📞

Tin thế giới 25/1: Ông Trump 'tính kế'; Biên giới Ấn-Trung đổ máu; Iran ra yêu sách 7 điều với Mỹ và diễn biến quanh 'lùm xùm' với Indonesia

Hoàng Hà 19:45 | 25/01/2021
TGVN. Kế hoạch của ông Trump sau khi rời nhiệm sở, đụng độ mới gây đổ máu ở biên giới Ấn-Trung, Indonesia bắt tàu chở dầu Iran, quan hệ Mỹ-Iran, vụ Nga bắt ông Navalny, biểu tình ở Nga... là một số sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.

Ông Trump 'tính kế' gì sau khi rời Nhà Trắng?

Ngày 24/1, Fox News dẫn lời ông Jason Miller, cố vấn chiến dịch tranh cử năm 2020 của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cho hay, ông Trump chưa có kế hoạch nào ngoài "mục tiêu rõ ràng là giúp đảng Cộng hòa kiểm soát trở lại Thượng viện và Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022".

Tuy nhiên, ông Miller cũng lưu ý, điều này phụ thuộc hoàn toàn vào các thành viên đảng Cộng hòa.

Hiện ông Trump đang đối mặt với phiên tòa luận tội ở Thượng viện Mỹ và một số nhà làm luật đảng Cộng hòa dường như bày tỏ ý định sẽ bỏ phiếu kết tội ông liên quan tới cáo buộc kích động bạo loạn ở nhà quốc hội Mỹ hôm 6/1. (Fox News)

Chính quyền Mỹ mới trấn an Israel

Ngày 24/1, theo thông cáo báo chí Nhà Trắng, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Israel Meir Ben-Shabbat, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, chính quyền tân Tổng thống Joe Biden sẽ tham vấn Israel về tất cả các vấn đề an ninh khu vực và phối hợp với nhà nước Do Thái nhằm thúc đẩy tiến độ mà chính quyền tiền nhiệm trước đó đã đạt được.

Ông Sullivan cũng đề nghị hai bên tiến hành một cuộc đối thoại chiến lược trong thời gian tới, đồng thời tái khẳng định cam kết của Tổng thống Joe Biden đối với an ninh của Israel.

Ngoài ra, hai bên đã thảo luận về việc tăng cường quan hệ đối tác giữa hai nước, bằng việc củng cố quan hệ dựa trên thành công của các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel với Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain, Sudan và Morocco. (Reuters)

Pakistan sẵn sàng làm việc với chính quyền của ông Biden

Ngày 24/1, Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi khẳng định, nước này sẵn sàng làm việc với chính quyền mới của Mỹ.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Qureshi nêu rõ: "Trong 4 năm này, thế giới đã thay đổi, khu vực đã thay đổi, Pakistan cũng thay đổi và bạn phải tiếp cận với một Pakistan mới".

Ngoại trưởng Pakistan hy vọng chính quyền của tân Tổng thống Joe Biden sẽ được định hướng bằng một cách tiếp cận mới và những chỉ đạo chính sách mới. (PTI)

Tổng thống Nga sẵn sàng đối thoại song phương nếu Mỹ thiện chí

Ngày 24/1, phát biểu trên truyền hình, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga sẵn sàng tiến hành đối thoại với chính quyền mới của Tổng thống Joe Biden về những bất đồng song phương.

Theo ông Peskov, Nga tin tưởng vào sự thành công trong việc thiết lập một cuộc đối thoại, trong đó những bất đồng sẽ được đề cập ở mức độ rộng hơn, song "cuộc đối thoại phải có khả năng tìm thấy một số vấn đề cốt lõi hợp lý để hai bên tăng cường quan hệ".

"Nếu chính quyền Mỹ hiện nay đã sẵn sàng cho hướng tiếp cận như thế, tôi chắc chắn rằng tổng thống của chúng tôi sẽ hồi đáp một cách thiện chí", ông Peskov cho hay. (Reuters)

Vụ Navalny và biểu tình Nga: EU quan ngại sâu sắc việc Nga bắt người biểu tình

Ngày 25/1, các ngoại trưởng từ 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã nhóm họp tại Brussels để thảo luận nhiều vấn đề, từ quan hệ của châu Âu với tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đến nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran, trong đó có tranh luận về phản ứng của khối đối với việc Nga bắt giữ nhà hoạt động đối lập Alexei Navalny và đàn áp người biểu tình.

Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis nhấn mạnh, EU cần có một thông điệp rõ ràng và dứt khoát rằng "cuộc bắt bớ này là không thể chấp nhận được".

