Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin thế giới nổi bật trong ngày:
EU trừng phạt các quan chức Myanmar, Nga, Venezuela; Belarus vào 'tầm ngắm'
Ngày 22/2, trong cuộc họp của ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), khối này đã đi đến thống nhất áp đặt trừng phạt quân đội Myanmar liên quan cuộc đảo chính quân sự hôm 1/2, 19 quan chức Venezuela thuộc chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro và một số quan chức Nga liên quan vụ chính trị gia đối lập Alexei Navalny bị bắt giữ.
Bên cạnh đó, ngày 23/2, hãng thông tấn nhà nước PAP dẫn lời Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau cho biết, EU có thể áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Belarus sau khi nước này phạt tù 2 phóng viên đưa tin về các cuộc biểu tình phản đối tổng thống. (Reuters)
Tình hình Myanmar: G7 lên án bạo lực nhằm vào người biểu tình
Ngày 23/2, Ngoại trưởng Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ra tuyên bố chung cho rằng, việc sử dụng bạo lực đối với người phản đối cuộc đảo chính ở Myanmar là không thể chấp nhận được và những người thực hiện phải bị chịu trách nhiệm.
Tuyên bố chung nêu rõ: "Chúng tôi lên án sự đe dọa và đàn áp những người phản đối cuộc đảo chính... Chúng tôi đều lên án cuộc đảo chính ở Myanmar".
Tuyên bố chung cũng tiếp tục kêu gọi trả tự do lập tức và vô điều kiện cho những người bị giam giữ, trong đó có bà Aung San Suu Kyi và Tổng thống của chính quyền dân sự Win Myint.
Trước đó, Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với 2 tướng lĩnh Myanmar liên quan vụ đảo chính, đồng thời cảnh báo sẽ tiếp tục có thêm các hành động. (Reuters)
Mỹ-Trung Quốc: Mỹ 'hờ hững' với lời kêu gọi của Bắc Kinh
Ngày 22/2, sau khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi tái khởi động quan hệ song phương, Bộ Ngoại giao Mỹ phát tín hiệu cho thấy, Washington vẫn chưa sẵn sàng nới lỏng sức ép với Trung Quốc trong một số vấn đề then chốt để có thể khôi phục quan hệ, bao gồm các hành vi kinh tế gây tranh cãi của Bắc Kinh cũng như các "điểm nóng" tại Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, phát biểu của ông Vương Nghị "vẫn phản ánh xu hướng đường lối của Bắc Kinh trong việc né tránh trách nhiệm đối với các hành vi kinh tế cưỡng bức, sự thiếu minh bạch, không tuân thủ các thỏa thuận quốc tế".
Theo ông Price, Mỹ vẫn ủng hộ các giá trị dân chủ của nước này trong các vấn đề Tân Cương, Tây Tạng, Hong Kong.
Ngoài ra, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cũng thể hiện lập trường cứng rắn của nước này đối với các hãng viễn thông 5G của Trung Quốc: "Chúng tôi quan ngại sâu sắc về những mối nguy hiểm trong việc thiết lập các mạng lưới có sử dụng thiết bị do Trung Quốc thao túng, can thiệp hoặc kiểm soát". (Nikkei)
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn bị tái xuất, điều gì đang chờ đợi?
Truyền thông Mỹ đưa tin, ngày 28/2, cựu Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ có bài phát biểu tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC), một trong những cuộc họp thường niên lớn nhất của những người theo phe chính trị bảo thủ.
Đây sẽ là lần đầu tiên ông Trump phát biểu trước công chúng kể từ khi ông rời Nhà Trắng hôm 20/1, đánh dấu sự tái xuất của cựu Tổng thống Mỹ trên chính trường.
Trang tin Axios dẫn nguồn thạo tin giấu tên cho biết, tại CPAC, ông Trump sẽ phát biểu về tương lai đảng Cộng hòa và khẳng định ông là ứng viên tổng thống sáng giá của đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024.
Một cố vấn lâu năm giấu tên của ông Trump cho hay, bài phát biểu sẽ là một cách để ông "phô trương lực lượng" và gửi đi thông điệp rằng: "Tôi có thể không có Twitter, không có Phòng Bầu Dục, nhưng tôi vẫn chi phối". (Guardian)
Nga-Ukraine: Kéo Moscow ra tòa, Kiev "thà hòa bình tạm bợ còn hơn đối đầu quyết liệt" ở Dobass
Hôm 19/2, Hội đồng An ninh và Quốc phòng Quốc gia (NSDC) Ukraine đã thảo luận về tình hình Donbass đang diễn biến theo chiều hướng xấu cũng như quyết định sửa đổi 5 kịch bản về Donbass.
Khi được phóng viên hỏi chi tiết về vấn đề này và tính khả thi của mỗi kịch bản, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba chỉ cho biết: "Có thể nói, kế hoạch của chúng tôi hiện tại là thà hòa bình tạm thời còn hơn đối đầu quyết liệt với Nga và tiếp tục duy trì trạng thái đó".
Ngoại trưởng Ukraine đồng thời cho rằng, Kiev nên tận dụng tối đa tiến trình đàm phán Minsk để giải quyết tình hình ở Donbass.
