Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:
Mỹ-Trung trao đổi thẳng thắn về hợp tác kinh tế
Phó Thủ tướng, Trưởng đoàn Trung Quốc về đối thoại kinh tế Trung Quốc - Mỹ Lưu Hạc ngày 2/6 đã có cuộc điện đàm trực tuyến với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen.
Theo thông báo từ phía Trung Quốc, hai bên cho rằng, quan hệ kinh tế Mỹ-Trung Quốc là rất quan trọng. Với thái độ bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, hai bên đã tiến hành trao đổi sâu rộng về tình hình kinh tế vĩ mô, cũng như hợp tác trên các lĩnh vực đa phương và song phương, trao đổi thẳng thắn về các vấn đề cùng quan tâm và sẵn sàng tiếp tục duy trì liên lạc.
Lần gần nhất trưởng đoàn đàm phán kinh tế thương mại hai bên điện đàm là vào tháng 8/2020, gần cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump. (THX)
TIN LIÊN QUAN | |
Hiệp định đầu tư EU-Trung Quốc: Còn nước còn tát? |
Mỹ sẽ chia sẻ 80 triệu liều vaccine Covid-19
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 1/6 cho biết, trong hai tuần tới Mỹ sẽ công bố kế hoạch bán và phân phối 80 triệu liều vaccine Covid-19 nước này từng cam kết.
Trong buổi họp báo chung với Tổng thống Costa Rica Carlos Alvarado hôm 1/6, Ngoại trưởng Blinken nói rằng, chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ phân phối vaccine một cách công bằng, không ảnh hưởng bởi động cơ chính trị.
Ông Blinken cũng khẳng định, Mỹ sẽ hợp tác chặt chẽ với cơ chế chia sẻ vaccine COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Phòng chống dịch Covid-19: Hy vọng từ vaccine |
Nga và Trung Quốc sẽ không hình thành liên minh quân sự như NATO
Đại sứ Nga tại Trung Quốc Andrei Denisov cho biết, mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đang ở "mức cao trong lịch sử" nhưng không có lý do để kỳ vọng mối quan hệ thân thiết này sẽ phát triển thành một liên minh quân sự chính thức trong thời gian ngắn.
Ông Denisov nói rằng, chỉ riêng quan hệ đối tác kinh tế và quan hệ chính trị tích cực là đã đủ đối với sự hợp tác Nga-Trung về ngắn hạn.
"Tôi tin rằng một liên minh chính thức, đặc biệt là liên minh quân sự-chính trị không phải là cơ chế tối ưu nhất giữa 2 nước Nga và Trung Quốc", Đại sứ Nga nhận định. (RT)
TIN LIÊN QUAN | |
Tướng Không quân Mỹ: Nga, Trung Quốc đã phát triển vũ khí ‘diệt’ vệ tinh Mỹ |
Trung Quốc muốn cải thiện hình ảnh thân thiện hơn với thế giới
Trong một cuộc họp với Bộ Chính trị Trung Quốc hôm 31/5, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc "kiến tạo môi trường dư luận bên ngoài thuận lợi", tăng cường truyền thông "trong tình hình mới" để đảm bảo cho vị thế đang lên của Trung Quốc.
Theo ông Tập, trọng tâm mà nước này hướng tới sẽ là cải thiện hình ảnh trên trường quốc tế và chống lại những chỉ trích nhằm vào Bắc Kinh.
"Cần phải phát huy tốt hơn nữa vai trò của các chuyên gia cấp cao, đồng thời sử dụng những kênh, nền tảng như các hội nghị và diễn đàn quốc tế quan trọng, cùng các phương tiện truyền thông chính thống ở nước ngoài để lên tiếng", ông Tập Cận Bình cho biết trong phát biểu.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã liệt kê các mục tiêu bao gồm, xây dựng một đội ngũ chuyên gia có thể đáp ứng nhu cầu truyền thông quốc tế và triển khai những biện pháp mới để kết nối với các đối tượng khác nhau. Ông nhấn mạnh sự cần thiết trong việc "mở rộng vòng tròn bạn bè" của Trung Quốc.
"Việc kết bạn, đoàn kết, thuyết phục đa số và không ngừng mở rộng vòng tròn bạn bè là vô cùng quan trọng", ông Tập nhấn mạnh. (THX)
TIN LIÊN QUAN | |
Nga-Trung: Quan hệ quyền lực kiểu mới |
Quan hệ Mỹ-Nga thấp điểm kỷ lục
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev nhận định, quan hệ hiện nay giữa Nga và Mỹ ở một vài khía cạnh còn tồi tệ hơn những thời điểm thách thức nhất trong Chiến tranh Lạnh bởi Mỹ coi quyền lực của Nga đang suy giảm và không đánh giá đúng về tầm quan trọng của Moscow.
