Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tại Caracas, ngày 29/7, sau khi kết quả kiểm phiếu sơ bộ bầu cử Tổng thống được công bố. (Nguồn: AFP) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Châu Á – Thái Bình Dương
*Thái Lan bắt giữ nhiều lao động nước ngoài bất hợp pháp: Bộ Lao động Thái Lan mới đây thông báo hơn 100.000 công nhân Myanmar đã bị bắt trong chiến dịch trấn áp lao động bất hợp pháp kéo dài 120 ngày.
Theo Bộ Lao động Thái Lan, tổng cộng đã có 147.726 lao động nhập cư không có giấy tờ đã bị bắt giữ. Trong số những người bị bắt giữ có 110.130 đến từ Myanmar, 22.999 đến từ Campuchia, 9.675 đến từ Lào và khoảng 5.000 người đến từ các quốc gia khác.
Các lao động bị phát hiện vi phạm các quy định về giấy phép phải đối mặt với mức phạt tiền từ 140-1.400 USD, bị trục xuất và đình chỉ việc xin cấp giấy phép lao động trong vòng 2 năm. Trong khi đó, chủ lao động phải chịu mức phạt từ 280 – 2.800 USD cho mỗi lao động không có giấy phép hợp lệ bị bắt giữ. (Bangkok Post)
*Philippines, Nhật Bản lần đầu tiên tập trận chung ở Biển Đông: Quân đội Philippines thông báo ngày 2/8, Hải quân Philippines và Lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản đã tiến hành các cuộc tập trận chung lần đầu tiên ở Biển Đông.
Trong một thông cáo, các lực lượng vũ trang Philippines cho hay: "Hoạt động này là một phần trong những nỗ lực đang diễn ra nhằm tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế hướng tới hiện thực hóa một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở". (Reuters)
*Đức gia nhập Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc tại Hàn Quốc: Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius thông báo ngày 2/8, nước này đã chính thức gia nhập Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc (UNC) do Mỹ đứng đầu ở Hàn Quốc.
Theo đó, Đức sẽ gia nhập nhóm các quốc gia giám sát biên giới với Triều Tiên và cam kết giúp bảo vệ Hàn Quốc trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Đức là quốc gia thứ 18 tham gia UNC.
Phát biểu trong buổi lễ diễn ra tại trụ sở quân sự chính của Mỹ tại Pyeongtaek, phía Nam Seoul, ông Pistorius khẳng định bước đi này là "dấu hiệu rõ ràng" cho cam kết của Berlin đối với hòa bình và an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Là một phần của UNC, Đức sẽ chia sẻ trách nhiệm bảo vệ biên giới của Hàn Quốc với Triều Tiên. (Reuters)
Châu Âu
*Nga triển khai mạng lưới gián điệp chống tiêm kích F-16: Tướng về hưu của lực lượng vũ trang Ukraine Sergei Krivonos cho biết Nga đã triển khai mạng lưới gián điệp khắp các sân bay Ukraine nhằm đối phó với các chiến đấu cơ F-16.
Theo ông Krivonos, phía Nga đang nghiên cứu nhiều phương án khác nhau để chống lại F-16 và tiêu diệt chúng và các sân bay sẽ sớm phải đối mặt với các cuộc tấn công bằng tên lửa và thiết bị bay không người lái.
Hôm 31/7, truyền thông phương Tây cho hay lô F-16 đầu tiên đã tới Ukraine và Kiev sẽ sớm tiếp nhận thêm máy bay. Tờ New York Post trước đó đưa tin lực lượng vũ trang Ukraine đang thiếu phi công đủ khả năng lái máy bay chiến đấu F-16. (AFP)
*Ukraine rút khỏi một số điều ước quốc tế: Ngày 2/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng việc Ukraine rút khỏi một số điều ước quốc tế không ảnh hưởng đến sự phát triển tương tác trên nền tảng Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG).
