📞

Tin thế giới 24/12: Hàn Quốc phát triển xét nghiệm với Omicron, Nga chê tuyên bố của Ukraine, Saudi Arabia làm điều hiếm thấy với Iran

Minh Quân 20:06 | 24/12/2021
Hàn Quốc phát triển xét nghiệm nhanh với Omicron, Nga chê tuyên bố hạ nhiệt của Ukraine, Saudi Arabia làm điều hiếm thấy với Iran...là một số tin quốc tế nổi bật 24 giờ qua.
Người dân Hàn Quốc đội mưa để đợi tới lượt xét nghiệm biến thể Omicron của SARS-CoV-2. (Nguồn: SeongJoon Cho/Bloomberg)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Biến thể Omicron

Hàn Quốc phát triển xét nghiệm PCR mới hiệu quả hơn với Omicron

Ngày 24/12, Cơ quan Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết đã hoàn thành việc phát triển bộ chẩn đoán PCR có khả năng nhanh chóng xác định biến thể Omicron.

KDCA tuyên bố bộ xét nghiệm PCR mới có thể xác định được 5 biến thể chính của virus SARS-CoV-2, bao gồm Alpha, Beta, Gamma, Delta cũng như Omicron cùng biến thế "tàng hình" của Omicron. KDCA thông báo Hàn Quốc sẽ là nước đầu tiên trên thế giới phát hiện được 5 biến thể chính trong 1 xét nghiệm PCR.

Giám đốc KDCA, bà Jeong Eun-kyeong cho biết: “Sau khi một người được xác định mắc Covid-19... với công nghệ trình tự gen hiện nay, phải mất từ 3-5 ngày để xác định trường hợp này có bị nhiễm biến thể Omicron hay không. Tuy nhiên, với bộ xét nghiệm PCR mới, chúng ta có thể có kết quả phân tích trong vòng 3-4 tiếng kể từ sau khi 1 người bị nhiễm bệnh”.

Bộ xét nghiệm mới sẽ được cấp cho 5 trung tâm kiểm soát, phòng chống dịch bệnh trong khu vực và 18 viện nghiên cứu y tế cộng đồng, môi trường từ ngày 29/12.

Trong một tin liên quan, ngày 24/12, chính quyền Tokyo (Nhật Bản) thông báo, ca lây nhiễm cộng đồng đầu tiên của biến thể Omicron đã được ghi nhận tại thủ đô Tokyo.

Một bác sĩ tại một phòng khám ở thủ đô không có tiền sử du lịch nước ngoài trong thời gian gần đây đã được xác nhận là bị nhiễm biến thể Omicron mà không rõ nguồn lây (Tân Hoa xã/Kyodo)

Pháp, Hong Kong (Trung Quốc) khuyến nghị sớm tiêm mũi vaccine thứ 3

Ngày 24/12, Pháp đã khuyến nghị người lớn nên tiêm mũi vaccine Covid-19 tăng cường 3 tháng sau mũi thứ 2, rút ngắn thời gian so với hướng dẫn hiện tại là 5 tháng để chống lại biến thể Omicron một cách hiệu quả hơn.

Khuyến nghị trên do Hội đồng Y tế cấp cao Pháp (HAS), cơ quan tư vấn cho chính phủ trong cuộc chiến chống Covid-19, đưa ra. Ngoài ra, khuyến nghị cho rằng hiện nên mở rộng việc triển khai tiêm mũi tăng cường cho cả các thanh thiếu niên - những người được coi là có nguy cơ mắc Covid-19./.

Ngày 24/12, chính quyền Hong Kong (Trung Quốc) cũng thông báo bắt đầu từ ngày 1/1/2022, người dân đủ điều kiện, đã tiêm hai mũi vaccine của Pfizer/BioNTech trong 6 tháng hoặc đã tiêm hai mũi vaccine của Sinovac có thể được đăng ký tiêm mũi tăng cường. Trẻ em từ 12 đến 17 tuổi, đã tiêm mũi đầu tiên Pfizer/BioNTech trong 3 tháng, có thể đăng ký tiêm mũi thứ hai kể từ ngày 1/1/2022.

Ngoài ra, cá nhân có nhu cầu ra khỏi Hong Kong (Trung Quốc), muốn tiêm mũi vaccine tăng cường sớm, có thể đến trung tâm tiêm chủng để xếp lịch phù hợp.

