📞

Tin thế giới 26/9: Nga không đóng cửa biên giới, bầu cử Italy, Mỹ-Nhật lên tiếng về Eo biển Đài Loan

Minh Vương 20:12 | 26/09/2022
Nga chỉ trích ‘vụ tấn công khủng bố’ trường học, bầu cử Italy, Malaysia và Indonesia muốn mua UAV Thổ Nhĩ Kỳ…là tin thế giới nổi bật 24 giờ qua.
Kết quả sơ bộ cho thấy liên minh trung hữu do đảng FdI của bà Giorgia Meloni đã giành chiến thắng bầu cử Italy. (Nguồn: Reuters)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm tin thế giới đáng chú ý ngày 26/9.

Nga-Ukraine

* Nga không đóng cửa biên giới khi phát lệnh động viên quân: Ngày 26/9, Nga nhấn mạnh nước này không đóng cửa biên giới sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra lệnh động viên một phần trong tuần trước. Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Tổng thống Nga Dmitry Peskov, cũng cho biết một số trường hợp gọi nhập ngũ nhầm lẫn hay sai sót sẽ được điều chỉnh. (Reuters)

* IAEA sẵn sàng tham vấn Nga, Ukraine về nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia: Ngày 26/9, phát biểu trong cuộc họp các nước thành viên Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Tổng Giám đốc cơ quan này Rafael Grossi tuyên bố sẵn sàng thảo luận ở Ukraine và Nga trong tuần này về thiết lập một khu vực được bảo vệ tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

Ông nói: “Có một kế hoạch cần thực hiện. Tuần trước, tôi đã có cơ hội bắt đầu các cuộc tham vấn với Ukraine và Liên bang Nga... và tôi sẵn sàng tiếp tục tổ chức tham vấn ở cả hai nước trong tuần này”. (Reuters)

* Moldova cân nhắc trừng phạt các công dân trong lực lượng Nga tại Ukraine: Ngày 26/9, Tổng thống Moldova Maia Sandu cho biết nước này có thể thu hồi quyền công dân của những người Moldova tham gia chiến đấu cho Nga ở Ukraine sau khi bị gọi nhập ngũ, bởi những người này sở hữu cả hộ chiếu Nga.

Tuần trước, Nga đã động viên “một phần” để tăng cường lực lượng ở Ukraine. Bà Sandu cho biết hiện có 200.000 người mang 2 quốc tịch Moldova-Nga đang sống ở khu vực ly khai Trandniestria của Moldova và nhiều người trong số này có thể bị Nga gọi nhập ngũ. Hiện Chisinau đang tổ chức tham vấn với Moscow để ngăn chặn các trường hợp công dân nước này bị gọi nhập ngũ.

Kể từ những năm 1990, Nga đã triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại Transdniestria khi lực lượng ly khai thân Nga khơi mào một số xung đột vũ trang và giành phần lớn khu vực này khỏi sự kiểm soát của Moldova. (Reuters)

Châu Âu

* Tổng thống Nga chỉ trích “vụ tấn công khủng bố vô nhân đạo” vào trường học: Ngày 26/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 26/9 đã lên án “cuộc tấn công khủng bố vô nhân đạo” vào một trường học ở thành phố Izhevsk, vùng Udmurtia của nước này khiến ít nhất 13 người thiệt mạng, bao gồm cả trẻ em. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ, ông Putin mong những người bị thương trong vụ tấn công khủng bố vô nhân đạo này sớm bình phục. (AFP)

* Nga, Belarus thảo luận về hợp tác song phương: Trong cuộc gặp tại Sochi (Nga) ngày 26/9, Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko đã thảo luận về hợp tác song phương, bao gồm cả kinh tế và an ninh khu vực. Một đoạn video về cuộc gặp đã được phát trên kênh truyền hình Rossiya 24 của Nga. Hai bên cũng đề cập đến các vấn đề liên quan đến kinh tế, nguồn cung lương thực và phân bón dưới thời Nhà nước liên minh Nga và Belarus.

Trong một tin liên quan, phát biểu trên kênh truyền hình Belarus-1, Quốc vụ khanh Hội đồng An ninh Belarus Alexander Volfovich cho rằng hai nước cần cập nhật khái niệm An ninh liên bang của Belarus và Nga trong bối cảnh tồn tại những thách thức và mối đe dọa mới: “Nga thông qua chiến lược An ninh quốc gia mới năm ngoái. Năm nay, chúng tôi đang thông qua lần cuối Khái niệm An ninh quốc gia của Belarus. Chắc chắn đã đến lúc điều chỉnh và thay đổi Khái niệm An ninh liên bang. Chúng ta cùng nhau phát triển các cơ chế để đối phó với những mối đe dọa đương thời nhằm vào an ninh quốc gia của chúng ta”. (Sputnik)

* Thủ tướng Đức Olaf Scholz mắc Covid-19: Ngày 26/9, Người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Hebestreit thông báo, Thủ tướng nước này Olaf Scholz đã dương tính với Covid-19. Hiện ông có triệu chứng cảm lạnh nhẹ và đã được cách ly. Ông Scholz vừa trở về Berlin sau chuyến công du 2 ngày tới Trung Đông, thăm Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Qatar. (Reuters)

