📞

Tin thế giới 28/6: Iran bầu cử Tổng thống, Nga cảnh báo xung đột trực tiếp với NATO, hai ứng viên Tổng thống Mỹ tranh luận trực tiếp

Nhất Phong 20:34 | 28/06/2024
Philippines tố tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải, Belarus tăng cường an ninh biên giới với Ukraine sau sự cố, Malaysia, Australia và Mỹ tập trận, Tổng thống Bolivia bác cáo buộc âm mưu đảo chính... là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ bắt đầu cuộc tranh luận trực tiếp. (Nguồn: CNN)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Châu Á – Thái Bình Dương

*Philippines tố tàu tuần duyên Trung Quốc xâm phạm lãnh hải ở Biển Đông: Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines (PCG) ngày 27/6 cho biết tàu tuần duyên Trung Quốc (CCG) 5901, được mệnh danh là "quái vật" vì kích thước "khủng" - đã đi qua 12 khu vực thuộc Biển Tây Philippines (tức Biển Đông) trong 10 ngày qua.

Trong một tuyên bố, ông Jay Tarriela, người phát ngôn của PCG cho hay lực lượng này đã sử dụng công nghệ phát hiện tàu của Canada để theo dõi hành trình của tàu Trung Quốc tại vùng biển của 12 khu vực.

CCG 5901 có lượng giãn nước lên tới 12.000 tấn hiện là tàu tuần duyên lớn nhất thế giới – lớn hơn nhiều so với kích thước của tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường lớp Ticonderoga của Hải quân Mỹ. Tàu này được trang bị súng máy hạng nặng, còn có sân bay trực thăng và nhà chứa máy bay đủ rộng để chứa máy bay cánh quay lớn hơn. (GMA/RFA/Manila Buletin)

*Trung Quốc, Peru hoàn tất đàm phán về nâng cấp FTA: Ngày 28/6, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin, nước này và Peru đã đạt được “kết quả đáng kể trong cuộc đàm phán” về việc nâng cấp hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai bên.

Theo tin trên, trong cuộc hội đàm với Tổng thống Peru Dina Boluarte tại thủ đô Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng cả hai bên nên phối hợp và thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực như khoáng sản, năng lượng, sản xuất, nông nghiệp và các lĩnh vực khác. (CCTV)

*Malaysia, Australia và Mỹ tập trận tại Sabah: Từ ngày 28/6 đến 12/7, các đơn vị quân đội của Malaysia, Mỹ và Australia tham gia cuộc tập trận chung "Keris Strike" 29/2024 tại Sabah, Malaysia.

Cuộc tập trận quy tụ Sư đoàn bộ binh số 5 của Quân đội Malaysia đóng tại Sabah, Sư đoàn Bộ binh 25, Bộ Tư lệnh Lục quân Thái Bình Dương Mỹ (25ID-USARPAC) có trụ sở tại Hawaii, và Công ty Súng trường, Butterworth (RCB), Quân đội Australia có trụ sở tại Butterworth, Penang. Tổng cộng 3.670 quân nhân tham gia cuộc tập trận, trong đó 2.850 người từ Malaysia, 690 người từ Mỹ và 130 người từ Australia. (Reuters)

*Trung Quốc kêu gọi Mỹ ngừng ủng hộ "sự khiêu khích" của Philippines: Ngày 28/6, Trung Quốc kêu gọi Mỹ ngừng dung túng và hỗ trợ "các hành động khiêu khích" của Philippines.

Trung Quốc đưa ra tuyên bố trên sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell bày tỏ quan ngại về "các hành động gây bất ổn ở Biển Đông" của Bắc Kinh.

Phát biểu họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nhấn mạnh: "Bên gây ra tình hình căng thẳng hiện nay là từ phía Philippines". (AFP)

Châu Âu

*Điện Kremlin bi quan về quan hệ EU-Nga: Ngày 28/6, Điện Kremlin nhận định triển vọng quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và Nga là tồi tệ sau khi các nhà lãnh đạo EU đề cử bà Ursula von der Leyen cho nhiệm kỳ thứ hai làm Chủ tịch Ủy ban châu Âu và bà Kaja Kallas của Estonia làm người phụ trách chính sách đối ngoại của EU.

Người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov, nói với các phóng viên rằng quyết định của khối đề cử bà von der Leyen cho nhiệm kỳ tiếp theo sẽ không thay đổi bất cứ điều gì vì bà không ủng hộ việc bình thường hóa quan hệ giữa EU và Nga.