Ông cho biết các ngoại trưởng cũng không kỳ vọng sẽ đạt được sự nhất trí về lệnh trừng phạt ngay trong ngày, bất chấp sự hối thúc từ một số quốc gia nhằm có được đường lối cứng rắn với Nga.

EU dự kiến sẽ trì hoãn cho đến khi ông Navalny ra tòa vào đầu tháng 2 để xem liệu Kremlin có định giam giữ ông Navalny trong thời gian dài hay không. (Reuters, AFP)

Indonesia bắt tàu chở dầu Iran

Ngày 24/1, Indonesia cho biết, lực lượng bảo vệ bờ biển đã bắt giữ tàu MT Horse treo cờ Iran và tàu MT Freya treo cờ Panama do nghi ngờ vận chuyển dầu trái phép tại vùng biển ngoài khơi tỉnh Kalimantan.

Các tàu này sẽ được đưa đến đảo Batam ở tỉnh Riau Island để điều tra thêm. 61 thủy thủ đoàn trên các tàu, mang quốc tịch Iran và Trung Quốc, cũng đã bị bắt giữ.

Ngày 25/1, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cho biết, vụ bắt giữ này là "vấn đề kỹ thuật và xảy ra trong lĩnh vực tàu biển", đồng thời cho biết, phía Iran và công ty sở hữu tàu nói trên “đang tìm hiểu nguyên nhân của vụ việc và giải quyết”.

Iran cũng đã yêu cầu Indonesia cung cấp các chi tiết về vụ bắt giữ tàu treo cờ Iran, một ngày sau khi chính quyền Jakarta tuyên bố đã bắt giữ 2 tàu chở dầu treo cờ Iran và Panama trong vùng biển nước này. (Reuters)

Iran-Hàn Quốc: Tehran từ chối 'hòa giải chính trị' với nước thứ ba

Ngày 24/1, Bộ Ngoại giao Iran cho biết, nước này không chấp nhận vai trò “hòa giải chính trị” của nước thứ ba trong vụ Iran bắt giữ một tàu chở dầu của Hàn Quốc hồi đầu tháng 1, động thái nhằm bác tuyên bố trước đó của Ngoại trưởng Qatar rằng, Doha sẵn sàng tạo điều kiện cho cuộc đối thoại giữa Iran và Hàn Quốc về vụ việc trên

Trong một phát biểu, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cho biết: “Tàu chở dầu của Hàn Quốc bị bắt vì đã làm ô nhiễm môi trường biển ở vùng Vịnh và đây là một vấn đề quan trọng mà tất cả các nước đều quan tâm”.

Ông Khatibzadeh cũng bác bỏ cáo buộc cho rằng, Iran bắt giữ tàu chở dầu Hankuk Chemi của Hàn Quốc nhằm tạo áp lực buộc Seoul dỡ bỏ phong tỏa tài sản của Tehran. (THX)

Iran đặt 7 điều kiện với Mỹ để trở lại đàm phán về thỏa thuận hạt nhân

Tờ Al-Jarida của Kuwait dẫn lời quan chức Iran giấu tên cho biết, các nhà ngoại giao nước này đã trao đổi không chính thức với các quan chức trong chính quyền Tổng thống Biden từ trước khi ông nhậm chức về việc khôi phục đàm phán về chương trình hạt nhân Iran và đã đặt ra 7 điều kiện tiên quyết.

Theo báo Kuwait, 3 điều kiện đầu tiên bao gồm: Mỹ phải duy trì tất cả các khía cạnh của thỏa thuận, trong đó có dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp trừng phạt; Bất cứ sự bất đồng nào về các thỏa thuận cần phải được thảo luận trong khuôn khổ cơ chế ủy ban đàm phán chính thức; Iran sẽ không chấp nhận ràng buộc giữa thỏa thuận hạt nhân với các vấn đề khác, nhất là chương trình tên lửa cũng như các kết nối, can dự của Tehran ở khu vực Trung Đông.

3 điều kiện tiếp theo là: Không có thành viên mới nào được phép tham gia vào thỏa thuận; Những lo ngại về các nước khác trong khu vực cần phải được thảo luận như một vấn đề riêng, không được thảo luận trong bất cứ cuộc đàm phán nào về làm giàu hạt nhân; Iran vẫn có thể chấp nhận thảo luận về kiểm soát vũ khí ở cấp độ khu vực với sự giám sát của Liên hợp quốc. Iran đặc biệt quan ngại về tên lửa của Israel.

