Biển Đông
Nhật Bản đề nghị một giải pháp hòa bình cho tranh chấp Biển Đông
Ngày 21/10, phát biểu tại cuộc họp báo trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Indonesia, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide nhấn mạnh, Biển Đông là một trong những tuyến giao thông vận tải biển chính nối Nhật Bản và Đông Nam Á.
Tuy nhiên, ông Suga cho rằng, hiện, tình hình ở Biển Đông không phù hợp với mong muốn này. Nhật Bản yêu cầu dừng mọi hành động và động thái phá hoại sự yên bình của Biển Đông.
Ông Suga nêu rõ: "Một lần nữa tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của tất cả các bên liên quan đến vấn đề Biển Đông là cố gắng bình tĩnh để giải quyết xung đột một cách hòa bình thông qua luật pháp quốc tế, không thông qua vũ lực và đe dọa".
Theo Thủ tướng Suga, Chính phủ Nhật Bản ưu tiên hòa bình và thịnh vượng trong khu vực, cũng như tự do và tôn trọng pháp quyền ở Biển Đông.
Nhật Bản yêu cầu tất cả các bên liên quan đến tranh chấp trên các vùng biển ở Biển Đông kiềm chế và giải quyết vấn đề thông qua các kênh hợp pháp. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ-Nhật Bản-Australia 'rủ nhau' tập trận ở Biển Đông |
Nga-Mỹ
Nga hy vọng hóa giải bất đồng với Mỹ về New START
Ngày 20/10, Nga đã bày tỏ hy vọng hóa giải những bất đồng với Mỹ về Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) vốn sẽ hết hạn vào tháng 2/2021.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh, Nga hy vọng tiếp tục đối thoại với Mỹ về việc gia hạn Hiệp ước New START.
Phát biểu trên được đưa ra một ngày sau khi Mỹ hoan nghênh đề xuất của Moscow gia hạn Hiệp ước này thêm một năm nếu cả hai bên nhất trí phong tỏa toàn bộ kho đầu đạn hạt nhân của mình trong giai đoạn đó.
Cùng ngày, trong phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu tại Brussels, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cũng đã kêu gọi Nga và Mỹ kéo dài Hiệp ước New START trước tháng 2/2021.
Bên cạnh đó, ông Borrell bày tỏ "khuyến khích tổ chức các cuộc đàm phán để đạt được một thỏa thuận mở rộng hơn trong tương lai". (Reuters, TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Liệu Hiệp ước New START có giống như số phận INF? |
Nga chỉ trích lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Dòng chảy phương Bắc 2
Ngày 20/10, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo, Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ trình một báo cáo lên Quốc hội về các biện pháp trừng phạt các tàu liên quan hoạt động lắp đặt đường ống cho Dòng chảy phương Bắc 2.
Công trình đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 dài 1.230 km tới Đức gần như hoàn công, trừ đoạn cuối cùng dài khoảng 120 km ở vùng biển của Đan Mạch.
Công trình này đã bị đình chỉ hồi tháng 12/2019 sau khi công ty lắp đặt đường ống Allseas của Thụy Sỹ-Hà Lan ngừng hoạt động do lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào các công ty cung cấp tàu.
Ngày 21/10, Điện Kremlin cho rằng, lệnh trừng phạt của Mỹ đối với dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 do Nga đứng đầu là hành động đối địch và phá hoại. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Bị vây tứ bề, triển vọng nào cho Dòng chảy phương Bắc 2? |
Mỹ-Trung Quốc
Mỹ tìm cách thuyết phục Brazil không dùng mạng 5G của Trung Quốc
Ngày 20/10, Washington đã hứa hẹn cấp vốn cho Brazil 1 tỷ USD để nhập hàng hóa của Mỹ, đưa thêm một "củ cà rốt" vào chiến dịch thuyết phục nước này không sử dụng trang thiết bị Huawei của Trung Quốc để phát triển mạng 5G.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O'Brien - người chủ trì buổi ký kết trong chuyến thăm đến Brazil - cho biết, thỏa thuận bao gồm các khoản vay, bảo đảm và bảo hiểm để tài trợ cho Brazil nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ "đặc biệt là trong lĩnh vực viễn thông và mạng viễn thông hiện đại 5G quan trọng".
Phát biểu sau khi thỏa thuận được ký kết, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro nhắc lại, ông ủng hộ Tổng thống Donald Trump tái đắc cử, nói: "Tôi hy vọng sẽ được tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống sắp tái đắc cử của Mỹ".
