vai trò là phái bộ ngoại giao không chính thức dành cho người Palestine.

Palestine cũng lên án chính phủ và các đảng cánh hữu cực đoan của Israel vì hành động kêu gọi Mỹ không mở lại lãnh sự quán tại Jerusalem, cũng như có động thái kích động chống đối Tổng thống Mahmoud Abbas.

Trong diễn biến khác, cùng ngày, Israel đã thúc đẩy kế hoạch xây dựng hơn 1.300 căn hộ dành cho người Palestine tại khu Bờ Tây, vài ngày sau khi thông qua kế hoạch xây dựng hơn 3.000 căn hộ mới dành cho người định cư Do Thái. (Times of Israel)

Bán đảo Triều Tiên: Hàn, Nhật, Mỹ tìm kiếm giải pháp về Triều Tiên

Ngày 2/11, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo, các nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu của Hàn Quốc và Nhật Bản đã điện đàm chia sẻ những đánh giá về tình hình an ninh khu vực cũng như thảo luận cách thức tìm kiếm hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.

Hai bên đã nhất trí hợp tác chặt chẽ để sớm nối lại đối thoại với Triều Tiên.

Trước đó, bộ trên thông báo, các quan chức phụ trách vấn đề Triều Tiên của Mỹ và Hàn Quốc cũng đã tiến hành tham vấn.

Hai bên đã thảo luận về tình hiện nay trên Bán đảo Triều Tiên, triển vọng hợp tác nhân đạo và khả năng đối thoại với Bình Nhưỡng.

Hội nghị này tiếp tục thể hiện cam kết chung giữa Mỹ và Hàn Quốc về việc thúc đẩy mục tiêu chung của là phi hạt nhân hóa hoàn toàn và hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên. (Yonhap)

Một số tin quốc tế khác nổi bật trong ngày:

Thủ phạm ở Biển Đông khiến tàu ngầm Mỹ USS Connecticut lâm nạn: Ngày 1/11, Hải quân Mỹ đã công bố nguyên nhân khiến tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut bị hư hỏng nghiêm trọng trong một vụ tai nạn hôm 2/10 là do va phải một ngọn núi chưa được lập bản đồ trong lúc hoạt động ở vùng biển quốc tế thuộc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. (AFP)

Khai mạc Thượng đỉnh COP26: Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh, Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo thế giới đã khai mạc vào trưa ngày 1/11 (giờ địa phương).

Các nhà lãnh đạo hàng đầu được kỳ vọng sẽ đặt các mục tiêu tham vọng và hành động nhằm giới hạn mức gia tăng nhiệt độ Trái đất ở ngưỡng 1,5°C và đạt mức phát thải ròng bằng 0 trên toàn cầu vào năm 2050 theo Hiệp định Paris.

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng thống Mỹ Joe Biden thừa nhận sai lầm về quyết định trước đây của chính quyền Tổng thống Donald Trump rút Washington khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và bày tỏ xin lỗi với toàn cầu. (White House)

Sau Việt Nam, đến lượt Philippines thông báo đã yêu cầu công ty Netflix gỡ bỏ các tập phim truyền hình Pine Gap do xuất hiện một tấm bản đồ thể hiện yêu sách chủ quyền theo đường 9 đoạn của Trung Quốc, vốn trái với luật pháp quốc tế, ở Biển Đông. (Reuters)

Bị Nga thẳng tay cắt giảm 'của đống tiền', Ukraine cảnh báo chiến tranh: Ngày 1/11, ông Sergei Makogon, Giám đốc công ty vận hành hệ thống vận chuyển khí đốt (GTS) của Ukraine, cho biết, tập đoàn độc quyền khí đốt Nga Gazprom đã cắt giảm thêm 1/3 khối lượng khí đốt vận chuyển qua quốc gia Đông Âu này.

Người đứng đầu Naftogaz Yuriy Vitrenko nhận định: “Tình trạng không có đường vận chuyển khí đốt qua Ukraine sẽ làm gia tăng nguy cơ dẫn tới cuộc chiến tranh toàn diện giữa Nga và Ukraine, với mọi hậu quả đều có thể xảy ra”. (Tellerreport, Financial Times)