Cựu Tổng thống Nga dẫn ra rằng, trước đây, Mỹ không coi Liên Xô là bạn nhưng vẫn là một địch thủ cần đối phó một cách nghiêm túc.
"Hiện nay, ít nhất là vào thời điểm này, họ cho rằng, Nga là một quốc gia đang chết. Rằng Nga có thể bị gạt sang và bị phớt lờ trong chính sách đối ngoại. Đó là lý do tại sao họ đã phạm phải nhiều sai lầm", ông Medvedev đánh giá.
Ông Medvedev cũng nhận định, phương Tây đã khơi mào "vòng xoáy đối đầu" năm 2014 khi phản ứng trước việc Nga sáp nhập Crimea. (RT)
TIN LIÊN QUAN | |
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nga: Ít kỳ vọng nhưng khó 'trắng tay' |
Nga nói về vụ Mỹ bí mật theo dõi nhiều lãnh đạo châu Âu
Trong một chương trình phát trực tiếp hôm 1/6 trên YouTube, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhận định về việc Mỹ bí mật theo dõi nhiều chính trị gia châu Âu rằng: “đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm và tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn đối với bản thân các nước thành viên NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương)”.
Bà Zakharova cho rằng, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và NATO đã cố tình tránh nhắc tới chuyện bị tình báo Mỹ bí mật theo dõi. Ngoài ra, bà cũng nhận thấy truyền thông châu Âu “hiếm khi đưa tin” về vấn đề này và cảnh báo thực tế còn “đáng sợ hơn nhiều” so với những gì bị phơi bày trên mặt báo.
Bà Zakharova cáo buộc Mỹ đã “bẻ cong mọi luật lệ” khi tự cho phép nước này không bị ràng buộc pháp lý quốc tế và rằng, Washington “đang giám sát mọi người và mọi thứ”. (TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Vụ báo cáo điều tra Mỹ nghe lén: Lãnh đạo Pháp, Đức thận trọng chờ nghe giải thích; Đan Mạch bác bỏ |
Mỹ sẵn sàng giải thích vụ nghe lén
Ngày 1/6, Phó Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết, Mỹ sẽ làm việc với các đồng minh và đối tác châu Âu để giải thích mọi vấn đề liên quan đến việc tình báo Đan Mạch giúp Mỹ nghe lén các lãnh đạo châu Âu.
"Vào năm 2014, chính quyền Mỹ đã đưa ra một đánh giá kỹ lưỡng đối với hoạt động giám sát ở nước ngoài. Cựu Tổng thống Obama lúc ấy đã ban hành một chỉ thị thay đổi cách tiếp cận của chúng tôi theo những cách đáng kể. Chúng tôi sẽ làm việc với các đồng minh và đối tác ở châu Âu để giải quyết bất kỳ nghi vấn nào liên quan" - bà Jean-Pierre nói. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Những vụ nghe lén nổi tiếng |
Nga liên lạc trực tiếp với Mỹ về vụ tấn công mạng vào JBS SA
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 2/6 cho biết, Nga đang liên hệ trực tiếp với Mỹ về cuộc tấn công mạng nhằm vào JBS USA, chi nhánh tại Mỹ của tập đoàn cung ứng thịt lớn nhất thế giới JBS SA (Brazil).
Nhà Trắng hôm 1/6 cho biết, vụ tấn công mạng JBS SA, đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất thịt ở Bắc Mỹ và Australia - có nguồn gốc từ một tổ chức tội phạm có khả năng có trụ sở tại Nga. Vụ việc đã làm tê liệt một số hoạt động của công ty và ảnh hưởng đến hàng nghìn công nhân ở Australia. (Interfax)
TIN LIÊN QUAN | |
Tấn công mạng vào tập đoàn khổng lồ JBS, 10.000 lao động tạm nghỉ: Mỹ dẫn nghi vấn thủ phạm ở Nga, FBI vào cuộc |
Czech đòi Nga bồi thường 47 triệu USD vì vụ nổ kho đạn Vrbetice
Ngày 1/6, Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Czech Jakub Kulhanek cho biết, chính quyền nước này đã soạn thảo một đề nghị yêu cầu Nga bồi thường thiệt hại từ vụ nổ kho vũ khí tại Vrbetice năm 2014.
“Chúng tôi đang nỗ lực phối hợp với Bộ Tài chính về yêu cầu Nga bồi thường thiệt hại (trong vụ nổ tại Vrbetice). Chúng tôi đã soạn thảo một văn bản cụ thể, đang chờ thông tin từ các cơ quan điều tra hình sự và sẽ sớm gửi đề nghị Nga bù đắp tổn thất”, ông Kulhanek nói.
