Hàn Quốc phóng tên lửa đẩy Nuri vào ngày 21/6. Đây là tên lửa đẩy nội địa đầu tiên của quốc gia Đông Bắc Á. (Nguồn: AP) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Nga-Ukraine
* Giao tranh ác liệt tại khu vực Severodonetsk và Lysychansk: Ngày 21/6, Ukraine thông báo, Nga đã pháo kích dữ dội vào thành phố công nghiệp miền Đông Lysychansk ở Donbass, khu vực trung tâm của các cuộc giao tranh trong nhiều tuần giữa quân đội của Kiev và Moscow.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Anh cho biết, các lực lượng Ukraine cuối tuần qua tuyên bố lần đầu tiên sử dụng thành công các tên lửa chống hạm Harpoon do phương Tây tài trợ để đối phó với các lực lượng Nga.
Theo đó, "mục tiêu tấn công gần như chắc chắn là tàu kéo hải quân Spasatel Vasily Bekh, đang chuyển vũ khí và nhân lực tới Đảo Rắn ở Tây Bắc Biển Đen".
Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng, cuộc khủng hoảng ở Ukraine sẽ là một cuộc xung đột kéo dài và Nga sẽ không bao giờ tin tưởng vào phương Tây. (AFP)
* Tổng thống Ukraine kêu gọi Italy tiếp tục hỗ trợ ứng phó xung đột với Nga, trong một thông điệp video gửi tới Diễn đàn chính sách toàn cầu của Viện nghiên cứu chính trị quốc tế (ISPI) ngày 20/6.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định: "Chúng tôi coi Italy là một trong những quốc gia có thể bảo đảm an ninh cho Kiev trong tương lai gần, bởi vì chúng tôi cần điều này".
Theo ông, Ukraine "tin tưởng Italy, tôn trọng văn hóa, lịch sử, quyền lực và các nguyên tắc của Italy cũng như biết ơn sự hỗ trợ của chính phủ Italy".
Đề cập một cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Italy ngày 21/6 về việc cung cấp thêm viện trợ, bao gồm cả viện trợ quân sự, cho Kiev, ông Zelensky nói: "Xin hãy ủng hộ chúng tôi". (ANSA)
* Ukraine tố công ty Italy tiếp tục làm ăn với quân đội Nga: Ngày 20/6, Bộ Quốc phòng Ukraine cáo buộc công ty Danieli của Italy tiếp tục cung cấp các loại máy móc được sử dụng để sản xuất tàu ngầm hạt nhân và xe tăng cho ngành công nghiệp quân sự của Nga.
Nhấn mạnh, các chuyến hàng này vẫn tiếp diễn kể cả sau ngày 24/2, khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, bộ trên nêu rõ: “Việc hỗ trợ cho tổ hợp quân sự (-công nghiệp) của Nga đi ngược lại các cân nhắc về luật pháp và đạo đức”. (ANSA)
* Truyền hình Nga phát sóng ở miền Nam Ukraine: Ngày 21/6, quân đội Nga cho hay, lực lượng này đã cải tạo các tháp truyền hình ở khu vực Kherson, miền Nam Ukraine, để phát sóng các kênh truyền hình Nga miễn phí. (AFP)
* Hàn Quốc viện trợ bổ sung cho Ukraine: Chính phủ Hàn Quốc ngày 21/6 đã thông qua khoản viện trợ nhân đạo bổ sung trị giá 30 triệu USD dành cho Ukraine, bao gồm các nguồn cung y tế và lương thực, song không có vũ khí.
Theo kế hoạch, Hàn Quốc cung cấp viện trợ bổ sung trị giá 20 triệu USD phụ thuộc vào tình hình Ukraine, tuy nhiên đến nay mức viện trợ đã lên tới 100 triệu USD. (Yonhap)
* LHQ kêu gọi bảo vệ người dân ở Ukraine: Ngày 20/6, Liên hợp quốc (LHQ) lên tiếng kêu gọi các bên liên quan cuộc chiến Ukraine không nhắm vào dân thường và tạo điều kiện để họ tiếp cận được hàng cứu trợ.
Phát biểu tại cuộc họp báo tại trụ sở LHQ, người phát ngôn của LHQ Stephane Dujarric nhấn mạnh, báo cáo từ các đối tác của LHQ từ thực địa Donbas cho biết, các trận nã đạn pháo tiếp tục nhằm vào khu tái định cư ở hai vùng ly khai Donetsk và Luhansk, đặc biệt nghiêm trọng vào cuối tuần qua.
