Ông Trump úp mở ý định tranh cử sau 4 năm nữa. (Nguồn: Reuters) |
Bầu cử Mỹ 2020
Tiền ủng hộ bầu cử cho ông Trump phá kỷ lục
Tờ New York Times đưa tin, kể từ ngày 3/11 đến nay, ông Trump đã huy động được 170 triệu USD, là ứng viên tranh cử Tổng thống Mỹ gây được nhiều quỹ tài trợ nhất lịch sử nước này.
Theo tờ báo này, phần lớn số tiền ủng hộ sẽ được chuyển vào tài khoản của ông Trump để ông sử dụng cho các hoạt động chính trị sau khi rời Nhà Trắng, một phần nhỏ sẽ được chi cho các vụ kiện cáo kết quả bầu cử.
Nguồn tiền dồi dào từ những người ủng hộ là một trong những nguyên nhân khiến ông Trump và đội ngũ tiếp tục thách thức kết quả bầu cử Mỹ, bất chấp nhiều nỗ lực pháp lý bị bác bỏ và các bang “chiến địa” liên tục chứng nhận kết quả kiểm phiếu.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn truyền thông hiếm hoi cuối tuần trước, ông Trump không nói liệu ông sẽ theo đuổi cuộc chiến pháp lý liên quan đến kết quả bầu cử đến bao giờ. Ông nói, thậm chí kể cả khi ông Biden nhận nhiệm sở, ông cũng chưa công nhận kết quả. (New York Times)
Ông Trump mập mờ về ý định tranh cử sau 4 năm nữa
Ngày 1/12, truyền thông Mỹ dẫn nguồn thạo tin cho biết, trong một bữa tiệc ở Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump đã nói rằng: "Bốn năm tuyệt vời. Chúng tôi đang cố gắng làm thêm 4 năm nữa. Nếu không tôi sẽ gặp lại quý vị sau 4 năm nữa".
Một nguồn thân cận cho hay, họ tin rằng, các cố vấn của ông Trump sẽ thuyết phục ông dự lễ nhậm chức của ông Biden vào ngày 20/1 năm sau bởi điều đó sẽ giúp ích cho ông nhiều hơn trong việc giữ gìn hình ảnh sau này, đặc biệt khi ông có ý định tái tranh cử.
Một cố vấn chiến dịch tranh cử của ông Trump cho biết, đội ngũ của ông Trump đang thảo luận kế hoạch công bố ông sẽ tái tranh cử vào đúng ngày 21/1/2021 - thời điểm tổng thống đắc cử tuyên thệ nhậm chức. Kế hoạch này được cho là nhằm tối đa hóa hiệu quả truyền thông, giúp ông Trump luôn ở tâm điểm dư luận ngay cả khi rời Nhà Trắng. (Washington Post)
Bộ Tư pháp khẳng định không có bằng chứng về gian lận bầu cử, lật lại cuộc điều tra 2016
Ngày 1/12, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Bill Barr khẳng định, Bộ này không tìm thấy bằng chứng về gian lận có tính quyết định trong cuộc bầu cử ngày 3/11 vừa qua để có thể đảo ngược được chiến thắng của ông Biden.
Phản ứng trước tuyên bố trên, luật sư Rudy Giuliani và Jenna Ellis của Tổng thống Trump cho rằng, chẳng có gì là giống một cuộc điều tra của Bộ Tư pháp, đồng thời khẳng định sẽ vẫn tiếp tục theo đuổi sự thật thông qua hệ thống tư pháp và các cơ quan lập pháp bang.
Trong khi đó, ông Barr đã chỉ định công tố viên liên bang John Durham để điều tra các nhà điều tra liên quan đến nghi vấn Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ 2016, có thể bao gồm cả cựu Giám đốc Cục điều tra liên bang (FBI) James Comey và cựu công tố viên đặc biệt Robert Mueller.
Với việc trở thành công tố viên đặc biệt độc lập, ông John Durham sẽ tiếp tục làm việc trong bộ máy của Bộ trưởng Tư pháp mới sau khi ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống vào ngày 20/1. (AP)
Mỹ-Trung Quốc
Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ chú trọng khu vực châu Á-Thái Bình Dương
Ngày 1/12, tờ Financial Times đưa tin, Tổng thống đắc cử của Mỹ Joe Biden đang xem xét bổ nhiệm một "nhân vật quan trọng phụ trách châu Á" trong Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng nhằm thúc đẩy các lợi ích cũng như các giá trị của Mỹ cùng với các đồng minh của Washington.