Đại sứ quán Trung Quốc tại Brasilia phản đối mạnh mẽ trước những bình luận của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và O'Brien trong chuyến thăm tới Brazil. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Cuộc chiến 5G: Thế giới sẽ chọn Mỹ hay Trung Quốc? |
Mỹ kêu gọi củng cố liên minh vững chắc đối phó Trung Quốc, Nga
Ngày 20/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper công bố sáng kiến mới mang tên Bản hướng dẫn củng cố các Liên minh và Đối tác (GDAP), nhằm củng cố liên minh của Mỹ với "các nền dân chủ cùng chí hướng" một phần thông qua việc bán vũ khí trong nỗ lực nhằm hạn chế tầm ảnh hưởng toàn cầu của Nga và Trung Quốc.
Ông Esper cho biết, Lầu Năm Góc sẽ giám sát và quản lý có hệ thống mối quan hệ với các quốc gia đối tác, nhằm tìm kiếm cách phối hợp giữa các nền quân sự và thúc đẩy bán vũ khí của Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh: "Mạng lưới các đồng minh và đối tác của Mỹ đưa tới cho chúng ta lợi thế đặc biệt mà các kẻ thù không thể với tới", đồng thời gọi mạng lưới này là "xương sống của trật tự quốc tế dựa trên quy tắc".
"Một phần quan trọng của nỗ lực này là mở rộng doanh số bán vũ khí của Mỹ, để vừa giúp đỡ các đồng minh cải thiện khả năng quốc phòng và củng cố ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ chống lại sự cạnh tranh từ Moscow và Bắc Kinh", người đứng đầu Lầu Năm Góc nhấn mạnh. (AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
PHÂN TÍCH: Quan hệ Mỹ-Trung Quốc sẽ ra sao? |
Nga-Ukraine
Ukraine triển khai hành động ở Biển Đen, Nga lên tiếng
Ngày 20/10, trong bài phát biểu thường niên trước các nghị sỹ, Tổng thống Ukraine Vlodymyr Zelensky cho hay, nước này bắt đầu xây dựng hai căn cứ hải quân để bảo vệ khu vực Biển Đen.
Ông Zelensky cũng cho biết thêm, các tàu quân sự như Getman Sagaydachniy đang tiếp tục được nâng cấp và đã được đưa vào sử dụng tên lửa chống hạm Neptun mới.
Nhà lãnh đạo Ukraine cũng tiết lộ kế hoạch mở rộng hợp tác quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Mỹ. Đặc biệt, ông lưu ý, Ukraine có kế hoạch hợp tác cùng Ankara để phát triển máy bay không người lái và hệ thống phòng không.
Phản ứng trước thông tin trên, cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng, việc Ukraine có ý định xây dựng căn cứ hải quân ở Biển Đen có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định trong khu vực.
Ông Dmitry Peskov lưu ý, những tuyên bố của ông Zelensky cần phải được phân tích kỹ lưỡng do vị Tổng thống này không nói rõ những căn cứ hải quân đó chính xác là của ai. (TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Nga – Ukraine hậu Thể thức Normandy: 4 tháng, 5 phút, khí đốt và Crimea |
Iran
3 ngày sau khi hết cấm vận vũ khí, Iran tập trận không quân quy mô lớn
Ngày 21/10, hãng Tasnim đưa tin, lực lượng phòng không Iran đã bắt đầu cuộc tập trận quy mô lớn tại các khu vực khác nhau trên cả nước.
Tham gia cuộc tập trận phòng không mang tên Người bảo vệ bầu trời Velayat 99 có các đơn vị của Lục quân và Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).
Theo Tasnim, các máy bay tiêm kích, cường kích, máy bay không người lái nội địa, hệ thống tên lửa, radar và các trang thiết bị tác chiến điện tử cùng hệ thống thông tin liên lạc của Iran đã được triển khai trong cuộc tập trận này.
Mục tiêu của cuộc diễn tập không quân là nhằm "cải thiện khả năng sẵn sàng chiến đấu, năng lực phòng không của lực lượng vũ trang và nằm trong các mục tiêu tổ chức một cuộc tập trận phòng không cho các tỉnh của Iran".