Hàng chục các khu dân cư, trường học và cơ sở hạ tầng dân sự bị phá hủy ở Donetsk cũng như Luhansk, thậm chí đã có dân thường thiệt mạng. (UN)
* Ukraine cấm đảng của chính trị gia thân Putin: Bộ Tư pháp Ukraine ngày 20/6 cho biết, tòa án thành phố miền Tây Lvov đã ra phán quyết chuyển giao cho nhà nước tất cả tài sản, quỹ và các tài sản khác của đảng "Nền tảng đối lập - Vì cuộc sống" do doanh nhân Viktor Medvedchuk lãnh đạo.
Ông Viktor Medvedchuk có mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin và đang bị Kiev giam giữ. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Chi phí quân sự: Nghịch lý thời hậu Covid-19 |
Châu Âu
* Mỹ đổ lỗi cho Nga về tình trạng số người tị nạn tăng kỷ lục: Trên trang web của Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden cáo buộc Nga là nguyên nhân khiến số lượng người tị nạn trên thế giới gia tăng đến mức kỷ lục 100 triệu người, do Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Theo ông, Mỹ là một trong những quốc gia đi đầu trong việc tiếp nhận người tị nạn và đang tích cực tiếp nhận công dân Ukraine.
Ông chủ Nhà Trắng nhận định: “Qua việc tiếp nhận hơn 80.000 người Afghanistan sang Mỹ trong năm qua và cam kết hỗ trợ nơi ở tạm thời cho hàng chục nghìn người Ukraine, chúng tôi sẽ tiếp tục là tấm gương trong vấn đề này”. (Sputnik)
* Tổng thống Indonesia dự kiến hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin: Hãng thông tấn Antara dẫn lời Bộ trưởng Điều phối các vấn đề chính trị, pháp lý và an ninh Indonesia Mahfud MD cho biết, Tổng thống Indonesia Joko Widodo dự kiến sẽ đến thăm Moscow vào ngày 30/6 và hội đàm với ông Putin.
Trước đó, hãng thông tấn nhà nước Nga TASS cũng đã dẫn lời một nguồn tin Điện Kremlin xác nhận cuộc gặp.
Tổng thống Jokowi cũng sẽ tới Đức để dự thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) diễn ra vào 26-28/6, mặc dù Jakarta "vẫn đang trong quá trình hoàn thiện tất cả các vấn đề liên quan chuyến thăm dự kiến tới các nước khác”.
Đáng chú ý, ông Jokowi đang xem xét dừng chân tại Ukraine trong lịch trình công du.
* Nga mâu thuẫn với Lithuania, cử quan chức đến Kaliningrad: Ngày 21/6, Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev đã tới vùng Kaliningrad - vùng lãnh thổ tách rời của Nga nằm giữa Lithuania và Ba Lan - để chủ trì một cuộc thảo luận về an ninh quốc gia.
Động thái diễn ra trong bối cảnh trước đó, Lithuania đã cấm vận chuyển hàng hóa nằm trong danh sách trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) sang lãnh thổ Nga.
Theo hãng tin RIA, chuyến công du này, bao gồm cả một cuộc thảo luận về hoạt động vận tải, đã được lên kế hoạch tổ chức trước khi Vilnius ban hành lệnh cấm.
Bộ Ngoại giao Nga cũng đã triệu tập Đại sứ EU tại Moscow về lệnh cấm của Lithuania. (Reuters)
* Phó Thủ tướng Ba Lan Jaroslaw Kaczynski từ chức vào ngày 21/6 và đã được Thủ tướng Mateusz Morawiecki cùng Tổng thống Andrzej Duda chấp thuận.
Người thay thế ông Kaczynski là đương kim Bộ trưởng Quốc phòng Mariusz Blaszczak.
Mặc dù không còn là Phó Thủ tướng song ông Kaczynski vẫn tiếp tục giữ chức Chủ tịch đảng Luật pháp và công lý (PiS) cầm quyền. (Reuters)
* Tổng thống Pháp bác đơn từ chức của Thủ tướng: Văn phòng tổng thống Pháp ngày 21/6 thông báo, Thủ tướng Elisabeth Borne đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống Emmanuel Macron sau khi liên minh cầm quyền mất thế đa số trong các cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua, song đơn từ chức đã bị bác bỏ.