Động thái này báo hiệu tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực châu Á trong nỗ lực của Mỹ đối phó với một loạt thách thức từ Trung Quốc.
Một quan chức trong nhóm này nói: "Tổng thống đắc cử đã nhiều lần nói rõ khu vực châu Á-Thái Bình Dương là một trong những cơ hội to lớn, nhưng cũng là một trong những nơi mà các lợi ích và giá trị của chúng ta phải đối mặt với những thách thức ngày càng tăng". Hiện đội ngũ của ông Biden chưa bình luận gì về thông tin trên. (Reuters)
Mỹ cáo buộc Trung Quốc vi phạm lệnh trừng phạt Triều Tiên
Ngày 1/12, Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Phó đặc phái viên về Triều Tiên thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Alex Wong cáo buộc Trung Quốc “vi phạm trắng trợn” nghĩa vụ thực hiện các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào Triều Tiên.
Ông Wong tố Bắc Kinh “cố gắng đảo ngược” các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc (LHQ) liên quan đến vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và cho phép các công ty Trung Quốc tiếp tục giao dịch với các thực thể đóng vai trò quan trọng trong chương trình vũ khí của Triều Tiên và nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ.
Việc nới lỏng quá sớm các lệnh trừng phạt Triều Tiên sẽ khiến nước này mất đi động lực chính để đàm phán phi hạt nhân hóa, ông Wong nhận định.
Theo Phó đặc phái viên về Triều Tiên, Bộ Ngoại giao Mỹ đã mở một trang web để mọi người có thể cung cấp thông tin về việc né tránh lệnh trừng phạt Triều Tiên và nhận thưởng lên tới 5 triệu USD. (Reuters)
Trung Đông
Hàn Quốc chỉ trích vụ ám sát nhà khoa học Iran
Ngày 2/12, Hàn Quốc đã chỉ trích vụ sát hại nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran Mohsen Fakhrizadeh.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nêu rõ: "Chúng tôi nhấn mạnh rằng kiểu hành động tội ác bạo lực này không có lợi cho sự ổn định và hòa bình ở khu vực Trung Đông. Trong bối cảnh những bất ổn xung quanh tình hình ở Trung Đông, chính phủ của chúng tôi phản đối bất kỳ hành động nào làm leo thang căng thẳng và ảnh hưởng đến sự ổn định của khu vực". (Yonhap)
Tổng thống Iran bác dự luật của Quốc hội về đẩy mạnh việc làm giàu uranium
Ngày 2/12, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã bác bỏ dự luật đẩy mạnh làm giàu urani và ngăn chặn hoạt động thanh sát của LHQ với các cơ sở hạt nhân ở nước này mà Quốc hội Iran đã thông qua một ngày trước đó.
Phát biểu trong một cuộc họp nội các, Tổng thống Rouhani cho biết, chính phủ của ông “không đồng ý với dự luật và coi đó là việc làm tổn hại tới các hoạt động ngoại giao” nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân ký với các cường quốc năm 2015 và nới lỏng các biện pháp trừng phạt của Mỹ, đồng thời khẳng định sức mạnh hạt nhân của Iran đang lớn mạnh hơn bao giờ hết.
Việc bác bỏ dự luật trên thể hiện quan điểm trái ngược giữa Tổng thống Rouhani - người có thái độ ôn hòa và các nhà lập pháp của Iran có quan điểm cứng rắn hơn với phương Tây. (AP)
LHQ tái khẳng định ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho xung đột Israel-Palestine
Ngày 1/12, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã tái khẳng định lập trường ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel-Palestine.
Ông Guterres đánh giá, những tiến triển gần đây sẽ trong cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ qua giữa Israel-Palestine khuyến khích giới chức lãnh đạo hai bên nối lại các cuộc đàm phán có ý nghĩa, với sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, nhằm hướng tới một giải pháp hai nhà nước và kiến tạo những cơ hội cho hợp tác khu vực.
