Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Kim Hong Kyun (phải) trao đổi với Đại sứ Nga tại Hàn Quốc Georgy Zinoviev liên quan đến Hiệp ước mới được ký kết giữa Nga và Triều Tiên, tại Seoul, ngày 21/6. (Nguồn: Yonhap) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Châu Á – Thái Bình Dương
*Trung Quốc cảnh báo EU về nguy cơ "chiến tranh thương mại": Ngày 21/6, Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục leo thang căng thẳng về thương mại và điều này "có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh thương mại".
Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố: "Trách nhiệm hoàn toàn thuộc về phía EU".
Theo quan chức này, Trung Quốc hy vọng EU sẽ cùng hợp tác giải quyết các bất đồng thông qua đối thoại và tránh leo thang xung đột trong lĩnh vực thương mại hay để tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát. (TTX)
*Triều Tiên tham dự đại hội thể thao BRICS tại Nga: Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 21/6 cho biết Thứ trưởng Thể thao Triều Tiên Kim Yong-gwon đã tới Nga tham dự cuộc họp BRICS+ của các bộ trưởng thể thao tại Kazan,Nga.
Nga hiện đang đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên BRICS, sẽ tổ chức Đại hội thể thao BRICS từ ngày 12-23/6. Đây là bước tiến trong việc tăng cường hợp tác giữa hai quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực thể thao.
Ngày 19/6, sau cuộc hội đàm thượng đỉnh ở Bình Nhưỡng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Vladimir Putin đã ký một hiệp ước hợp tác, sẵn sàng cung cấp hỗ trợ quân sự ngay lập tức trong trường hợp có hành động chiến tranh.
Cả hai cũng nhất trí tăng cường trao đổi và hợp tác trong nông nghiệp, giáo dục, y tế công cộng, thể thao, văn hóa và du lịch. (Yonhap)
*EU quan ngại "sâu sắc" về hành động nguy hiểm của Trung Quốc ở Biển Đông: Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những hành động nguy hiểm mới nhất của các tàu Hải cảnh Trung Quốc và dân quân biển Trung Quốc thực hiện gần Bãi Cỏ Mây (Bãi cạn Second Thomas) trên Biển Đông hôm 17/6. Những hành động này đã gây thiệt hại cho các tàu của Philippines và gây thương tích cho các quân nhân Philippines.
EU khẳng định Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ), Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và Phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016, cũng như các quy tắc và quy định quốc tế khác liên quan đến an toàn trên biển, cần được duy trì và tôn trọng mọi lúc. Điều này đặc biệt bao gồm việc nghiêm cấm sử dụng vũ lực hoặc cưỡng ép trên biển, và quyền tự do hàng hải.
EU cảnh báo các biện pháp đơn phương như vậy sẽ cản trở việc đạt được giải pháp lâu dài cho các tranh chấp ở Biển Đông và làm tăng nguy cơ đối đầu nguy hiểm. (EEAS.europa.eu)
*Hàn Quốc triệu Đại sứ Nga để phản đối hiệp ước Nga -Triều Tiên: Ngày 21/6, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã triệu Đại sứ Nga tại Seoul, ông Georgy Zinoviev để phản đối việc Moscow mới ký hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện với Triều Tiên tại hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai bên hôm 19/6.
Hiệp ước này quy định rằng nếu một trong hai bên bị xâm lược hoặc rơi vào tình trạng chiến tranh, bên kia sẽ cung cấp hỗ trợ quân sự và các hỗ trợ khác "bằng mọi phương tiện" và "không chậm trễ".
Hiệp ước đảm bảo sự can thiệp quân sự tự động trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công vào một trong hai quốc gia, nhằm khôi phục liên minh thời Chiến tranh Lạnh 28 năm sau khi hiệp ước phòng thủ chung giữa hai nước bị bãi bỏ vào năm 1996.
Tuy nhiên, văn phòng Tổng thống Hàn Quốc đã lên án hiệp ước này, coi đó là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Hàn Quốc hiện chỉ cung cấp viện trợ phi sát thương cho Ukraine và đang xem xét lại lập trường về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng việc Hàn Quốc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine sẽ là một "sai lầm rất lớn". (Yonhap)
Châu Âu
*Ukraine tấn công 4 nhà máy lọc dầu và các mục tiêu quân sự ở Nga: Ngày 21/6, Quân đội Ukraine cho biết đã tấn công bằng thiết bị bay không người lái vào 4 nhà máy lọc dầu, trạm radar và các cơ sở quân sự khác của Nga.
Trên trang Telegram, quân đội Ukraine ra tuyên bố nêu rõ: "Thiết bị bay không người lái đã tấn công các nhà máy lọc dầu Afipsky, Ilsky, Krasnodar và Astrakhan. Ngoài ra, các trạm radar và trung tâm tác chiến điện tử của Nga ở khu vực Bryansk và bán đảo Crimea cũng bị tấn công".
