📞

Tin thế giới 22/8: Tàu sân bay Mỹ kéo đến Trung Đông, Tổng thống Putin triệu tập họp bất thường, Taliban bổ nhiệm Đại sứ tại UAE

Nhất Phong 21:36 | 22/08/2024
Israel tuyên bố chiến thắng tại Rafah, tàu Trung Quốc va tàu Canada ở Biển Đông, Indonesia phun vòi rồng giải tán người biểu tình, phe Cộng hòa chỉ trích chính sách đối ngoại của bà Kamala Harris, Nga - Trung bàn về hợp tác quân sự… là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Siêu tàu sân bay Mỹ có mặt tại Trung Đông. (Nguồn: AFP)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Châu Á – Thái Bình Dương

*Thủ tướng Trung Quốc thăm Belarus: Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã đến Belarus ngày 22/8, trong chuyến thăm chính thức theo lời mời của Thủ tướng nước chủ nhà Roman Golovchenko.

Trong chuyến thăm, ông Lý Cường sẽ hội đàm với Thủ tướng Golovchenko về tăng cường quan hệ song phương và hợp tác trong nhiều lĩnh vực.

Belarus là chặng dừng chân thứ hai của Thủ tướng Trung Quốc, trước đó, ông Lý Cường đã đến Moscow, hội đàm với người đồng cấp Nga Mikhail Mishustin vào ngày 21/8. (THX)

*Indonesia phun vòi rồng giải tán người biểu tình bên ngoài Quốc hội: Hãng tin Reuters cho biết Lực lượng an ninh Indonesia đã sử dụng vòi rồng để giải tán đám đông người biểu tình bên ngoài tòa nhà Quốc hội tại thủ đô Jakarta của Indonesia ngày 22/8.

Trước đó, người phát ngôn của Tổng thống Indonesia Hasan Nasbi cho biết Chính phủ Indonesia đã kêu gọi người dân tránh lan truyền thông tin sai lệch có thể dẫn đến bạo lực, trong bối cảnh biểu tình phản đối việc thay đổi luật bầu cử.

Ông Nasbi cũng cho biết lập trường của Chính phủ về việc thay đổi luật bầu cử là tuân theo các quy tắc hiện hành nếu các sửa đổi, đề xuất chưa được Quốc hội phê chuẩn. (Reuters)

*Nga, Trung bàn về hợp tác quân sự: Hãng thông tấn nhà nước TASS ngày 22/8 dẫn nguồn tin Bộ Quốc phòng Nga cho biết Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin đã gặp Tư lệnh Lục quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) Lý Kiều Minh.

Theo TASS, hai bên đã thảo luận các vấn đề trong hợp tác quân sự song phương. Trước đó, vào ngày 21/8, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã có chuyến thăm Nga. (Reuters)

*Trung Quốc xác nhận truy tố công dân Nhật Bản về tội làm gián điệp: Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 22/8 thông báo, các công tố viên nước này đã truy tố một công dân Nhật Bản vì nghi ngờ hoạt động gián điệp, nhưng không nêu danh tính người này.

Trong cuộc họp báo thường kỳ, khi được hỏi về bản cáo trạng của một nhân viên người Nhật của công ty Astellas Pharma, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh khẳng định, Bắc Kinh đang điều tra và xử lý các hoạt động tội phạm.

Công ty dược phẩm Nhật Bản hôm 21/8 cho hay, một trong những nhân viên người Nhật của họ bị bắt giữ từ tháng 3/2023 vì nghi ngờ làm gián điệp đã bị chính quyền Trung Quốc truy tố. (AFP)

*Trung Quốc, Thái Lan tập trận quân sự chung: Trung Quốc có các cuộc tập trận quân sự chung với Thái Lan, bao gồm việc lần đầu tiên sử dụng lực lượng đặc nhiệm và được mô tả là có "tất cả các yếu tố cần thiết cho một cuộc chiến tranh quy mô nhỏ".

Cuộc tập trận Falcon Strike 2024 bắt đầu ở Đông Bắc Thái Lan hôm 18/8 và theo Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc (CCTV), cuộc tập trận này phức tạp hơn và có phạm vi rộng hơn so với các cuộc tập trận trước đây có sự tham gia của hai nước. CCTV đưa tin các cuộc tập trận, kéo dài đến ngày 29/8, bao gồm các nội dung như hỗ trợ xuyên biên giới, triển khai lực lượng, phòng không chung, răn đe và tóm tắt tình hình.

