📞

Tin thế giới 23/11: Ông Trump tin sẽ sớm 'lật ngược thế cờ'; Lý do ông Putin chưa chúc mừng ông Biden

Quang Đào 19:45 | 23/11/2020
TGVN. Bầu cử Mỹ 2020, quan hệ Mỹ với Trung Quốc và Nga, tình hình Nagorno-Karabakh, giao tranh Ấn Độ-Pakistan là những tin quốc tế nổi bật 24 giờ qua.

Bầu cử Mỹ 2020

Ông Trump có thể đảo ngược kết quả ở 4 bang, chiến dịch pháp lý chưa đi tới đâu

Trong một bài đăng trên Twitter hôm 21/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng, đội ngũ của ông đã phát hiện hàng trăm nghìn phiếu bầu gian lận, đủ để đảo ngược kết quả bầu cử tại ít nhất 4 bang, điều đó có nghĩa thừa sức giúp ông thắng cử.

Mặc dù theo đuổi hàng chục vụ kiện nhưng đến nay đội ngũ của ông Trump gần như chưa giành được chiến thắng đáng kể nào do không có bằng chứng. Một thẩm phán ở bang Pennsylvania ngày 21/11 cũng bác bỏ khiếu nại của đội ngũ ông Trump về việc hủy hàng triệu phiếu bầu bị coi là không hợp lệ ở Pennsylvania.

Cơ hội đảo ngược kết quả của ông Trump đang hẹp dần khi các bang bắt đầu chứng nhận kết quả bỏ phiếu cuối cùng trước thời hạn 8/12. Chiến dịch của ông Trump được cho là đang tìm cách trì hoãn hoặc ngăn các bang chứng nhận chiến thắng của ông Biden. (Politico)

Ông Biden từng bước chuẩn bị cho lễ nhậm chức

Khi ngày công bố kết quả bỏ phiếu phổ thông bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 gần đến, ứng viên đảng Dân chủ Mỹ Joe Biden, người được dự đoán đắc cử, sẽ công bố những chức vụ đầu tiên trong nội các và lên kế hoạch cho một lễ nhậm chức thu gọn.

Theo ông Ron Klain, trợ lý thân cận được ông Biden chọn làm Chánh văn phòng Nhà Trắng tương lai, ông Biden sẽ công bố những vị trí đầu tiên trong nội các vào ngày 24/11.

Tuần trước, ông Biden cho biết ông đã lựa chọn được ứng viên cho chức Bộ trưởng Tài chính. Danh sách rút gọn cho vị trí này gồm cựu Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang (Fed) Janet Yellen, Thống đốc Fed Lael Brainard, cựu Thống đốc Fed Sarah Bloom Raskin và Chủ tịch Fed ở Atlanta Raphael Bostic.

Các đồng minh của ông Biden cũng tiết lộ, ông có thể công bố vị trí ngoại trưởng trong tuần này, trong đó có cựu Cố vấn An ninh quốc gia Susan Rice và nhà ngoại giao kỳ cựu Antony Blinken - người được cho là người sáng giá nhất.

Ông Klain cũng cho biết, đội ngũ của ông Biden dự định sẽ thu gọn lễ tuyên thệ nhậm chức so với thông thường do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. "Chúng tôi biết mọi người muốn ăn mừng. Có việc đáng để ăn mừng. Nhưng chúng tôi muốn tìm một phương cách để an toàn nhất có thể", ông Klain nói. (Reuters)

Mỹ-Trung Quốc

Mỹ sẽ đưa 89 công ty Trung Quốc vào danh sách đen

Mỹ sắp đưa thêm 89 công ty Trung Quốc vào danh sách đen về thương mại vì mối quan hệ với quân đội Trung Quốc, một động thái có thể làm gia tăng căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ở nhiều lĩnh vực, từ thương mại, Đài Loan (Trung Quốc) cho tới cách xử lý đại dịch Covid-19.