Quân đội Ukraine cũng tấn công các địa điểm cất giữ và phóng thiết bị bay không người lái ở khu vực Krasnodar của Nga. (Reuters)
*Nga tuyên bố bắn hạ hàng loạt UAV của Ukraine ở Crimea và Biển Đen: Hãng thông tấn RIA dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga ngày 21/6 cho biết Lực lượng phòng không Nga đã bắn hạ 70 máy bay không người lái của Ukraine trên Biển Đen và Crimea chỉ sau một đêm.
Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết lực lượng Nga đã phá hủy 6 thiết bị không người lái trên biển của Ukraine ở Biển Đen.
Trên trang Telegram, thống đốc vùng Sevastopol do Nga bổ nhiệm Mikhail Razvozhayev ngày 21/6 xác nhận lực lượng phòng không Nga đã đẩy lùi một cuộc tấn công bằng UAV của Ukraine vào thành phố này ở Crimea. Vụ tấn công không gây thương vong hoặc thiệt hại nào. (TASS)
*Đức bắt giữ 3 công dân nước ngoài bị nghi làm gián điệp: Ngày 21/6, Văn phòng Công tố Liên bang Đức thông báo, các công tố viên nước này đã bắt giữ 3 đối tượng bị tình nghi làm việc cho một cơ quan bí mật, giấu tên của nước ngoài.
Ba đối tượng nêu trên gồm Robert A. (quốc tịch Ukraine), Vardges I. (quốc tịch Armenia) và Arman S. (quốc tịch Nga). Những đối tượng này được cho là đang đến Đức để thu thập thông tin về một người Ukraine đang ở đó.
Thông báo của Văn phòng Công tố Liên bang Đức còn nêu rõ, vào ngày 19/6, 3 đối tượng này đã thám thính một quán cà phê ở Frankfurt, nơi nhân vật mục tiêu được cho là đang ở đó. (Reuters)
*Nga cảnh báo Hàn Quốc cung cấp vũ khí cho Ukraine: Ngày 20/6, phát biểu trong cuộc họp báo trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Nga Vladimir Putincho hay Hàn Quốc sẽ phạm phải "một sai lầm lớn" nếu quyết định cung cấp vũ khí cho Ukraine và rằng Moscow sẽ đáp trả một động thái như vậy theo cách có thể gây tổn hại cho Seoul.
Tổng thống Putin nói: “Về việc cung cấp vũ khí sát thương cho vùng chiến sự ở Ukraine, đó sẽ là một sai lầm rất lớn...Hàn Quốc không có gì phải lo lắng vì sự hỗ trợ quân sự của chúng tôi theo hiệp ước mà đã được ký kết chỉ xuất hiện nếu hành động xâm lược được thực hiện chống lại một trong các bên ký kết.
Trước đó, cùng ngày, hãng tin Yonhap của Hàn Quốc cho biết nước này sẽ xem xét lại khả năng cung cấp vũ khí cho Ukraine sau khi ông Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ký hiệp ước phòng thủ chung một ngày trước đó. (Yonhap)
Trung Đông-Châu Phi
*Armenia chính thức công nhận nhà nước Palestine: Bộ Ngoại giao Armenia ngày 21/6 cho biết nước này đã chính thức công nhận Nhà nước Palestine. Đây là động thái được thực hiện bất chấp sự phản đối của Israel.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Armenia cũng khẳng định nước này ủng hộ nghị quyết của Liên hợp quốc về lệnh ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza và ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Palestine-Israel.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Israel thông báo đã triệu Đại sứ Armenia tại Israel để phản đối tuyên bố của Yerevan. Bộ Ngoại giao Israel nêu rõ: “Sau khi Armenia công nhận nhà nước Palestine, Bộ Ngoại giao đã triệu Đại sứ Armenia tại Israel tới để chỉ trích cực lực”. (Reuters)
*Chuyên gia LHQ kêu gọi dừng chuyển giao vũ khí cho Israel: Hơn 30 chuyên gia Liên hợp quốc (LHQ) ngày 20/6 đã kêu gọi các quốc gia và công ty chấm dứt việc chuyển giao vũ khí và đạn dược cho Israel.
Các chuyên gia cho biết, những vụ chuyển giao nêu trên có thể cấu thành hành vi vi phạm nghiêm trọng nhân quyền và luật nhân đạo quốc tế, và có nguy cơ tiếp tay cho tội ác quốc tế, có thể bao gồm cả tội diệt chủng.
Trong tuyên bố chung, các báo cáo viên đặc biệt, các chuyên gia độc lập và các nhóm làm việc của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã kêu gọi các quốc gia và nhà sản xuất vũ khí ngừng bán hay chuyển giao vũ khí, đạn dược và các thiết bị quân sự khác cho Israel, ngay cả khi chúng được thực hiện theo các giấy phép xuất khẩu hiện hành. Các công ty này bao gồm BAE Systems, Boeing, Caterpillar, General Dynamics và Lockheed Martin.(AFP)
*RSF chiếm giữ thành phố chiến lược ở miền Nam Sudan: Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự ngày 20/6 tuyên bố giành quyền kiểm soát thành phố chiến lược el-Fula, thủ phủ bang Tây Kordofan của Sudan.