Hãng tin AFP dẫn lời một quan chức văn phòng Tổng thống Pháp cho biết, quan điểm của ông Macron là chính phủ cần tiếp tục thực hiện trách nhiệm và duy trì hoạt động, trong khi tìm các giải pháp mang tính xây dựng để tháo gỡ những bế tắc chính trị trong các cuộc thương lượng với các đảng đối lập.
Trong cuộc bầu cử vừa qua, liên minh “Cùng nhau!” của Tổng thống Macron chỉ giành được 245/577 ghế, không đủ 289 ghế tối thiểu cần thiết để chiếm đa số tại Quốc hội Pháp, dẫn đến nguy cơ Quốc hội bị tê liệt.
TIN LIÊN QUAN | |
Hậu bầu cử Quốc hội Pháp: Phe cánh tả rục rịch hành động, phát cảnh báo 'phó tướng' của Tổng thống Macron |
Đông Bắc Á
* Hàn Quốc phóng tên lửa đẩy Nuri: Các hình ảnh trên truyền hình cho thấy, ngày 21/6, Hàn Quốc đã phóng tên lửa đẩy Nuri nội địa đầu tiên, sau vụ phóng thất bại hồi tháng 10/2021.
Tên lửa đẩy Nuri nặng 200 tấn, còn được gọi là KSLV-II, đã rời bệ phóng từ Trung tâm không gian Naro ở làng ven biển Goheung nằm ở phía Nam Hàn Quốc vào lúc 16h
Với vụ phóng thành công, Hàn Quốc đã chính thức trở thành quốc gia thứ 7 trên thế giới phát triển thành công tên lửa đẩy mang vệ tinh có trọng lượng hơn 1 tấn vào không gian sau Nga, Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ.
Bộ trưởng Khoa học và ICT Lee Jong-ho ca ngợi bước tiến lớn này của ngành hàng không vũ trụ Hàn Quốc, coi đây không chỉ là thời khắc trong lịch sử công nghệ khoa học của nước này, mà còn dấu ấn trong lịch sử của Hàn Quốc.
Trong khi đó, Tổng thống Yoon Suk Yeol khẳng định, Hàn Quốc đã mở ra "một con đường dẫn tới vũ trụ".
Với thành công này, Hàn Quốc đã sở hữu công nghệ độc lập phát triển và phóng tên lửa lên không gian mang theo vệ tinh sản xuất trong nước, mở ra một kỷ nguyên mới trong chương trình vũ trụ của nước này. (AFP)
* Hàn-Mỹ tái khẳng định tư thế phòng thủ vững chắc: Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo, Bộ trưởng Lee Jong-sup ngày 21/6 đã hội đàm với Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Samuel Paparo tại Seoul.
Hai bên tái khẳng định cam kết đối với tư thế phòng thủ phối hợp vững chắc chống lại mối đe dọa từ Triều Tiên.
Theo ông Lee Jong-sup, tình hình an ninh xung quanh Bán đảo Triều Tiên đang "nghiêm trọng hơn bao giờ hết" và Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đóng vai trò nòng cốt trong việc chống lại những mối đe dọa như vậy.
Bộ trưởng Hàn Quốc khẳng định, Seoul đã và đang nỗ lực tăng cường vai trò của mình trong việc duy trì hòa bình và an ninh khu vực, trong khi quan chức Mỹ miêu tả sự hợp tác giữa hải quân hai nước là một trong những ví dụ thành công nhất của liên minh. (Yonhap)
* Nhật Bản phản đối tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải: Ngày 21/6, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết, Tokyo đã gửi công hàm phản đối tới Bắc Kinh sau khi 2 tàu tuần tra của Trung Quốc đi vào lãnh hải Nhật Bản ở Biển Hoa Đông trong cùng ngày.
Ông Matsuno nói: “Hoạt động của các tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế. Chúng tôi phản đối mạnh mẽ thông qua các kênh ngoại giao và kêu gọi (Bắc Kinh) rút các tàu ngay lập tức".
Theo quan chức Nhật Bản, việc các tàu Trung Quốc đi vào vùng biển của Tokyo gần quần đảo Senkaku (mà Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư) là "rất đáng tiếc và không thể chấp nhận được”.
Ông lưu ý rằng, Nhật Bản sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ vùng biển tranh chấp và “đáp trả phía Trung Quốc bằng biện pháp hòa bình”. (NHK, Sputnik)
TIN LIÊN QUAN | |
Ngoại giao Nhật Bản năm 2022: Ngổn ngang những 'bài toán khó' |
Châu Mỹ
* Tổng thống đắc cử Colombia Gustavo Petro điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, thảo luận về tiến trình hòa bình tại Colombia và các hoạt động chống biến đổi khí hậu tại châu Mỹ.
