Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay trong cuộc họp báo chung ngày 21/3 tại Moscow. (Nguồn: AFP/Sputnik) |
Châu Á
* Quan hệ Nga-Trung Quốc không nhắm tới bên thứ ba nào: Bình luận về chuyến thăm Bắc Kinh của Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin, ngày 23/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nhấn mạnh, việc hợp tác giữa hai nước không nhằm vào bất kỳ bên thứ ba nào và không chịu ảnh hưởng từ họ.
Ông Ninh giải thích: “Trung Quốc luôn phát triển sự hợp tác thương mại và kinh tế bình thường với tất cả các quốc gia trên thế giới, bao gồm Nga, trên cơ sở bình đẳng và lợi ích chung.
Trung Quốc luôn phản đối các lệnh trừng phạt đơn phương và quyền tài phán ngoài lãnh thổ không có cơ sở trong luật pháp quốc tế và không được ủy quyền bởi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Sự hợp tác giữa Nga và Trung Quốc không nhằm vào bất kỳ bên thứ ba nào và không chịu ảnh hưởng và ép buộc từ họ". (Sputnik News)
* Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc dự lễ ký hợp đồng xuất khẩu tiêm kích FA-50: Trong khuôn khổ chuyến thăm Malaysia ngày 23/5, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Lee Jong-sup tham dự lễ ký kết hợp đồng xuất khẩu máy bay tấn công hạng nhẹ FA-50 sang quốc gia Đông Nam Á này, đánh giá thỏa thuận là cơ hội "quan trọng" để nâng tầm quan hệ đối tác quốc phòng chiến lược.
Lễ ký kết diễn ra sau khi Bộ trưởng Lee và người đồng cấp Malaysia Mohamad Hasan tiến hành hội đàm về hợp tác sản xuất vũ khí và quốc phòng song phương.
Trong cuộc hội đàm, ông Lee yêu cầu hỗ trợ các doanh nghiệp Hàn Quốc mở rộng sự tham gia vào các dự án tăng cường quân sự trong tương lai của Malaysia, bao gồm cả việc thúc đẩy dự án ba tàu tuần duyên 2.000 tấn. (Yonhap)
* Trung Quốc phản đối kiểm soát xuất khẩu thiết bị sản xuất chip của Nhật Bản: Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 23/5 cho biết, Bắc Kinh kiên quyết phản đối các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Nhật Bản đối với 23 loại thiết bị sản xuất chip.
Trước đó, Nhật Bản đã đưa ra các hạn chế đối với việc xuất khẩu 23 loại thiết bị sản xuất chip bán dẫn hàng đầu sang Trung Quốc.
Trong gần 6 tháng qua, chính phủ Mỹ đã vận động các đồng minh của mình, bao gồm cả Nhật Bản, đưa ra các chính sách nhằm hạn chế việc chuyển giao các công nghệ tiên tiến liên quan đến việc sản xuất chip bán dẫn cho Trung Quốc. (Reuters)
* Hàn Quốc nhận định Triều Tiên có thể sớm triển khai vệ tinh do thám: Cố vấn An ninh quốc gia Hàn Quốc Cho Tae-yong ngày 23/5 đánh giá, Triều Tiên có thể triển khai vệ tinh do thám quân sự đầu tiên của nước này "trong tương lai gần".
Ông Cho Tae-yong nhấn mạnh: "Nếu sự kiện đó xảy ra, chúng tôi sẽ nỗ lực đáp trả và điều đó sẽ dẫn đến kết cục Triều Tiên bị cô lập ngoại giao sâu sắc hơn trong cộng đồng quốc tế". (Yonhap)
* Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga thăm Lào: Ngày 23/5, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev đã tới thủ đô Vientiane của Lào, trong khuôn khổ chuyến công du các quốc gia Đông Nam Á.
Theo kế hoạch, ông Medvedev sẽ có các cuộc gặp và đối thoại với các quan chức cấp cao của Lào, như Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (LPRP) kiêm Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith, Bộ trưởng Công an Vilay Lakhamfong và Bộ trưởng Quốc phòng, Tướng Chansamone Chanyalath.(TASS)
* Singapore khẳng định quan hệ quốc phòng nồng ấm, lâu dài với Malaysia: Ngày 23/5, trong khuôn khổ Triển lãm Hàng hải và Hàng không Vũ trụ Quốc tế Langkawi 2023 (LIMA 23) tại Malaysia, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen đã có cuộc gặp người đồng cấp nước chủ nhà Dato' Seri Mohamad Hasan cùng Bộ trưởng Giao thông vận tải Anthony Loke.