Danh sách này được đưa vào bản dự thảo xác định các công ty Trung Quốc và Nga mà Mỹ coi là "có người dùng cuối cùng là quân đội".

Trong dự thảo, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, việc có thể kiểm soát dòng chảy công nghệ Mỹ đến các công ty bị đưa vào danh sách là "điều quan trọng để bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ".

Trong danh sách 89 công ty kể trên, có Commercial Aircraft Corp. of China Ltd. (Comac) và Aviation Industry Corp. of China Ltd. (AVIC) - tập đoàn sở hữu Nhà nước với hơn 100 công ty con và hơn 450.000 nhân viên.

Hồi tháng 6/2020, chính quyền Tổng thống Trump đã thêm AVIC vào danh sách các công ty dưới sự kiểm soát của quân đội Trung Quốc. (Reuters)

Mỹ sẽ không thay đổi cách nhìn về Trung Quốc, tiếp tục hiện diện ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Trả lời Zing, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien nhấn mạnh hai đảng Dân chủ và Cộng hòa cùng chia sẻ lo ngại về cách hành xử của Bắc Kinh tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ông O'Brien nhấn mạnh Mỹ là một "cường quốc Thái Bình Dương" và vẫn có những cam kết dài hạn trong khu vực "dù được lãnh đạo bởi một tổng thống thuộc đảng Dân chủ hay Cộng hòa".

Ông nhắc lại những quan ngại thời gian qua ở Washington về cách hành xử "không công bằng và khó chấp nhận" của Bắc Kinh, từ chính sách thương mại, tình trạng đánh cắp tài sản trí tuệ đến các hành động hung hăng với láng giềng, cách ứng phó đại dịch Covid-19.

Theo ông O'Brien, Mỹ muốn có quan hệ tốt đẹp với chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, hàng loạt vấn đề nói trên đã khiến người Mỹ, thuộc cả hai đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa, phải thay đổi suy nghĩ.

Mỹ sẽ tiếp tục hiện diện và hỗ trợ các nước, không rời đi hay để bị đẩy ra khỏi khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Mỹ sẽ đấu tranh vì một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do. Ông cũng nhấn mạnh Mỹ sẽ nỗ lực duy trì hòa bình và đảm bảo không có chiến tranh trong khu vực. (Zing)

Chuẩn đô đốc Mỹ bất ngờ thăm vùng lãnh thổ Đài Loan

Tờ United Daily News của Đài Loan (Trung Quốc) công bố hình ảnh một máy bay không mang tên hãng, được xác định là máy bay quân sự Mỹ, đang hạ cánh tại sân bay Tùng Sơn ở trung tâm thành phố Đài Bắc chiều 22/11.

Văn phòng cơ quan đối ngoại Đài Loan cũng xác nhận một quan chức Mỹ tới Đài Loan, nhưng từ chối cung cấp chi tiết thông tin liên quan. Tuy vậy, trong một tuyên bố ngắn gọn, cơ quan này khẳng định có sự tin tưởng, tương tác thường xuyên với Mỹ và hoan nghênh chuyến thăm của quan chức Mỹ.

Theo nguồn tin giấu tên của Reuters, Chuẩn đô đốc Michael Studeman, phụ trách tình báo quân đội Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương là người có chuyến thăm không báo trước tới Đài Loan. (Reuters)

Mỹ-Nga

Tổng thống Putin tiết lộ lý do chưa chúc mừng ông Biden

Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định không có bất cứ động cơ nào xung quanh việc đến nay ông chưa chúc mừng chiến thắng của ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Mỹ Joe Biden.

"Các thủ tục phải được tuân thủ dựa trên các thông lệ và tiêu chuẩn pháp lý. Không có bất cứ động cơ bí mật hay bất cứ điều gì có thể làm suy giảm hơn nữa mối quan hệ của chúng ta. Đó là cách tiếp cận hoàn toàn bình thường.