Cuối cùng, Iran sẽ không chấp nhận một giải pháp 2 nhà nước đối với Israel và Palestine và thay vào đó yêu cầu một cuộc trưng cầu ý dân của Liên hợp quốc bao gồm cả người Do Thái Israel và người Palestine về vấn đề “đất”. Hiện chưa có chi tiết về nội dung cuộc trưng cầu ý dân tiềm tàng này.

Nguồn tin cho biết, Tổng thống Iran Rouhani sẽ nêu trực tiếp các điều kiện này với chính quyền Tổng thống Mỹ Biden. (Sputnik)

Ấn-Trung đụng độ đổ máu ở khu vực biên giới Sikkim

Ngày 25/1, các nguồn tin tiết lộ, binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc đã xảy ra đụng độ dọc đường biên giới tại Naku La ở Bắc Sikkim khi quân Trung Quốc cố gắng thâm nhập.

Theo các nguồn tin, khoảng 20 binh sĩ Trung Quốc và 4 binh sĩ Ấn Độ đã bị thương. Tuy nhiên, phía Ấn Độ cho biết các binh sĩ nước này đã đẩy lùi được hoạt động xâm nhập của quân Trung Quốc, bất chấp thời tiết khắc nghiệt ở Bắc Sikkim. (Daily Excelsior)

UAE-Isreal: Israel mở ĐSQ ở Abu Dhabi, UAE bật đèn xanh cho động thái tương tự

Ngày 24/1, Israel thông báo đã mở Đại sứ quán tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) theo thỏa thuận thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ mà hai nước ký hồi tháng 9/2020 dưới sự trung gian của Mỹ.

Bộ Ngoại giao Israel cho hay, trước mắt ĐSQ sẽ được bố trí như một văn phòng tạm thời trong thời gian chuẩn bị cho một địa điểm lâu dài.

Israel cũng chỉ định nhà ngoại giao kỳ cựu Eitan Naeh làm người đứng đầu phái bộ ngoại giao của Israel tại UAE.

Cùng ngày, truyền thông đưa tin, nội các UAE đã thông qua việc thành lập Đại sứ quán UAE tại Tel Aviv, Israel.

Theo kế hoạch, Israel cũng sẽ sớm mở một văn phòng đại diện tại Morocco, lãnh sự quán tại Dubai và đưa Đại sứ quán tại Bahrain đi vào hoạt động trong vài tuần tới. (Times of Israel, Aljazeera)

Thủ tướng Nepal bị khai trừ khỏi đảng cầm quyền

Ngày 25/1, Thủ tướng lâm thời Nepal K. P. Sharma Oli đã bị khai trừ khỏi đảng Cộng sản cầm quyền, song vẫn giữ nguyên chức vụ người đứng đầu chính phủ.

Theo thông tin từ phe đối lập, động thái trên nhằm phản đối việc hồi tháng 12/2020, Thủ tướng Oli đột ngột kêu gọi giải tán quốc hội và ủng hộ một cuộc tổng tuyển cử sớm.

Trong khi đó, các thẩm phán tại Tòa án Tối cao Nepal đang xem xét hơn một tá đơn thỉnh cầu từ các luật sư độc lập và những người phản đối Thủ tướng Oli liên quan đến việc liệu động thái giải tán quốc hội và kêu gọi một cuộc bầu cử sớm của ông là hợp pháp hay vi hiến. Tòa án dự kiến sẽ đưa ra phán quyết vào tháng tới. (Reuters)

Đông Địa Trung Hải: Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ đàm phán về tranh chấp

Ngày 25/1, một nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng, nước này và Hy Lạp đã mở cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên nhằm khai thông bế tắc về năng lượng và hải giới trong gần 5 năm qua tại khu vực phía Đông Địa Trung Hải.

Cuộc đàm phán tại Istanbul không được kỳ vọng sẽ đạt được một tiến triển thực sự nào, nhưng có thể giúp giảm căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). (AFP)

Tòa án Pháp xét xử vụ kiện của nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong Chiến tranh Việt Nam

Sáng 25/1, Tòa đại hình ở thành phố Evry, ngoại ô thủ đô Paris (Pháp), đã tiến hành phiên xét xử vụ kiện của bà Trần Tố Nga kiện 26 công ty đa quốc gia hóa chất của Mỹ, trong đó có Dow Chemical và Bayer-Monsanto.

Theo đơn kiện của bà Trần Tố Nga, các công ty đa quốc gia này đã cung cấp chất độc da cam/dioxin cho quân đội Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh Việt Nam, gây ra những thương tổn sức khỏe nghiêm trọng cho bà cũng như hàng triệu nạn nhân khác. (TTXVN)