Bình luận về việc lựa chọn bà Kallas làm người phụ trách chính sách đối ngoại của EU, ông Peskov lưu ý rằng bà "nổi tiếng" với những tuyên bố gay gắt chống Nga và chưa bao giờ thể hiện khả năng xử lý linh hoạt tình huống ngoại giao. (TASS)

*Belarus tăng cường an ninh biên giới với Ukraine sau sự cố: Cơ quan biên phòng Belarus cho biết họ đang phối hợp với Bộ Quốc phòng nước này để tăng cường an ninh biên giới với Ukraine sau một sự cố an ninh.

Theo tuyên bố của cơ quan biên phòng Belarus, lực lượng biên giới nước này đã bắn hạ một thiết bị bay không người lái vào ngày 26/6 sau khi thiết bị này vượt biên trái phép từ Ukraine để thu thập thông tin về cơ sở hạ tầng biên giới của Belarus.

Trước đó trong tuần, cơ quan này cũng cho biết họ đã phát hiện các vật liệu chế tạo bom tự chế được giấu ở cùng khu vực của Ukraine giáp biên giới Belarus. (Reuters)

*Nga cảnh báo nguy cơ xung đột trực tiếp với NATO: Ngày 28/6, Nga cho biết nước này đã chứng kiến sự gia tăng hoạt động của thiết bị không người lái của Mỹ trên Biển Đen và tuyên bố sẽ đáp trả, đồng thời cảnh báo rằng các chuyến bay này có thể dẫn đến sự "đối đầu trực tiếp" với NATO.

Bộ Quốc phòng Nga ghi nhận số lượng "thiết bị bay không người lái chiến lược của Mỹ" hoạt động trên Biển Đen tăng lên và cáo buộc Washington sử dụng các chuyến bay này để giúp Ukraine tấn công các mục tiêu của Nga.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, Bộ trưởng Andrei Belousov đã yêu cầu quân đội "trình bày các đề xuất về các biện pháp để ứng phó nhanh chóng với những hành động khiêu khích". (AFP)

*Ba Lan khẳng định sẽ ký thỏa thuận an ninh với Ukraine trước hội nghị NATO: Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk ngày 28/6 cho biết Ba Lan gần như chắc chắn sẽ ký một thỏa thuận an ninh song phương với Ukraine trước hội nghị thượng đỉnh NATOvào tháng 7 tại Washington.

Phát biểu với các phóng viên, ông Tusk nhấn mạnh: "Tôi phải cùng với Bộ trưởng Quốc phòng xác định xem chúng tôi có thể tiếp tục giúp đỡ Ukraine như thế nào, nhưng chúng tôi không thể làm suy yếu khả năng phòng thủ của Ba Lan. Có 99% khả năng chúng tôi sẽ ký thỏa thuận này với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. (Reuters)

*Nga đối phó với máy bay không người lái Mỹ ở Biển Đen: Theo RIA ngày 28/6, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrei Belousov đã ra lệnh cho Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Liên bang Nga thực hiện các biện pháp đối phó với sự gia tăng hoạt động của máy bay không người lái Mỹ trên Biển Đen.

Phía Nga cho biết những hoạt động như vậy làm tăng nguy cơ xảy ra sự cố liên quan đến máy bay Nga và có thể gây ra đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO. (Sputniknews)

Châu Mỹ - Mỹ Latinh

*Tổng thống Bolivia bác cáo buộc âm mưu đảo chính: Tổng thống Bolivia - Luis Arce ngày 27/6 đã bác bỏ âm mưu với cựu Tư lệnh quân đội của ông, người đã bị bắt sau khi triển khai quân đội và xe tăng đến trung tâm thủ đô La Paz, nơi nhóm này cố phá cửa dinh Tổng thống.

Trước đó, Tướng Juan Jose Zuniga tuyên bố rằng ông đang tuân theo mệnh lệnh và Tổng thống Arce đã hy vọng kích hoạt một cuộc đảo chính để nâng cao danh tiếng.

Trong lần xuất hiện đầu tiên trước công chúng kể từ khi tuyên bố âm mưu đảo chính vào tối 26/6, ông Arce đã bác bỏ việc ông thiết lập âm mưu với Tướng Zuniga.

Ngày 27/6, Bộ trưởng Nội vụ Bolivia Carlos Eduardo Castillo xác nhận cảnh sát nước này đã bắt giữ ít nhất 17 sĩ quan quân đội dính líu đến hành vi tổ chức âm mưu đảo chính ở quốc gia Nam Mỹ. (AFP)

*Quốc hội Argentina thông qua gói cải cách của Tổng thống Milei: Ngày 28/6, Quốc hội Argentina đã thông qua gói cải cách kinh tế của Tổng thống Javier Milei sau nhiều tháng tranh luận.

