Tổng thống Biden lập kỷ lục về số sắc lệnh ký trong tuần đầu ở Nhà Trắng
New York Post đưa tin, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký khoảng 37 sắc lệnh từ khi nhậm chức cho đến nay và chưa phải là con số cuối cùng, lập kỷ lục khi ký nhiều lệnh hơn bất cứ người tiền nhiệm nào trong tuần đầu tiên làm ông chủ Nhà Trắng.
Các sắc lệnh trên ở nhiều lĩnh vực như Công bằng chủng tộc, Quốc phòng, Y tế, Di cư...
Ngoài ra, ông Biden cũng ký các lệnh khác liên quan đối ngoại như đưa Mỹ quay lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, dừng việc đưa Mỹ ra khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). (New York Post)
Ông Biden cấm gọi dịch Covid-19 gắn với tên địa danh
Ngày 27/1, Tổng thống Biden đã ban hành lệnh cấm gọi dịch Covid-19 gắn với tên địa danh sau khi những cụm từ như “virus Trung Quốc” hay “virus Vũ Hán” dẫn đến tình trạng bùng phát phân biệt chủng tộc tại Mỹ.
Trong bản ghi nhớ được công bố ngày 26/1 (giờ Mỹ), Tổng thống Biden cho rằng, những luận điệu mang tính kích động và bài ngoại đã gây nguy hiểm cho những người Mỹ gốc Á và gốc quần đảo Thái Bình Dương, gia đình, cộng đồng và doanh nghiệp của họ...
Bản ghi nhớ nhấn mạnh, các cơ quan Chính phủ cần đảm bảo rằng, các tuyên bố, văn bản và hành động chính thức “không thể hiện hay góp phần phân biệt chủng tộc, bài ngoại và bài xích người Mỹ gốc Á và người Mỹ gốc quần đảo Thái Bình Dương”. (SCMP)
YouTube 'cấm cửa' ông Trump vô thời hạn
Tờ Politico trích dẫn quyết định của YouTube cho hay "do lo ngại về khả năng tiếp tục xảy ra bạo lực, kênh của ông Donald Trump sẽ tiếp tục bị khóa".
Ngoài ông Trump, YouTube cũng đã hành động chống lại luật sư riêng của ông Trump là Rudy Giuliani.
Các ứng dụng mạng xã hội khác như Twitter, Facebook và Instagram trước đó đã chặn tài khoản của ông Trump vào những thời điểm khác nhau do các tuyên bố của ông về vụ bạo loạn hôm 6/1 ở thủ đô Washington. (Sputnik)
Thượng viện quyết tâm luận tội ông Trump
Ngày 26/1, Thượng viện Mỹ đã bác bỏ kiến nghị của các nghị sĩ đảng Cộng hòa nhằm ngăn chặn kế hoạch luận tội cựu Tổng thống Donald Trump với cáo buộc kích động cuộc bạo loạn ở Quốc hội hôm 6/1 với tỷ lệ phiếu 55-45.
Theo kết quả này, có 5 thượng nghị sĩ Cộng hòa đã đứng về phía phe Dân chủ bác bỏ kiến nghị ngăn chặn kế hoạch luận tội ông Trump.
Như vậy, dự kiến ngày 9/2 sẽ diễn ra phiên luận tội ông Trump tại Thượng viện, do Thượng nghị sĩ Dân chủ Patrick Leahy chủ trì mà không phải là Bộ trưởng Tư pháp John Roberts. (Reuters)
Ứng viên Bộ trưởng Thương mại Mỹ cam kết quét sạch ảnh hưởng của Trung Quốc
Ngày 26/1, nữ Thống đốc bang Rhode Island Gina Raimondo - người được tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đề cử giữ chức Bộ trưởng Thương mại - cam kết sẽ bảo vệ các mạng viễn thông nước này trước các công ty của Trung Quốc, trong đó có 2 tập đoàn Huawei và ZTE.
Phát biểu trong cuộc điều trần trước Ủy ban Thương mại Thượng viện Mỹ, bà Raimondo khẳng định, sẽ "tận dụng tất cả các công cụ mà tôi được phép tùy ý sử dụng ở mức cao nhất có thể để bảo vệ người dân Mỹ và mạng lưới của chúng ta khỏi sự can thiệp của Trung Quốc hoặc bất kỳ sự ảnh hưởng ngầm nào”. (Bloomberg)
Mỹ: Dòng chảy phương Bắc 2 là 'thỏa thuận tồi'
Ngày 26/1, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, Tổng thống Mỹ cũng như chính quyền của ông coi dự án đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Dòng chảy Phương Bắc 2 là "một thỏa thuận tồi" với châu Âu.
Bà Psaki nói thêm rằng, chính Chính phủ “sẽ xem xét lại” những hạn chế của dự án bao gồm một đạo luật được thông qua trong chính quyền tiền nhiệm của ông Donald Trump.
Trung Quốc phản ứng vụ Ấn Độ cấm các ứng dụng của nước này
Ngày 27/1, Trung Quốc cho rằng, quyết định của Chính phủ Ấn Độ cấm 59 ứng dụng của nước này là vi phạm các nguyên tắc kinh doanh công bằng của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và sẽ gây tổn hại cho các công ty Trung Quốc.