Tại cuộc tiếp xúc, hai bộ trưởng tái khẳng định mối quan hệ quốc phòng nồng ấm và lâu dài giữa Singapore và Malaysia. Theo lời mời của Chính phủ Malaysia, Lực lượng Vũ trang Singapore (SAF) cũng tham gia LIMA 23. (TTXVN)
* Philippines và Nhật Bản tăng cường quan hệ quốc phòng: Ngày 23/5, mạng tin tức trực tuyến GMA đưa tin, Đại sứ Nhật Bản tại Philippines Kazuhiko Koshikawa cho biết, hai nước đang chuẩn bị khởi động vòng tham vấn sơ bộ trước khi tiến hành các cuộc đàm phán chính thức về một "thỏa thuận tiếp cận đối ứng", còn được gọi là Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA), để tăng cường hợp tác quốc phòng trong bối cảnh lo ngại về căng thẳng leo thang ở Biển Đông.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với GMA, Đại sứ Koshikawa cho biết, cả hai nước "sắp bắt đầu tham vấn để đàm phán về vấn đề này vì cả hai bên đều cởi mở".
Ông Koshikawa bày tỏ, "hy vọng trong tương lai gần, sẽ có một khuôn khổ tăng cường hơn nữa hợp tác quốc phòng song phương" và lưu ý một thỏa thuận như vậy được gọi là VFA ở Philippines. (TTXVN)
* Trung Quốc nêu điều kiện để rút quân khỏi biên giới tranh chấp với Ấn Độ: Tại khu vực có ý nghĩa chiến lược của đồng bằng Depsang ở Ladakh, Quân giải phóng Nhân dân (PLA) Trung Quốc mới đây đã yêu cầu tạo ra một vùng đệm rộng 15-20 km hoặc không có vùng tuần tra nào bên trong các tuyến đường do Ấn Độ tuyên bố chủ quyền như một điều kiện tiên quyết để rút quân.
Bắc Kinh đưa ra yêu cầu mới nhất này trong vòng đàm phán thứ 18 cấp tư lệnh quân đoàn với phía New Delhi hồi tháng trước, đồng thời nhắc lại yêu cầu này trong các cuộc đàm phán quân sự tiếp theo ở các cấp thấp hơn. (TTXVN)
* Tóa án Ấn Độ triệu tập đại diện BBC trong vụ phim tài liệu về Thủ tướng Modi: Ngày 22/5, Tòa án cấp cao Delhi của Ấn Độ đã ban hành lệnh triệu tập đại diện hãng tin BBC của Anh trong vụ kiện phỉ báng liên quan đến bộ phim tài liệu về Thủ tướng Narendra Modi.
Bộ phim tài liệu tập trung vào sự lãnh đạo của ông Modi với tư cách là Thủ hiến bang Gujarat, miền Tây Ấn Độ, trong các cuộc bạo loạn năm 2002 khiến ít nhất 1.000 người thiệt mạng, hầu hết là người Hồi giáo.
Ông Modi bác bỏ cáo buộc rằng ông đã không hành động đủ để ngăn chặn các cuộc bạo loạn và một cuộc điều tra do Tòa án Tối cao ra lệnh không tìm thấy bằng chứng nào để truy tố ông. Một kiến nghị mở cuộc điều tra mới đã bị Tòa án Tối cao bác bỏ vào năm ngoái.
Ấn Độ đã phản ứng giận dữ với bộ phim tài liệu “Ấn Độ: Câu hỏi về Modi” được phát sóng hồi tháng 1, gọi đây là một “đoạn tuyên truyền” thiên lệch và chặn chia sẻ bất kỳ clip nào từ bộ phim này trên mạng xã hội. (TTXVN)
Ukraine thông báo sẽ nhận từ 12-18 chiến đấu cơ F-16. (Nguồn: Arenalogic) |
Châu Âu
* EU thông báo đợt hỗ trợ tài chính lớn thứ 4 cho Ukraine: Phó phát ngôn viên Ủy ban châu Âu Dana Spinant ngày 23/5 tuyên bố, Liên minh châu Âu (EU) sẽ cung cấp đợt hỗ trợ tài chính lớn thứ 4 cho Ukraine trị giá 1,5 tỷ Euro (1,6 tỷ USD).
