📞

Tin thế giới 22/4: EU cuối cùng cũng ‘mở lời’ với Nga; Moscow sẵn sàng ‘đối thoại trung thực’ với Washington; 'bức thư chân tình' của liên Triều

Quang Đào 19:45 | 22/04/2022
Xung đột Nga-Ukraine, Nga sẵn sàng thảo luận 'thẳng thắn' với Mỹ, Bức thư 'chân tình' của hai nhà lãnh đạo Triều Tiên-Hàn Quốc... là những sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.
EU cuối cùng cũng ‘mở lời’ , kêu gọi đàm phán với Nga. (Nguồn: Nghị viện châu Âu)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Nga:

EU sẵn sàng đối thoại với Nga: Trả lời phỏng vấn tờ El Pais ngày 22/4, Nhà ngoại giao hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell sẽ sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin về tình hình xung quanh Ukraine.

Khi được hỏi khi nào ông sẽ sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán với lãnh đạo Nga, ông Borrel khẳng định rõng rạc: “Tôi sẽ ngồi vào bàn đàm phán ngay ngày mai”.

Nga tuyên bố sẵn sàng đối thoại trung thực với Mỹ: Phó Vụ trưởng Vụ Bắc Mỹ, Bộ Ngoại giao Nga Sergei Koshelev khẳng định Moscow sẵn sàng đối thoại trung thực và tôn trọng lẫn nhau với Mỹ, đồng thời nhấn mạnh các kênh liên lạc được duy trì ngay cả trong điều kiện hiện tại.

Ông Koshelev nhắc lại rằng những gì đang xảy ra xung quanh Ukraine, theo nhiều khía cạnh, là hệ quả thực tế từ việc "Mỹ và NATO gạt bỏ sang một bên những mối quan tâm của chúng tôi, yêu cầu cung cấp các đảm bảo an ninh ràng buộc về mặt pháp lý".

“Tại Bộ Ngoại giao, chúng tôi tin rằng bất kỳ tình huống xung đột nào cũng kết thúc bằng đàm phán. Chúng tôi không có công cụ tác động nào khác để thúc đẩy chính sách của mình, ngoại trừ việc bảo vệ lập trường của chúng tôi tại bàn đàm phán và xây dựng các văn bản ràng buộc về mặt pháp lý. Công cụ quan trọng là các kênh liên lạc giữa Liên bang Nga và Mỹ. Tôi muốn khẳng định với quý vị rằng các kênh như vậy tồn tại thông qua các Bộ Ngoại giao", ông Koshelev nói thêm. (Sputnik)

Liên hợp quốc nói về khả năng Nga gây “tội ác chiến tranh”: Ngày 22/4, Người phát ngôn của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ, bà Ravina Shamdasani nói: "Lực lượng vũ trang Nga đã nã pháo và ném bom bừa bãi vào các khu vực đông dân cư, giết hại dân thường cũng như phá hủy các bệnh viện, trường học và cơ sở hạ tầng dân sự khác. Đây là những hành động có thể cấu thành tội ác chiến tranh". (AFP)

Xung đột Nga-Ukraine:

Ukraine tiết lộ thiệt hại: Phát biểu trước các đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm 21/4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Ukraine đã phải chịu thiệt hại lên đến hơn 550 tỷ USD, và cần hàng tỷ USD viện trợ mỗi tháng để tồn tại. Chính quyền Kiev ước tính tổng sản phẩm nội địa (GDP) của đất nước giảm từ 30-50%.

Trước đó, ông Zelensky từng kêu gọi các nước đã áp đặt lệnh trừng phạt và đóng băng tài sản của Nga sử dụng số tiền đó để giúp tái thiết Ukraine sau chiến tranh, và chi trả cho những tổn thất mà các nước khác phải gánh chịu vì cuộc xung đột. (Reuters)

Ukraine nặng lời chê bai Nga: Bộ Quốc phòng Ukraine đã lên án các kế hoạch được Nga công bố trong ngày 22/4 nhằm giành toàn quyền kiểm soát khu vực Donbas và miền Nam Ukraine là "chủ nghĩa đế quốc".