Không phải chúng tôi thích hay không thích ai, đơn giản chúng tôi đang đợi một cuộc đối đầu chính trị nội bộ chấm dứt", Tổng thống Putin trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Rossiya 1 ngày 22/11.

Chủ nhân Điện Kremlin nhấn mạnh thêm: "Chúng tôi sẽ hợp tác với bất cứ ai có được sự tin tưởng của người dân Mỹ. Để có được sự tin tưởng này, người đó phải có chiến thắng được đảng đối lập công nhận hoặc kết quả cuối cùng phải được chứng nhận một cách hợp pháp". (Sputnik)

Chỉ trích Nga vi phạm, Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở

Mỹ ngày 22/11 tuyên bố chính thức rút khỏi hiệp ước quốc tế Bầu trời Mở sau khi cáo buộc Nga vi phạm các điều khoản.

Sau khi rút khỏi hiệp ước, Mỹ sẽ không còn quyền thực hiện các chuyến bay trinh thám không vũ trang qua lãnh thổ Nga hoặc các quốc gia tham gia ký kết.

Tuy nhiên, theo RT, Nga quan ngại rằng Mỹ sẽ yêu cầu các đồng minh NATO tham gia hiệp ước có thể cung cấp ảnh chụp từ trên không ở Nga để có được thông tin cần thiết, trong khi Washington chặn Nga thực hiện các chuyến bay trinh thám trên các cơ sở Mỹ.

Ngày 22/11, Bộ Ngoại giao Nga gọi tình hình hiện tại là “không thể chấp nhận”. Nga cho biết họ sẽ yêu cầu các nước còn tham gia hiệp ước “bảo đảm chắc chắn rằng họ sẽ tuân theo nghĩa vụ”.

Thứ nhất, Nga muốn các nước sẽ không đưa ra các rào cản ngăn việc giám sát lãnh thổ theo quy định. Thứ hai, Nga muốn bảo đảm hình ảnh chụp từ các chuyến bay trinh thám không được phép chuyển tới một quốc gia thứ 3 không ký kết thỏa thuận. (RT)

Nagorno-Karabakh

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ở lại Nagorno-Karabakh ít nhất một năm

Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ gửi quân tới đây trong thời hạn một năm để tham gia tích cực vào việc giải quyết tình hình trong khu vực, cho dù chưa đạt được thỏa thuận với Nga.

Theo các phương tiện thông tin đại chúng Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara sẽ tham gia tích cực vào việc giải quyết tình hình trong khu vực, bất kể lập trường của Nga, vì tất cả mọi vấn đề đã được thống nhất với Baku - quốc gia chủ nhà.

Trước đó, Nga đã thể hiện quan điểm rằng không muốn có sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình Thổ Nhĩ Kỳ tới Nagorno-Karabakh.

Vẫn chưa biết các hành động của Ankara với Moscow được phối hợp ở mức độ nào, tuy nhiên các chuyên gia bày tỏ quan điểm rằng sự hiện diện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực chỉ có thể dẫn đến leo thang xung đột. (Avia-pro)

Ấn Độ-Pakistan

Giao tranh ác liệt lại nổ ra dọc LoC ở Kashmir

Ngày 22/11, quân đội Pakistan ra tuyên bố cho biết, quân đội Ấn Độ đã vi phạm lệnh ngừng bắn tại khu vực Khuiratta dọc Ranh giới kiểm soát (LoC) ở khu vực tranh chấp Kashmir, tấn công làng Jigjot bằng rocket và súng cối hạng nặng.

Tuyên bố của quân đội Pakistan cho biết ít nhất 11 dân thường đã bị thương, trong đó có 6 phụ nữ và 4 trẻ em, trong các vụ giao tranh dọc ở khu vực tranh chấp Kashmir.

Hiện Ấn Độ chưa đưa ra bình luận nào về thông tin trên. (THX)