Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bất ngờ thăm Mỹ, ngày 21/12. (Nguồn: Ukrinform) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Ukraine ban bố cảnh báo không kích trên khắp cả nước: Ngày 21/12, các quan chức địa phương cho biết còi báo động không kích đã vang khắp Ukraine trong ngày, nhưng hiện chưa có thông tin tức thời nào về việc Nga thực hiện một đợt tấn công mới. Trước đó, các lực lượng Nga đã tiến hành một loạt cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái vào cơ sở hạ tầng của Ukraine từ giữa tháng 10, làm hư hại lưới điện và gây mất điện nhiều khu vực. (AFP/Reuters)
* Ukraine nhận định về chuyến công du Mỹ của ông Zelensky: Ngày 21/12, Cố vấn chính trị của Tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak nêu rõ chuyến công du của ông Volodymyr Zelensky, bao gồm cả hội đàm với Tổng thống chủ nhà Joe Biden, là cơ hội để giải thích về tình hình thực tế ở Ukraine, cũng như các loại vũ khí mà Kiev cần. Ông nói: “Thứ nhất, cả chuyến thăm và cấp độ các cuộc gặp theo kế hoạch đều cho thấy rõ mức độ tin tưởng cao giữa hai nước. Thứ hai, điều này cuối cùng đã chấm dứt nỗ lực của phía Nga... hòng chứng minh sự nguội lạnh trong quan hệ song phương của (hai nước) chúng ta”.
Theo ông, động thái này còn chứng tỏ Mỹ ủng hộ Ukraine: “Theo tôi, chuyến thăm này chắc chắn sẽ khởi động và tối ưu hóa các lĩnh vực hợp tác quân sự chính, tăng cường sự ủng hộ chính trị của lưỡng đảng (ở Mỹ đối với Kiev) và phác họa rõ nét bức tranh về tương lai, nếu xung đột ở Ukraine không được kết thúc một cách đúng đắn”. (Reuters)
* Ukraine cạn kiệt vũ khí: Ngày 21/12, Politico (Mỹ) dẫn lời ông Aleksandr Danilyuk, cựu Thư ký Hội đồng an ninh và quốc phòng Ukraine nêu rõ: “Chúng tôi đã đạt đến giới hạn những gì có thể làm liên quan vũ khí mà Mỹ đã cung cấp. Trong giai đoạn tiếp theo, chúng tôi cần vũ khí tầm xa hơn để đạt được mục tiêu”.
Trước đó ít lâu, trả lời phỏng vấn The Economist (Anh), Tổng tư lệnh các lực lượng Ukraine Valeriy Zaluzhny cho rằng, với nguồn lực hiện tại, ông không thể thực hiện một chiến dịch mới quy mô lớn. Theo Tổng tư lệnh Ukraine, hiện Kiev cần 300 xe tăng, 600-700 xe chiến đấu bộ binh, 500 khẩu pháo... Hiện Mỹ đã cấp viện trợ quân sự trị giá 18,2 tỷ USD cho Ukraine kể từ tháng 1/2021. Nếu tính từ năm 2014, tổng số tiền mà Washington viện trợ cho Kiev đã lên tới 20,3 tỷ USD. (Sputnik)
* Moscow nhận định về khả năng hòa đàm với Kiev: Ngày 21/12, trao đổi với các phóng viên qua điện thoại, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, chuyến đi tới Washington của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong ngày sẽ không mang lại điều gì tốt đẹp. Đồng thời, ông cảnh báo việc phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ “làm nghiêm trọng thêm” xung đột hiện nay, gây tác dụng ngược với mong muốn của Kiev. (Reuters)
Đông Nam Á
* Malaysia giải tán Hội đồng Hồi phục quốc gia: Phát biểu trong cuộc họp báo sau phiên họp Nội các ngày 21/12, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết Kuala Lumpur đã quyết định giải tán Hội đồng Hồi phục quốc gia (NRC) do cơ quan này nằm trong số nhiều cơ quan có nhiệm vụ chồng chéo, được thành lập chỉ để đáp ứng nhu cầu bối cảnh tình hình năm 2021. Thành lập ngày 21/7/2021, cơ quan này với nhiệm vụ chính là đánh giá, thảo luận các biện pháp cần thực hiện nhằm giúp quốc gia Đông Nam Á triển khai thành công Kế hoạch Phục hồi quốc gia. Hiện cựu Thủ tướng Muhyiddin Yassin, Chủ tịch liên minh Quốc gia (PN) đối lập đang là Chủ tịch hội đồng này.
