Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Trung Quốc Vương Nghị tại Điện Kremlin, ngày 22/2. (Nguồn: TASS) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Ông Zelensky lên kế hoạch tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vilnius: Phát biểu về chuyến thăm của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong trả lời phỏng vấn hãng tin BNS (Litva) công bố ngày 22/2, Đại sứ Ukraine tại Litva Petro Beshta nói: “Đó là kế hoạch của chúng tôi”. Ông nhấn mạnh Ukraine hy vọng những người tham dự sẽ nhất trí “rõ ràng rằng sau khi mọi thứ kết thúc, Ukraine sẽ là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)”.
Trước đó, ông Volodymyr Zelensky chỉ thực hiện hai chuyến công du nước ngoài kể từ khi xung đột Nga-Ukraine một năm trước - một chuyến tới Washington hồi tháng 12 và một chuyến khác đến London, Paris và Brussels hồi tháng 2 vừa qua.
Văn phòng Tổng thống Litva cho biết, Hội nghị thượng đỉnh Vilnius từ ngày 11-12/7 sẽ có sự tham dự của hầu hết lãnh đạo của NATO, bao gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden, người đã bất ngờ đến thăm Kiev trong tuần này. (Reuters)
Nga-Trung
* Hợp tác giữa Nga-Trung là chìa khóa “ổn định tình hình quốc tế”: Trong cuộc hội đàm với Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị tại Điện Kremlin ngày 22/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định: “Sự hợp tác giữa Trung Quốc và Nga trên trường quốc tế là rất quan trọng để ổn định tình hình thế giới”.
Về phần mình, ông Vương Nghị khẳng định quan hệ Nga-Trung sẽ không thể bị ảnh hưởng bởi nước khác. (AFP)
Mỹ-Trung
* Trung Quốc kêu gọi Mỹ có hành động trước để khôi phục New START: Trưởng phái đoàn thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc, Đại sứ Trương Quân, cho rằng Mỹ nên là quốc gia có bước đi đầu tiên để khôi phục cơ chế kiểm soát vũ khí ký kết với Liên bang Nga, hay còn gọi Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START). Ông nêu rõ: “New START cùng với các công cụ khác là một phần quan trọng trong cấu trúc an ninh toàn cầu. Chúng tôi lấy làm tiếc là các bên liên quan đang có những bước đi tiêu cực. Chúng tôi vẫn cho rằng các bên liên quan nên tiếp tục đàm phán với nhau về vấn đề này”.
Về khả năng Nga quay lại thực hiện New START hay không, ông đáp: “Mỹ là nước đầu tiên rút khỏi các công cụ này nên họ phải là nước đầu tiên sẵn sàng thực hiện các bước đi có trách nhiệm để các công cụ này khởi động trở lại”. (Sputnik)
Đông Nam Á
* Indonesia cảm ơn sự ủng hộ của Trung Quốc trong vấn đề Myanmar: Ngày 22/2, phát biểu sau cuộc hội đàm tại thủ đô Jakarta (Indonesia) với người đồng cấp Trung Quốc Tần Cương, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi nhấn mạnh: “Indonesia đánh giá cao sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với đồng thuận 5 điểm. Đó là tài liệu tham khảo quan trọng cho Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để giúp Myanmar thoát khỏi khủng hoảng chính trị... Với tư cách là chủ tịch ASEAN, Indonesia sẽ phối hợp với tất cả các bên liên quan ở Myanmar, với một mục tiêu là mở ra khả năng đối thoại quốc gia toàn diện ở Myanmar”.
Ngoại trưởng Retno còn cho hay sẽ tăng cường đàm phán về việc thiết lập Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC): “Indonesia và ASEAN muốn thiết lập (Bộ Quy tắc) hiệu quả, thực chất và có tính pháp lý”.
Về phần mình, Ngoại trưởng Tần Cương tuyên bố Trung Quốc và Indonesia sẽ cùng nhau bảo vệ sự ổn định và hòa bình ở vùng biển tranh chấp. (Reuters)
Nam Á
* Trung Quốc cho Pakistan vay 700 triệu USD: Ngày 22/2, viết trên Twitter, Bộ trưởng Ishaq Dar thông báo rằng hội đồng quản trị Ngân hàng phát triển Trung Quốc (CDB) đã quyết định hỗ trợ Pakistan: “Các thủ tục đã hoàn tất”. Theo ông, 700 triệu USD sẽ được chuyển đến Ngân hàng Nhà nước Pakistan (SBP) trong tuần này, khẳng định khoản vay sẽ “tăng cường” dự trữ ngoại hối của Pakistan.