Bà Zakharova nói: “Ủy ban điều hành SNG đã nhận được thông báo về việc Kiev rút khỏi 134 thỏa thuận. Tất nhiên, đây là vấn đề của chính Ukraine, nhưng như chúng tôi đã nhiều lần lưu ý, những bước đi như vậy trước hết gây tổn hại đến lợi ích của người dân Ukraine, bởi vì SNG là một định dạng tập trung vào nhu cầu của người dân và khuyến khích hợp tác ở những khu vực quan trọng”. (Sputnik)
*Nga tuần tra phòng không với đầu đạn hạt nhân giả: Hãng tin Interfax hôm 2/8 đưa tin, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố các đơn vị không quân nước này đã tiến hành tuần tra với đầu đạn giả như một phần của các cuộc tập trận hạt nhân. Tổng thống Putin đã ra lệnh tập trận hạt nhân sau khi Moscow cho rằng đang bị phương Tây đe dọa.
Cũng trong ngày 2/8, Bộ Quốc phòng Nga thông báo binh sĩ từ các quân khu miền Nam và miền Trung nước Nga đã được huấn luyện về trang bị đầu đạn đặc biệt cho tên lửa và chiếm lĩnh các vị trí phục vụ cho việc phóng tên lửa điện tử trong giai đoạn ba của cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật. (Reuters/Sputnik)
*Nga điều Su-35 tuần tra Biển Đen: Bộ Quốc phòng Nga cho biết, các máy bay tiêm kích Su-35S chiếm ưu thế trên không của Lực lượng Không quân vũ trụ Nga đã thực hiện một nhiệm vụ tuần tra trên vùng biển trung lập của Biển Đen để ngăn chặn các máy bay nước ngoài vi phạm không phận chủ quyền của Nga.
Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Ngacó đoạn: "Các phi công của máy bay tiêm kích siêu cơ động Su-35S của Lực lượng Không quân vũ trụ Nga với động cơ đẩy vector đã thực hiện một nhiệm vụ tuần tra thường lệ trên vùng biển trung lập của Biển Đen trong khu vực trách nhiệm của nhóm tác chiến phía Nam.
Mục tiêu của nhiệm vụ là ngăn chặn các máy bay và thiết bị bay không người lái của các nước ngoài vi phạm biên giới không phận có chủ quyền của Nga". (TASS)
Trung Đông-châu Phi
*Israel khuyến cáo công dân không nên tới 40 quốc gia: Ngày 2/8, Hội đồng An ninh Quốc gia Israel (NSC) ra cảnh báo công dân tránh đi lại tới khoảng 40 quốc gia được xếp vào mức độ đe dọa từ trung bình đến cao, trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Nhà nước Do Thái với các đối thủ trong khu vực.
Thông báo của NSC nêu rõ: “Sau các sự kiện gần đây, Iran, Hezbollah và Hamas (cùng các phe phái khác) đã tuyên bố ý định trả thù cho cái chết của Ismail Haniyeh - lãnh đạo chính trị của Hamas và Fuad Shukr – chỉ huy đơn vị chiến lược của Hezbollah.
Các vụ ám sát quan chức cấp cao của Hezbollah và Hamas xảy ra liên tiếp sau vụ tấn công của Hezbollah vào một thị trấn ở Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát, khiến thế giới lo ngại Israel và các quốc gia và thực thể thù địch sẽ bị cuốn vào một vòng xoáy bạo lực mới. (Al Jazeera)
*Hezbollah nã tên lửa vào miền Bắc Israel: Lực lượng Hezbollah ở Liban cho biết họ đã nã loạt tên lửa vào miền Bắc Israel ngày 1/8 "để đáp trả" một cuộc tấn công chết người của Israel vào miền Nam Lebanon. Đây cũng là cuộc tấn công đầu tiên của Hezbollah sau khi Israel tiêu diệt một chỉ huy cấp cao của lực lượng này đêm 30/7.