Trong một diễn biến khác liên quan quan hệ hai nước, ngày 23/2, Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECHR) cho biết, Ukraine đã cáo buộc Nga thực hiện "các vụ ám sát có chủ đích" nhằm vào các nhân vật bất đồng chính kiến “ở Nga và trên lãnh thổ của quốc gia khác”. (RIA, AFP)
Lùm xùm Australia-Facebook: Hai bên 'đình chiến', đạt được thỏa thuận
Ngày 23/2, Facebook thông báo sẽ khôi phục các trang tin tức của Australia trong vài ngày tới trong khi khi Canberra đồng ý sửa đổi luật buộc gã khổng lồ truyền thông xã hội phải trả tiền cho các công ty truyền thông về nội dung tin tức trên nền tảng của mạng xã hội này.
Australia và Facebook đã đi vào bế tắc trong hơn một tuần qua khi Canberra đẩy mạnh biện pháp nhằm vào những gã khổng lồ công nghệ, khiến Facebook đáp trả cứng rắn bằng cách chặn chia sẻ nội dung tin tức ở Australia. (Reuters)
Vấn đề Hong Kong: EU nhất trí tăng cường phản ứng với luật an ninh quốc gia
Hong Kong là một vấn đề nổi bật tại cuộc họp của Hội đồng Ngoại trưởng EU hôm 22/2. Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrel cho rằng, tình hình tại Hong Kong “đang tiếp tục xấu đi”.
Phát biểu tại họp báo sau cuộc họp, ông Borrell xác nhận, các Ngoại trưởng đã nhất trí về “quy trình hai bước”, theo đó tăng cường phản ứng đối với việc luật an ninh quốc gia được áp dụng tại Hong Kong mùa hè năm ngoái.
Ông Borrell nói: “Bước đầu tiên bao gồm xây dựng các biện pháp để tăng cường ủng hộ đối với xã hội dân sự, bao gồm hợp tác với các bên có quan điểm tương đồng và hướng đến các chính quyền liên quan. Các bước tiếp theo sẽ được thực hiện nếu tình hình trở nên xấu đi, ví dụ như quy trình bầu cử bị thay đổi hoặc sự độc lập của bộ máy tư pháp tiếp tục bị xói mòn”. (SCMP)
Iran tuyên bố có thể làm giàu uranium lên 60%, chính thức hạn chế hoạt động thanh sát
Ngày 23/2, Đài truyền hình quốc gia Iran đưa tin, nước này chính thức bắt đầu áp đặt các hạn chế với thanh sát viên quốc tế tới các cơ sở hạt nhân tại nước này.
Đây là động thái mới nhất của Tehran nhằm gia tăng sức ép với các quốc gia châu Âu và chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden, qua đó dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế và khôi phục lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Trước đó, cùng ngày, lãnh tụ tối cao, Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei tuyên bố, Tehran có thể làm giàu uranium có độ tinh khiết lên tới 60% nếu nước này cần và sẽ không bao giờ nhượng bộ trước áp lực của Mỹ đối với hoạt động hạt nhân của mình. (AP)
Ấn Độ-Trung Quốc: Căng thẳng hạ nhiệt, New Delhi sắp phê duyệt 45 dự án từ Bắc Kinh
Hãng tin Reuters dẫn hai nguồn tin chính phủ Ấn Độ cho biết, nước này chuẩn bị phê duyệt 45 dự án đầu tư từ Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng tại biên giới Ấn-Trung đã hạ nhiệt.
45 dự án này hầu hết là những dự án trong lĩnh vực sản xuất và được coi là không nhạy cảm về mặt an ninh quốc gia.
Trong số này có các đề xuất của các tập đoàn sản xuất ô tô như Great Wall Motor và SAIC Motor Corp, vốn được đưa ra từ năm 2020.
Hiện có khoảng 150 dự án đầu tư từ Trung Quốc với tổng giá trị hơn 2 tỷ USD đã bị đình trệ từ năm 2020 chưa được phía Ấn Độ chấp thuận.
Bộ Nội vụ Ấn Độ không bình luận về thông tin trên. (Reuters)
Covid-19: Tổng giám đốc WHO trăn trở: 'Hết vaccine thì tiền nhiều để làm gì?"
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã kêu gọi các nước giàu kiểm tra liệu các thỏa thuận của họ với các nhà sản xuất vaccine Covid-19 có đang phá hoại COVAX, chương trình đảm bảo công bằng vaccine toàn cầu mà các nước nghèo đang trông đợi - hay không.
Ông Ghebreyesus cho biết, các thỏa thuận trực tiếp của một số nước giàu với các nhà sản xuất đang làm ảnh hưởng đến các hợp đồng của COVAX, nguy cơ khiến các nước nghèo bị giảm số liều có thể nhận.
Theo Tổng giám đốc WHO, dù COVAX nhận được nhiều sự quyên góp từ Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Đức, nhưng số tiền khổng lồ đó sẽ vô giá trị khi không còn vaccine để mua.
"Ngay cả khi bạn có tiền, nhưng nếu hết vaccine thì tiền nhiều để làm gì? Chúng ta chỉ có thể cung cấp vaccine tới các nước là thành viên của COVAX nếu một số nước thu nhập cao chịu hợp tác và tôn trọng hợp đồng mà COVAX đã có". (Daily Mail)