Trung Quốc và Thái Lan đã tiến hành các cuộc tập trận không quân thường niên kể từ năm 2015, với thời gian tạm dừng hai năm trong đại dịch COVID-19. (SCMP)

*Hải quân Trung Quốc va chạm với tàu Canada ở Biển Đông: USNI News của Viện Hải quân Mỹ đưa tin Hải quân Canada đã chạm trán với một tàu tuần tra lớn nhất thế giới của Cảnh sát biển Trung Quốc, trong một cuộc tuần tra gần các đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Nguồn tin tiết lộ cuộc chạm trán ở vùng biển tranh chấp diễn ra hôm 19/8. HMCS Montreal, khinh hạm Canada nặng 4.770 tấn được trang bị tên lửa, đã "cố ý" đi qua Đá Subi, Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn của quần đảo Trường Sa trong một lần quá cảnh gần đây.

Nam Sa - tàu tuần duyên Trung Quốc có số hiệu thân tàu là 5901 - còn được giới truyền thông và giới quan sát gọi là "quái vật" vì lượng giãn nước 12.000 tấn. Các nhà quan sát đánh giá tàu này có lợi thế về sức bền, khả năng chống va chạm, khả năng đi biển và tốc độ so với các tàu tuần duyên khác. (Newsweek)

Châu Âu

*Nga hoãn bầu cử tại nhiều khu vực của tỉnh Kursk: Ngày 21/8, Ủy ban Bầu cử Trung ương LB Nga đã quyết định hoãn cuộc bầu cử chính quyền hành pháp và cơ quan lập pháp ở 7/33 đơn vị hành chính của tỉnh Kursk.

Như vậy, 96.266 trong tổng số 876.055 cử tri đã đăng ký ở tỉnh này sẽ không đi bỏ phiếu vào ngày 8/9. Quyết định được đưa ra “nhằm bảo vệ tính mạng và sức khỏe của công dân Liên bang Nga”, dựa vào báo cáo của Ủy ban chính phủ về các tình huống khẩn cấp.

Cuộc bầu cử người đứng đầu vùng Kursk sẽ được tổ chức như kế hoạch.

Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh Kursk Tatyana Malakhova cho biết tình hình ở Kursk hiện nay rất khó khăn. 9 thành phố đang tiến hành sơ tán dân cư, khoảng 120.000 cư dân đã được sơ tán. 7 khu vực được đề nghị hoãn bỏ phiếu nằm trong 9 thành phố này. (AFP)

*Thủ tướng Đức khẳng định Ukraine không tham vấn về vụ tấn công Nga: Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 21/8 cho biết Ukraine đã không tham vấn Berlin về vụ tấn công gây chấn động vào Nga ngày 6/8 vừa qua.

Nhà lãnh đạo Đức nói: “Ukraine đã chuẩn bị hoạt động quân sự ở khu vực Kursk một cách rất bí mật và không có sự trao đổi”.

Trước đó, ông Scholz khẳng định Đức sẽ tiếp tục là quốc gia ủng hộ Ukraine tích cực nhất ở châu Âu sau những tranh cãi trong những ngày qua về điều mà một số người gọi là “sự dao động” trong sự ủng hộ của Đức dành cho Kiev về vấn đề chính trị trong nước. (DW)

*Tổng thống Putin triệu tập họp bất thường về tình hình an ninh biên giới: Ngày 22/8, Tổng thống Nga Vladimir Putinđã triệu tập cuộc họp gồm thành viên Chính phủ, lãnh đạo các vùng để bàn về tình hình an ninh 3 tỉnh biên giới với Ukraine. Cuộc họp diễn ra theo hình thức trực tuyến.

Tham gia cuộc họp còn có Phó Thủ tướng thứ nhất Denis Manturov, quan chức chịu trách nhiệm về tình hình kinh tế-xã hội tại 3 tỉnh biên giới, cũng như lãnh đạo vùng Belgorod, Briansk và Kursk.