Trước đó, chính quyền Hong Kong (Trung Quốc) đã sắp xếp tiêm mũi tăng cường cho nhóm đối tượng ưu tiên như các nhân viên y tế tuyến đầu…. Những người có hệ miễn dịch suy yếu, bệnh nhân ghép tạng, phải xuất trình giấy chứng nhận của bác sĩ khi đi tiêm mũi thứ 3 trong vòng 1 đến 3 tháng sau khi tiêm mũi thứ hai. (AFP)

Nga-EU

Nga: EU biến Dòng chảy phương Bắc 2 thành con bài mặc cả

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết Liên minh châu Âu (EU) đang biến dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nordstream 2) thành con bài mặc cả khi đối đầu với Nga và giới chức châu Âu sẵn sàng móc ví để thể hiện “tình đoàn kết Đại Tây Dương”.

Về tuyên bố của Đức rằng dự án trên sẽ không hoạt động nếu tình hình leo thang, Thứ trưởng Ryabkov cho hay “không ai có kế hoạch tấn công Ukraine”.

Trả lời tạp chí Mezhdunarodnaya Zhizn công bố ngày 24/12, ông Ryabkov nói: “Tuy nhiên, ngay cả khi không có điều này (vấn đề Ukraine), dự án không nên bị kịch tính hóa, bởi từ lâu, nhờ nỗ lực của những đồng nghiệp Mỹ và một nhóm lớn chính trị gia và các nhà lập pháp trong bộ máy EU, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đã trở thành một con bài mặc cả trong trò chơi tăng tiền đặt cược của chính họ”.

Cũng theo nhà ngoại giao Nga, một số chính trị gia tại EU “sẵn sàng móc tiền túi để chứng minh tình đoàn kết Đại Tây Dương trong cuộc chiến chống Moscow”. (Sputnik)

Nga: Tuyên bố hạ nhiệt căng thẳng khu vực của Ukraine “nghe sai sai”

Ngày 24/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Ukraine sẵn sàng giải quyết cuộc xung đột ở Donbass bằng vũ lực. Phát biểu tại họp báo, bà nêu rõ: “Thay vì chấm dứt cuộc nội chiến đã bước sang năm thứ 8, dường như Kiev đang chuẩn bị một giải pháp quân sự cho vấn đề Donbas, như họ đã nói.” Theo bà, tuyên bố của Kiev về giảm leo thang tình hình khu vực “nghe có vẻ sai sai”.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cho biết thêm: “Vào ngày 17/12, Thủ tướng Ukraine Denis Shmyhal đã thông báo tăng ngân sách quốc phòng của đất nước vào năm sau lên gần 12 tỉ USD… ngân sách quân sự của Ukraine đã tăng 20%”, đồng thời Kiev kêu gọi phương Tây cung cấp vũ khí tấn công. (Sputnik)

Saudi Arabia – Iran

Saudi Arabia cấp thị thực cho 3 nhà ngoại giao Iran

Ngày 24/12, ba nhà ngoại giao Iran đã được câp thị thực của Saudi Arabia, cho phép họ đảm nhiệm chức vụ tại trụ sở Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) ở Jeddah.

Một quan chức ngoại giao Saudi Arabia cho hay: “Saudi Arabia đã đồng ý cấp thị thực cho 3 nhà ngoại giao Iran như một thông lệ dành cho đại diện một quốc gia thành viên OIC”.

Trước đó, Saudi Arabia đã hành quyết giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite nổi tiếng Nimr al-Nimr vào năm 2016, khiến nhiều người biểu tình tấn công các cơ quan ngoại giao của nước này ở Iran. Saudi Arabia đã đáp trả bằng cách cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tehran, trong khi ngoại trưởng các nước thành viên OIC lên án các vụ bạo lực. Iran, với đa số là người Hồi giáo theo dòng Shiite trong khi đó Saudi Arabia có đa số người thuộc dòng Sunni. Tuy nhiên, từ tháng 4/2021, hai bên được cho là đã tổ chức đàm phán cải thiện quan hệ. (AFP)

Mỹ

Mỹ: Xả súng làm 4 người bị thương tại trung tâm mua sắm ở bang Illinois

Cảnh sát Mỹ cho biết ngày 23/12, đã xảy ra xả súng tại một khu phố đông người mua sắm Giáng sinh ở tại Trung tâm mua sắm Oakbrook ở Oak Brook, ngoại ô thành phố Chicago, Illinois (Mỹ). Vụ tấn công bất ngờ đã làm 4 người bị thương.

