📞

Tin thế giới 26/9: Nga nói gì về vũ khí Mỹ?; nổ kho nhiên liệu ở Nagorno-Karabakh, nhiều người thương vong

Minh Vương 21:03 | 26/09/2023
Cảng Izmail của Ukraine tiếp tục bị tấn công, thiệt hại nghiêm trọng từ vụ nổ ở Nagorno-Karabakh … là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.
Hơn 30 xe tải và ô tô ở cảng Izmail, Ukraine bị thiêu rụi trong cuộc tấn công của Nga đêm 25/9. (Nguồn: Reuters)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Nga-Ukraine

* Nga: Tên lửa và xe tăng Mỹ không giúp thay đổi cục diện ở Ukraine: Ngày 26/9, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh lực lượng vũ trang Nga liên tục thích ứng với sự xuất hiện của các loại vũ khí mới trong khuôn khổ hoạt động quân sự ở Ukraine: “Tất cả các loại vũ khí trên không thể ảnh hưởng đến bản chất và kết quả của chiến dịch quân sự. Không có thuốc chữa bách bệnh và không có loại vũ khí nào có thể thay đổi toàn bộ tình hình trên thực địa”.

Liên quan đến xác nhận của phía Ukraine cho biết xe tăng Abrams của Mỹ đã tới đất nước này, đại diện Điện Kremlin tuyên bố: “Xe tăng Abrams là vũ khí quan trọng, song hãy nhớ rằng những gì Tổng thống (Putin) nói về các chiếc xe tăng khác được sản xuất ở các nước khác”, ám chỉ các loại xe tăng khác phương Tây cung cấp cho Kiev, trong đó có Leopard của Đức và Challenger của Anh. Ông Dmitry Peskov cũng nêu rõ: “Những chiếc Abrams rồi cũng sẽ bị thiêu rụi”.

Về thông tin Mỹ sẽ gửi Hệ thống Tên lửa Tác chiến Lục quân (ATACMS) tới Ukraine, quan chức này khẳng định: “Người Mỹ tiếp tục tăng cường sự can dự... trực tiếp vào xung đột này song tất nhiên, lần nào quân đội chúng tôi cũng cải thiện kỹ năng và năng lực kỹ thuật để đối phó với những tên lửa này”. (Reuters)

* Ukraine: Nga không kích cảng xuất khẩu ngũ cốc Izmail: Ngày 26/9, Thị trưởng Odessa Oleh Kiper cho biết cuộc không kích đêm 25/9 của Nga vào cảng Izmail của Ukraine đã khiến 2 người bị thương.

Đợt tấn công kéo dài 2 giờ nhắm vào cảng xuất khẩu ngũ cốc chính của Kiev cũng khiến một tòa nhà của cảng, kho chứa hàng và hơn 30 xe tải, ô tô bị hư hại.

Đáp lại, quân đội Ukraine thông báo bắn hạ 26/38 máy bay không người lái (UAV) Iran, được cho là do phía Nga triển khai trong đợt tập kích đêm qua.

Cùng ngày, Thị trưởng Kryvyi Rih Oleksandr Vilkul cũng cáo buộc một cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga cũng gây thiệt hại cho một doanh nghiệp địa phương. Tuy nhiên, hiện không có thông tin về thương vong trong vụ việc này. (Reuters)

* Mỹ chỉ còn đủ tiền viện trợ cho Ukraine trong “vài tuần”: Tả lời phỏng vấn CNN (Mỹ), Điều phối viên Chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, ông John Kirby xác nhận: “Mỹ vẫn còn tiền tài trợ trong vài tuần tới. Tuy nhiên, nếu không có ngân sách bổ sung theo yêu cầu, điều đó sẽ ảnh hưởng đến khả năng hỗ trợ cho Ukraine những tháng mùa Thu và mùa Đông. Thiếu vắng ngân sách bổ sung sẽ ảnh hưởng đáng kể đến khả năng chiến đấu của Ukraine trên thực địa”.

Cuộc tranh luận về dự luật chi tiêu mới phần lớn tập trung vào viện trợ bổ sung cho Kiev. Tờ New York Times (Mỹ) dẫn lời các nhà lập pháp nước này cho hay, một số đảng viên Cộng hòa từ chối đề xuất hỗ trợ thêm 25 tỷ USD cho Ukraine.

Tuần trước, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết khủng hoảng ngân sách hiện tại sẽ không ảnh hưởng đến viện trợ cho Ukraine. Người phát ngôn Lầu Năm Góc Chris Sherwood khẳng định quân đội Mỹ coi sự hỗ trợ cho Kiev là “thiết yếu”. Ông nhấn mạnh hoạt động quân sự của Mỹ liên quan đến xung đột sẽ không bị ảnh hưởng nếu Chính phủ đóng cửa, bao gồm cả việc huấn luyện và cung cấp vũ khí.

