Ukraine
Ukraine 'cấm cửa' các hãng hàng không Nga và Syria từng bay tới Crimea
Ngày 27/1, Chính phủ Ukraine đã thông qua một dự thảo nghị quyết cấm "quá cảnh, các chuyến bay" của 13 hãng hàng không khu vực của Nga và hãng Cham Wings của Syria bay vào lãnh thổ nước này trong 3 năm.
Tuyên bố của Ukraine có đoạn: "Các hãng hàng không của LB Nga đã vi phạm một cách có hệ thống thủ tục sử dụng không phận của Ukraine. Vi phạm bao gồm các chuyến bay vào khu vực bị cấm trên lãnh thổ tạm bị chiếm đóng của Cộng hòa tự trị Crimea”.
Dự thảo này sẽ cần phải được Hội đồng An ninh Quốc gia Ukraine, do Tổng thống Volodymyr Zelensky đứng đầu, thông qua mới có hiệu lực. (Reuters)
Ukraine khởi tố vụ án hình sự liên quan đến ông Joe Biden
Ngày 27/1, Luật sư Igor Golovan của cựu Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho biết, Ukraine đã khởi tố 2 vụ án hình sự liên quan ông Poroshenko và Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Các vụ án này có thể liên quan tới sự can thiệp của cựu nguyên thủ quốc gia Ukraine và đương kim Tổng thống Mỹ trong hoạt động của cựu Tổng công tố Ukraine Viktor Shokin.
Các vụ án mới này được khởi tố theo đơn kiện của ông Andrey Derkach, nghị sĩ không đảng phái trong Verkhovna Rada (Quốc hội Ukraine). Trước đó, ngày 26/1, có tin cho biết Ukraine đã đóng vụ kiện đối với ông Poroshenko về tội lạm dụng quyền lực. (Kyiv Post)
Các nước Bộ Tứ Normandy thảo luận về tình hình Donbas
Ngày 27/1, Văn phòng Tổng thống Ukraine thông báo, các cố vấn chính trị của lãnh đạo các nước Bộ Tứ Normandy (Pháp, Đức, Nga và Ukraine) đã tổ chức một hội nghị trực tuyến và thảo luận các bước đi để thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Donbas.
Các bên đã nhất trí tiếp tục các cuộc tham vấn ở những hội nghị tiếp theo ở cấp cố vấn. (Sputnik)
Mỹ
Mỹ ban hành cảnh báo khủng bố toàn quốc
Ngày 27/1, Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) đã ban hành một cảnh báo khủng bố toàn quốc, viện dẫn mối đe dọa tiềm tàng từ những kẻ cực đoan chống Chính phủ trong nước phản đối ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ.
Bản tin Hệ thống Tư vấn Khủng bố Quốc gia nhấn mạnh, mối đe dọa ngày càng tăng về những vụ tấn công sẽ duy trì trong nhiều tuần sau lễ nhậm chức thành công của Tổng thống, đã diễn ra ngày 20/1 vừa qua. (AFP)
Mỹ phô trương sức mạnh quân sự, điều B-52 đến Trung Đông
Ngày 27/1, Lầu Năm Góc cho biết, máy bay ném bom chiến lược B-52H Stratofortress của Mỹ, có khả năng mang cả vũ khí hạt nhân, đã có chuyến bay khứ hồi từ Căn cứ Không quân Barksdale ở Louisiana qua Trung Đông, trong động thái phô trương sức mạnh của chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Trong một tuyên bố, Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ cho biết, động thái này chứng minh khả năng của quân đội Mỹ trong việc triển khai sức mạnh không quân ở bất kỳ đâu trên thế giới nhằm ngăn chặn hành động xâm lược tiềm năng và thể hiện cam kết của Mỹ đối với an ninh khu vực.