Mặt khác, Islamabad đã đồng ý thực hiện Bản ghi nhớ về các chính sách kinh tế và tài chính (MEFP), trong đó có đề xuất chính sách của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Theo các nguồn tin, thỏa thuận cấp nhân viên giữa IMF và Chính phủ Pakistan dự kiến sẽ diễn ra vào tuần tới.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh dự trữ ngoại hối của Pakistan, lần đầu tiên trong 9 năm, xuống dưới 3 tỷ USD. Đây là con số đáng báo động và sẽ làm giảm thiểu khả năng nhập khẩu của đất nước Nam Á trong hơn hai tuần. (TTXVN)
Đông Bắc Á
* Trung Quốc kêu gọi tự lực về mặt công nghệ: Tân Hoa xã (Trung Quốc) đưa tin ngày 21/2, phát biểu trong phiên họp chiều cùng ngày của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình nêu rõ: “Để đương đầu với sự cạnh tranh trong lĩnh vực khoa học và công nghệ quốc tế, đạt được mức độ tự lực và tự hoàn thiện cao... thì chúng ta cần khẩn trương tăng cường hoạt động nghiên cứu cơ bản và giải quyết các vấn đề công nghệ quan trọng từ gốc”.
Chủ tịch Trung Quốc khẳng định cần phát triển đội ngũ nhân tài công nghệ hàng đầu. Ông nhắc lại bài phát biểu năm 2021 rằng đến năm 2035, Trung Quốc “cần được xếp hạng là một trong những quốc gia hàng đầu trên thế giới về sức mạnh chiến lược và công nghệ, cũng như xây dựng đội ngũ nhân tài chất lượng cao”. (Reuters)
* Trung Quốc kêu gọi Nhật Bản duy trì quan hệ song phương không xấu đi: Ngày 22/2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, trong cuộc họp ở Tokyo ngày 21/2, Thứ trưởng Ngoại giao Tôn Vệ Đông đã nói với người đồng cấp Nhật Bản Yamada Shigeo rằng tầm quan trọng của quan hệ song phương sẽ không thay đổi trước tình hình quốc tế và khu vực vốn phức tạp và đang thay đổi hiện nay.
Ông Tôn cũng lưu ý Đài Loan (Trung Quốc) là một vấn đề quan trọng liên quan đến lòng tin cơ bản giữa các nước. Quan chức ngoại giao Trung Quốc nêu các vấn đề liên quan các văn kiện an ninh và quốc phòng mới được thông qua của Nhật Bản. Theo ông, Trung Quốc hy vọng Nhật Bản sẽ học hỏi từ lịch sử và tuân thủ con đường phát triển hòa bình và nguyên tắc một Trung Quốc.
Trong khi đó, truyền thông Nhật Bản cho biết quan chức ngoại giao hai nước đã thảo luận về nhiều vấn đề an ninh trong khuôn khổ đối thoại an ninh song phương lần đầu tiên từ năm 2019. Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yamada Shigeo đã bày tỏ quan ngại về các hành động quân sự gia tăng của Bắc Kinh ở Biển Hoa Đông, hợp tác với Nga và sự cố “khinh khí cầu do thám” của Trung Quốc. (Reuters/Sputnik)
* Triều Tiên chỉ trích phát biểu của Tổng thư ký LHQ: Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Kim Son Gyong ngày 22/2 nhấn mạnh: “Tôi bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với việc người đứng đầu Liên hợp quốc vì có thái độ 'thiếu công bằng và không cân bằng', khi ông giữ im lặng trước các hoạt động quân sự đáng lo ngại của Washington và Seoul, trong khi lên án việc thực thi quyền tự vệ hợp pháp của Triều Tiên, xem đây là một hành động khiêu khích hoặc đe dọa”.
Theo Thứ trưởng Kim Son Gyong, vụ thử tên lửa của Triều Tiên là "hành động phòng vệ" nhằm đối phó với các cuộc tập trận “đe dọa” của đồng minh, vốn gây leo thang căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên. (Yonhap)
Châu Âu
* Nga cáo buộc phương Tây không thiện chí về New START: Ngày 22/2, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết phản ứng ban đầu của phương Tây đối với quyết định của Nga về việc đình chỉ New START cho thấy phương Tây không có thiện chí đàm phán. Về khả năng Nga có thể quay trở lại hiệp ước, ông cho biết mọi thứ sẽ phụ thuộc vào lập trường của phương Tây.
