📞

Tin thế giới 28/12: Nga cáo buộc NATO, Hàn Quốc công bố Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Minh Vương 21:34 | 28/12/2022
Trung Quốc phản đối nhóm nghị sỹ Nhật Bản tới đảo Đài Loan, Đức duyệt gói vũ khí khủng… là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.
Trung Quốc tiếp tục nới lỏng các quy định về phòng chống dịch Covid-19. (Nguồn: Reuters)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Nga-Ukraine

* Nga cáo buộc Ukraine là công cụ của NATO: Trả lời phỏng vấn Sputnik (Nga) ngày 27/12, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Oleg Syromolotov cho rằng: “Không thể đánh giá thấp các mối đe dọa đối với an ninh của Nga phát sinh từ không gian mạng của Ukraine.” Nga đang phải đối mặt với mối đe dọa mạng từ Ukraine, nhưng do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hỗ trợ.

Theo ông Syromolotov, “họ đã nhúng tay vào hành động tấn công mạng các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức tài chính và giáo dục, cơ sở hạ tầng giao thông và hậu cần của Nga… Các công ty Công nghệ thông tin phương Tây hỗ trợ hoạt động của tin tặc Ukraine”.

Thứ trưởng Syromolotov trích dẫn dữ liệu cho thấy, vào tháng 8/2022, Giám đốc Trung tâm Truyền thông chính phủ Vương quốc Anh Jeremy Fleming nói rằng, Bộ của ông đóng vai trò quan trọng trong việc điều phối hành động của các công ty lớn vì lợi ích hỗ trợ Ukraine.

Ngoài ra, vào ngày 6/12, công ty công nghệ thông tin Internet 2.0 của Australia, phục vụ các cơ quan của các quốc gia thuộc liên minh tình báo Five Eyes, đã ký một bản ghi nhớ với chính quyền Ukraine để mở chi nhánh tại Kiev. (Sputnik)

Đông Nam Á

* Indonesia bổ nhiệm Tham mưu trưởng Hải quân mới: Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã bổ nhiệm Đô đốc Muhammad Ali làm tân Tham mưu trưởng Hải quân Indonesia (TNI AL), kế nhiệm Đô đốc Yudo Margono, người được thăng chức làm Tư lệnh mới của Lực lượng Phòng vệ Quốc gia (TNI). Trước khi làm tân tham mưu trưởng, Đô đốc Ali từng là Tư lệnh Bộ Tư lệnh Phòng thủ khu vực chung (Kogabwilhan) I. Ông tốt nghiệp Học viện Hải quân Indonesia năm 1989 và từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Hải quân.

Theo chuyên gia quân sự thuộc Trung tâm Ngoại giao và liên ngành (CIDE) Indonesia Anton Aliabbas, bảo trì-bảo dưỡng các trang thiết bị quốc phòng nên trở thành một ưu tiên của tân Tham mưu trưởng Hải quân Indonesia, bên cạnh tăng trách nhiệm giải trình và minh bạch của việc mua sắm thiết bị quốc phòng. (TTXVN)

Đông Bắc Á

* Trung Quốc dần khôi phục các chuyến bay thuê bao quốc tế: Ngày 28/12, Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) thông báo nước này sẽ dần nối lại chấp thuận đơn đăng ký chuyến bay thuê bao chở khách quốc tế của các hãng hàng không Trung Quốc và nước ngoài. Bắc Kinh cũng sẽ khôi phục hoàn toàn các thủ tục và yêu cầu bay tiền đại dịch Covid-19 trước vụ Hè Thu năm 2023. (Reuters)

* Trung Quốc phản đối chuyến thăm của nhóm nghị sĩ Nhật Bản tới đảo Đài Loan: Ngày 28/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói: “Bị thúc đẩy bởi tham vọng chính trị của riêng mình, một số chính trị gia Nhật Bản đã nhiều lần phô trương các chuyến thăm của họ tới hòn đảo Đài Loan của Trung Quốc…”. (Sputnik)

* Nhật Bản sẽ không giải tán Hạ viện vào năm 2023: Ngày 28/12, trả lời phỏng vấn của hãng tin Kyodo và các phương tiện truyền thông khác, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết ông không có kế hoạch giải tán Hạ viện để tổ chức cuộc bầu cử sớm vào năm 2023. Ông cũng nêu rõ, cuộc bầu cử Hạ viện có khả năng diễn ra trước khi chính phủ thực hiện kế hoạch tăng thuế để trang trải cho việc thúc đẩy chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản vào năm 2024 hoặc sau đó. (Kyodo)

* Nhà Trắng hoan nghênh chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới của Hàn Quốc: Ngày 28/12, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nêu rõ: “Mỹ hoan nghênh Hàn Quốc thông qua chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới như một sự phản ánh cam kết chung của chúng ta đối với an ninh và thịnh vượng ngày càng tăng của khu vực. Chiến lược đặt ra cách tiếp cận toàn diện, thể hiện cam kết của Tổng thống Yoon Suk Yeol và người dân Hàn Quốc trong việc duy trì các giá trị phổ quát, chẳng hạn như pháp quyền và nhân quyền”.

Theo ông, Hàn Quốc muốn mở rộng hợp tác với đồng minh và đối tác trên toàn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ củng cố “năng lực chung” với Mỹ để “củng cố hòa bình, an ninh quốc tế và thúc đẩy phi hạt nhân hóa hạt nhân. Chiến lược đó sẽ tăng cường mạng lưới an ninh kinh tế khu vực, hợp tác trong khoa học và công nghệ, đồng thời giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng”.