Ngoài ra, tuyên bố cũng cam kết đảm bảo an ninh cho đối tác và duy trì sự ổn định trong khu vực. (Aljazeera)
Mỹ-Trung Quốc
Mỹ bác các yêu sách quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông
Ngày 27/1 (giờ Mỹ), trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Philippines Teodoro Locsin, Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho biết, Washington bác bỏ các yêu sách hàng hải quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông “bởi những yêu sách đó đã vượt quá vùng biển mà Bắc Kinh được phép tuyên bố chủ quyền theo luật pháp quốc tế”.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, hai Ngoại trưởng đã nhất trí rằng, một liên minh song phương vững mạnh là yếu tố quan trọng cho một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương “tự do và rộng mở” trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hành động quyết liệt hơn trong khu vực.
Trong một cuộc điện đàm khác với người đồng cấp Australia Marise Payne, hai bên khẳng định cam kết tăng cường hợp tác trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ông Blinken nhấn mạnh, tầm quan trọng của hợp tác thông qua các tổ chức và cơ chế đa phương như nhóm Bộ tứ QUAD (Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia) để ứng phó với các thách thức như đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu. (Kyodo)
Trung Quốc cảnh báo Mỹ không “chính trị hóa” cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19
Ngày 28/1, các chuyên gia từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã bắt đầu tiến hành cuộc điều tra chính thức tại thành phố Vũ Hán, miền Trung Trung Quốc, nơi virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 được phát hiện lần đầu tiên vào cuối năm 2019.
Trong một động thái nhằm chỉ trích Washington, cùng ngày, Trung Quốc cho rằng, các chuyên gia của WHO đang tham gia cuộc điều tra phải được làm việc mà không bị “can thiệp chính trị”.
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nhấn mạnh, Bắc Kinh hy vọng Mỹ có thể “tôn trọng sự thật và khoa học, tôn trọng công việc của nhóm chuyên gia quốc tế của WHO” và cho phép họ làm việc mà không bị “can thiệp chính trị”. (AFP, Kyodo)
Trung Quốc kêu gọi Mỹ tăng cường đối thoại để giải quyết bất đồng
Ngày 27/1, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải cho rằng, Washington và Bắc Kinh "có số lượng không nhỏ những khác biệt và bất đồng".
Theo ông Thôi, "cách duy nhất giúp Trung Quốc và Mỹ thoát khỏi những khác biệt và bất đồng là đối thoại thẳng thắn và bình đẳng trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau".
Đối với các vấn đề cụ thể, nhà ngoại giao Trung Quốc cho rằng, hai nước nên tìm kiếm các giải pháp mà cả hai bên đều có thể chấp nhận được trên cơ sở thiện chí, chân thành. (THX)
Nhà Trắng cam kết bảo vệ bảo mạng viễn thông Mỹ khỏi mối đe dọa của Huawei
Ngày 27/1, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, chính quyền tân Tổng thống Biden sẽ làm việc nhằm bảo vệ các mạng viễn thông của Mỹ khỏi mối đe dọa đối với an ninh của Mỹ và đồng minh từ các nhà cung cấp không đáng tin cậy như tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc.
Chính quyền Mỹ sẽ đảm bảo mạng viễn thông của quốc gia này không sử thiết bị của các nhà cung cấp không đáng tin cậy.
Bà Psaki cho biết, thêm Mỹ sẽ hợp tác với các đồng minh để bảo vệ các mạng viễn thông và mở rộng hoạt động sản xuất các thiết bị viễn thông của các công ty đáng tin cậy.
Hiện Đại sứ quán Trung Quốc tại thủ đô Washington cũng như tập đoàn Huawei chưa đưa ra phản ứng trước thông tin trên. (Reuters)
Nga
Nga điều tra hình sự đồng minh của ông Navalny, Ngoại trưởng Mỹ quan ngại sâu sắc
Ngày 28/1, Các nhà điều tra của Nga cho biết, đã mở một cuộc điều tra hình sự nhằm vào ông Leonid Volkov, đồng minh thân cận của nhà hoạt động đối lập Alexei Navalny, với cáo buộc ông này đã xúi giục các thanh thiếu niên Nga tham gia vào các cuộc biểu tình bất hợp pháp.
Trong một tin liên quan, cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh, nước này "quan ngại sâu sắc" về việc nhân vật chỉ trích Điện Kremlin Navalny bị giam giữ.
