📞

Tin thế giới 27/10: Belarus trong 'cuộc chiến tranh lai'; 'Niềm vui nhỏ' của ông Trump trước bầu cử; Nga nói về sai lầm nghiêm trọng

Hoàng Hà 19:45 | 27/10/2020
TGVN. Tình hình Belarus, bầu cử Mỹ 2020, quan hệ của Mỹ với Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, EU, Iran, tình hình Đông Địa Trung Hải và căng thẳng mới nhất giữa Trung Quốc-Hàn Quốc liên quan phát biểu của ông Tập Cận Bình là một số sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.

Tình hình Belarus

Belarus trở thành mục tiêu của cuộc chiến tranh lai

Ngày 27/20, Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Viktor Khrenin cho rằng, sau khi thất bại trong "cuộc cách mạng màu", giờ đây phương Tây tiếp tục thực hiện một cuộc chiến tranh lai và "gây áp lực chưa từng có" ở nước này.

Phát biểu trong cuộc họp chung với Nga, ông Khrenin nói: “Nỗ lực bất thành trong việc tổ chức một “cuộc cách mạng màu” đã được thay thế bằng một cuộc chiến tranh lai và các biện pháp gây áp lực về ngoại giao và kinh tế-chính trị chưa từng có”.

Theo Bộ trưởng Khrenin, "các lực lượng phá hoại khác nhau, được thúc đẩy bởi sự lãnh đạo của một số quốc gia", đã cố gắng thay đổi quyền lực ở đất nước của ông

Tuy vậy, "họ đã không thành công vì các sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước và người dân Belarus", ông Khrenin tin tưởng.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng Belarus bày tỏ cảm ơn Nga về "lập trường cũng như sự hỗ trợ" đối với Minsk trong thời điểm này. (Sputnik)

Bầu cử Mỹ 2020

Ông Trump đón tin vui, đồng minh ngồi vào ghế Thẩm phán Tòa án Tối cao

Ngày 26/10, sau khi được Thượng viện Mỹ phê chuẩn trở thành Thẩm phán Tòa án Tối cao, bà Amy Coney Barrett đã tuyên thệ nhậm chức tại buổi lễ ngoài trời diễn ra tại vườn hoa phía Nam của Nhà Trắng.

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng thống Donald Trump đánh giá cao những phẩm chất và thành tích của bà Barrett, đồng thời nhấn mạnh người dân Mỹ đặt niềm tin vào nữ thẩm phán khi bà nhận nhiệm vụ bảo vệ luật pháp, Hiến pháp của Mỹ.

Ông chủ Nhà Trắng lên tiếng ca ngợi việc bổ nhiệm bà Barrett là "một ngày trọng đại đối với nước Mỹ, với Hiến pháp của Mỹ và đối với sự công bằng, bình đẳng của luật pháp".

Việc bổ nhiệm bà Barrett vào vị trí trên trước khi diễn ra bầu cử Tổng thống Mỹ đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của đảng Dân chủ do đảng này lo ngại việc bổ nhiệm trên sẽ khiến cán cân quyền lực tại Tòa án Tối cao Mỹ nghiêng sang phe bảo thủ nhiều hơn với 6 thẩm phán theo tư tưởng bảo thủ và 3 thẩm phán theo tư tưởng tự do. (AFP)

Tổng thống Trump nghi ngờ đảng Cộng hòa khó giữ được thế đa số trong Thượng viện

Ngày 26/10, trong cuộc họp kín với các nhà tài trợ, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng, đảng Cộng hòa sẽ khó giữ được thế đa số trong Thượng viện sau cuộc bầu cử sắp tới.

Washington Post dẫn lời một trong số những người tham gia cuộc họp giữa Tổng thống Trump với các nhà tài trợ tại Nashville trong tuần này cho biết, ông Trump nhìn nhận tình hình với các đảng viên Cộng hòa tại Thượng viện là "rất khó khăn".

Bên cạnh đó, ông Trump tin rằng đảng Cộng hòa sẽ có thể "giành lại Hạ viện", nơi mà hiện nay đảng này không có đa số ghế.

