Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi thảo luận với Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN ngày 22/6 ở Phnom Penh. (Nguồn: Twitter) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin thế giới nổi bật ngày 22/6.
Nga-Ukraine
* Nga sẵn sàng hỗ trợ xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine: Ngày 22/6, trả lời họp báo ở Moscow (Nga) người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này Maria Zakharova đã khẳng định: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng phía Nga chưa bao giờ ngăn cản và hiện không ngăn cản việc xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng trên Biển Đen của Ukraine”.
Bà Zakharova nêu rõ: “Quân đội Nga đã tạo các điều kiện cần thiết cho hoạt động an toàn của hai hành lang nhân đạo trên Biển Đen và Biển Azov. Nga hiện có thể sử dụng hai cảng Mariupol và Berdyansk để xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp.
Ngoài ra, Nga sẵn sàng hỗ trợ đảm bảo việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine mà không bị cản trở, bằng các tàu nước ngoài, tùy thuộc vào sự kiểm soát của họ đối với hoạt động buôn lậu vũ khí và việc Kiev từ bỏ khiêu khích, tạo ra các mối đe dọa bom mìn và căng thẳng ở Biển Đen”.
Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, việc sử dụng các cảng hiện nay là không thể, do nguy cơ bị dính bom mìn và pháo kích cao, đồng thời cáo buộc “tất cả những điều này được tạo ra bởi Kiev”. Theo bà, “chính quyền Ukraine đã cài đặt khoảng 420 quả thủy lôi neo ở Biển Đen và Biển Azov” và “Kiev đã chặn và đang bắt giữ 70 tàu nước ngoài từ 16 quốc gia”. (Sputnik)
* Mỹ có thể không cung cấp vũ khí tiên tiến cho Ukraine: Theo tờ The National Interest (Mỹ), Lầu Năm Góc đang cảnh giác về bán vũ khí tiên tiến cho Ukraine.
Ấn phẩm nêu rõ: “Lầu Năm Góc đã thay đổi ý định về việc chuyển giao máy bay không người lái cho Ukraine”. Mỹ lo ngại, quân đội Nga sẽ bắn hạ máy bay không người lái MQ-1C hiện đại của Mỹ và tiếp cận với các công nghệ bí mật.
Đồng thời, theo tác giả bài báo, nhà sản xuất máy bay không người lái (UAV) có thể thay thế các thiết bị điện tử nhạy cảm bằng các thành phần kém hơn. Điều này sẽ làm suy giảm khả năng của UAV và quá trình này sẽ mất vài tháng. (Sputnik)
Châu Âu
* Nga sẵn sàng ‘mạnh tay’ với Lithuania: Ngày 22/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo, Moscow có thể đáp trả một cách “thực chất” sau khi Lithuania cấm hoạt động vận tải hàng hóa đến tỉnh Kaliningrad (Nga).
Trả lời họp báo, bà Zakharova nêu rõ: “Biện pháp đáp trả sẽ không mang tính ngoại giao mà thực tế”. Tuy nhiên, đại diện Bộ Ngoại giao Nga không nêu rõ bản chất các biện pháp mà Nga dự định thực hiện nhằm trả đũa Lithuania.
Trước đó một ngày, cơ quan báo chí tỉnh Kaliningrad cho biết Lithuania đã mở rộng hạn chế đối với việc vận chuyển hàng hóa trong diện bị Liên minh châu Âu (EU) cấm vận đến Kaliningrad và đối với việc quá cảnh của xe tải theo đường bộ.
Từ ngày 18/6, lệnh cấm vận đối với việc vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt có hiệu lực. Quy định này được coi là một phần của gói trừng phạt thứ năm của các nước phương Tây nhằm chống Nga.
Về phần mình, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết, không có việc phong tỏa Kaliningrad và Vilnius làm theo các lệnh trừng phạt của liên minh. (Reuters)
* London không hạn chế công dân Nga làm việc tại Anh: Ngày 22/6, Anh khẳng định không áp đặt hạn chế đối với công dân Nga làm việc tại Vương quốc Anh. Một người phát ngôn của Bộ Nội vụ Anh nêu rõ: “Hiện không có hạn chế nào đối với công dân Nga làm việc tại Anh theo diện thị thực lao động dài hạn”.
Hiện Anh ưu tiên đơn xin cấp thị thực của công dân Ukraine và sẽ mất thêm thời gian để xử lý đơn xin cấp thị thực cho mục đích học tập, lao động và thăm thân.
Trước đó, cùng ngày, truyền thông Nga dẫn lời nghị sỹ Nga Vladimir Dzhabarov thành viên phái đoàn OSCE cho rằng, London ngăn cản Moscow tham dự hội nghị Đại hội đồng Nghị viện OSCE sắp diễn ra ở Birmingham thông qua việc từ chối cấp thị thực cho các thành viên phái đoàn Nga. (Reuters)
* Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá hội đàm về “vấn đề ngũ cốc” với Nga: Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, cuộc gặp giữa với phái đoàn Nga về “vấn đề ngũ cốc” hôm 21/6 đã diễn ra tích cực và mang tính xây dựng.