Trong một tuyên bố, RSF khẳng định đã “kiểm soát hoàn toàn thành phố el-Fula, có tầm quan trọng chiến lược và là thủ phủ của bang Tây Kordofan”. Một nguồn tin thân cận xác nhận rằng các cuộc đối đầu giữa RSF và các đơn vị thuộc Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) đóng trong một căn cứ quân sự ở ngoại ô thành phố el-Fula đã bắt đầu từ ngày 19/6.
El-Fula là nơi sở hữu mỏ Heglig - một trong những mỏ dầu lớn nhất và quan trọng nhất của Sudan. Ngoài ra, các đường ống dẫn dầu xuất khẩu của Nam Sudan đến cảng Bashyer ở miền Đông Sudan cũng đi qua thành phố el-Fula. Theo Liên hợp quốc, Sudan đã bị cuốn vào một cuộc xung đột vũ trang giữa SAF và RSF kể từ tháng 4/2023, khiến hơn 15.550 người thiệt mạng và hơn 8,8 triệu người phải di dời. (Reuters)
*Iran triệu Đại sứ Italy liên quan tới lệnh trừng phạt của Canada: Hãng thông tấn IRNA của Iran ngày 21/6 cho biết Iran đã triệu Đại sứ Italy tại Tehran, bà Paola Amadei - người đại diện cho lợi ích của Canada tại Tehran, sau khi Ottawa liệt Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vào danh sách các tổ chức khủng bố.
Trên mạng xã hội X, quyền Bộ trưởng Ngoại giao Iran, Ali Bagheri, nhấn mạnh: "Chính phủ Canada sẽ phải chịu trách nhiệm về những hậu quả của quyết định khiêu khích và vô trách nhiệm này".
Mối quan hệ giữa Iran và Canada vốn đã căng thẳng kể từ khi cắt đứt quan hệ ngoại giao vào năm 2012. Do không có cơ quan ngoại giao chính thức, lợi ích của Canada ở Iran được đại diện bởi Italy. (AFP)
Châu Mỹ - Mỹ Latinh
*Venezuela tuyên bố sắp gia nhập BRICS: Ngày 21/6, Phó Tổng thống Venezuela, bà Delcy Rodriguez, cho biết nước này đang tiến gần việc gia nhập nhóm BRICS và sẵn sàng cung cấp nhiên liệu và khoáng sản cho các thành viên BRICS.
Bà Rodriguez cho biết thêm, Venezuela có “lượng nhiên liệu dự trữ lớn nhất thế giới. Với lượng sản xuất 3 triệu thùng dầu mỗi ngày, nhiên liệu dự trữ của Venezuala đủ dùng trong 3 thế kỷ.
Venezuala cũng là quốc gia có quặng sắt, than, vàng và kim cương thuộc top đầu thế giới. (TASS)
*Mỹ chính thức cấm phần mềm diệt virus Kaspersky của Nga: Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 20/6 đã cấm công ty an ninh mạng Kaspersky có trụ sở tại Nga cung cấp các sản phẩm chống virus phổ biến của hãng này tại Mỹ vì lo ngại an ninh quốc gia.
Trong tuyên bố, Bộ Thương mại Mỹ nêu rõ: “Kaspersky nói chung sẽ không thể bán phần mềm của họ tại Mỹ hoặc cung cấp các bản cập nhật cho phần mềm đã được sử dụng, cùng với các hoạt động khác”.
Thông báo này được đưa ra sau khi một cuộc điều tra kéo dài cho thấy "các hoạt động liên tục của Kaspersky tại Mỹ gây ra rủi ro an ninh quốc gia do năng lực tấn công mạng cũng như khả năng gây ảnh hưởng hoặc chỉ đạo các hoạt động của Kaspersky của Chính phủ Nga. (AFP)
*Nữ Tổng thống đầu tiên của Mexico lập Nội các: Tổng thống đắc cử Mexico Claudia Sheinbaum hôm 21/6 đã bổ nhiệm cựu Ngoại trưởng Marcelo Ebrard giữ vị trí Bộ trưởng Kinh tế. Ông Juan Ramon de la Fuente, nhà ngoại giao kỳ cựu hiện là điều phối viên chính trong giai đoạn chuyển đổi chính quyền, sẽ đảm nhận chức ngoại trưởng. Bà Alicia Barcena đảm nhận chức Bộ trưởng Môi trường và Tài nguyên.
Trong khi đó, bà Rosaura Ruiz sẽ đứng đầu một Bộ Khoa học và Công nghệ còn ông Julio Berdegué Sacristán sẽ đảm nhận vị trí Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Người cuối cùng được bổ nhiệm vào thành viên nội các trong ngày 20/6 là bà Ernestina Godoy Ramos, người sẽ đứng đầu bộ phận pháp chế thuộc Văn phòng Tổng thống.
Phát biểu tại buổi lễ công bố thành viên nội các mới, Tổng thống đắc cử Claudia Sheinbaum cho biết bà vui mừng khi nhận được sự ủng hộ từ 6 thành viên nội các vừa được chỉ định. Theo dự kiến, bà Sheinbaum sẽ tiếp tục công bố thêm 6 thành viên nội các mới vào ngày 27/6 tới. (AFP)