Trong cuộc bầu cử ngày 3/11, người Mỹ sẽ phải bầu Tổng thống, 1/3 Thượng viện và toàn bộ Hạ viện. Hiện đảng Cộng hòa có 53 ghế tại Thượng viện, so với 47 ghế của đảng Dân chủ. Đảng Dân chủ cần 4 ghế để đạt đa số 51 phiếu. Tại Hạ viện, cán cân quyền lực có vẻ khác: hiện nay đảng Dân chủ chiếm 235 ghế trong khi 197 ghế thuộc về đảng Cộng hòa. (Sputnik)

Đông Địa Trung Hải

Nga sẵn sàng hỗ trợ giải quyết căng thẳng tại Đông Địa Trung Hải

Ngày 26/10, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã có chuyến thăm Hy Lạp và gặp Thủ tướng cùng người đồng cấp nước chủ nhà thảo luận về quan hệ song phương, các vấn đề khu vực cũng như quốc tế, đặc biệt là tình hình Đông Địa Trung Hải.

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Hy Lạp, Ngoại trưởng Nga tái khẳng định, căng thẳng ở khu vực cần được tháo gỡ càng sớm càng tốt để hướng tới giải quyết mọi vấn đề còn tồn đọng thông qua đối thoại trực tiếp, đồng thời hối thúc Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ nối lại đàm phán để giải quyết những khác biệt về hải giới ở khu vực Đông Địa Trung Hải trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Nhà ngoại giao hàng đầu Nga cũng cho rằng, đối thoại cũng áp dụng với các vấn đề có liên quan Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, khi các vấn đề phát sinh giữa các quốc gia láng giềng có giao thoa về lợi ích và cần phải có một giải pháp thông qua các thỏa thuận chuyển tiếp.

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh, Nga nằm gần và có quan hệ tốt, ổn định với các quốc gia trong khu vực Địa Trung Hải và nếu các đối tác mong muốn và đồng thuận, Nga sẽ sẵn sàng tham gia vào quá trình bình thường hóa khu vực. (Sputnik)

Nga-Mỹ

Tổng thống Putin nói về 'sai lầm nghiêm trọng' của Mỹ

Ngày 26/10, Sputnik dẫn tuyên bố từ điện Kremlin cho hay, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) là "sai lầm nghiêm trọng, làm tăng nguy cơ dẫn tới một cuộc chạy đua tên lửa, gia tăng khả năng đối đầu và leo thang không kiểm soát”.

Theo ông Putin, Hiệp ước INF là yếu tố quan trọng trong cấu trúc an ninh toàn cầu cũng như trong việc "thực hiện khả năng dự đoán và kiềm chế trong lĩnh vực liên quan tới tên lửa trên khắp châu Âu”.

Moscow nói thêm, Nga sẵn sàng thực hiện các bước đi cần thiết để giảm bớt tác động do sự sụp đổ của hiệp ước INF: “Chúng tôi cũng kêu gọi tất cả quốc gia liên quan tìm kiếm kế hoạch để duy trì sự ổn định và ngăn chặn cuộc khủng hoảng tên lửa trong một thế giới không có Hiệp ước INF liên quan tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác theo hướng này”. (Sputnik)

Mỹ-Trung Quốc

Trung Quốc siết kiểm soát 6 hãng truyền thông của Mỹ

Ngày 26/10, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra thông báo về hạn chót để 6 cơ quan truyền thông Mỹ phải báo cáo hoạt động của mình ở Bắc Kinh nhằm đáp trả các động thái tương tự của Mỹ hôm 21/10 liệt thêm 6 cơ quan báo chí Trung Quốc vào diện "phái bộ nước ngoài", nâng tổng số các cơ quan báo chí của Trung Quốc tại Mỹ bị Washington "sờ gáy" lên 15.

Danh sách này bao gồm American Broadcasting Corporation (ABC), Los Angeles Times, Newsweek, Feature Story News, Bureau of National Affairs và Minnesota Public Radio.

“Trung Quốc yêu cầu các chi nhánh (của 6 cơ quan truyền thông Mỹ) tại Trung Quốc phải thông báo bằng văn bản cung cấp thông tin về nhân viên, tài chính, hoạt động và bất động sản của họ tại Trung Quốc trong vòng một tuần", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói

Theo Trung Quốc, đây là hành động “hợp pháp” và “phòng vệ” phù hợp nhằm đáp trả Mỹ, đồng thời cảnh báo, nếu Mỹ “lựa chọn tiếp tục đi vào con đường sai trái”, Washington có thể sẽ phải đối mặt thêm các biện pháp đáp trả từ Bắc Kinh. (Straits Times)

Mỹ-EU

WTO 'bật đèn xanh' cho EU trả đũa Mỹ

Ngày 26/10, Cơ quan Giải quyết Tranh chấp của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã chính thức cho phép Liên minh châu Âu (EU) thực hiện các biện pháp trả đũa Mỹ vì trợ cấp bất hợp pháp dành cho hãng sản xất máy bay nước này Boeing.