Trước đó, ngày 22/2, Duma Quốc gia Nga (Hạ viện) đã bỏ phiếu thông qua việc đình chỉ tham gia Hiệp ước nói trên. Hôm 21/2, trình bày thông điệp liên bang 2023, Tổng thống Putin thông báo Nga sẽ tạm đình chỉ tham gia New START với Mỹ. Ông nêu rõ bất kỳ động thái nào của Nga về trở lại đàm phán về vấn đề này sẽ đòi hỏi làm rõ về khả năng tấn công hạt nhân của NATO. (Reuters)
* Moldova cảnh báo nguy cơ đảo chính: Ngày 22/2, Trả lời báo chí nước ngoài, Ngoại trưởng Moldova Nicu Popescu nói: “Chúng tôi không thấy nguy cơ xảy ra các kịch bản quân sự ở biên giới Moldova trong tương lai gần... Nhưng các hoạt động phá hoại hỗn hợp, một âm mưu đảo chính có thể xảy ra”. Tổng thống Maia Sandu cho biết, Chisinau đang chuẩn bị nỗ lực thay đổi trật tự hiến pháp, đồng thời kêu gọi Quốc hội siết chặt luật an ninh.
Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố rằng tình báo Ukraine đã chặn “kế hoạch của Nga” nhằm “phá hủy trật tự dân chủ” ở Moldova và đã cảnh báo Chisinau về điều này.
Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Mosscow quyết tâm duy trì quan hệ hữu nghị với Moldova và không muốn đất nước này bị lợi dụng để chống Nga. Ông nhận định, giới lãnh đạo Moldova gia tăng cáo buộc chống Nga nhằm tránh cáo buộc về khó khăn trong chính sách kinh tế xã hội trong nước. (TTXVN)
* Thụy Điển coi Nga là mối đe dọa lớn nhất về an ninh: Ngày 22/2, Cơ quan an ninh Thụy Điển (SAPO) nêu rõ: “Nga hiện là mối đe dọa lớn nhất (đối với Thụy Điển). Các hành động của chính quyền (Moscow là không thể đoán trước và nó có xu hướng gây rủi ro lớn.
Phát biểu họp báo, chỉ huy đơn vị phản gián của SAPO, ông Daniel Stenling nhấn mạnh: “Nga coi Thụy Điển là một phần của châu Âu, NATO và tập thể phương Tây. Điều đó làm tăng mối đe dọa đối với Thụy Điển”. Cơ quan này cho biết xung đột tại Ukraine đã làm thay đổi đáng kể tình hình an ninh và Nga hiện đặt ra mối đe dọa quân sự ở khu vực lân cận và an ninh nội địa của Thụy Điển.
Bên cạnh Nga, SAPO lưu ý Trung Quốc và Iran là hai mối đe dọa nổi bật nhất khác đối với Thụy Điển và hai nước này đã hợp tác với Moscow. (Reuters)
Trung Đông-châu Phi
* EU lo ngại về diễn biến tại Tunisia: Ngày 22/2, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell cho biết EU đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến gần đây ở Tunisia, một quốc gia mà khối này có quan hệ đối tác chiến lược và sâu sắc. Quan chức này cho hay EU lo ngại về tình trạng suy thoái kinh tế và các hệ lụy xã hội ở Tunisia. Theo ông, điều quan trọng là các lực lượng chính trị và xã hội khác nhau ở Tunisia phải hợp tác trong một dự án chung và toàn diện cho đất nước. EU sẵn sàng hỗ trợ các nỗ lực của Tunisia nhằm cải cách cơ cấu khẩn cấp mà nước này sẽ thực hiện.
Lưu ý Tunisia đang trải qua một thời điểm nhạy cảm, quan chức này cho biết EU hy vọng, Tunis sẽ có thể tìm ra câu trả lời thích hợp cho nhiều thách thức hiện tại và tương lai của đất nước. Ông cũng cho biết sẽ có kế hoạch thảo luận về tình hình Tunisia tại cuộc họp Hội đồng đối ngoại EU vào tháng 3 tới. (TTXVN)