Washington đã phê duyệt hàng tỷ USD viện trợ quân sự trực tiếp cho Kiev từ tháng 2/2022, bao gồm hàng chục chuyến hàng vũ khí hạng nặng, phương tiện và đạn dược. Đợt giao hàng mới nhất bao gồm lô xe tăng chiến đấu chủ lực Abrams đầu tiên của Mỹ, với 31 chiếc đã được cấp phép cho Ukraine vào đầu năm nay. Ông Kirby hy vọng chúng sẽ mang đến “tác động đáng kể trên thực địa”. (RT)

Đông Nam Á

* Ba thông điệp chính trị quan trọng của Thủ tướng Campuchia tới thế giới: Ngày 26/9, Bộ trưởng tháp tùng Thủ tướng phụ trách công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế Jean-Francois Tan đã phát biểu tại cuộc họp ở sân bay quốc tế Phnom Penh sau khi Thủ tướng Campuchia và phu nhân trở về từ New York. Ông nhấn mạnh 3 thông điệp quan trọng của Thủ tướng Hun Manet trước cộng đồng quốc tế tại phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ).

Đầu tiên, Campuchia, giống như các quốc gia khác, luôn thúc đẩy và đề cao lợi ích quốc gia. Thứ hai, Campuchia tăng cường quan hệ hữu nghị hiện có và sẵn sàng cho những mối quan hệ hữu nghị mới. Điều thứ ba và quan trọng nhất là theo quy định của Hiến pháp, Campuchia không cho phép bất kỳ căn cứ quân sự nước ngoài nào được đặt trên lãnh thổ nước này.

Qua đó, ông Francois Tan nhấn mạnh, cáo buộc xoay quanh căn cứ quân sự Ream trong nhiều năm qua cần được chấm dứt, bởi Campuchia đã khẳng định với thế giới về lập trường trung lập và độc lập, với thế giới là nhân chứng. (Khmer Times)

Đông Bắc Á

* Trung Quốc cảnh báo Philippines ở Biển Đông: Ngày 26/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân khẳng định: “Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền và lợi ích hàng hải của bãi cạn Hoàng Nham (cách Bắc Kinh gọi bãi cạn Scarborough). Chúng tôi khuyến nghị Philippines không nên khiêu khích hay gây rắc rối”.

Về phần mình, cùng ngày, Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines Eduardo Ano khẳng định nước này “có quyền” dỡ bỏ bất kỳ hàng rào nào tại bãi cạn Scarborough ở Biển Đông bởi điều này “xâm phạm quyền hàng hải của chúng tôi". Ông Ano cam kết sẽ thực hiện “hành động thỏa đáng” để dỡ bỏ các rào cản do lực lượng hải cảnh Trung Quốc dựng lên tại bãi cạn tranh chấp. (AFP/Reuters)

Trung Á

* Tình hình Nagorno-Karabakh: Thương vong từ tai nạn tăng cao, Thổ Nhĩ Kỳ và Đức lên tiếng: Ngày 25/9, viết trên mạng xã hội, “thanh tra nhân quyền” tại Nagorno-Karabakh, ông Gegham Stepanyan cho biết: “Sau vụ nổ kho nhiên liệu, số người bị thương đã vượt 200 người. Phần lớn các nạn nhân đều bị thương nghiêm trọng hoặc cực kỳ nghiêm trọng… Hiện năng lực y tế của (Nagorno-Karabakh) là không đủ”. Ông cũng kêu gọi cho phép máy bay cứu hộ hạ cánh.

Trước đó, ngày 25/9, phát biểu khi gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ở vùng Nakhchivan, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev cam kết các quyền của người Armenia ở Nagorno-Karabakh sẽ được bảo vệ sau chiến thắng của Baku. Theo ông, viện trợ từ Baku “một lần nữa cho thấy cư dân Karabakh, bất kể sắc tộc, đều là công dân của Azerbaijan. Quyền của họ sẽ được bảo đảm”.

Về phần mình, phát biểu cùng người đồng cấp Azerbaijan sau lễ khởi công đường ống dẫn khí đốt từ Nackchivan đến tỉnh Igdir (Thổ Nhĩ Kỳ), Tổng thống Erdogan đã bày tỏ hy vọng Armenia sẽ có “các bước đi chân thành” để nắm bắt cơ hội này, vì sự ổn định và hòa bình trong khu vực. Ông còn lưu ý, thành công của Baku trong chiến dịch khơi nguồn tự hào đối với Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời chúc mừng quân đội Azerbaijan đã thể hiện sự “tinh tế” đối với dân thường trong khu vực.