Tổng Thư ký LHQ nhấn mạnh, chỉ có giải pháp hai nhà nước mới có thể mang lại nền hòa bình bền vững, đồng thời khẳng định, LHQ sẽ tiếp tục cam kết ủng hộ hai bên xúc tiến nỗ lực giải quyết cuộc xung đột.
Ông Guterres cũng nhắc lại cam kết của LHQ đối với mưu cầu của người dân Palestine về các quyền chính đáng và một tương lai hòa bình, công bằng, an ninh và được tôn trọng. (UN)
Trung Quốc-Australia
Đại sứ Mỹ gợi ý Trung Quốc nên "noi gương Australia"
Ngày 2/12, Đại sứ Mỹ tại Australia Arthur Culvahouse đã lên tiếng về cuộc tranh cãi liên quan tới bài đăng trên trang mạng Twitter của quan chức Trung Quốc, cáo buộc Bắc Kinh phát tán “những hình ảnh bịa đặt và những tuyên bố thiếu sáng suốt”.
Ông Culvahouse nhấn mạnh: "Australia đã điều tra một cách có trách nhiệm và công bố các cáo buộc rằng binh lính của nước này đã phạm tội ác ở Afghanistan"
Theo Đại sứ Mỹ, thế giới cũng rất mong Trung Quốc đạt được mức độ minh bạch và trách nhiệm giải trình tương tự liên quan đến các báo cáo tin cậy về nguồn gốc virus SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19.
"Trung Quốc cần noi gương Australia và chân thành tiết lộ cho thế giới tất cả những gì mà họ biết về nguồn gốc của virus”, ông Culvahouse nói thêm.
Trong khi đó, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Cale Brown cũng đã bày tỏ sự ủng hộ của ông đối với Australia khi viết trên Twitter rằng: "Cuộc tấn công mới nhất của Trung Quốc nhằm vào Australia là một ví dụ khác về việc sử dụng thông tin sai lệch và ngoại giao cưỡng chế không được kiểm soát". (Reuters)
Trung Quốc-Pakistan
Trung Quốc-Pakistan tăng cường hợp tác quốc phòng
Theo truyền thông Pakistan, hôm 30/11, quân đội Trung Quốc và Pakistan đã ký một Biên bản ghi nhớ (MoU) quân sự mới nhằm thúc đẩy mối quan hệ quốc phòng vốn đã khăng khít giữa hai nước sau cuộc họp của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa với Tham mưu trưởng Lục quân Pakistan, Đại Tướng Qamar Javed Bajwa tại Tổng hành dinh.
Ông Ngụy Phượng Hòa đã đề cập các dự án đang được triển khai trong khuôn khổ Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC), trong đó quân đội Pakistan đang đóng một vai trò ngày càng nổi bật.
Mặc dù hiện chưa có thông tin chi tiết về MoU mới nêu trên, động thái ký kết này diễn ra tiếp sau một thỏa thuận khác hồi năm ngoái, khi Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương (CMC) Trung Quốc Hứa Kỳ Lượng đến thăm Rawalpindi để trao đổi về hợp tác quốc phòng và tăng cường năng lực cho Lục quân Pakistan. (Asia News)
Armenia-Azerbaijan
Armenia trao trả toàn bộ phần lãnh thổ xung quanh Nagorny-Karabakh cho Azerbaijan
Ngày 1/12, Azerbaijan đã hoàn tất việc lấy lại lãnh thổ từ Armenia theo một thỏa thuận hòa bình do Nga làm trung gian, kết thúc 6 tuần giao tranh ác liệt ở Nagorno-Karabakh.
Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev ca ngợi việc khôi phục quyền kiểm soát các khu vực là một thành tựu lịch sử: “Tất cả chúng ta đều sống với một ước mơ và giờ đây chúng ta đã hoàn thành nó. Chúng ta đã giành được chiến thắng trên chiến trường và chính trường. Chiến thắng đó sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước chúng ta, kỷ nguyên phát triển, an ninh và tiến bộ".
Trước đó, các quan chức quân sự Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký các thỏa thuận thành lập trung tâm giám sát chung để đảm bảo việc thực hiện thỏa thuận hòa bình. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết, hai nước sẽ có vai trò ngang bằng nhau khi tham gia một trung tâm này. (AP)