Ông Blinken cho biết, chính quyền mới của Mỹ đang cân nhắc cách thức phản ứng, không loại trừ bất kỳ hành động nào, để đáp trả các hành động của Nga liên quan vụ ông Navalny, cuộc tấn công mạng với tên gọi lợi dụng phần mềm của SolarWinds, cũng như báo cáo về tiền thưởng cho quân đội Mỹ và sự can thiệp vào các cuộc bầu cử của nước này. (Reuters)
London sẽ phong tỏa tài sản của nhà nước Nga đe dọa tới công dân Anh
Ngày 27/1, bà Wendy Morton, một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Anh tuyên bố, London sẽ phong tỏa bất kỳ tài sản nào của nhà nước Nga khi Chính phủ Anh có bằng chứng cho thấy những tài sản này đe dọa tới cuộc sống hay tài sản của công dân hoặc cư dân sinh sống tại Anh.
Bà Morton cũng cho biết, Anh vẫn quan ngại về tác động của đường ống dẫn Dòng chảy phương Bắc 2 đối với an ninh năng lượng của châu Âu, đặc biệt là Ukraine, nhấn mạnh rằng đây là vấn đề của Đức. (Reuters)
Nga kêu gọi việc Mỹ quay lại JCPOA không nên dẫn tới sự sửa đổi thỏa thuận
Ngày 27/1, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, việc Mỹ quay trở lại Thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) "sẽ không trở thành một lá bài thương lượng cũng không phải là cái cớ để sửa đổi thỏa thuận"
"Cũng không nên áp đặt các nghĩa vụ bổ sung đối với Iran và các bên khác tham gia thỏa thuận. Không cần phải gây phức tạp và phát minh lại bất cứ điều gì. Chúng ta nên tuân thủ nghiêm ngặt văn kiện JCPOA", bộ trên cho hay.
Bộ này lưu ý, "bất chấp các cuộc tấn công trừng phạt thường xuyên của Mỹ, thỏa thuận hạt nhân Iran vẫn tồn tại", đồng thời khẳng định, hoạt động hạt nhân của Iran vẫn nằm dưới sự giám sát thường xuyên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). (TASS)
Australia-Trung Quốc
Australia phản ứng về phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình
Ngày 27/1, Bộ trưởng Ngân khố Australia Josh Frydenberg chỉ trích tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới từ bỏ đối đầu và hợp tác cùng nhau.
Theo ông Frydenberg, sau khi Bắc Kinh áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại đối với số hàng xuất khẩu trị giá 20 tỷ USD của Australia trong năm 2020 do các tranh cãi về đại dịch Covid-19, an ninh quốc gia và nhân quyền, lời kêu gọi này là không phù hợp với thực tế.
Đồng ý với quan điểm các quốc gia lớn không nên ức hiếp các quốc gia nhỏ, nhưng ông Frydenberg cho rằng, thực tế là Australia đã phải hứng chịu một số biện pháp “khá khắc nghiệt” trong quan hệ thương mại với Trung Quốc
Phản ứng lại lời kêu gọi của ông Tập nhằm “chấm dứt cách tiếp cận sai lầm về đối kháng và đối đầu”, quan chức Australia khẳng định, nước này sẽ không nhân nhượng các giá trị và lợi ích quốc gia như tự do ngôn luận, quản lý đầu tư nước ngoài và nhân quyền. (SCMP)
Khủng hoảng khí hậu
Tổng thống Biden: Mỹ phải dẫn dắt thế giới ứng phó khủng hoảng khí hậu
Ngày 27/1, Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden có kế hoạch tổ chức một hội nghị thượng đỉnh về khí hậu giữa các nhà lãnh đạo thế giới vào ngày 22/4 và kí một sắc lệnh hành pháp nhằm đưa vấn đề biến đổi khí hậu trở thành một yếu tố quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
Cùng ngày, Tổng thống Biden nhấn mạnh, cần một phản ứng quốc gia thống nhất đối với cuộc khủng hoảng khí hậu và dẫn dắt phản ứng toàn cầu đối với cuộc khủng hoảng khí hậu. (AFP, Kyodo)