Trong một tuyên bố, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc Ji Rong nhấn mạnh: "Chúng tôi kêu gọi phía Ấn Độ lập tức sửa sai các biện pháp phân biệt đối xử này và tránh gây thêm tổn hại cho sự hợp tác song phương". (Reuters)
Vụ Nga bắt giữ ông Navalny: G7 'đòi' Nga thả người, đơn kháng cáo của ông Navalny được thụ lý
Ngày 26/1, Ngoại trưởng Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ra tuyên bố chung lên án vụ Nga bắt giam thủ lĩnh đối lập Alexei Navalny và người biểu tình, đồng thời kêu gọi Nga ngay lập tức trả tự do cho những người bị bắt.
Cùng ngày, ông Leonid Volkov, một đồng minh thân cận của ông Navalny cho biết, một tòa án ở Moscow sẽ xem xét đơn kháng án của ông Navalny vào ngày 28/1.
Trên Twitter, ông này cũng kêu gọi người Nga trên khắp cả nước xuống đường biểu tình vào ngày 31/1 "vì sự tự do cho ông Navalny, tự do cho tất cả và vì công lý". (AFP, Reuters)
Sợ Iran có bom hạt nhân, Tướng Israel ra lệnh xây dựng kế hoạch tấn công
Ngày 26/1, Tổng Tham mưu trưởng Các Lực lượng Phòng vệ Israel Trung Tướng Aviv Kohavi đã miêu tả Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) là một thỏa thuận Israel không thể chấp nhận được cả về mức độ chiến lược lẫn chiến dịch.
Cho rằng nếu JCPOA tồn tại, Iran rồi sẽ có thể tiến tới việc chế tạo một quả bom hạt nhân, Tướng Kohavi khẳng định: "Bất cứ thỏa thuận nào giống như hiện nay hay một phiên bản được cải tiến khác sẽ đều tội tệ và không được phép... về mặt chiến lược và chiến dịch".
Ông này thừa nhận đã chỉ thị quân đội Iran phải xây dựng “một số kế hoạch tác chiến bổ sung cho những kế hoạch hiện có” trong vòng 1 năm nhằm chuẩn bị cho trường hợp giới lãnh đạo Israel quyết định tấn công Iran. (Sputnik News, AP)
New START: Moscow mang hy vọng về tương lai kiểm soát vũ khí, Trung Quốc hoan nghênh
Ngày 27/1, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết, Moscow hy vọng có các cuộc đàm phán thành công với Mỹ về tương lai của vấn đề kiểm soát vũ khí trong vòng 5 năm tới, mà theo đó Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) có thể tiếp tục được gia hạn.
Trong khi đó, cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết, Bắc Kinh hoan nghênh thỏa thuận Nga-Mỹ mới đây về gia hạn thêm 5 năm Hiệp ước New START. (Sputnik)
Bán đảo Triều Tiên: Trung Quốc ủng hộ sáng kiến của Hàn Quốc, Seoul liên lạc với Nga, Mỹ
Ngày 27/1, Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Moon Jae-in, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tỏ ra hết sức ủng hộ sáng kiến phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên của Seoul, đồng thời kêu gọi các nỗ lực phù hợp với lợi ích chung của cả hai nước.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken đã nhất trí rằng vấn đề hạt nhân Triều Tiên là một vấn đề cấp bách mà Seoul và Washington cần hợp tác tham vấn chặt chẽ để giải quyết.
Trong khi đó, Phó đặc phái viên hạt nhân của Hàn Quốc và Nga cũng đã có cuộc điện đàm để thảo luận về những diễn biến mới nhất ở Triều Tiên, bao gồm cả Đại hội VIII của Đảng Lao động vừa diễn ra đầu tháng này tại Bình Nhưỡng cũng như hợp tác để thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn và thiết lập hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. (Yonhap)
Mỹ tái khẳng định cam kết với khả năng phòng thủ tập thể của NATO
Ngày 26/1, trong cuộc điện đàm với Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg, ông Biden đã tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với phòng thủ tập thể theo Điều 5 của NATO và nhấn mạnh cam kết của ông nhằm củng cố an ninh xuyên Đại Tây Dương.
Về phần mình, ông Stoltenberg đã thông báo với tân Tổng thống Mỹ về việc chuẩn bị cuộc họp thượng đỉnh sắp tới của liên minh này và thảo luận về các thách thức bao gồm khủng bố, sự quyết đoán của Nga và sức mạnh đang trỗi dậy của Trung Quốc. (Reuters)
Lý do Philippines hủy hợp tác nâng cấp sân bay với công ty Trung Quốc
Ngày 27/1, Công ty dịch vụ hàng không Philippines MacroAsia Corp xác nhận việc hủy bỏ lựa chọn và ủy thác Dự án nâng cấp Sân bay Quốc tế Sangley Point ở Cavite, Philippines, trị giá 10 tỷ USD cho Công ty TNHH Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (CCCC).
Tỉnh trưởng tỉnh Cavite Juanito Victor Remulla nói rằng, hồ sơ của liên danh CCCC-MacroAsia "thiếu 3 hoặc 4 mục", cho rằng đây là "dấu hiệu họ không cam kết đầy đủ đối với dự án".
Chính quyền Cavite sẽ bắt đầu đàm phán với một đối tác tư nhân khác nhằm xúc tiến dự án nâng cấp sân bay nói trên. (Reuters)