Trong khi đó, Berlin bày tỏ quan ngại về tình hình của người thiểu số Armenia sống ở Nagorno-Karabakh. Phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ, một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Đức cho biết Azerbaijan phải có trách nhiệm bảo vệ quyền con người tại đây sau chiến dịch quân sự vừa qua. (AFP/Reuters/TTXVN)

Châu Âu

* Nga sẵn sàng đối đầu trực tiếp với NATO: Ngày 26/9, viết trên Telegram sau khi Mỹ cam kết gửi tên lửa ATACMS cho Ukraine, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev khẳng định: “Có vẻ như Nga ngày càng không còn lựa chọn nào khác ngoài xung đột trực tiếp với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trên thực địa…”.

Theo chính trị gia này, Nga đã sẵn sàng cho những diễn biến như vậy, mặc dù kết quả đạt được với cái giá nhân loại phải trả lớn hơn nhiều so với năm 1945.

Trước đó, ngày 11/9, ông Medvedev đã đề xuất chấm dứt quan hệ ngoại giao với Liên minh châu Âu (EU) và rút nhân viên ngoại giao về Nga. Trong thông điệp của mình, ông cũng chỉ trích ãnh đạo EU về quyết định nhằm vào công dân Nga. (Reuters)

* Thổ Nhĩ Kỳ nêu điều kiện để Thụy Điển gia nhập NATO: Ngày 26/9, phát biểu trên chuyến bay về nước từ vùng Nakhchivan, Tổng thống Tayyip Erdogan xác nhận Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken đã thảo luận việc Thụy Điển vào NATO ở New York (Mỹ) hồi tuần trước.

Theo ông Erdogan, Washington đã liên kết thương vụ bán máy bay chiến đấu F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ với việc Ankara phê chuẩn đơn xin gia nhập liên minh quân sự của Thụy Điển. Nhà lãnh đạo này tuyên bố: “Nếu (Mỹ) giữ lời hứa, Quốc hội chúng tôi cũng sẽ giữ đúng lời hứa của mình. Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là nơi có tiếng nói cuối cùng đối với tư cách thành viên NATO của Thụy Điển”. (Reuters)

Trung Đông-Châu Phi

* Thủ tướng Israel sắp thăm Thổ Nhĩ Kỳ: Ngày 26/9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho hay Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có thể thăm nước này tháng 10 hoặc tháng 11 tới, và ông sẽ có chuyến thăm Israel ít lâu sau đó.

Lần đầu tiên lãnh đạo hai nước gặp nhau trực tiếp là vào tuần trước, khi hai bên tới New York tham dự phiên họp khóa 78 của Đại hội đồng LHQ, trong bối cảnh các cường quốc khu vực đang nỗ lực hàn gắn mối quan hệ lâu nay căng thẳng.

Sau cuộc gặp này, Tổng thống Erdogan cũng khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ và Israel sẽ sớm thực hiện các bước đi trong lĩnh vực khoan thăm dò năng lượng. (Reuters)

* Niger muốn lập khuôn khổ thương lượng” về việc Pháp rút quân: Sáng ngày 26/9, giới lãnh đạo đảo chính ở Niger bày tỏ mong muốn lập một “khuôn khổ thương lượng” để quân đội Pháp rút khỏi quốc gia Tây Phi này có kế hoạch. Chính quyền quân sự tuyên bố khung thời gian cho hành động rút quân “phải được đưa ra căn cứ theo khuôn khổ thương lượng và theo thỏa thuận chung”.

Cuối tuần qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo nước này sẽ rút Đại sứ của mình khỏi Niger, sau đó là rút quân đội Pháp những tháng tới. Ông nhấn mạnh hợp tác quân sự đã “kết thúc” và quân đội Pháp sẽ rời đi trong “những tuần và những tháng tới” và sẽ rút toàn bộ “vào cuối năm nay”.

Trước đó, chính phủ Pháp đã duy trì khoảng 1.500 binh sĩ tại quốc gia thuộc địa cũ này, như một phần của chính sách triển khai đội quân chống thánh chiến ở khu vực Sahel. Tuy nhiên, chính quyền Paris chưa công nhận quyền lực của các nhà lãnh đạo quân sự ở Niger và vẫn đang yêu cầu phục chức cho Tổng thống Mohamed Bazoum.

Về phần mình, giới lãnh đạo đảo chính đã hoan nghênh thông báo trên của Pháp và cho biết họ đang chờ đợi hành động chính thức từ chính quyền Paris. (AFP)