Tuyên bố của Bộ trên nêu rõ: “Hôm qua, một cuộc họp của phái đoàn quân sự Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã diễn ra tại Moscow để giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực và sơ tán các tàu chở ngũ cốc đang chờ ở các cảng của Ukraine. Cuộc họp được tổ chức trong bầu không khí mang tính xây dựng và rất tích cực”.
Cũng theo tuyên bố, các bên nhất trí cần tiến hành thêm cuộc họp với sự tham gia của đại diện Ukraine và LHQ, dự kiến diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ trong vài tuần tới. (Sputnik)
Châu Á
* Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản-ASEAN nhóm họp: Ngày 22/6, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản và người đồng cấp các nước Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã bắt đầu tham gia hội nghị tại Phnom Penh, Campuchia, để thảo luận hợp tác tìm kiếm giải pháp cho các thách thức an ninh khu vực.
Theo các quan chức Nhật Bản, các bên sẽ thảo luận về tăng cường năng lực an ninh mạng và nhiều vấn đề quan trọng khác. Ngoài ra, với tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, Tokyo mong muốn tăng cường quan hệ an ninh với các nước ASEAN.
Đây là hội nghị trực tiếp lần đầu tiên giữa người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nhật Bản và ASEAN kể từ tháng 11/2019. Sự kiện trên diễn ra bên lề hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN, cũng diễn ra tại Phnom Penh.
Trước đó, trong khuôn khổ chuyến thăm Campuchia (21-22/6), sáng 22/6, Bộ trưởng Kishi đã hội kiến Thủ tướng Campuchia Hun Sen, đồng thời hội đàm riêng với những người đồng cấp Campuchia, Indonesia, Brunei và Việt Nam. (Kyodo)
* Thủ tướng Ấn Độ sắp thăm Đức và UAE: Văn phòng Thủ tướng Ấn Độ cho biết, ông Narendra Modi sẽ thăm Schloss Elmau (Đức) theo lời mời của người đồng cấp nước chủ nhà Olaf Scholz để dự Thượng đỉnh G7 dưới sự chủ trì của Đức vào ngày 26-27/6 tới.
Tại đây, Thủ tướng Ấn Độ dự kiến có bài phát biểu trong hai phiên họp về môi trường, năng lượng, khí hậu, an ninh lương thực, y tế, bình đẳng giới và dân chủ. Bên lề Thượng đỉnh, ông cũng sẽ gặp song phương với lãnh đạo một số nước.
Lời mời tham dự Thượng đỉnh G7 mở rộng phù hợp với truyền thống quan hệ đối tác mạnh mẽ, chặt chẽ và các cuộc tiếp xúc chính trị cấp cao giữa Ấn Độ và Đức. Trước đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi từng tới Đức ngày 2/5 tham dự Tham vấn liên chính phủ Ấn Độ-Đức (IGC) lần thứ 6.
Sau khi dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ thăm Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) ngày 28/6 tới. (Reuters)
* Hàn Quốc: Triều Tiên có thể hoãn thử hạt nhân do Trung Quốc và Covid-19: Một quan chức giấu tên thuộc Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ngày 22/6 cho rằng, Bình Nhưỡng có thể hoãn vụ thử hạt nhân lần thứ bảy do xét đến yếu tố chính trị của Trung Quốc và tình hình đại dịch Covid-19 của chính Triều Tiên.
Trả lời báo giới, quan chức trên nêu rõ: “Tôi nghĩ nhân tố Trung Quốc và Covid-19 tác động lớn tới quyết định (thử hạt nhân của Bình Nhưỡng)”, viện dẫn Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc mùa Thu tới.
Theo ông, Trung Quốc là đồng minh chính trị và kinh tế lớn duy nhất của Triều Tiên. Do đó, nếu Triều Tiên thực hiện một cuộc thử nghiệm quy mô lớn trước thềm sự kiện chính trị quan trọng của Trung Quốc, điều này có thể gây tổn hại quan hệ song phương giữa hai nước.
Quan chức này cũng cho rằng, tình hình dịch Covid-19 cũng là nhân tố khiến Triều Tiên phải cân nhắc. (Yonhap)
Trung Đông – châu Phi
* Israel tiến gần hơn tới tổng tuyển cử sớm: Ngày 22/6, Israel đã tiến gần hơn đến cuộc tổng tuyển cử thứ 5 trong vòng 3 năm sau khi các nghị sĩ đạt được đồng thuận ban đầu về việc giải tán Knesset (Quốc hội).
Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua việc giải tán trong buổi đọc sơ bộ dự luật dự kiến sẽ được hoàn thiện vào tuần tới, sau đó Ngoại trưởng Yair Lapid sẽ thay thế Thủ tướng Naftali Bennett với tư cách là người đứng đầu chính phủ lâm thời.
Ông Lapid xem cuộc bầu cử sắp tới là cuộc chiến giữa những người theo đường lối ôn hòa và những người có quan điểm cực đoan được ông Netanyahu ủng hộ.
Về phần mình, ông Netanyahu, hiện là lãnh đạo phe đối lập ở Israel, đã bày tỏ sự vui mừng trước động thái của ông Naftali Bennett và ông Yair Lapid nhằm giải tán chính phủ mà ông miêu tả là “tồi tệ nhất trong lịch sử Israel”, với hy vọng sẽ phá kỷ lục của chính mình và giành được nhiệm kỳ thứ 6 trong vai trò thủ tướng. (Reuters)