Trả lời họp báo, bà Spinant nêu rõ: "Hôm nay, chúng tôi công bố quyết định sẽ cung cấp một đợt hỗ trợ trị giá 1,5 tỷ Euro cho Ukraine, đây là khoản thanh toán thứ tư trong gói hỗ trợ tài chính vĩ mô bổ sung cho quốc gia Đông Âu này, trị giá tới 18 tỷ Euro trong năm nay". (Sputnik News)
* Thủ tướng LB Nga thăm Trung Quốc: Ngày 22/5, Thủ tướng LB Nga Mikhail Mishustin đã lên đường tới Trung Quốc trong chuyến thăm kéo dài 2 ngày để gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tại Thượng Hải, Thủ tướng Mishustin sẽ phát biểu tại phiên họp toàn thể diễn đàn doanh nghiệp Nga-Trung, sự kiện có sự tham gia của người đứng đầu các công ty hàng đầu tại Nga và Trung Quốc. Thủ tướng Nga cũng sẽ thăm Viện nghiên cứu Hóa dầu Thượng Hải của Tập đoàn Sinopec.
Trong ngày 24/5, ông Mishustin sẽ đến Bắc Kinh, hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Cường đồng thời ký kết các hiệp định song phương. (TTXVN)
* Ukraine thông báo sẽ nhận từ 12-18 chiến đấu cơ F-16: Ngày 22/5, người phát ngôn của Lực lượng Không quân Ukraine (VVSU) Yuriy Ignat cho biết, nước này đang chuẩn bị nhận từ 12-18 chiến đấu cơ F-16 của Mỹ.
Thông báo của ông Ignat cho thấy, các nước phương Tây rất có thể sẽ không chuyển giao từng chiến đấu cơ mà sẽ gửi cùng lúc cả một phi đội.
Trước đó, Ukraine đã công bố mong muốn nhận tới 50 máy bay chiến đấu F-16. (TTXVN)
* Ukraine: Hà Lan có thể là nước đầu tiên cung cấp chiến đấu cơ F16 cho Kiev: Tờ Politico dẫn lời Cố vấn của Bộ Quốc phòng Ukraine Yuriy Sak cho biết, Hà Lan có thể trở thành quốc gia đầu tiên cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Kiev.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Washington Post hôm 20/5, ông Sak nói, Kiev hy vọng sẽ nhận được những chiếc F16 đầu tiên từ các nhà tài trợ nước ngoài vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10 tới. (Sputnik News)
* Tình báo Ukraine: Nga tăng 20% số lượng tên lửa hành trình: Theo Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine, Nga đang gia tăng đáng kể hoạt động sản xuất tên lửa.
Đầu năm 2023, tình báo Ukraine ước tính, năng lực sản xuất của Nga là khoảng 53 tên lửa mỗi tháng. Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất, sản lượng tên lửa hằng tháng của Nga đã tăng lên khoảng 67 tên lửa, tương ứng với mức tăng sản lượng 20% kể từ cuối tháng 1 năm nay. Điều này cho thấy sự thay đổi trong chiến lược hoặc kế hoạch quân sự của Moscow.
Phía Nga vẫn chưa bình luận về thông tin trên, nhưng với cường độ tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt, rất có thể thông tin trên đúng với thực tế. (TTXVN)
* Tình báo Đức: Không thấy "sự chia rẽ" nào trong chính quyền Tổng thống Putin: Giám đốc Cơ quan tình báo Liên bang Đức (BND) Bruno Kahl ngày 22/5 cho rằng, những tranh cãi trong xã hội Nga không tạo ra mối đe dọa nào đối với chính quyền Tổng thống Vladimir Putin và ông không thấy bất kỳ sự suy yếu nào đối với nhà lãnh đạo Nga.
Tuy nhiên, ông Kahl nói, Nga có những lỗ hổng nhất định, trong đó có hiệu suất của lực lượng vũ trang. Trùm tình báo Đức lập luận rằng, chiến lược dài hạn của Tổng thống Putin có thể thắng thế nếu phương Tây không hỗ trợ Ukraine một cách rất có tổ chức. (DW)
* Nga thông báo bắn hạ UAV ở khu vực Belgorod: Tỉnh trưởng tỉnh Belgorod của Nga Vyacheslav Gladkov ngày 23/5 cho biết, lực lượng Nga đã bắn hạ các máy bay không người lái (UAV) ở khu vực này bằng vũ khí phòng không.
Trước đó cùng ngày, ông Gladkov thông tin, Nga vẫn tiếp tục "hoạt động chống khủng bố" ở Belgorod. Hôm 22/5, Moscow cho hay, một nhóm biệt kích Ukraine đã xâm nhập khu vực Grayvoronsky thuộc tỉnh Belgorod và lực lượng an ninh Nga hiện đang thực hiện mọi biện pháp để tiêu diệt nhóm biệt kích này. (Reuters)
* Ukraine thông báo giao tranh hạ nhiệt ở Bakhmut: Ngày 23/5, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar tuyên bố, giao tranh đã giảm nhiệt ở thành phố chiến lược Bakhmut song hoạt động nã pháo vẫn tiếp diễn ở khu vực xung quanh.