Ngày 27/12, chính quyền Yoon Suk Yeol đã công bố tài liệu dài 37 trang nêu chi tiết nguyên tắc ngoại giao của Seoul về các vấn đề liên quan đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương phù hợp với mục tiêu nổi lên như một “quốc gia then chốt toàn cầu”, tiếp nối tuyên bố của ông Yoon trong chuyến thăm tới Campuchia hồi tháng 11 để dự Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Hiện Trung Quốc chưa phản ứng chính thức về động thái của Hàn Quốc. (Yonhap)

Châu Âu

* Đức phê duyệt xuất khẩu vũ khí trị giá 8,3 tỷ Euro trong năm 2022: Truyền thông Đức ngày 28/12 đưa tin trong năm nay Chính phủ liên bang Đức đã phê chuẩn xuất khẩu vũ khí trị giá khoảng 8,3 tỷ Euro. Trong đó, 1/4 số tiền này (trên 2,2 tỷ Euro) là hỗ trợ vũ khí cho Ukraine. Hiện Kiev đã nhân được nhiều vũ khí hạng nặng đã qua sử dụng của Đức, bao gồm cả pháo phòng không Gepard hay pháo tự hành Panzerhaubitze 2000. Ngoài ra, Đức cũng chuyển các hệ thống công nghệ đắt đỏ và hiện đại cho Ukraine, trong đó có hệ thống phòng không Iris

Trong năm 2021, khi kết thúc chính phủ đại liên minh cầm quyền ở Đức giữa liên đảng bảo thủ CDU/CSU và SPD, tổng trị giá xuất khẩu vũ khí cả năm của Đức đạt con số cao kỷ lục 9,4 tỷ Euro, trong đó Ai Cập là nước nhập vũ khí nhiều nhất của Đức, gồm 3 khinh hạm và nhiều hệ thống phòng không Iris-T.

Trong năm 2022, Hà Lan là nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ hai của Đức, với tổng giá trị được phê duyệt đạt 1,8 tỷ Euro, trong đó có số lượng lớn đạn pháo. Các nước nhập khẩu vũ khí Đức tiếp theo là Mỹ (860 triệu Euro), Anh (450 triệu Euro) và Hungary (250 triệu Euro). Trong số mười quốc gia nhập vũ khí quan trọng nhất của Đức có ba nước không thuộc NATO hoặc EU là Australia (gần 200 triệu Euro), Singapore (175 triệu Euro) và Hàn Quốc (167 triệu Euro). (TTXVN)

* Italy thận trọng về khả năng cấp hệ thống phòng không cho Ukraine: Ngày 28/12, trong một ấn phẩm của tờ Il Messaggero (Italy), Bộ trưởng Quốc phòng Italy Guido Crosetto lưu ý rằng, các hệ thống này sẽ “có thể” được cung cấp. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: “Nếu chúng ta cung cấp tên lửa phòng không cho Ukraine, chúng tôi phải lấy chúng từ kho và chúng tôi phải làm điều đó nếu kho không cạn kiệt và đảm bảo về mặt chất lượng”.

Trước đó, ngày 27/12, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Italy Giorgia Meloni đã điện đàm. Sau đó, ông Zelensky cho biết, Rome đang xem xét chuyển các hệ thống phòng không cho Kiev. Trước đó, trong tháng này, ông Crosetto nói rằng, hệ thống phòng không SAMP/T do Pháp-Italy cùng sản xuất nằm trong số viện trợ quân sự mà Kiev đề nghị Rome cung cấp. (Reuters)

* Kosovo đóng cửa khẩu chính với Serbia: Ngày 28/12, Kosovo đã đóng cửa khẩu lớn nhất sau khi người biểu tình phong tỏa khu vực này bên phía Serbia để ủng hộ tộc người của họ ở Kosovo từ chối công nhận nền độc lập của Kosovo. Với hai cửa khẩu khác trên biên giới Serbia bị đóng cửa do làn sóng biểu tình ở phía Kosovo kể từ ngày 10/12, hiện chỉ ba điểm nhập cảnh giữa hai bên vẫn mở.

Cuộc biểu tình mới nhất diễn ra vài giờ sau khi Serbia cho biết họ đã đặt quân đội vào mức báo động cao nhất sau nhiều tuần căng thẳng leo thang giữa Belgrade và Pristina. Belgrade từ chối công nhận chính phủ ở Pristina hoặc vị thế của Kosovo với tư cách là một quốc gia độc lập với Serbia. (Reuters)

Trung Đông-châu Phi

* Nga lo ngại các nhóm khủng bố di chuyển sâu vào châu Phi: Ngày 28/12, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Oleg Syromolotov cho biết: “Chúng tôi đặc biệt quan ngại về sự di chuyển hiện nay của những kẻ khủng bố từ Trung Đông vào sâu châu Phi, nơi những điều kiện để thành lập một ‘vương quốc Hồi giáo phiên bản 2.0’ đang hiển hiện”. Nhà ngoại giao Nga lưu ý, Moscow hiện đang tăng cường đối thoại với đối tác, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Ai Cập và trong Cộng đồng các quốc gia độc lập, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) để đối phó với mối đe dọa khủng bố.

Nhà ngoại giao này nhấn mạnh: “Điều này là đặc biệt quan trọng vào thời điểm các tổ chức khủng bố quốc tế không ngủ yên và sử dụng hiệu quả bất kỳ cơ hội nào để tăng cường ảnh hưởng của chúng".

Khi được hỏi về vụ tấn công khủng bố gần đây nhằm vào một công dân Nga ở Cộng hòa Trung Phi (CAR), ông Syromolotov cho biết Moscow lên án các vụ tấn công khủng bố do bất cứ ai thực hiện và đang theo sát cuộc điều tra. (Sputnik)