Bên cạnh đó, chính phủ Malaysia cũng đang xem xét đề xuất giải tán Trung tâm quản trị, liêm chính và chống tham nhũng quốc gia (GIACC). Thủ tướng Anwar nhấn mạnh, nếu các chức năng của GIACC có thể được xử lý bởi Ủy ban chống tham nhũng Malaysia hoặc Cảnh sát Hoàng gia Malaysia thì cần loại bỏ các cơ quan chồng chéo khi việc vận hành mỗi cơ quan tiêu tốn khoản chi phí cao. (TTXVN)
Nam Thái Bình Dương
* Ngoại trưởng Trung Quốc-Australia đối thoại về quan hệ thương mại: Ngày 21/12, trong khuôn khổ Đối thoại Chiến lược và đối ngoại Australia-Trung Quốc lần thứ sáu, Ngoại trưởng Australia Penny Wong đã gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại nhà khách quốc gia Điếu Ngư Đài ở thủ đô Bắc Kinh.
Phát biểu khi bắt đầu cuộc họp, bà Wong nói: “Chúng ta có thể tăng cường quan hệ song phương và duy trì lợi ích quốc gia của cả hai nước, nếu cả hai bên giải quyết những bất đồng một cách khôn khéo”. Theo Ngoại trưởng Australia, hai bên sẽ thảo luận về vấn đề lãnh sự, phong tỏa thương mại, nhân quyền và các quy tắc, cũng như chuẩn mực toàn cầu làm nền tảng cho an ninh và thịnh vượng. (Reuters)
Đông Bắc Á
* Trung Quốc, Nga bắt đầu tập trận hải quân ở Biển Hoa Đông: Truyền thông Trung Quốc đưa tin nước này và Nga ngày 21/12 đã bắt đầu tập trận hải quân chung kéo dài một tuần ở vùng biển ngoài khơi tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc. Cuộc tập trận hướng tới cùng nhau đối phó với mối đe dọa an ninh trên biển, duy trì hòa bình, ổn định của quốc tế và khu vực.
Hãng thông tấn TASS (Nga) cho biết, hải quân Nga sẽ điều tàu tuần dương mang tên lửa Varyag, soái hạm của Hạm đội Thái Bình Dương và tàu khu trục nhỏ Marshal Shaposhnikov. Trong khi đó, hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) triển khai các tàu khu trục tên lửa dẫn đường cùng các tàu khác.
Hồi tháng Chín, Trung Quốc đã tham gia tập trận Vostok của Nga với sự tham gia của hơn 50.000 quân nhân từ 14 quốc gia. Trong khuôn khổ cuộc tập trận, tàu của hai nước đã tổ chức các cuộc tuần tra chung ở Thái Bình Dương. (Kyodo)
* Hàn Quốc, Mỹ hủy kế hoạch tập trận không quân chung: Ngày 22/12, Không quân Hàn Quốc thông báo nước này và Mỹ đã hủy kế hoạch tổ chức một cuộc tập trận không quân chung trong tuần này do thời tiết xấu.
Trước đó cùng ngày, những chiếc F-22 từ Căn cứ Không quân Kadena ở Okinawa, Nhật Bản, đã bay trở về căn cứ. Các máy bay này đã đến Căn cứ Không quân Kunsan ở Gunsan, cách thủ đô Seoul 275 km về phía Nam, hồi đầu tuầnđể tham gia cuộc tập trận ban đầu, dự kiến diễn ra trong ngày 22/12. Đây là lần đầu tiên F-22 đến Hàn Quốc để tham gia tập trận không quân chung trong 4 năm qua.