Quân đội Israel cho biết ngay sau vụ tấn công, lực lượng không quân nước này đã "tấn công bệ phóng của Hezbollah, nơi các tên lửa được phóng đi". Trước đó cùng ngày, Bộ Y tế Lebanon cho biết 4 người Syria đã thiệt mạng và 5 công dân Lebanon bị thương trong một cuộc tấn công của Israel vào ngôi làng Shama ở phía Nam Liban. (Al Jazeera)
*Iran kêu gọi ngăn chặn Israel để cứu vãn hòa bình: Ngày 2/8, quyền Ngoại trưởng Iran Ali Bagheri Kani cáo buộc Israel đã gây đổ máu và phá hủy Dải Gaza trong 10 tháng qua và hiện đang “mở rộng phạm vi” sang Lebanon, Iran và Yemen.
Theo ông Kani, nếu hành động của Israel không bị ngăn chặn, hòa bình ở khu vực Trung Đông và trên toàn thế giới sẽ gặp nguy hiểm.
Nhà ngoại giao Iran nhấn mạnh: "Trong 10 tháng qua, Israel đã gây ra đổ máu và tàn phá ở Dải Gaza, và hiện đang mở rộng phạm vi tội ác sang Beirut, Tehran và Yemen. Nếu không bị ngăn chặn sẽ gây nguy hiểm nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh trong khu vực và trên thế giới". (Sputnik)
*Cựu Ngoại trưởng Iran Zarif được chọn làm Phó Tổng thống: Hãng thông tấn chính thức IRNA của Iran đưa tin, ngày 1/8, Tổng thống nước này Masoud Pezeshkian đã bổ nhiệm cựu Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif làm Phó Tổng thống phụ trách các vấn đề chiến lược và người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược.
Trong sắc lệnh, Tổng thống Iran yêu cầu ông Zarif theo dõi và trực tiếp báo cáo về những diễn biến quan trọng trong nước và quốc tế, mức độ thành công của chính quyền trong việc đạt được các mục tiêu do Hiến pháp nước này đề ra, cũng như việc thực hiện tài liệu tầm nhìn 20 năm và các chính sách chung của Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei.
Ông Zarif, 64 tuổi, từng đảm trách chức vụ Ngoại trưởng Iran từ năm 2013 đến năm 2021 trong chính phủ của cựu Tổng thống Hassan Rouhani. (Al Jazeera)
*Mỹ, UAE thảo luận về nỗ lực ngừng bắn ở Gaza: Ngày 2/8, phái bộ Mỹ tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) thông báo Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã thảo luận với người đồng cấp UAE Abdullah bin Zayed Al Nahyan về các nỗ lực ngoại giao nhằm đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza của Palestine.
Bên cạnh đó, hai ngoại trưởng cũng thảo luận về vấn đề phóng thích con tin và tăng cường viện trợ nhân đạo. Trước đó ngày 1/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ quan ngại về căng thẳng gia tăng ở Trung Đông và đã hối thúc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhanh chóng đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza. (Reuters)
Châu Mỹ - Mỹ Latinh
*EU lập nhóm đặc trách chuẩn bị khả năng ông Trump trở lại Nhà Trắng: Ngày 2/8, tờ Financial Times tiết lộ Ủy ban châu Âu (EC) đã thành lập một nhóm quan chức để chuẩn bị cho khả năng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
Nhóm đặc trách trên do văn phòng của Ủy viên minh bạch Liên minh châu Âu (EU) Ilze Juhansone khởi xướng nhằm xem xét các vấn đề thương mại, cạnh tranh và đối ngoại trong bối cảnh xuất hiện lo ngại rằng Chính quyền Trump có thể tái áp dụng thuế quan thương mại và điều chỉnh sự hỗ trợ đối với Ukraine.
Nhóm đặc trách cũng sẽ đánh giá về Phó Tổng thống Mỹ đương nhiệm Kamala Harris và khả năng chiến thắng của bà ảnh hưởng đến mối quan hệ Mỹ-EU.
Bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 5/11. Theo các cuộc thăm dò toàn quốc, ứng cử viên của đảng Cộng hòa Donald Trump hiện đang dẫn đầu cuộc đua, theo sau là ứng viên đảng Dân chủ Kamala Harris. (Sputnik)
*Nga công nhận chiến thắng của Tổng thống Venezuela: Ngày 2/8, Chủ tịch Quốc hội Nga Vyacheslav Volodin cho biết các nhà quan sát bầu cử nước này công nhận chiến thắng của Tổng thống Venezuela Nicolas Madurolà hợp pháp và phản ánh sự lựa chọn của người dân.
Trước đó, Hội đồng bầu cử quốc gia Venezuela công bố ông Maduro là người người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 28/7 với 51% số phiếu bầu.
Bất ổn đã nổ ra một ngày sau cuộc bầu cử, dẫn đến các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình ở thủ đô Caracas. Chính phủ Venezuela cáo buộc một số quốc gia can thiệp vào cuộc bầu cử. (Sputnik)
*Tổng thống Venezuela tuyên bố sẵn sàng nối lại đối thoại với Mỹ: Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro một lần nữa tuyên bố sẵn sàng nối lại đối thoại với Mỹ, đồng thời kêu gọi Washington từ bỏ các mối đe dọa đối với Caracas và tuân theo các thỏa thuận đạt được ở Qatar vào năm 2023.
Trên mạng xã hội X, ông Maduro nói: “Tôi vẫn luôn nói rằng nếu Chính phủ Mỹ sẵn sàng tôn trọng chủ quyền và chấm dứt việc đe dọa Venezuela, chúng tôi có thể nối lại đối thoại, nhưng phải dựa trên một điểm: Tuân thủ các thỏa thuận Qatar".
Tài liệu có chữ ký của ông Maduro là bản sao biên bản ghi nhớ (MoU) giữa Mỹ và Venezuela ngày 28/9/2023, trong đó liệt kê các bước đi cụ thể của hai bên được chia thành 3 giai đoạn nhằm “tiến tới bình thường hóa quan hệ ngoại giao”. (Sputnik)
*Bầu cử Mỹ 2024: Mâu thuẫn giữa cựu Tổng thống Trump và các nhà lập pháp đảng Cộng hòa: Tờ The Hill ngày 1/8 cho biết các nhà lập pháp đảng Cộng hòa quan tâm đến an ninh quốc gia đang lo ngại về sự chia rẽ ngày càng gia tăng giữa họ và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump về các vấn đề chính, như cuộc chiến ở Ukraine, duy trì liên minh NATO và vấn đề Đài Loan (Trung Quốc).
Các Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa quan tâm tới vấn đề quốc phòng coi việc ông Trump mời Thủ tướng Hungary Viktor Orban tới khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida sau Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington là một diễn biến đáng lo ngại, xét đến mối quan hệ thân thiết của ông Orban với Tổng thống Nga Vladimir Putin và những nỗ lực của ông này nhằm làm suy yếu sự ủng hộ của NATO đối với việc bảo vệ Ukraine. (AP)
*Argentina giao Đại sứ quán tại Venezuela cho Brazil: Ngày 1/8, Bộ Ngoại giao Argentina thông báo các nhân viên ngoại giao nước này đã rời Caracas theo yêu cầu của Chính phủ Venezuela và trụ sở Đại sứ quán Argentina sẽ giao lại cho Brazil hỗ trợ quản lý.
Brazil, Mexico và Italy đã hỗ trợ Chính phủ Argentina trong việc đưa nhân viên ngoại giao nước này rút khỏi Venezuela sau khi Tổng thống Nicolas Maduro yêu cầu đóng cửa Đại sứ quán Argentina trong vòng 72 tiếng vì Tổng thống Javier Milei không công nhận kết quả bầu cử tại nước này ngày 28/7 vừa qua. (Reuters)