Theo bà Maliar, các lực lượng Ukraine đạt một số tiến triển "ở hai bên sườn Bắc và Nam Bakhmut", song không nêu thêm chi tiết. Quan chức này cho biết thêm, hoạt động tấn công của Nga giảm chút ít, nhưng "số lượng các cuộc pháo kích vẫn ở mức cao". (Reuters)
* Kazakhstan từ chối chấp thuận Đại sứ được đề cử của Ukraine: Ngày 22/5, báo Zerkalo Nedeli của Ukraine dẫn các nguồn tin cho biết, Kazakhstan đã từ chối chấp thuận việc cựu lãnh đạo Cơ quan quản lý quân sự tỉnh miền Đông Lugansk (OVA) Sergei Gaidai trở thành Đại sứ Ukraine tại nước này.
Theo các nguồn tin, Kazakhstan đã từ chối chấp thuận việc Ukraine dự định bổ nhiệm ông Gaidai làm người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao Ukraine tại Kazakhstan, với lý do nước này muốn thấy một nhà ngoại giao chuyên nghiệp làm Đại sứ Ukraine.
Tháng 10 năm ngoái, Đại sứ Ukraine tại Kazakhstan Petr Vrublevsky đã bị Tổng thống Zelensky cách chức sau khi ông này kêu gọi "giết càng nhiều người Nga càng tốt", điều khiến phía Kazakhstan tức giận. (pravda.com.ua)
Châu Mỹ
* Vệ tinh Mỹ lại phát hiện UAV siêu thanh WZ-8 của Trung Quốc: UAV siêu thanh WZ-8 của Trung Quốc lại xuất hiện trong hình ảnh vệ tinh của Mỹ. Một trong những chiếc UAV này đậu tại căn cứ quân sự mới được nâng cấp ở miền Đông Trung Quốc.
Defence News, trang web về quốc phòng có trụ sở tại Mỹ, cho biết, hình ảnh vệ tinh cho thấy dường như chiếc UAV trinh sát WZ-8 đậu bên ngoài một trong hai nhà chứa máy bay mới được xây dựng tại căn cứ không quân Luan ở tỉnh An Huy. Hình ảnh do công ty Planet Labs của Mỹ cung cấp và được đề ngày 21/12 năm ngoái.
Tháng trước, hình ảnh đề ngày 9/8 năm ngoái từ một kho tài liệu quân sự mật của Mỹ bị rò rỉ cho thấy, 2 chiếc WZ-8 đậu tại cùng một căn cứ không quân của Trung Quốc.
Theo tài liệu, WZ-8 có thể bay với tốc độ Mach 3 (gấp 3 lần tốc độ âm thanh), ở độ cao 100.000 feet (30 km). (SCMP)
* Mỹ cáo buộc lực lượng Wagner tìm cách trung chuyển vũ khí qua Mali: Ngày 22/5, Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay, lực lượng lính đánh thuê Wagner của Nga đang cố gắng che đậy nỗ lực mua thiết bị quân sự để sử dụng ở Ukraine, đồng thời cho biết thêm rằng, lực lượng Wagner đang tìm cách trung chuyển vũ khí mua được thông qua Mali để hỗ trợ Moscow trong chiến dịch tại Ukraine.
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ: "Có những dấu hiệu cho thấy Wagner đã cố gắng mua các hệ thống quân sự từ các nhà cung cấp nước ngoài và chuyển những vũ khí này qua Mali với tư cách là bên thứ 3. Chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy những vụ mua lại này đã được hoàn tất hoặc thực hiện, nhưng chúng tôi đang theo dõi tình hình chặt chẽ". (Reuters)
* Mỹ chỉ trích Trung Quốc hạn chế nhập khẩu chip bán dẫn Micron: Ngày 22/5, Mỹ đã chỉ trích Trung Quốc hạn chế doanh số bán chip bán dẫn của nhà sản xuất Micron (Mỹ).
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nêu rõ: "Chúng tôi rất lo ngại về các báo cáo rằng Trung Quốc đã hạn chế việc bán chip bán dẫn Micron cho một số ngành công nghiệp trong nước. Nói chung, hành động này có vẻ không phù hợp với các khẳng định của Trung Quốc về việc mở cửa cho hoạt động kinh doanh và cam kết tuân theo một khung pháp lý minh bạch".