Trên trang mạng Twitter, bộ này viết: "Họ đã không còn che giấu điều đó". Bộ này cho rằng Nga đã "thừa nhận rằng mục tiêu trong 'giai đoạn hai'...đơn giản chính là việc chiếm đóng miền Đông và miền Nam Ukraine. Nó chính là chủ nghĩa đế quốc". (Reuters)

Rơi máy bay vận tải ở miền Nam Ukraine: Một máy bay vận tải AN-26 của Ukraine đã bị rơi trong một "chuyến bay kỹ thuật" ở vùng Zaporizhzhia thuộc miền Nam nước này, có gây ra thương vong, song chưa có con số cụ thể. (Reuters)

Australia áp đặt thêm lệnh trừng phạt với Nga: Ngoại trưởng Australia Marise Payne ngày 22/4 ra tuyên bố cho biết, nước này vừa đưa thêm 147 công dân Nga vào danh sách trừng phạt tài chính.

Những đối tượng vừa được đưa vào danh sách này gồm 144 Thượng nghị sĩ đã bỏ phiếu công nhận độc lập của Donetsk và Luhansk vào hôm 22/2 vừa qua và 2 con gái của Tổng thống Vladimir Putin cùng với con gái của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. (AP)

Nga áp đặt trừng phạt 61 công dân Canada: Bộ Ngoại giao Nga ngày 21/4 cho biết nước này đã áp đặt trừng phạt 61 công dân Canada được cho là có liên quan đến việc phát triển, cung cấp và thực hiện các chính sách của chính quyền Canada mà Moscow cho là mang tính “bài Nga”.

Danh sách này bao gồm các quan chức chính phủ và quân đội cấp cao cũng như đại diện của các phương tiện thông tin đại chúng hàng đầu của Canada.

Theo Bộ Ngoại giao Nga, những người trong danh sách trừng phạt này sẽ bị cấm nhập cảnh vào Nga vô thời hạn. (TASS)

Mỹ

Mỹ tích cực phát triển UAV để hỗ trợ Ukraine: Ngày 21/4, Lầu Năm Góc cho biết, cái gọi là máy bay không người lái "Ghost", vốn là một phần gói viện trợ vũ khí mới của Mỹ trị giá 800 triệu USD cho Ukraine, đã được Không quân Mỹ phát triển nhanh chóng nhằm đáp ứng đặc biệt các yêu cầu của Ukraine.

Máy bay này có tính năng tương tự như máy bay không người lái có vũ trang "Switchblade".

Theo một quan chức quốc phòng cấp cao, Mỹ sẽ vận chuyển lô thiết bị quân sự đầu tiên trong gói viện trợ mới của Mỹ cho Ukraine trong vòng 48 giờ tới.

Cũng trong ngày 21/4, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho hay, cơ quan này sẽ xem xét gói viện trợ bổ sung cho Ukraine ngay trong tuần tới, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo kế hoạch yêu cầu Quốc hội tăng cường hỗ trợ cho Kiev. (Reuters)

Mỹ đang thúc đẩy Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO: Ngày 21/4, Phó Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ về Kinh tế quốc tế Daleep Singh cho biết Mỹ đang tích cực thúc đẩy Thụy Điển gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Phát biểu tại một sự kiện trực tuyến, ông Daleep Singh nói rằng đang đối phó với Nga bằng nhiều biện pháp, gồm giúp châu Âu đa dạng hóa và tránh phụ thuộc vào năng lượng Nga; khuyến khích các nước như Thụy Điển và Phần Lan tham gia liên minh NATO; củng cố sườn phía Đông của NATO; đưa ra biện pháp đối phó ảnh hưởng của chiến dịch quân sự Nga đang diễn ra tại Ukraine lên sự phát triển của thế giới, đối với thực phẩm nói riêng và cả năng lượng và dòng người di cư.

Theo ông Singh, những biện pháp đó kết hợp với các lệnh trừng phạt kinh tế sẽ cho phép Washington "tạo ra đòn bẩy" so với Nga. (AP)

Cựu Tổng thống Honduras bị dẫn độ tới Mỹ: Ngày 21/4, chính phủ Mỹ đã công bố cáo buộc chống lại cựu Tổng thống Honduras Juan Orlando Hernandez. Theo đó, ông bị buộc tội tham gia vào một âm mưu buôn bán ma túy và tàng trữ vũ khí, và bị dẫn độ đến Mỹ để xét xử.