Trước đó, trong diễn văn tuyên bố chiến thắng, ông Petro đã đề nghị Mỹ và toàn bộ Mỹ Latinh xây dựng tiến trình đối thoại về chuyển đổi năng lượng trước tình trạng biến đổi khí hậu đang tác động mạnh tới khu vực này. Ưu tiên trong chính sách đối ngoại của ông là thúc đẩy đấu tranh chống biến đổi khí hậu.
Ông Petro sẽ là chính trị gia theo đường lối cánh tả đầu tiên trong lịch sử nhậm chức Tổng thống Colombia - đồng minh thân cận nhất của Washington tại khu vực Mỹ Latinh với 8 căn cứ quân sự Mỹ trên lãnh thổ của mình. (24 News Recorder)
* ELN sẵn sàng nối lại hòa đàm với chính quyền Colombia mới, song vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh, kháng cự chính trị và quân sự.
Nhóm du kích Quân đội Giải phóng quốc gia (ELN) cho rằng, để đạt được mục tiêu đem lại hòa bình cho đất nước thì Tổng thống đắc cử Gustavo Petro cần phải thực hiện những thay đổi sâu sắc trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả những đổi mới về chính trị và kinh tế.
ELN cảnh báo, nếu chính quyền mới không chấm dứt được tình trạng bạo lực chính trị thì người dân sẽ lại đổ xuống đường để đòi hỏi những quyền lợi chính đáng.
Nhóm vũ trang này hy vọng chính phủ mới sẽ triển khai kế hoạch cải cách nông nghiệp, mô hình đấu tranh chống lại tệ nạn buôn lậu ma túy, tạo việc làm cho người dân, cũng như tiếp tục tiến trình hòa bình. (Reuters)
* Ủy ban LHQ công nhận quyền được độc lập của Puerto Rico với số phiếu đồng thuận tuyệt đối để thông qua nghị quyết về vấn đề này vào ngày 20/6.
Đây là lần thứ 40 quyền được tự quyết nền độc lập của Puerto Rico được công nhận tại Ủy ban Phi thực dân hóa, tuy nhiên đề tài này chưa bao giờ được đưa vào nghị trình của Đại hội đồng LHQ.
Nghị quyết trên nhận được sự hậu thuẫn của Cuba, Venezuela, Nicaragua, Bolivia, Syria, Nga, Antigua và Barbuda đồng bảo trợ, cũng như nhận được sự hậu thuẫn từ Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và Caribbean (Celac) và Phong trào Không liên kết, lần lượt do Argentina và Azerbaijan đại diện. (Prensa Latina).
TIN LIÊN QUAN | |
Lần đầu tiên trong lịch sử đất nước, Colombia có Phó Tổng thống da màu |
Trung Đông
* Lebanon dọa trục xuất người tị nạn Syria nếu cộng đồng quốc tế không nỗ lực hỗ trợ để hồi hương họ.
Ngày 20/6, Thủ tướng Lebanon Najib Mikati cho biết, 11 năm sau khi cuộc khủng hoảng Syria bắt đầu xảy ra, Beirut không còn đủ khả năng gánh vác gánh nặng này, đặc biệt trong hoàn cảnh hiện nay.
Ông Mikati nói thêm: "Tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế phối hợp với Lebanon để đưa những người tị nạn Syria trở về đất nước của họ, nếu không Beirut sẽ áp dụng các biện pháp pháp lý và luật pháp quốc gia để trục xuất họ". (Guardian Nigeria)
* Chính trường Israel biến động: Thủ tướng Israel Naftali Bennett và Ngoại trưởng Yair Lapid đã nhất trí giải tán Quốc hội và ông Lapid sẽ trở thành Thủ tướng lâm thời của Israel.
| Chính trường Israel chuẩn bị biến động lớn: Thay Thủ tướng, giải tán Quốc hội và... lại bầu cử Chiều 20/6, chính phủ của Thủ tướng Naftali Bennett đã vượt qua 2 cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội với tỷ lệ ... |
| Ảnh ấn tượng tuần (13-19/6): Xung đột Nga-Ukraine, Tổng thư ký NATO chèo thuyền, Mỹ tiếp tục điều trần vụ tấn công Điện Capitol Xung đột Nga-Ukraine, Diễn đàn kinh tế St.Petersburg, các nhà lãnh đạo châu Âu tới Kiev, Fed tăng lãi suất kiềm chế lạm phát, những ... |