Trước đó, Seoul và Washington đã tập trận không quân chung trong ngày 20/12 với sự tham gia của máy bay ném bom chiến lược B-52 và máy bay chiến đấu F-22 của Mỹ, cũng như máy bay tàng hình F-35A và máy bay chiến đấu F-15K của Hàn Quốc. Cuộc tập trận diễn ra tại Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Hàn Quốc ở Tây Nam đảo Jeju, miền Nam Hàn Quốc. Hoạt động này nằm trong nỗ lực củng cố uy tín cho chiến lược “răn đe mở rộng” của Mỹ. (Yonhap)
Châu Âu
* Trung Quốc: Mỹ cần ngừng lợi dụng NATO để duy trì quyền bá chủ: Ngày 21/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nhấn mạnh: “Trung Quốc luôn cam kết duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của thế giới. Các bên liên quan nên ngừng đưa ra những cáo buộc vô căn cứ và vu khống chống lại Trung Quốc, ngừng rao giảng về sự đối đầu, tạo ra kẻ thù tưởng tượng, ngừng sử dụng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) như một công cụ để duy trì quyền bá chủ và phá hoại hòa bình và cũng từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh.”
Trước đó, trả lời phỏng vấn tờ Financial Times (Anh), Đại sứ Mỹ tại NATO Julienne Smith đã cáo buộc Nga và Trung Quốc hợp tác chiến lược nhằm chia rẽ các đối tác xuyên Đại Tây Dương và làm suy yếu NATO, đồng thời kêu gọi các nước phương Tây tăng cường nỗ lực phòng thủ trước Moskcow và Bắc Kinh. (Sputnik)
Châu Mỹ
* Mỹ có thể hạ tiếp mức giá trần đối với dầu Nga: Trả lời Reuters ngày 20/12, Thứ trưởng Tài chính Mỹ Adewale Adeyemo cho biết Washington sẽ thảo luận với các đối tác và đồng minh về hạ tiếp mức giá trần với dầu Nga. Theo ông Adeyemo, mặc dù doanh thu của Moscow từ năng lượng bắt đầu giảm, nhưng tốc độ khai thác dầu vẫn như cũ. Theo ông, trong tương lai, các quốc gia ủng hộ sáng kiến áp giá trần sẽ thảo luận về biện pháp cứng rắn hơn. Thứ trưởng Tài chính Mỹ cũng lưu ý, Mỹ sẽ tiếp tục gây sức ép kinh tế đối với Nga, đặc biệt nhằm mục đích làm suy yếu khả năng của khu vực quốc phòng nước này.
Trước đó, ngày 15/12, tạp chí Foreign Policy (Mỹ) từng lưu ý, những bất đồng về cả mức giá trần và lệnh cấm vận dầu mỏ đã làm gia tăng lo ngại rằng, các đồng minh khó có thể thống nhất về lệnh trừng phạt đối với dầu Nga. (Sputnik)
Trung Đông-châu Phi
* HĐBA LHQ quan ngại về tình hình Libya và Iraq: Ngày 20/12, trong một thông cáo báo chí, các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) tỏ ra thất vọng về sự thiếu tiến triển, tiếp tục gây rủi ro cho việc đạt được sự ổn định và thống nhất của Libya. HĐBA LHQ kêu gọi tất cả các bên ở Libya và các bên liên quan chính tham gia đối thoại với Abdoulaye Bathily, Đặc phái viên của Tổng thư ký LHQ và người đứng đầu Phái bộ hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL), một cách xây dựng trên tinh thần thỏa hiệp và đồng thuận.
Bên cạnh đó, HĐBA lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công khủng bố gần đầy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq, khiến ít nhất 9 cảnh sát và 8 dân thường thiệt mạng. Các thành viên HĐBA bày tỏ sự cảm thông và chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình các nạn nhân và Chính phủ Iraq. Đồng thời, tuyên bố nhấn mạnh sự cần thiết phải bắt giữ thủ phạm, những kẻ tổ chức, tài trợ cho những hành động khủng bố và đưa chúng ra trước công lý, đồng thời kêu gọi tất cả các quốc gia hợp tác tích cực với Iraq và tất cả các cơ quan hữu quan về vấn đề này. (Tân Hoa xã)