Trước đó, lãnh đạo Nga không loại trừ khả năng sẽ xảy ra cuộc tấn công mới vào biên giới Nga.(Sputniknews)

*Nga bắt đầu lắp đặt các hầm trú ẩn bê tông tại tỉnh Kursk: Quyền Thống đốc Tỉnh Kursk miền Tây nước Nga, ông Alexei Smirnov ngày 22/8 cho biết các nhà chức trách Nga tại tỉnh Kursk đã bắt đầu lắp đặt các hầm trú ẩn bê tông để giúp bảo vệ dân thường trong bối cảnh cuộc tấn công của Ukraine đang diễn ra.

Trên trang Telegram, ông Smirnov cho hay các quan chức thành phố tại Kursk, thủ phủ của tỉnh, đang lắp đặt các hầm trú ẩn tại những nơi đông đúc, bao gồm cả 60 trạm xe buýt. Ông lưu ý các hầm trú ẩn tương tự sẽ được lắp đặt tại hai thị trấn khác. (TASS)

Trung Đông – châu Phi

*Thủ tướng Qatar thăm Iran: Hãng thông tấn bán chính thức Tasnim của Iran ngày 22/8 đưa tin Thủ tướng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman bin Jassim Al Thani sẽ thăm Iran trong những ngày tới.

Theo Tasnim, cuộc gặp giữa Thủ tướng Qatar và các quan chức nước chủ nhà nhằm thảo luận các vấn đề song phương và các vấn đề quan trọng của khu vực. Doha đã tổ chức các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn ở Gaza. (Reuters)

*Chính quyền Taliban bổ nhiệm Đại sứ tại UAE: Bộ Ngoại giao Afghanistan do Taliban lãnh đạo cho biết đã bổ nhiệm Đại sứ tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), quốc gia thứ hai công nhận một phái viên ở cấp độ này sau Trung Quốc.

Taliban cũng đã cử phái viên đến một số nước, bao gồm nước láng giềng Pakistan, đứng đầu các phái đoàn với tư cách là "đại biện".

Mặc dù Trung Quốc và UAE chưa chính thức công nhận Chính quyền Taliban hoặc xác nhận bất kỳ thay đổi chính thức nào trong quan hệ song phương, song các nhà phân tích quốc tế cho rằng việc chính thức công nhận một đại sứ là bước tiến mập mờ trong ngoại giao quốc tế, có thể giúp các nước nâng cấp quan hệ. (Reuters)

*Nigeria không kích tiêu diệt 40 nghi can khủng bố: Một quan chức Nigeria hôm 21/8 cho biết ít nhất 40 nghi can khủng bố, bao gồm 5 chỉ huy, đã bị tiêu diệt trong các cuộc không kích gần đây của quân đội tại bang Borno, miền Bắc Nigeria.

Người phát ngôn Edward Gabkwet của Không quân Nigeria, nói với giới truyền thông tại thủ đô Abuja rằng, các cuộc không kích được thực hiện vào ngày 16/8 tại khu vực Nam Tumbun của bang Borno, nơi những nghi phạm khủng bố đang tập hợp.

Ông mô tả các cuộc không kích là một nỗ lực quyết định nhằm làm suy yếu hơn nữa các phần tử khủng bố đang hoạt động ở khu vực Đông Bắc Nigeria, trong khi bảo vệ thường dân và quân đội tại khu vực này. (AFP)

*Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ hiện diện tại Trung Đông: Quân đội Mỹ ngày 21/8 thông báo tàu sân bay USS Abraham Lincoln và các tàu khu trục hộ tống đã đến Trung Đông,sau khi Bộ trưởng Quốc phòng nước này ra lệnh cho nhóm tác chiến tăng tốc triển khai tới khu vực.

Sự xuất hiện của USS Abraham Lincoln nâng tổng số tàu sân bay Mỹ tại khu vực lên 2 chiếc - ít nhất là tạm thời, vì tàu Abraham Lincoln sẽ thay thế tàu USS Theodore Roosevelt - vào thời điểm lo ngại về xung đột khu vực gia tăng sau các vụ ám sát cấp cao do Israel thừa nhận hoặc bị cáo buộc.

Hôm 11/8, Lầu Năm Góc cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã ra lệnh cho tàu Abraham Lincoln "tăng tốc quá cảnh" đến Trung Đông, sau khi chỉ đạo tàu triển khai đến khu vực này vào đầu tháng 8. (AFP)

*Israel tuyên bố chiến thắng tại Rafah: Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant ngày 21/8 cho rằng quân đội nước này (IDF) đã giành thắng lợi trong chiến dịch tấn công Hamas tại thành phố Rafah, cứ điểm cuối cùng của phong trào này.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel cho rằng Sư đoàn 162 của IDF đã đánh bại Sư đoàn Rafah của Hamas, phá hủy 150 đường hầm.

