Tập đoàn Gazprom của Nga đã cắt giảm thêm 1/3 khối lượng khí đốt vận chuyển qua Ukraine. (Nguồn: TASS) |
Trên mạng xã hội Facebook, ông Makogon viết: “Từ ngày 1/11, lượng khí đốt vận chuyển qua Ukraine đã một lần nữa giảm xuống còn 57 triệu m3/ngày”.
Theo ông Makogon, từ ngày 1/10, lượng trung chuyển khí đốt qua Ukraine đã giảm xuống mức 86 triệu m3/ngày, dù Gazprom vẫn trả tiền cho công suất 109 triệu m3/ngày.
Người đứng đầu GTS Ukraine tính toán, với khối lượng vận chuyển như vậy, tới cuối tháng 5/2022, công ty Nga sẽ cung cấp cho Liên minh châu Âu (EU) chưa đến 5 tỷ m3 khí đốt.
Hợp đồng mà Gazprom và Naftogaz (công ty năng lượng của Ukraine) ký hồi cuối năm 2019 cho phép vận chuyển 40 tỷ m3 khí đốt hằng năm qua lãnh thổ Ukraine trong giai đoạn 2021-2024. Hai bên thống nhất áp dụng quy tắc “Bơm và trả tiền”, nghĩa là Gazprom thanh toán cho năng lực chuyển tải, bất kể khối lượng vận chuyển thực tế là bao nhiêu.
Ukraine đang muốn Nga tăng khối lượng khí đốt cung cấp. Như ông Makogon giải thích, tổng công suất chuyển tải của GTS Ukraine là 146 tỷ m3/năm, song trên thực tế, 100 tỷ m3 trong số đó không được sử dụng.
Ngoài ra, Ukraine đã mất một phần khối lượng chuyển tải do Hungary nhận khí đốt qua tuyến đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ kể từ tháng 10 theo hợp đồng mới ký với Nga.
Nếu quá trình vận chuyển hoàn toàn dừng lại, GTS Ukraine sẽ phải được tối ưu hóa, chỉ giữ lại phần chuyển tải đảm bảo cung cấp cho thị trường trong nước.
Moscow đã hơn một lần tuyên bố sẵn sàng gia hạn thỏa thuận vận chuyển khí đốt với Kiev nếu thấy thỏa thuận này khả thi về mặt kinh tế.
Trong một diễn biến khác liên quan, cùng ngày, trả lời phỏng nhật báo Financial Times, người đứng đầu Naftogaz Yuriy Vitrenko nhận định: “Tình trạng không có đường vận chuyển khí đốt qua Ukraine sẽ làm gia tăng nguy cơ dẫn tới cuộc chiến tranh toàn diện giữa Nga và Ukraine, với mọi hậu quả đều có thể xảy ra”.
Financial Times cho rằng, Kiev lo ngại châu Âu thiếu quyết tâm trong việc ủng hộ chính sách thân phương Tây của Ukraine. Về phần mình, ông Vitrenko tin rằng, Nga có thể sử dụng Dòng chảy phương Bắc 2 làm “vũ khí địa chính trị”.
Moscow đã nhiều lần nhấn mạnh Dòng chảy phương Bắc 2 là một dự án thương mại và đang được phối hợp triển khai cùng các đối tác châu Âu.
Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov từng bày tỏ quan ngại trước tình trạng một số quốc gia coi đường ống dẫn khí đốt này là một động cơ chính trị. Moscow cũng đã nhiều lần tuyên bố chưa bao giờ sử dụng các nguồn năng lượng trong vai trò của một công cụ gây áp lực.
| Tin thế giới 1/11: Nga-Moldova làm nhiều kẻ tiếc ngẩn ngơ? chính phủ Ukraine xáo trộn lớn; Mỹ úp mở 'miếng bánh ngọt' cho Trung Quốc Quan hệ Nga với Moldova, Mỹ, Sudan, Thượng đỉnh G20, chính trường Ukraine, Bắc Macedonia, bầu cử Hạ viện Nhật Bản, bán đảo Triều Tiên, ... |
| Tổng thống Zelensky: Ukraine sử dụng UAV tại Donbass để tự vệ, không vi phạm thỏa thuận nào Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 29/10 cho biết, việc nước này sử dụng máy bay không người lái (UAV) tấn công do Thổ Nhĩ ... |