Ông Yair Lapid (trái) và ông Naftali Bennett nhất trí giải tán chính phủ liên minh tại Israel. (Nguồn: AFP/Getty Images) |
Ngày 20/6, liên minh cầm quyền tại Israel của ông Naftali Bennett và Yair Lapid đã nhất trí giải tán Quốc hội (Knesset) và chính phủ. Đồng thời, ông Lapid sẽ thay ông Bennett làm Thủ tướng tạm quyền của Nhà nước Do Thái cho đến khi bầu cử dự kiến tổ chức vào tháng 10 tới. Có gì sau thay đổi chính trị ở đất nước này?
Chênh vênh thêm dài
Nguyên nhân trực tiếp của chuỗi sự kiện trên được cho là Knesset đã không thông qua dự luật gia hạn áp dụng khẩn cấp các quy định pháp luật Israel tại khu Bờ Tây, vốn có vai trò đặc biệt quan trọng với an ninh của Nhà nước Do Thái.
Tuy nhiên, sự sụp đổ của chính phủ Israel là không bất ngờ. Ngày 9/5 và mới đây là 20/6, liên minh cầm quyền của ông Bennett và ông Lapid đã phải trải qua hai cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với kết quả sít sao. Ngày 13/6, nghị sĩ Nir Orbach thuộc đảng Cánh hữu mới đã rời liên minh vì “luật định cư” chưa được gia hạn.
Song với một số khác, sự chênh vênh ấy đã hiển hiện từ khi liên minh thành hình. Chất keo duy nhất kết nối cánh hữu mộ đạo theo chủ nghĩa dân tộc, cánh tả với lập trường ôn hòa và đảng gốc Arab Hồi giáo là mong muốn lật đổ cựu Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Khi mục tiêu đã đạt được, sự xung khắc trong ý thức hệ, lập trường chính trị giữa các bên dần bộc lộ rõ nét và khiến chính phủ này tan rã.
Nhìn rộng hơn, sự kiện này phản ánh sự bất ổn trong chính trường Israel, khi Nhà nước Do Thái sẽ buộc phải tổ chức cuộc tổng tuyển cử thứ 5 chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm.
Nhìn rộng hơn, sự kiện này phản ánh sự bất ổn trong chính trường Israel, khi Nhà nước Do Thái sẽ buộc phải tổ chức cuộc tổng tuyển cử thứ 5 chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm. |
“Thí nghiệm” thành công?
Tuy nhiên, mặc dù chỉ cầm quyền chưa đầy 1 năm, song liên minh cầm quyền giữa ông Naftali Bennett và ông Yair Lapid vẫn đạt một số thành công nhất định.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ New York Times sau khi công bố giải tán chính phủ, ông Bennett đã nhấn mạnh: “Độ dài (của một nhiệm kỳ) không nên bị đánh đồng với chất lượng (của nhiệm kỳ đó)”.
Nhà lãnh đạo này khẳng định “thí nghiệm” về đoàn kết các đảng phái, sắc tộc đa dạng tại Israel đã ít nhiều đạt thành công, trong bối cảnh xu hướng phân cực tại chính trường nhiều nước ngày một rõ nét.
Tuyên bố của ông Bennett là có cơ sở. Dưới thời của chính trị gia này, Israel lần đầu tiên thông qua ngân sách sau hơn hai năm. Liên minh cầm quyền đã thúc đẩy chiến dịch phòng, chống đại dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế.
Theo Cơ quan Thống kê trung ương Israel, tỷ lệ thất nghiệp nước này có thời điểm chỉ còn 3,1% (tháng 4/2022), thấp nhất trong 42 năm trở lại đây và chỉ tăng trở lại vào tháng 5 và 6 vừa qua. Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dự đoán tăng trưởng kinh tế của nước này năm 2022 có thể đạt 4,8%, với thế mạnh đặc biệt từ lĩnh vực công nghệ cao, dù còn đó nguy cơ từ xung đột Nga-Ukraine.