Ông Gallant nói thêm: “Điều quan trọng nhất xét về mặt chiến lược, theo tôi, là phải đạt được các mục tiêu chiến tranh liên quan đến Hamas và giải phóng con tin, và giờ là lúc hướng về phía Bắc”. Tuyên bố này được cho có ngụ ý IDF sẽ chuyển trọng tâm sang cuộc chiến với lực lượng Hezbollah đang diễn ra ở biên giới phía Bắc của Israel, tiếp giáp với Liban. (Al Jazeera)

Châu Mỹ - Mỹ Latinh

*Mỹ buộc tội nhà hoạt động làm gián điệp cho Trung Quốc: Hôm 21/8, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo, một cư dân New York từng tham gia phong trào dân chủ năm 1989 của Trung Quốc đã bị buộc tội hoạt động như một đặc vụ bất hợp pháp cho Bắc Kinh tại Mỹ.

Người này là Tang Yuanjun, 67 tuổi, đã được Mỹ cấp quy chế tị nạn chính trị sau khi vượt biển đến một hòn đảo do Đài Loan (Trung Quốc) kiểm soát hơn 20 năm trước.

Theo tuyên bố của Bộ trên, ngày 21/8, ông Tang đã bị buộc tội làm đặc vụ cho Trung Quốc tại Mỹ từ năm 2018 - 2023. Tang bị bắt hôm 21/8 và dự kiến sẽ trình diện trước một tòa án cấp quận. Người này từng bị Bắc Kinh kết án 20 năm vì tham gia phong trào dân chủ năm 1989, được trả tự do sau 8 năm thụ án. (AFP)

*Ông Trump có chiến lược đưa Ukraine, Nga ngồi vào bàn đàm phán: Trả lời RIA Novosti bên lề Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ ở Chicago vào ngày 21/8, thành viên Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ Michael Waltz cho biết ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump có chiến lược thúc giục Nga và Ukraine ngồi vào bàn đàm phán để chấm dứt xung đột Ukraine.

Khi được hỏi về khả năng cựu Tổng thống Trump có thể giúp kết thúc cuộc chiến ở Ukraine, ông Waltz đáp: "Ông ấy cho biết sẽ nói với Chính phủ Ukraine rằng họ cần phải ngồi vào bàn đàm phán hoặc thế là hết. Vì vậy, tôi nghĩ ông ấy có một chiến lược chung trong đầu đưa cả hai bên vào bàn đàm phán theo cách hợp lý để đàm phán ngoại giao nhằm mang lại giải pháp cho cuộc xung đột này". (Sputniknews)

*Bầu cử Mỹ 2024: Phe Cộng hòa chỉ trích chính sách đối ngoại của bà Kamala Harris: Hạ nghị sĩ của đảng Cộng hòa đại diện cho bang Florida, ông Mike Waltz ngày 21/8 đã tận dụng dịp kỷ niệm 3 năm ngày Mỹ rút quân khỏi Afghanistan để chỉ trích hồ sơ chính sách đối ngoại của Phó Tổng thống Kamala Harris.

Phát biểu trong một cuộc họp báo ở Chicago, nơi đang diễn ra Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ (DNC) từ ngày 19-22/8, ông Mike Waltz nói rằng sự tham gia của Phó Tổng thống Harris vào quá trình ra quyết định đằng sau cuộc rút quân hỗn loạn vào tháng 8/2021, cho thấy quan điểm chính sách đối ngoại sai lầm của bà Harris và các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ nói chung. Ông viện dẫn vụ tấn công vào sân bay quốc tế ở thủ đô Kabul khiến 13 quân nhân Mỹ thiệt mạng, cáo buộc bà Harris "sở hữu" những cái chết này.

Ông Waltz lên án những phát biểu của đảng Dân chủ tại Đại hội toàn quốc ở Chicago vì chỉ tập trung vào công kích đối thủ Trump của đảng Cộng hòa mà không thừa nhận sai lầm của việc rút quân khỏi Afghanistan. (AFP)