* Bầu cử Italy: Lãnh đạo đảng Dân chủ tuyên bố từ chức, OECD và Trung Quốc gửi lời khuyên cho người chiến thắng: Ngày 26/9, thủ lĩnh đảng Dân chủ (PD) trung tả, cựu Thủ tướng Italy Enrico Letta tuyên bố sẽ từ chức sau thất bại của đảng này trong bầu cử ngày 25/9. Ông sẽ tiếp tục ở lại đảng này trong thời gian trước mắt, nhưng sẽ không ứng cử vào vị trí lãnh đạo tại đại hội đảng tiếp theo. Ông Letta miêu tả thắng lợi bầu cử của liên minh cánh hữu do bà Giorgia Meloni lãnh đạo là một “ngày buồn đối với Italy và châu Âu”.

Theo kết quả bầu cử sơ bộ, PD có khả năng giành gần 20% số phiếu, đứng thứ 2 sau đảng Anh em Italy của bà Giorgia Meloni. PD đã thừa nhận thất bại và nói rằng họ sẽ đứng đầu phe đối lập trong Quốc hội mới cùng đảng Phong trào 5 sao (M5S).

Cùng ngày, Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), ông Mathias Cormann, nói rằng Chính phủ mới của người đứng đầu liên minh trung hữu Italy, bà Giorgia Meloni, nên thống nhất với phần còn lại của Liên minh châu Âu (EU) về xung đột Nga-Ukraine: “Chúng tôi đang chờ đợi sự thành lập chính phủ mới và khi có chính phủ mới tại Italy, chúng tôi sẽ rất vui khi được làm việc với họ để có những chính sách hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn. Trong bối cảnh hiện tại, việc có được sự đoàn kết lâu dài mạnh mẽ ở châu Âu là điều tốt đẹp”.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho rằng lãnh đạo mới Italy nên có chính sách đối ngoại thực dụng. Ông nhấn mạnh: “Trung Quốc và Italy là đối tác toàn cầu chiến lược, sự phát triển lành mạnh và ổn định của quan hệ song phương phù hợp lợi ích của cả hai bên. Chúng tôi (Bắc Kinh) hy vọng rằng chính phủ mới của Italy sẽ tiếp tục tuân thủ chính sách tích cực và thực dụng đối với Trung Quốc, ủng hộ tinh thần tôn trọng và tin cậy lẫn nhau”. Ông cảnh báo bà Meloni không nên đưa ra tín hiệu sai về vấn đề Đài Loan.

Trước đó, ngày 23/9, bà Meloni nói với CNA (Đài Loan) sẽ đưa Italy rút khỏi Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, đồng thời cho rằng việc ký Bản ghi nhớ BRI là “sai lầm lớn”. (CNA/Reuters)

Đài Loan (Trung Quốc)

* Mỹ, Nhật Bản phản đối các hành động của Trung Quốc ở Eo biển Đài Loan: Tại cuộc gặp Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio ở Tokyo ngày 26/9, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tái khẳng định cam kết bảo vệ Nhật Bản. Hai bên đã phản đối hành động của Trung Quốc ở Eo biển Đài Loan. Nhà Trắng tuyên bố: “Hai bên đã thảo luận về các hành động khiêu khích hung hăng và vô trách nhiệm gần đây của Trung Quốc ở Eo biển Đài Loan, đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng của việc gìn giữ hòa bình và ổn định ở đây”.

Chuyến công du châu Á của bà Harris, bao gồm cả điểm dừng chân Hàn Quốc, diễn ra vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết bảo vệ Đài Loan (Trung Quốc) trong trường hợp hòn đảo này bị tấn công. Cũng trong chuyến thăm Nhật Bản, bà Harris đã thảo luận với ông Kishida về vụ thử tên lửa đạn đạo gần đây của Triều Tiên, cũng như vấn đề công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc. (Reuters)

Đông Nam Á

* Malaysia, Indonesia muốn mua UAV vũ trang của Thổ Nhĩ Kỳ: Ngày 26/9, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Malaysia và Indonesia đã bày tỏ sự quan tâm đến việc mua máy bay không người lái (UAV) có vũ trang của Baykar của Thổ Nhĩ Kỳ, đơn vị đã cung cấp vũ khí cho một số quốc gia sau những thành công trên chiến trường.

Phát biểu tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản), Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nhấn mạnh: “Nhiều nước châu Á, đặc biệt là Malaysia và Indonesia, tỏ ra quan tâm đến sản phẩm công nghiệp quốc phòng của chúng tôi. Các thỏa thuận sẽ được ký kết… Chúng tôi rất vui được đáp ứng nhu cầu của Nhật Bản về UAV”. Nhu cầu quốc tế về UAV của Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng vọt sau những hoạt động hiệu quả của chúng trong các cuộc xung đột ở Syria, Ukraine và Libya. (Reuters)