Ông Miller nhấn mạnh rằng, Bộ Thương mại Mỹ đã bày tỏ với Bắc Kinh về các mối quan ngại của Washington. (AFP)
Trung Đông- Châu Phi
* Libya hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn giữa các bên ở Sudan: Ngày 22/5, Libya tuyên bố hoan nghênh thỏa thuận đạt được giữa Quân đội Sudan và Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) về việc gia hạn thỏa thuận ngừng bắn và tiếp tục đàm phán nhằm đạt được lệnh ngừng bắn cuối cùng giữa hai bên.
Libya cũng bày tỏ hy vọng rằng, các bên ở Sudan sẽ tiếp tục hưởng ứng mọi nỗ lực kêu gọi chấm dứt thù địch trong hòa bình và kéo dài vĩnh viễn, đồng thời mong muốn tất cả các phe phái cũng như lực lượng chính trị ở Sudan sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán trực tiếp nhằm giúp đạt được sự ổn định lâu dài và khôi phục an ninh ở quốc gia Đông Phi này.
Tuy nhiên, trên thực thế, giao tranh vẫn nổ ra tại thủ đô Khartoum vào tối 22/5, bất chấp việc thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 7 ngày giữa chính thức có hiệu lực. (TTXVN)
* Niger tiêu diệt hàng chục phần tử khủng bố: Các nguồn tin an ninh Niger hôm 22/5 cho biết, 8 kẻ khủng bố đã bị tiêu diệt và 82 nghi phạm bị bắt giữ trong một số chiến dịch do Lực lượng vũ trang Niger (FAN) tiến hành.
Theo các nhà quan sát địa phương, Niger phải hứng chịu sự hoành hành của các tổ chức khủng bố ở một số khu vực biên giới, trong đó có các nhóm vũ trang và băng cướp được thành lập ở miền Nam Libya, các nhóm khủng bố thân cận với tổ chức Al-Qaeda ở khu vực Maghreb Hồi giáo (AQMI) và nhóm khủng bố Boko Haram ở Nigeria kể từ năm 2009 - nhóm đã gieo rắc nỗi kinh hoàng trong khu vực Diffa. (TTXVN)
* Israel cáo buộc Iran sử dụng tàu dân sự làm "căn cứ khủng bố nổi": Ngày 22/5, Israel cáo buộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) biến các tàu thương mại thành nơi triển khai tên lửa, UAV và lính biệt kích, với ý đồ mở rộng ảnh hưởng hải quân của Tehran ra ngoài vùng Vịnh.
Cáo buộc trên của Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant được đưa ra khi căng thẳng giữa hai kình địch trong khu vực gia tăng liên quan đến nỗ lực hạt nhân của Iran và sự hỗ trợ của nước này đối với các các tay súng Palestine và Lebanon. (Reuters)
Châu Đại dương
* Papua New Guinea sẽ không được sử dụng để "phát động chiến tranh": Thủ tướng Papua New Guinea (PNG) James Marape ngày 23/5 tuyên bố, nước này sẽ không được sử dụng như một căn cứ để "phát động chiến tranh", và thỏa thuận quốc phòng với Mỹ cấm "các chiến dịch tấn công quân sự".
Hôm 22/5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, thỏa thuận hợp tác quốc phòng ký với PNG trước đó cùng ngày sẽ mở rộng năng lực của quốc đảo Thái Bình Dương và tạo điều kiện thuận lợi hơn để quân đội Mỹ huấn luyện các lực lượng của PNG.
Thỏa thuận này đã làm dấy lên các cuộc biểu tình của sinh viên trong bối cảnh xuất hiện quan ngại nó có thể lôi kéo PNG vào cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. (Reuters)
* Mỹ nỗ lực thúc đẩy quan hệ với các quốc đảo ở Thái Bình Dương: Tại thủ đô Nuku'alofa của Tongan hồi đầu tháng 5, cờ Mỹ đã được kéo lên trong buổi lễ đánh dấu việc khai trương một tiền đồn ngoại giao mới của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Mỹ cũng có kế hoạch mở các Đại sứ quán ở Vanuatu và Kiribati khi các đảo quốc ở Thái Bình Dương trở thành đấu trường cạnh tranh chiến lược quan trọng giữa Bắc Kinh và Washington.
Ông Alan Tidwell, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Australia, New Zealand và Thái Bình Dương tại Đại học Georgetown, cho biết, các động thái gần đây của Washington là "đáng kể" và chúng lặp lại các cam kết mà Mỹ đưa ra trong Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Joe Biden và lãnh đạo các đảo quốc ở Thái Bình Dương hồi tháng 9/2022. (SCMP)