📞

Tin thế giới 25/6: Nga cáo buộc Mỹ ‘giật dây’ sự cố tại Biển Đen; Phát hiện rúng động toàn Canada; Ngày đau buồn tại Mỹ

Quang Đào 19:45 | 25/06/2021
Mỹ, Anh, Nga tiếp tục căng thẳng sau sự cố ở Biển Đen; vấn đề Biển Đông; quan hệ EU-Nga... là những sự kiện quốc tế nổi bật 24h qua.
Tàu khu trục Defender của Hoàng gia Anh.

Nga cảnh báo Anh, cáo buộc Mỹ đứng sau sự cố ở Biển Đen

Liên quan đến vụ đụng độ giữa Nga và Anh trên Biển Đen, ngày 25/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng, tàu HMS Defender của Anh khó có thể thực hiện hành động này nếu như không được Mỹ đồng thuận.

Bà Zakharova chỉ ra, tàu HMS Defender của Anh lúc đó vẫn đang ở khu vực Tây Bắc của Biển Đen chuẩn bị cho cuộc tập trận mang tên Sea Breeze do Mỹ tổ chức. Ngoài ra, tại thời điểm diễn ra sự việc, các đơn vị đặc nhiệm của Mỹ, Anh và Ukraine đang tham gia huấn luyện trên tàu HMS Defender.

Trong trường hợp đó, không thể có chuyện hoạt động đi lại của tàu khu trục Anh lại không có sự đồng ý của Mỹ.

Cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cáo buộc Anh và Mỹ tìm cách kích động xung đột ở Biển Đen.

Ông Ryabkov tuyên bố, Nga sẽ bảo vệ các đường biên giới bằng mọi giá, kể cả phải dùng tới biện pháp quân sự. (TASS/Reuters)

Mỹ nói Nga đưa tin sai lệch, Nga lập tức đáp trả

Nói về tình huống với cảnh báo bắn vào đầu tàu khu trục HMS Defender của Anh, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby nói rằng báo cáo của phía Nga về các phát súng cảnh báo gần Crimea là "một ví dụ về thông tin sai lệch".

Đại sứ quán Nga tại Mỹ đã phản ứng lại, cho rằng tuyên bố của Lầu Năm Góc là không có cơ sở. Các nhà ngoại giao Nga tin rằng Bộ Quốc phòng Mỹ đang ảo tưởng về tình hình thực tế xung quanh bán đảo Crimea.

Trong khi đó, Moscow thông báo đã triệu tập Đại sứ Anh tại Nga Deborah Bronnert để phản đối chính thức về mặt ngoại giao với tuyên bố Anh xâm phạm lãnh hải của họ.

London nói rằng khu vực đó thuộc Ukraine. (Reuters)

Mỹ phản đối các "yêu sách hàng hải phi pháp" của Trung Quốc ở Biển Đông

Ngày 24/6, quan chức cấp cao phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Kin Moy đã gặp gỡ các quan chức cấp cao của các quốc gia thành viên Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) và Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Chính trị-An ninh Michael Tene.

Ông Kin Moy tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với ASEAN và EAS, nhấn mạnh sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với vai trò trung tâm của ASEAN cũng như các thể chế lấy ASEAN làm trung tâm.

Bày tỏ lo ngại về căng thẳng leo thang ở Biển Đông, ông Kin Moy nhắc lại sự ủng hộ của Mỹ đối với tự do hàng hải và hàng không.

Ông tái khẳng định việc Mỹ bác bỏ các yêu sách hàng hải phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, nhấn mạnh sự ủng hộ của Mỹ đối với các nỗ lực hợp pháp của các quốc gia Đông Nam Á có yêu sách chủ quyền nhằm tiếp cận các nguồn tài nguyên biển. (State.gov)

Trung Quốc sẽ thực hiện "mọi biện pháp cần thiết" trước Mỹ

Ngày 24/6, Bộ Thương mại và Bộ Ngoại giao Trung Quốc đồng loạt phản ứng gay gắt trước động thái hạn chế xuất khẩu của Mỹđối với các công ty trong lĩnh vực điện mặt trời ở Tân Cương với các cáo buộc về nhân quyền.

Cụ thể, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong phủ nhận vấn đề “cưỡng bức lao động” ở Tân Cương, cho rằng điều này hoàn toàn trái với sự thật.

Ông kêu gọi Washington “sửa chữa hành vi sai trái” và cảnh báo Bắc Kinh sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp và tổ chức nước này.

Theo Bắc Kinh, Washington đã lạm dụng danh sách thực thể bị trừng phạt để trấn áp ngành công nghiệp quang điện của Tân Cương và việc làm này “vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế và các nguyên tắc kinh tế thị trường”. (THX)

EU bác bỏ đề xuất họp thượng đỉnh với Nga

Ngày 25/6, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã bác bỏ đề xuất của Đức và Pháp về việc tái khởi động cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin sau nhiều năm bị đóng băng.

Phát biểu sau cuộc hội đàm giữa các nhà lãnh đạo EU tại Hội nghị thượng đỉnh EU đang diễn ra tại Bỉ, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh hiện liên minh này chưa nhất trí về việc tiến hành cuộc gặp ở cấp cao nhất ngay lập tức với Nga, thay vào đó Brussels đồng ý duy trì và phát triển "một định dạng cho cuộc đối thoại" với Moscow.

Đề xuất của Đức và Pháp đã được Tổng thống Putin ủng hộ nhưng vấp phải sự phản đối từ nhiều quốc gia thành viên EU, đặc biệt là các nước ở Đông Âu.