Người đứng đầu khối cầm quyền Gabriel Bornoroni nêu rõ: "Chúng tôi sẽ trang bị cho chính phủ của Tổng thống Milei công cụ để cải cách nhà nước một lần và mãi mãi".

Trước khi gói cải cách được thông qua, ông Milei đã tự chúc mừng, ca ngợi đây là "sự điều chỉnh tài chính lớn nhất không chỉ trong lịch sử Argentina mà còn trong lịch sử nhân loại".

Chính phủ của ông đã áp dụng chương trình "thắt lưng buộc bụng" toàn diện và quyết liệt, với mục tiêu đạt “thâm hụt ngân sách bằng 0” vào cuối năm 2024 để kiểm soát lạm phát dai dẳng.(AFP)

*Hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ tranh luận trực tiếp: Chiều 27/6 (theo giờ Washington), đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump đã bắt đầu cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa các ứng cử viên trong cuộc bầu cử năm 2024 tại trụ sở CNN ở Atlanta.

Hai đối thủ đã không bắt tay nhau cho dù đứng trên bục chỉ cách nhau vài bước chân trong một trường quay không có khán giả trực tiếp.

Hai ứng cử viên sẽ tìm cách định hình lại dự án chính trị khi tranh luận về các đề tài kinh tế, chính sách đối ngoại và khủng hoảng quốc tế, nhập cư và tình trạng của nền dân chủ Mỹ.

Hàng triệu người Mỹ đang theo dõi một cuộc tranh luận về những gì hứa hẹn sẽ là một mùa Hè tranh cử gay gắt, tại một nước Mỹ bị phân cực sâu sắc và căng thẳng vẫn còn bị tổn thương bởi sự hỗn loạn và bạo lực đi kèm với cuộc bầu cử năm 2020. (CNN)

*Brazil mở thêm lãnh sự quán tại Trung Quốc: Bộ Ngoại giao Brazil ngày 27/6 thông báo nước này đã mở lãnh sự quán ở thành phố Thành Đô - thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc.

Đây là lãnh sự quán thứ 3 của Brazil tại Trung Quốc. Trước đó, Brasilia đã mở các lãnh sự quán ở Thượng Hải và Quảng Châu.

Đại sứ Brazil tại Trung Quốc Marcos Galvao khẳng định lãnh sự quán tại Thành Đô đóng vai trò quan trọng trong nhiệm vụ tăng cường hợp tác song phương, đặc biệt là trong bối cảnh Brazil và Trung Quốc kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm nay. (AFP)

Trung Đông-châu Phi

*Mỹ chuẩn bị sơ tán công dân khỏi Lebanon: Theo NBC, Bộ Quốc phòng Mỹ đang điều động lực lượng đến gần biên giới Israel - Lebanon để kịp thời sơ tán công dân do lo ngại Israel có thể tiến hành chiến dịch trên bộ ở Lebanon trong những tuần tới.

Trước đó, có thông tin cho rằng quân đội Israel đã phê duyệt kế hoạch cho một cuộc tấn công nhóm vũ trang Hồi giáo Hezbollah tại Lebanon vào giữa tháng 6.

Ngày 26/6, Mỹ đã tái triển khai tàu tấn công đổ bộ đa năng USS Wasp và đơn vị Thủy quân lục chiến số 24 tới Địa Trung Hải. Bên cạnh đó, giới chức Mỹ vẫn giữ liên lạc với các đồng minh để cùng phối hợp sơ tán công dân trong trường hợp cần thiết.(NBC)

*Iran bắt đầu bầu cử Tổng thống: Phát biểu trên Đài truyền hình nhà nước Iran, Bộ trưởng Nội vụ Iran Ahmad Vahidi cho biết ngày 28/6 hàng chục triệu cử tri Iran đã bắt đầu đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống mới.

Cuộc bầu cử chứng kiến cuộc đua giữa 4 ứng cử viên, gồm ông Saeed Jalili (58 tuổi), cựu Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia tối cao và là cựu Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran; ông Masoud Pezeshkian (69 tuổi), thành viên Quốc hội theo đường lối cải cách và là cựu Bộ trưởng Y tế; ông Mostafa Pourmohammadi (64 tuổi), cựu Bộ trưởng Tư pháp đồng thời là cựu Bộ trưởng Nội vụ; ông Mohammad Bagher Qalibaf (62 tuổi), Chủ tịch Quốc hội đương nhiệm và là cựu Thị trưởng Tehran.

Cuộc bầu cử Tổng thống lần thứ 14 của Iran, ban đầu được ấn định vào năm 2025, được tổ chức sớm một năm sau khi Tổng thống Ebrahim Raisi tử nạn trong vụ rơi trực thăng hôm 19/5 vừa qua. (Al Jazeera)