Theo cảnh sát, hai đối tượng nam giới được cho là thủ phạm. Trong số các nạn nhân, 3 người bị bắn trực diện, trong khi người thứ 4 trúng đạn khi đang bỏ chạy. Cánh sát đã bắt giữ được một nghi phạm và hiện đang truy bắt nghi phạm còn lại.

Trung tâm mua sắm nói trên nằm cách thành phố Chicago khoảng 24 km về phía Tây. Theo những người đi mua sắm tại trung tâm này, khi xảy ra vụ xả súng, họ đã ẩn nấp trong các cửa hàng và phòng thay đồ. (CNN)

Hàn Quốc

Hàn Quốc công bố Chiến lược bảo hộ công nghệ quốc gia

Chính phủ Hàn Quốc ngày 23/12 mở cuộc họp rà soát và điều phối các vấn đề nổi cộm, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Kim Boo-kyum, công bố "Chiến lược bảo hộ công nghệ Hàn Quốc trong cuộc chạy đua bá quyền công nghệ toàn cầu".

Chính phủ quyết định sẽ mở rộng chỉ định “công nghệ trọng tâm quốc gia”, là công nghệ thiết yếu cho năng lực cạnh tranh quốc gia trong số các công nghệ mà Hàn Quốc sở hữu. Hiện có 73 công nghệ thuộc 12 lĩnh vực đã được chỉ định.

Tuy nhiên, thời gian tới, chính phủ Hàn Quốc sẽ bổ sung thêm công nghệ tiên tiến chiến lược quốc gia như chíp bán dẫn, pin thứ cấp, công nghệ chiến lược trọng tâm gồm 100 mặt hàng vật liệu, linh kiện, trang thiết bị, công nghệ chiến lược thiết yếu quốc gia.

Chính phủ sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu từ các cơ quan sở hữu công nghệ trọng tâm quốc gia, để hoàn thiện chế tài pháp lý liên quan tới xuất khẩu các công nghệ trọng tâm quốc gia, thương vụ sáp nhập và mua lại (M&A) tại nước ngoài.

Ngoài ra, chính phủ sẽ lập cơ sở dữ liệu nhằm quản lý lý lịch chuyển đổi công tác của các nhân lực trọng tâm (với điều kiện có sự đồng ý của cá nhân người đó), nhằm ngăn chặn tình trạng chảy máu chất xám ra nước ngoài.

Trước tiên, chính phủ sẽ tiến hành quản lý với những nhân lực mà doanh nghiệp đề nghị, sau đó hoàn thiện về mặt pháp lý để mở rộng đối tượng quản lý. Trong thời gian qua, giới doanh nghiệp đã liên tục đề nghị chính phủ hỗ trợ trong việc quản lý các nhân lực quan trọng.

Ngoài ra, chính phủ quyết định siết chặt quản lý với các nhân lực nghiên cứu quan trọng trong Viện nghiên cứu khoa học quốc phòng, các nhân lực này phải được phê chuẩn mới có thể xin nghỉ việc hoặc làm việc tại nước ngoài. Với nhân lực quan trọng của các công ty vừa và nhỏ, chính phủ sẽ tăng cường ưu đãi, khuyến khích làm việc dài hạn hoặc xin việc ở trong nước.

Để phòng ngừa các nhân lực nước ngoài đánh cắp công nghệ chiến lược, công nghệ tiên tiến của Hàn Quốc, trong năm sau chính phủ sẽ thảo luận với các ban ngành hữu quan để lập đối sách liên quan. Để bảo hộ các công nghệ trọng tâm của doanh nghiệp vừa và nhỏ, chính phủ sẽ xây dựng hệ thống hỗ trợ phù hợp và có chọn lọc, như hỗ trợ khắc phục thiệt hại cho các doanh nghiệp bị xâm hại công nghệ; mặt khác, mở rộng hạ tầng bảo hộ công nghệ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, như thiết bị bảo mật. Chính phủ sẽ tổ chức cuộc họp cấp Vụ trưởng hữu quan về bảo hộ công nghệ một năm hai lần, để tăng cường sự hợp tác liên ngành, đồng thời mở rộng phối hợp quốc tế.

Chiến lược bảo hộ công nghệ lần này tổng hợp từ tất cả các chính sách bảo hộ công nghệ mà ban ngành hữu quan đang triển khai, như Bộ Công nghiệp, Thương mại và Tài nguyên, Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ và mạo hiểm, Cục Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO), Cơ quan quản lý chương trình mua sắm quốc phòng (DAPA). (KBS)