Đại diện các nước này cho rằng vẫn còn "quá sớm" để nói về một cuộc gặp với nhà lãnh đạo Nga và chỉ nên tổ chức hội nghị thượng đỉnh "khi có vấn đề tích cực để thảo luận". Nhiều ý kiến cũng yêu cầu làm rõ về " định dạng" cho cuộc đối thoại này, ví dụ như cách thức và cấp độ tiến hành đối thoại.

Phản ứng về động thái này, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng EU là “con tin của một nhóm thiểu số hiếu chiến”.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov thì bày tỏ sự thất vọng. Trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn quan tâm tới việc cải thiện quan hệ hợp tác giữa Moscow và Brussels thì "lập trường của EU bị phân tán, không phải lúc nào cũng phù hợp và đôi khi không rõ ràng”. (AFP/RIA)

EU thảo luận về các biện pháp trừng phạt Nga

Tại Hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở Brussels vào ngày 25/6, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã thảo luận về các biện pháp trừng phạt và điều kiện đối thoại với Nga.

Trong một tuyên bố, các nhà lãnh đạo EU cho biết: "Hội đồng châu Âu nhấn mạnh rằng EU cần có sự phối hợp và phản ứng quyết liệt đối với bất kỳ động thái không mang tính tích cực, bất hợp pháp và gây rối nào nữa của Nga…."

Đồng thời, EU yêu cầu Đại diện cấp cao của Ủy ban về chính sách đối ngoại EU Josep Borrell đề xuất các biện pháp trừng phạt Nga để các thành viên EU xem xét trong một số vấn đề như khí hậu và môi trường, y tế, các chính sách đối ngoại và an ninh cũng như các vấn đề đa phương JCPoA, Syria và Libya. (Reuters)

Sập chung cư 12 tầng ở Mỹ

Một tòa nhà chung cư 12 tầng bên bờ biển tại Miami, Florida, Mỹ đã bị sập vào sáng sớm ngày 24/6 (giờ địa phương), khiến ít nhất 3 người thiệt mạng, 10 người bị thương và 99 người mất tích.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phê chuẩn một sắc lệnh tình trạng khẩn cấp tại bang Florida và ra lệnh hỗ trợ liên bang cho các nỗ lực tìm kiếm cứu hộ của bang Florida và thành phố Mianmi.

Ông Kevin Guthrie, Giám đốc Bộ phận Quản lý khẩn cấp bang Florida cho hay hiện các cơ quan chức năng đang hỗ trợ chính quyền địa phương, quận và thành phố ứng phó với vụ việc, cũng như nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ những người có thể vẫn bị mắc kẹt trong đống đổ nát.

Theo Thống đốc bang Florida Ron DeSantis, nguyên nhân của vụ việc đang được điều tra, làm rõ. (Reuters)

Mỹ thúc đẩy nối lại đàm phán hạt nhân với Iran

Một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 24/6 cho biết vẫn còn nhiều bất đồng giữa các bên sau 6 vòng đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015, tuy nhiên Mỹ cho rằng vẫn có khả năng đạt thỏa thuận với Iran.

Phát biểu với báo giới, quan chức trên nêu rõ các bên vẫn còn bất đồng về những vấn đề trọng tâm, như các bước Tehran cần thực hiện để trở lại tuân thủ Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), cũng như các bước nới lỏng trừng phạt mà Washington có thể thực hiện đối với Tehran và các hành động cụ thể phải thực hiện nếu đạt được thỏa thuận. (Reuters)

Canada phát hiện hàng trăm ngôi mộ không tên

Người đứng đầu bộ lạc Cowessess tại Canada Cadmus Delorme ngày 24/6 cho biết đã phát hiện thêm 751 ngôi mộ không tên gần trường nội trú cũ Marieval ở tỉnh Saskatchewan, miền Tây nước này.

Đây là lần thứ 2 trong vòng chưa đầy một tháng, Canada phát hiện những ngôi mộ của trẻ em các bộ tộc bản địa được chôn cất từ lâu gần các trường nội trú cũ.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau cùng ngày đã nhấn mạnh rằng thông tin trên đã làm sâu sắc thêm nỗi đau của các gia đình, những người sống sót, cộng đồng người bản địa.

Theo ông Trudeau, đây là "lời nhắc nhở đáng xấu hổ về sự phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử và bất công có hệ thống mà các bộ tộc bản địa đã phải đối mặt".

Chính phủ Canada sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính và nguồn lực cho các cộng đồng bản địa trên toàn quốc để đưa những hành động sai trái này ra ánh sáng. (Reuters)

Hàn Quốc: Các vụ tấn công mạng nghi liên quan tới Triều Tiên

Công ty an ninh mạng EST của Hàn Quốc ngày 25/6 thông báo các nhóm tin tặc liên quan tới Triều Tiên bị tình nghi tiến hành các vụ tấn công mạng thông qua việc sử dụng địa chỉ email giả mạo từ chính phủ Triều Tiên để đánh cắp thông tin người dùng.

EST phát hiện một vụ tấn công mạng hôm 22/6, khi các tin tặc sử dụng một địa chỉ email giả mạo từ Bộ Thống nhất. Hôm 24/6, các tin tặc lại dùng một địa chỉ từ Viện Thống nhất Quốc gia Triều Tiên.

EST nghi ngờ các tổ chức tin tặc liên quan tới Triều Tiên như Thallium và Kimsuky đứng sau các vụ tấn công mạng nói trên, trong đó chúng giả mạo thư điện tử của người gửi là các địa chỉ hòm thư chính thức của chính phủ.

Tuy nhiên, EST không cho biết mục tiêu của các vụ tấn công mạng mới nhất. (Yonhap)