Trong thời gian diễn tập, hệ thống mạng sẽ điều phối hoạt động của các đơn vị phòng không, bao gồm cả các loại tên lửa và radar sản xuất trong nước. Ngoài ra, Iran cũng sẽ sử dụng các hệ thống tác chiến điện tử và tình báo hình ảnh để theo dõi "các mối đe dọa". (THX)
TIN LIÊN QUAN | |
Bầu cử Mỹ: 'Bí bài', Tổng thống Trump sẽ dùng 'nước cờ' Trung Đông? |
Bầu cử Mỹ 2020
Tổng thống Trump yêu cầu Bộ Tư pháp điều tra con trai ông Biden
Ngày 20/10, Tổng thống Trump đã yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp William Barr điều tra con trai của ứng cử viên Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden là Hunter Biden với cáo buộc Hunter Biden giúp môi giới một cuộc họp giữa một giám đốc điều hành công ty khí đốt Burisma Holdings của Ukraine với ông Joe Biden khi ông Biden đang làm Phó Tổng thống Mỹ. Ông Trump yêu cầu công bố kết quả điều tra trước ngày bầu cử.
Cùng ngày, theo kết quả cuộc thăm dò mới được công bố, ứng cử viên đảng Dân chủ Biden đã dẫn trước Tổng thống Trump 9% trên toàn quốc với tỷ lệ ủng hộ 50% từ những người được hỏi.
Ứng cử viên của đảng Dân chủ đang nhận được sự ủng hộ rất lớn từ cử tri phụ nữ trong cuộc thăm dò này, khi tạo ra cách biệt 23% so với Tổng thống đương nhiệm. Trong khi đó, ông Trump cũng vượt qua đối thủ về tỷ lệ ủng hộ của cử tri nam giới với cách biệt 6%.
Đối với các nhóm cử tri phân theo độ tuổi, ông Biden có lợi thế nhiều hơn 28% so với ông Trump về sự ủng hộ của nhóm cử tri trẻ nhất, 10% trong nhóm cử tri lớn tuổi nhất, 8% trong số cử tri từ 30-44 tuổi và 3% trong số cử tri từ 45-64 tuổi.
Đối với các nhóm cử tri phân theo chủng tộc, Tổng thống Trump có lợi thế hơn 6% so với ông Biden về sự ủng hộ của cử tri da trắng, hơn đối thủ 23% trong số những người da trắng không có bằng đại học. (The Hill, New York Times)
TIN LIÊN QUAN | |
Bầu cử Mỹ 2020: Ai chiến thắng và nỗi lo của châu Á |
Brexit
EU chờ 'phát bóng cuối cùng' từ Anh
Ngày 21/10, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel cho rằng, Anh có quyền tự lựa chọn việc thực hiện Brexit và lựa chọn đó sẽ quyết định mức độ Anh tiếp cận thị trường nội địa của khối.
Phát biểu với Nghị viện châu Âu (EP), ông Michel nhấn mạnh, việc phá vỡ thế bế tắc trong các cuộc đàm phán thương mại hoàn toàn phụ thuộc vào Anh.
"Thời gian còn rất ngắn và chúng tôi sẵn sàng đàm phán 24/7 tất cả các chủ đề và văn bản pháp lý", lãnh đạo EC nói thêm.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch EC Maros Sefcovic khẳng định, Anh sẽ phải thực thi Thỏa thuận Rút lui, bất kể kết quả của các cuộc đàm phán thương mại giữa hai bên như thế nào, EU cam kết đạt một thỏa thuận về thương mại và nhiều mặt kkhác trong quan hệ tương lai với Anh. Tuy nhiên, hai bên vẫn "cách biệt quá xa" trong nhiều vấn đề như quyền đánh cá và cạnh tranh công bằng. (Reuters)
| Lầu Năm Góc: Sẵn sàng chuẩn bị tình huống xấu nhất, Mỹ xác định cạnh tranh quyết liệt với Nga và Trung Quốc TGVN. Trong cuộc hội thảo trực tuyến của Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết, nước ... |
| Xung đột Armenia-Azerbaijan: Nga 'đôn đáo', Yerevan nói 'không cần kéo Moscow vào cuộc' TGVN. Trong ngày 20/10, Nga đã liên hệ với Đức và Pháp thảo luận về tình hình hình ở Nagorno-Karabakh, khu vực tranh chấp giữa ... |
| Tin thế giới 20/10: '3 mẩu' Bộ Tứ diễn tập ở Biển Đông; Trung Quốc là nước đầu tiên 'hứng đòn' của Mỹ vì Iran; lý do gì khiến Nga-Anh lại 'hục hặc'? TGVN. Mỹ-Nhật Bản-Australia tập trận ở Biển Đông, quan hệ Mỹ-Iran-Trung Quốc, căng thẳng ngoại giao Nga-Anh, Hiệp ước New START, xung đột Armenia-Azerbaijan, tình ... |