Prague sẽ thực hiện những bước đi cần thiết trong tháng 6 này và nhấn mạnh sẽ dựa trên một quy trình quốc tế phức tạp hơn. Bộ trưởng Bộ Tài chính kiêm Phó Thủ tướng Czech Alena Schillerova từng hé lộ, quốc gia này dự định đòi ít nhất 1 tỷ Koruna (khoảng 47 triệu USD) từ Nga trong vụ nổ kể trên. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Czech kêu gọi Nga loại tên khỏi danh sách thù địch, lấy lý do 'giảm căng thẳng quan hệ song phương' |
Đảng cầm quyền Triều Tiên lập chức vụ cấp cao mới
Ngày 1/6, đảng Lao động Triều Tiên đã sửa đổi bổ sung điều lệ, thành lập vị trí mang tên gọi “bí thư thứ nhất”. Theo đó, cá nhân đảm nhận chức vụ này có thể chủ trì các cuộc họp thay mặt Chủ tịch Kim Jong-un.
Sau Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của đảng Lao động Triều Tiên, ông Kim Jong-un đã được bầu làm Tổng Bí thư đảng. Yonhap đánh giá ông Kim Jong-un chủ trương muốn đảng Lao động đóng vai trò lớn hơn trong chính phủ.
Hiện vẫn chưa rõ ai sẽ đảm nhận chức vụ này, nhưng nhiều khả năng là ông Jo Yong-won, năm nay 64 tuổi, một phụ tá thân cận của ông Kim Jong-un. Ngoài ra, một ứng viên tiềm năng khác chính là người em gái quyền lực của Lãnh đạo Triều Tiên, Kim Yo-jong. (Yonhap)
TIN LIÊN QUAN | |
Mỹ lên tiếng sau khi bị Triều Tiên nổi giận chỉ trích |
Anh sẽ sớm công bố kế hoạch gia nhập CPTPP
Ngày 2/6, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Vương quốc Anh Liz Truss cho biết, nước này sẽ công bố chi tiết kế hoạch tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong những tuần tới.
Trên mạng xã hội Twitter, bà Truss đã thông báo về quyết định gia nhập CPTPP, đồng thời bày tỏ sự vui mừng khi 11 nước thành viên CPTPP đã nhất trí bắt đầu tiến trình xem xét đơn xin gia nhập của Anh vào khu vực thương mại tự do năng động này.
Cũng theo bà Truss, kế hoạch tham gia CPTPP của nước này sẽ được trình lên Nghị viện Anh trước khi bắt đầu các cuộc đàm phán. (Telegraph)
TIN LIÊN QUAN | |
Cùng góp mặt trong 2 'siêu Hiệp định' CPTPP và RCEP, Mỹ-Trung Quốc sẽ được và mất gì? |
Malaysia triệu tập đại sứ Trung Quốc vì vụ 16 máy bay
Bộ Ngoại giao Malaysia cho biết, sẽ triệu tập đại sứ Trung Quốc để yêu cầu giải thích về việc 16 máy bay không quân Trung Quốc "xâm phạm" không phận nước này.
Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Hishammuddin Hussein cho biết, sẽ gửi công hàm phản đối vụ việc và yêu cầu đại sứ Trung Quốc giải thích về hành vi "vi phạm không phận và chủ quyền".
“Quan điểm của Malaysia là rõ ràng - có quan hệ ngoại giao hữu nghị với bất kỳ quốc gia nào không có nghĩa là chúng tôi sẽ thỏa hiệp về an ninh quốc gia của mình”, ông Hishammuddin nói trong một tuyên bố.
Trong khi đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Malaysia tuyên bố các máy bay tiến hành bay huấn luyện định kỳ và “tuân thủ nghiêm ngặt” luật pháp quốc tế, không xâm phạm không phận của các quốc gia khác. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Tố 16 máy bay Trung Quốc 'xâm phạm không phận', Malaysia phản ứng mạnh |
WHO phê chuẩn sử dụng khẩn cấp vaccine Covid-19 của Trung Quốc
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 1/6 đã phê chuẩn sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa Covid-19 của hãng Sinovac Biotech (Trung Quốc). Đây là vaccine thứ hai của Trung Quốc đã được WHO "bật đèn xanh".
Ủy ban độc lập của WHO khuyến cáo sử dụng vaccine của Sinovac cho người từ 18 tuổi trở lên, hai liều các nhau 2-4 tuần. Không có giới hạn độ tuổi cao hơn vì các dữ liệu cho thấy, vaccine này có hiệu quả bảo vệ đối với người cao tuổi. (Reuters)