Cũng trong ngày, ông Hernandez được cảnh sát đưa đến trực thăng để tới Căn cứ Không quân Hernan Acosta Mejia, Tegucigalpa. Từ đây, ông tiếp tục bị dẫn độ sang Mỹ trên máy bay của Cơ quan Phòng chống Ma túy Mỹ (DEA).

Lệnh dẫn độ nhận được sự ủng hộ của nhiều người dân Honduras. Một số tập trung bên ngoài sân bay quốc tế Toncontin, thủ đô Tegucigalpa, để chứng kiến cựu tổng thống bị đưa lên máy bay đến Mỹ. (Reuters)

Cố vấn cấp cao của Mỹ lên đường đến thăm Quần đảo Solomon: Ngày 22/4, Điều phối viên của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Kurt Campbell sẽ tới thăm Quần đảo Solomon, trong bối cảnh quốc đảo Thái Bình Dương mới ký kết hiệp ước an ninh với Trung Quốc.

Ngày 22/4, Điều phối viên của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ông Kurt Campbell đã gặp lãnh đạo Quần đảo Solomon, vài ngày sau khi quốc đảo Thái Bình Dương này và Trung Quốc thông báo đã ký một hiệp ước an ninh mà Washington và các đồng minh lo ngại sẽ mở rộng sự hiện diện quân sự của Trung Quốc trong khu vực.

Ông Campbell đã gặp Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare sau khi đến thủ đô Honiara. Một quan chức Solomon cho biết, hai bên đã bàn về việc mở Đại sứ quán Mỹ tại Honiara đã nằm trong chương trình nghị sự.(Reuters)

Azerbaijan nêu điều kiện ký hiệp ước hòa bình với Armenia: Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev ngày 22/4 tuyên bố nước này sẽ từ chối công nhận sự toàn vẹn lãnh thổ của Armenia trừ khi Yerevan ký một hiệp ước hòa bình theo lộ trình mà Baku đã đề xuất. (Interfax)

Ấn Độ, Anh thúc đẩy quan hệ quốc phòng, an ninh: Trong chuyến công du New Delhi, Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 22/4 thông báo nước này và Ấn Độ đã nhất trí về mối quan hệ đối tác quốc phòng và an ninh "mới và mở rộng" .

Phát biểu cùng với người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Johnson nói: “Mối đe dọa ép buộc độc đoán thậm chí còn gia tăng hơn nữa. Do đó, điều quan trọng là chúng ta phải tăng cường hợp tác, bao gồm cả lợi ích chung của chúng ta trong việc duy trì khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở và tự do".

Theo ông, mối quan hệ đối tác mới này là "một cam kết kéo dài nhiều thập kỷ". Ngoài ra ông đã ca ngợi mối quan hệ giữa "một trong những nền dân chủ lâu đời nhất (Anh) và một nền dân chủ lớn nhất (Ấn Độ)". (AFP)

Lãnh đạo Triều Tiên gửi thư hồi đáp Tổng thống Hàn Quốc: Ngày 21/4 nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gửi thư cho Tổng thống Hàn Quốc sắp mãn nhiệm Moon Jae-in.

“Hai bên đã thực hiện nhiều thành tựu không thể xóa nhòa. Mặc dù vẫn còn nhiều điều bị bỏ ngỏ, nhưng niềm tin của tôi vẫn không thay đổi nếu hai miền dành sự chân thành dựa trên các nỗ lực đã đạt được cho đến nay, quan hệ liên Triều có thể tiến về phía trước nhiều như mong đợi”, hãng tin Yonhap dẫn một phần bức thư được ông Kim viết.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trong bức thư trên cũng gửi lời cảm ơn nhà lãnh đạo Hàn Quốc vì những nỗ lực hòa bình của ông, đồng thời viết rằng sẽ tiếp tục dành sự tôn trọng cho Tổng thống Moon ngay cả khi ông đã nghỉ hưu.

Theo Yonhap, bức thư của ông Kim Jong-un được viết trong bối cảnh ông Moon Jae-in trước đó một ngày đã gửi cho nhà lãnh đạo Triều Tiên một lá thư tạm biệt nhân dịp nhiệm kỳ tổng thống của bản thân sắp kết thúc.