Cùng ngày, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo, EU đang chuẩn bị các biện pháp đáp trả Mỹ sau khi được WTO "bật đèn xanh", theo đó, EU có thể tăng thuế đối với khối hàng hóa xuất khẩu của Mỹ với trị giá lên tới 4 tỷ USD.

Ủy viên Thương mại của EC Valdis Dombrovskis, cho biết hiện tại Ủy ban đang hoàn thiện quy trình chuẩn bị các biện pháp trả đũa với sự tham vấn chặt chẽ từ các thành viên EU. Ông Dombrovskis nhấn mạnh, ưu tiên của EU là đạt được giải pháp tháo gỡ vấn đề thông qua đàm phán với Mỹ.

Tuy nhiên, nếu không đạt được kết quả đàm phán như mong đợi, EU sẵn sàng có hành động tuân thủ phán quyết của WTO. (THX)

Mỹ-Ấn Độ

Ấn, Mỹ cam kết hợp tác đối phó mọi mối đe dọa, kể cả Trung Quốc

Ngày 27/10, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, nước này và Ấn Độ sẽ hợp tác đối phó với mọi mối đe dọa, kể cả Trung Quốc.

Phát biểu khai mạc Đối thoại 2+2 cấp bộ trưởng lần thứ ba với sự tham dự của các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng hai nước, ông Pompeo nói rằng: "Chúng ta có rất nhiều điều để thảo luận ngày hôm nay (27/10), từ hợp tác đẩy lùi đại dịch bắt nguồn từ Vũ Hán (Trung Quốc), đối đầu với các mối đe dọa từ Trung Quốc đối với an ninh và tự do, cho đến việc thúc đẩy hòa bình và ổn định trong toàn khu vực".

Ông Pompeo hiện đang ở New Delhi trong chặng dừng chân đầu tiên của ông tới châu Á nhằm mục đích củng cố liên minh chống Bắc Kinh. (Reuters, Kyodo)

Trung Quốc-Hàn Quốc

Hàn Quốc phản bác phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Ngày 27/10, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha đã bác bỏ tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong bài phát biểu ngày 23/10 về chiến tranh Triều Tiên rằng, Bắc Kinh đã chiến đấu chống lại "đế quốc xâm lược" trong cuộc chiến tranh này.

Phát biểu trước Quốc hội, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha nói: "Tranh luận quốc tế về vấn đề này đã kết thúc rồi", nói thêm rằng Triều Tiên đã khơi mào cuộc chiến.

Bà Kang khẳng định rằng: "Sự thực rõ ràng được công khai và thừa nhận bởi Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Chúng tôi đang triển khai các biện pháp liên lạc cần thiết với Trung Quốc liên quan tới vấn đề này". (Japan Times)

Mỹ-Iran

Iran khuyên Mỹ "từ bỏ thói quen" áp đặt lệnh trừng phạt

Ngày 26/10, trên mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nhận định: "Ông Robert O'Brien, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng Mỹ, gần đây đã thừa nhận Mỹ đã cạn kiệt các phương án trừng phạt để gây tổn thương cho người dân Iran. Cuối cùng đã đến lúc Mỹ phải thừa nhận rằng họ bị lệ thuộc vào các lệnh trừng phạt. Hãy từ bỏ thói quen đó đi".

Theo nhà ngoại giao Iran, cuộc chiến kinh tế chống lại nước Cộng hòa Hồi giáo "sẽ khiến Mỹ giảm tầm ảnh hưởng hơn, chứ không phải là gia tăng nó".

Hôm 25/10, ông O'Brien cho biết khả năng để Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga và Iran còn lại không nhiều, tuy nhiên họ đang nghiên cứu tìm ra những phương án ngăn chặn khác.

Sau đó một ngày, Mỹ thông báo áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Iran, nhằm mục tiêu vào lĩnh vực dầu mỏ của nước Cộng hòa Hồi giáo này. Theo đó, Bộ trưởng Dầu khí, Công ty Dầu mỏ Quốc gia Iran và Công ty Tàu chở dầu Quốc gia Iran đã bị Bộ Tài chính Mỹ liệt vào danh sách đen. (Reuters)