Ông Rishi Sunak trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Anh. (Nguồn: Getty Images) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Ukraine mong châu Âu gửi hệ thống phòng không, Mỹ sẽ góp phần?: Ngày 25/10, trả lời phỏng vấn tờ Corriere della Sera (Italy), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hy vọng châu Âu sẽ cung cấp hệ thống phòng không: “Chúng tôi cần phòng không, đó là điều quan trọng đối với chúng tôi. Chúng tôi muốn những người di cư có thể hồi hương, chúng tôi cần phục hồi nền kinh tế, để trẻ em có thể đi học và xã hội có thể hồi sinh trở lại. Vì mục tiêu này, chúng tôi cần vũ khí chống lại các cuộc không kích và đảm bảo an toàn cho dân thường”.
Ông cho biết tân Thủ tướng Italy Giorgia Meloni đã đảm bảo “chính sách hỗ trợ đầy đủ cho Ukraine”, và bà Meloni hiện “đang bàn thảo ở Brussels” về gói hỗ trợ quân sự mới. Ông Zelensky cho biết đã mời bà Meloni tới thăm Kiev tháng tới và nhà lãnh đạo Italy đã nhận lời.
Cùng ngày, Reuters dẫn các nguồn tin cho hay Mỹ đang xem xét cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không Hawk từ kho dự trữ để phòng thủ trước các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái.
Tuy nhiên, hiện “chưa rõ liệu Mỹ có đủ bệ phóng trong tình trạng tốt không” khi các hệ thống Hawk đã lưu kho nhiều thập kỷ. Do đó, nhiều khả năng Nhà Trắng sẽ gửi tên lửa đánh chặn cho hệ thống Hawk trước. Các quan chức Mỹ sẽ bắt đầu xem xét gói viện trợ, với trị giá có thể lên tới 350 triệu USD trong tuần này. (Sputnik)
* Ukraine đón ‘khách quý’ từ Đức: Đài NTV (Đức) ngày 25/10 đưa tin Tổng thống nước này Frank-Walter Steinmeier đã có chuyến thăm Ukraine đầu tiên kể từ khi xung đột bùng phát tại đất nước Đông Âu. Người phát ngôn của Tổng thống Steinmeier cho biết dự kiến ông sẽ gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Đồng thời, Tổng thống Đức sẽ thông báo cung cấp hỗ trợ hạ tầng năng lượng cho một thị trấn biên giới phía Bắc. Ban đầu, nhà lãnh đạo Đức dự kiến thăm Ukraine trong tuần trước, nhưng chuyến đi đã bị hủy bỏ vì lý do an ninh. (NTV)
Châu Âu
* Ông Rishi Sunak chính thức trở thành Thủ tướng Anh: Ngày 25/10, ông Rishi Sunak đã chính thức trở thành Thủ tướng Anh sau khi được Vua Charles III bổ nhiệm trong buổi lễ tại Điện Buckingham.
Trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Anh bên ngoài Nhà số 10, phố Downing, ông Rishi Sunak đã cam kết sẽ giành lại lòng tin trong chính trường Anh. Ông tuyên bố sẽ đặt nhu cầu của công chúng lên hàng đầu: "Tôi sẽ đặt sự ổn định kinh tế và sự tin tưởng làm trọng tâm của chương trình nghị sự của chính phủ này. Điều này có thể đẫn dến những quyết định khó khăn.”
Về xung đột Nga-Ukraine, ông Sunak tuyên bố sẽ giúp Ukraine chiến thắng trong xung đột với Nga, ngay cả khi Anh tiếp tục đối mặt với những lựa chọn tài chính khó khăn trước mắt. (The Guardian)
* Lãnh đạo châu Âu chúc mừng tân Thủ tướng Anh: Ngày 25/10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chúc mừng ông Rishi Sunak trở thành tân Thủ tướng Anh, khẳng định sẽ hợp tác với nhà lãnh đạo Anh để đối phó với các thách thức chung. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hy vọng Liên minh châu Âu (EU) sẽ thiết lập mối quan hệ vững mạnh với Anh, qua đó tuân thủ tuyệt đối các thỏa thuận hậu Brexit.
Về phần mình, Thủ tướng Ireland Micheal Martin kêu gọi ông Sunak nhanh chóng phối hợp với EU để tìm ra giải pháp chung cho các vấn đề liên quan Nghị định thư Bắc Ireland. Nghị định thư Bắc Ireland là một phần của thỏa thuận Brexit giữa Anh và EU, có hiệu lực vào tháng 1/2021, nhằm tránh việc thiết lập biên giới cứng giữa Bắc Ireland và Ireland. (Reuters)
* Đức: Cần lập tức bắt đầu nhiệm vụ tái thiết Ukraine: Ngày 25/10, phát biểu tại hội nghị bàn về kế hoạch tái thiết Ukraine diễn ra ở thủ đô Berlin (Đức), Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố việc tái thiết Ukraine là một “nhiệm vụ của thế hệ” cần phải bắt đầu ngay lập tức, ngay cả khi xung đột vẫn đang tiếp diễn.
Thủ tướng Đức nêu rõ: “Hội nghị này là nhằm thiết lập một Kế hoạch Marshall cho thế kỷ 21. Cam kết đối với Ukraine với tư cách là một nước thành viên EU là một trong những quyết định địa chính trị có tác động mạnh nhất trong thời đại của chúng ta”.