Chính phủ liên minh tại Israel đạt một số thành tựu nhất định về thông qua ngân sách, phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế - Ảnh minh họa. (Nguồn: Flash90) |
Về đối ngoại, Israel duy trì quan hệ đồng minh chiến lược của Mỹ tại khu vực. Đáng chú ý, chính phủ liên minh cầm quyền giải tán chỉ ít ngày trước chuyến thăm của ông chủ Nhà Trắng. Hiện tại, không có dấu hiệu gì cho thấy mối quan hệ này sẽ chứng kiến nhiều thay đổi sau khi Nhà nước Do Thái có chính phủ mới.
Đồng thời, Israel tiếp tục xu hướng cải thiện, thiết lập quan hệ với các nước Arab Hồi giáo ở Trung Đông và châu Phi như dưới thời ông Benjamin Netanyahu.
Dù vậy, Israel chưa thể ngăn Washington cùng Tehran nối lại Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA). Tiến trình xây dựng quan hệ với các nước Arab Hồi giáo, đặc biệt là Saudi Arabia còn đó rào cản. Đụng độ tại Bờ Tây và Gaza thường xuyên xảy ra. Chính sự thiếu vắng đồng thuận về quyết sách với khu Bờ Tây trở thành “giọt nước tràn ly”, buộc Israel tổ chức bầu cử sau chưa đầy 1 năm.
Chờ gió xoay chiều
Song điều người Israel và giới quan sát đặc biệt quan tâm là khả năng ông Benjamin Netanyahu và đảng Likud trở lại sau sự tan rã của chính phủ liên minh.
Chính trị gia cầm quyền lâu nhất tại Israel đã không bỏ lỡ thời cơ. Trong một video đăng tải trên Twitter, cựu Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã chỉ trích chính phủ hiện tại “phụ thuộc vào những kẻ ủng hộ khủng bố, bỏ bê an ninh cá nhân của công dân Israel và khiến chi phí sinh hoạt tăng chưa từng có”.
Đặc biệt, ông cam kết sẽ dẫn dắt một chính phủ “của chủ nghĩa dân tộc và mở rộng”.
Về phần mình, đảng Likud khẳng định chính phủ liên minh đã “làm điều đúng đắn sau một năm muộn màng”. Một tuyên bố đảng này thậm chí còn nhấn mạnh: “Hãy về nhà. Mọi thứ đã kết thúc. Đã đến lúc trả lại cánh hữu cho đảng Likud”.
Song điều người Israel và giới quan sát đặc biệt quan tâm là khả năng ông Benjamin Netanyahu và đảng Likud trở lại sau sự tan rã của chính phủ liên minh. |
Tuy nhiên, con đường trở lại quyền lực của ông Netanyahu và đảng Likud không gần như họ tưởng. Bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 10 năm nay và trong 120 ngày tới, trên cương vị Thủ tướng tạm quyền, ông Yair Lapid vẫn có thể mang tới bất ngờ.
Quan trọng hơn, ngay cả khi các đảng còn lại có nhiều khác biệt về ý thức hệ và lập trường chính trị, họ vẫn đồng thuận ở một điểm, đó là ngăn ông Netanyahu nắm quyền.
Đây có thể là chất keo kết dính những bộ phận rời rạc trong liên minh thành khối thống nhất, bỏ qua khác biệt để cản đường đảng Likud thêm lần nữa.
Có lẽ, cựu Thủ tướng Benjamin Netanyahu không sai khi nhận xét “gió đã xoay chiều” về phía mình.
Tuy nhiên, liệu những lực đẩy chính trị còn lại có đủ mạnh để giúp con tàu của ông “thuận buồm” ra biển lớn? Còn quá sớm để khẳng định.
| Israel, Palestine nêu thái độ về chuyến thăm của Tổng thống Biden, Mỹ hứa hẹn với đồng minh Trung Đông Trước chuyến thăm dự kiến của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Trung Đông vào giữa tháng 7, cả Israel và Palestine đều đã bày ... |
| Quan hệ nồng ấm, Ngoại trưởng Israel chuẩn bị công du Thổ Nhĩ Kỳ Ngoại trưởng Israel Yair Lapid có kế hoạch tới Thổ Nhĩ Kỳ trong tuần này, sau khi quan hệ hai nước trong nhiều tháng đã ... |