Tại hội nghị, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cáo buộc các vụ tấn công bằng tên lửa và UAV đã phá hủy hơn 1/3 lĩnh vực năng lượng của Ukraine. Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố thế giới không được lãng phí thời gian mà phải nhanh chóng hỗ trợ Ukraine tái thiết đất nước. Theo bà, một nền tảng điều phối quốc tế cho công tác tái thiết Ukraine cần được triển khai “càng sớm càng tốt, tốt nhất là cuối năm nay hoặc đầu năm sau”. (AFP/Reuters)
* Pháp kêu gọi Mỹ ngồi vào bàn đàm phán về vấn đề Ukraine: Phát biểu sau chuyến thăm Tòa thánh Vatican, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói: “Chúng ta cần Mỹ ngồi xuống bàn đàm phán để thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Ukraine”. Lưu ý Giáo hoàng Francis và Tổng thống Mỹ Joe Biden có mối quan hệ tin cậy, ông nhấn mạnh: “Đức Giáo hoàng có thể tác động đến ông (Biden), thuyết phục ông ấy tiếp tục tham gia giải quyết các cuộc khủng hoảng ở Haiti và Ukraine”. Tổng thống Macron cũng yêu cầu Giáo hoàng Francis điện đàm với các nhà lãnh đạo Nga và Mỹ để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine.
Trước đó, ngày 24/10, Giáo hoàng Francis đã tiếp Tổng thống Macron tại Vatican. Cuộc gặp giữa Giáo hoàng và nguyên thủ quốc gia Pháp kéo dài 1 tiếng. (Sputnik)
Đông Bắc Á
* Nhật Bản, Mỹ cam kết hợp tác chặt chẽ trước Trung Quốc: Ngày 25/10, tại Tokyo (Nhật Bản), Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Takeo Mori và người đồng cấp Mỹ Wendy Sherman đã nhất trí duy trì phối hợp chặt chẽ nhằm đối phó “với các thách thức khác nhau liên quan Trung Quốc”. Hai bên cam kết tiếp tục hợp tác hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên trong khuôn khổ các nghị quyết của HĐBA LHQ, trong đó có khuôn khổ hợp tác ba bên với Hàn Quốc. Hai bên khẳng định sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ đồng minh và thúc đẩy tầm nhìn về một khu vực “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Về xung đột Nga-Ukraine, cả hai cho rằng các hành động của Nga “đe dọa nghiêm trọng” hòa bình và ổn định quốc tế. Mỹ và Nhật Bản cũng cam kết duy trì các lệnh trừng phạt cứng rắn nhằm vào Nga và tiếp tục chính sách hỗ trợ Ukraine.
Ngoài ra, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản cũng hoan nghênh Chiến lược An ninh Quốc gia của Mỹ đầu tiên của chính quyền Tổng thống Joe Biden, vừa được công bố ngày 12/10 qua. Về phần mình, bà Wendy Sherman khẳng định cam kết kiên định của Mỹ trong bảo vệ đồng minh Nhật Bản. (Kyodo)
* Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc nêu bật vai trò liên minh: Ngày 25/10, phát biểu tại một diễn đàn ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc), Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Philip Goldberg nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường quan hệ đồng minh giữa hai nước, bao hàm “các giá trị chung”; đồng thời bày tỏ lo ngại về các mối đe dọa và thách thức “chưa từng có” phát sinh từ Triều Tiên, Trung Quốc và Nga.
Ông cũng chỉ ra vai trò của Hàn Quốc trong thúc đẩy giá trị chung của liên minh gồm dân chủ và tự do trong khuôn khổ “quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu”. Đại sứ Goldberg nhấn mạnh liên minh Mỹ-Hàn có thể làm “nhiều hơn nữa” để giải quyết thách thức toàn cầu, song nhấn mạnh an ninh vẫn là trọng tâm liên minh. (Yonhap)
Đông Nam Á
* Indonesia bắt giữ một đối tượng mang súng gần Phủ Tổng thống ở Jakarta: Ngày 25/10, nhà chức trách Indonesia thông báo đã bắt giữ một phụ nữ mang súng đứng bên ngoài cung điện Meraka ở thủ đô Jakarta (Indonesia), nơi ở chính thức của Tổng thống Joko Widodo (Jokowi). Theo người phụ trách an ninh Phủ Tổng thống Ali Mochtar Ngabalin, vụ việc người phụ nữ mang súng vào khu vực gần với khuôn viên cung điện xảy ra vào khoảng 7h sáng (theo giờ địa phương). Vào thời điểm đó, Tổng thống Jokowi đã di chuyển khỏi cung điện Meraka.
Người phụ nữ khoảng 20 tuổi, đeo khăn trùm đầu và mang theo một quyển kinh Koran. Lực lượng an ninh đã phát hiện và bắt giữ người phụ nữ trên. Hiện cơ quan chức năng đang tiến hành thẩm vấn để làm rõ nguyên nhân, động cơ mang vũ khí tiến gần sát với Phủ tổng thống, cũng như đối tượng đã cung cấp vũ khí. (Jakarta Post)
Trung Đông-châu Phi
* Nga tìm cách thúc đẩy hợp tác với châu Phi: Ngày 25/10 tại Moscow Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tiếp người đồng cấp Guinea-Bissau, ông Umaro Sissoco Embalo - người đang đảm nhận cương vị Chủ tịch Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS). Trước đó, Điện Kremlin cho biết hai nhà lãnh đạo sẽ trao đổi quan điểm về triển vọng phát triển quan hệ song phương, cũng như các vấn đề cấp bách của khu vực và quốc tế. Hai bên cũng sẽ thảo luận về sự tương tác của Nga với ECOWAS, bao gồm cả việc chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi lần thứ hai, dự kiến diễn ra tại St. Petersburg vào tháng 7/2023.
Một số nguồn tin cho biết ông Embalo có kế hoạch đến thăm Ukraine sau khi rời Moscow. Tuy nhiên, thông tin này vẫn chưa được chính thức xác nhận. (TASS)